Kiến giải mới về kiến trúc “Một Cột”

“Tất cả các sử liệu sớm và đáng tin về văn bản học đều ghi chùa có tên chữ là Diên Hựu, không hề có tên Nhất Trụ Tự hay Chùa Một Cột” – Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho biết tại hội thảo “Kiến giải mới về kiến trúc “Một Cột” chùa Diên Hựu thời Lý”, do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội.

Theo TS Dương, “Chùa Một Cột” là tên gọi dân gian, mô tả một đơn nguyên kiến trúc theo kiểu “thấy gì gọi thế”. Cứ liệu sớm nhất ghi nhận tên gọi này là tấm bia mang tên “Nhất Trụ tự bi” có niên đại Cảnh Trị năm thứ 3 (1665), tức là 616 năm sau khi Diên Hựu được khởi dựng.

Khảo cứu các sử liệu Hán văn, ông Dương và các nhà nghiên cứu đã đi đến nhận định rằng, cái mà đời sau gọi là “Chùa Một Cột” chỉ là một đơn nguyên kiến trúc nằm trong tổng thể kiến trúc của chùa Diên Hựu.

Năm 1949, kiến trúc sư Nguyễn Bá Chí khảo sát chùa Diên Hựu và cho rằng, chùa gồm 8 thành phần: tam quan, điện thờ mẫu, tăng phòng, ngoại cung, hậu cung thờ Phật, nhà hậu – bếp, tháp và Chùa Một Cột. Kiến giải này được đánh giá là phù hợp với cách miêu tả tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu trong các sử liệu cổ hiện có.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XII) thì năm 1049, “mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua (Lý Thái Tông) nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất tường. Có vị thiền sư là bậc mẫn tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm Quan Âm liên hoa đài ở định cột như đã thấy trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua được trường thọ”.

Tên gọi Quan Âm liên hoa đài được duy trì đến đời Lý Nhân Tông thì đổi thành Thích Ca liên hoa đài, từ đời Lê về sau lại chuyển về tên cũ. TS. Dương đi đến kết luận, cái chúng ta gọi là Chùa Một Cột hiện nay không phải là “chùa” mà là “đài” và là một phần thuộc khuôn viên chùa Diên Hựu.

Liên hoa đài thuộc chùa Diên Hựu, công trình có gần 1.000 năm tuổi đã từng được tu sửa nhiều lần và cũng từng là bị tàn phá bởi các biến cố lịch sử. Năm 1080, đời Lý Nhân Tông, vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Đến năm 1426, khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí. Năm 1954, liên hoa đài cũng bị phá hủy sau một vụ nổ bom và được Bộ Văn hóa trùng tu lại sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954).

Buổi thuyết trình nói trên được tổ chức trong bối cảnh di tích Diên Hựu – Một Cột sắp được tu bổ tôn tạo nhưng các kiến giải về di tích này dường như vẫn còn chưa thống nhất.

 

Tác giả