Bingun giếng vuông Cham

Cứ cư trú trên mảnh đất nào thì người Chăm dựng tháp và đào giếng ở đất ấy. Nếu tháp Chàm được xem là biểu trưng ở thượng tầng văn minh Champa thì giếng vuông Chàm là biểu tượng đặc thù của đời sống bình dân Chăm.

Từ dấu vết hải sử Cham 

Các tư liệu lịch sử đã ghi “trên quãng đường dài từ vùng Kra Isthmus (Nam Thái Lan, Bắc Malaysia ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung Quốc), chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù Lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương”. Không chỉ ở cửa ngõ tiêu biểu là Cù Lao Chàm, người Cham từ sớm đã biết đào giếng nước dọc cồn cát ven biển để “xuất khẩu nước lã cho các thương thuyền quốc tế đi vào biển Champa”.

Các di tích giếng cổ Cham hiện diện khắp duyên hải miền Trung. Giếng Cham có mặt ở mọi địa hình, địa thế.

Ngày nay Hội An nổi tiếng với giếng Bá Lễ, còn ở Cù Lao Chàm là giếng Xóm Cấm. Giếng cổ Gia An ở Quảng Trị, rồi hơn năm chục giếng cổ Cham có tuổi thọ đến ngàn năm được phát hiện ở Quảng Nam. Hà Tĩnh cũng không thiếu “giếng Chàm”. Ngay cả ở các “không gian Bắc Bộ” như ở làng Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, anh Trần Tiến Hồng kể, trước thời bao cấp vẫn còn giếng vuông xây bằng gạch to ngay trong nhà ông cụ kị anh dùng cho cả làng. Dù dân làng không gọi đó là giếng Cham, nhưng nó vẫn “rất Cham” với cấu trúc đặc thù. 

Trong suốt dòng lịch sử tồn tại của mình, người Cham đào và xây giếng để lấy nước cho sinh hoạt và cả để… bán. Bởi vì, Cham là dân buôn bán, họ bán từ món hiếm và đắt như trầm hương, kì nam đến đến thứ thông dụng mà không thể thiếu là nước ngọt. Để cung ứng “hàng” đều đặn cho tàu bè quốc tế đi qua hải phận của mình, người Cham hẳn phải biết bí quyết tìm nguồn nước gần hải cảng nhất có thể. 

Người Cham xưa giỏi về việc cách tìm mạch nước, cho dù bất cứ nơi đâu, giữa lòng biển hay ở vùng đất cát, miền trung du hay đồng bằng, họ đều tìm được mạch nước ngọt. Nhưng đâu là bí quyết tìm ra mạch nước không bao giờ cạn sau hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm như thế? vẫn là bí ẩn! Bí ẩn như chất kết dính gạch tháp Chàm.







Giếng Cái (trên) và Giếng Đực ở Thành Tín.

Chỉ biết, nhiều thế hệ người Cham vẫn gắn bó với hình ảnh những giếng vuông. Giếng, tiếng Cham gọi là bingun. Điển hình cho giếng vuông Cham còn lại ngày nay là ở Palei Cwah Patih (làng Cát Trắng) tên tiếng Việt là làng Thành Tín thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách bờ biển khoảng bốn cây số và cách thành phố Phan Rang khoảng bảy cây số về hướng Nam. 

Ở khu “xóm cũ” làng Thành Tín có cặp giếng hình vuông Cham: Giếng Đực (Bingun likei) nằm hướng Tây, giếng Cái (Bingun kamei) hướng Đông cách nhau khoảng mươi bước. Đây được coi là loại giếng vuông Cham chuẩn và còn được bảo quản tốt nhất hiện nay ở Ninh Thuận. 

Ngoài mặt phía Bắc, ba mặt còn lại đều được đóng bằng gỗ theo hình vuông, cao cách mặt đất ngang bụng người lớn. Giếng sâu khoảng hai mét, thành xây bằng thứ gạch Cham đặc thù không vữa, đáy được lót bằng loại gỗ lim rắn chắc tránh sụt lún. Nước từ cồn cát cao ở phía Nam làng theo mạch chảy xuống giếng quanh năm không cạn. Khi giếng đầy thì nước tự tràn ra miệng giếng nằm phía Bắc, chảy xuống bàu lớn như là hồ chứa cung cấp nước tưới quanh năm cho 30 mẫu ruộng.  

Trong khi nước giếng Cham ở những nơi khác trong vắt, thì ở đây nước có màu nước gạo vo (ia mưbrah) do mạch nước chảy qua đụn cát lớn phía Nam làng. 

Nước giếng được phân làm ba công dụng rõ rệt: Nước đầu nguồn để uống, sau đó là nước thứ dùng tắm giặt, cuối cùng là nước dành cho trâu bò và tưới ruộng. Ngày trước, nước giếng Đực dùng cho việc cúng tế, giếng Cái cho sinh hoạt, còn hiện tại khi dân làng dùng nước phông-ten thì nước của cả hai giếng cổ gần như chỉ được dùng vào việc tắm rửa của vài gia đình lân cận. Và cả tưới ruộng, dĩ nhiên. 

Ninh Thuận là vùng khô hạn nhất nước. Khi gặp hạn hán kéo dài, dân làng lên núi Cabbang nằm phía Nam làng khoảng mươi cây số cúng tế, để tạ ơn trời đất và cầu mưa. Cầu mưa cho cả vùng thì vậy, riêng nước uống và nước sinh hoạt thì không hề thiếu, do họ đã có Giếng vuông Cham.

Giếng vuông Cham trong văn chương 

Một câu chuyện liên quan trực tiếp đến truyền thuyết về giếng Cham. Đó là chuyện tình bi thương nhưng đầy tính nhân văn của cặp tình nhân Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni. Trong vương quốc Champa thuở đó, cuộc hôn nhân khác đạo bị cấm ngặt. Rủi thay, chàng trai Bà-ni và cô gái Bà-la-môn lại rơi vào vòng tình ái oan nghiệt này. Biết chuyện, cha mẹ cô gái tìm mọi cách cấm cản nàng, nhưng họ vẫn đến với nhau. Cô gái bị gia đình và họ hàng hành hạ với bao nhiêu cực hình đau đớn và ô nhục nhất. Rốt cùng, khi biết cô gái không thể hối cải, họ đuổi cô ra khỏi làng. Nàng đi vào rừng sâu. Chàng trai tìm đến với nàng. Cô gái khóc ròng rã suốt bảy ngày bảy đêm cho đến hết nước mắt mà chết. Đám tang cô gái, cha mẹ nàng bỏ bê mặc cho chàng trai Bà-ni lo liệu. Chàng sáng tác bản trường ca kể về chuyện tình éo e và đau khổ của hai người. Vào hôm đám thiêu cô gái, ném bản trường ca về phía đám đông rồi chàng trai nhảy vào giàn lửa cùng chết theo người tình. 

Trường ca Bini – Cham truyền lại đời sau từ câu chuyện thương tâm đó.

Người Cham cho rằng chính nước mắt của cặp tình nhân kia đã thấm vào đồi cát, nhờ cát trắng lọc để chảy xuống giếng đôi. Khi trong xã hội Cham còn có sự phân biệt tôn giáo thì nước giếng kia sẽ không bao giờ cạn. Hay nói khác đi, nước mắt của cặp tình nhân khác đạo không bao giờ thôi chảy.

Chuyện tình bi tráng ấy mãi ám ảnh nghệ sĩ Cham tận hôm nay, tạo cảm hứng có nhạc sĩ Đàng Năng Quạ sáng tác ca khúc “Bhum adei” (Quê em) nổi tiếng, đến nỗi không người Cham nào không hát nó lên một lần trong đời.

“Mai rawơng palei adei wơy xa-ai…

Ia tanưh ghul, adei đwa dơng caik cang

Mưnhum baik xa-ai, ka mat tung hatai… 

Về thăm quê mình anh hỡi…

Nước uống miền đất cát, em đội về đợi anh

Uống đi anh, cho mát đượm lòng mình…

Làm gì với Giếng vuông Cham?


Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, lâu nay ta mãi tập trung vào cái cao xa nổi bật như tháp đền – không có gì sai, nhưng lại vô tình bỏ quên những di tích nhỏ bé khiêm cùng gần gũi với đời sống thường nhật, ở đó giếng cổ là điển hình. Bỏ quên cái gì dân dã nhất nhưng độc đáo của cộng đồng, không đáng suy ngẫm sao? 

***

Hiện nay thỉnh thoảng dân Cham vẫn đào được mạch nước không bao giờ cạn. Như gia đình anh Dương Tấn Ngọc ở làng Chakleng (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) mươi năm trước bất ngờ “tìm” được nguồn nước ngọt. Nhưng đó là của Trời cho, chứ tuyệt họ đã đánh mất bí kíp của ông bà tự lâu rồi. 

Tác giả