Hồi sinh cây violin của Mozart

Nghệ sĩ Christoph Koncz đã dùng nhạc cụ Baroque có dây bằng ruột thú để thu âm các concerto violin của Mozart.


Christoph Koncz với cây đàn violin của Mozart. Nguồn: Andreas Hechenberger

Khi lần đầu ướm hỏi những người giữ cây violin của Wolfgang Amadeus Mozart là liệu mình có được phép chơi thử đàn hay không, Christoph Koncz thực sự không rõ có được những con người cẩn trọng đó chấp thuận không. “Thật kinh ngạc là họ đã để tôi một mình với cây đàn trong căn phòng thuộc ngôi nhà nơi nhà soạn nhạc sinh ra rồi khép cửa lại. Tôi đã chơi đàn không ngừng trong vài giờ,” nghệ sỹ nói. “Thật hạnh phúc, đó là một sự thức tỉnh. Tôi tin chắc là kể từ Mozart, gần như không có ai trải qua rất nhiều thời gian với cây đàn này như tôi”.

Koncz kể rằng mỗi lần cầm đàn lên anh “cảm thấy như đang trò chuyện với Mozart qua một khoảng cách hơn 250 năm”. Tám năm kể từ lần đầu gặp gỡ, và sau hàng trăm giờ luyện tập trên nhạc cụ Baroque có dây bằng ruột thú này, Koncz hiện đã thực hiện bản thu âm đầu tiên gồm các concerto violin của Mozart trên chính cây đàn mà thần đồng âm nhạc đã dùng để sáng tác chúng từ năm 1773 đến năm 1775 và gần như chắc chắn ông cũng biểu diễn những tác phẩm đó với thứ nhạc cụ kỳ diệu này. Kể từ lúc chạm vào cây đàn đến khi tập luyện, thu âm và biểu diễn, chưa bao giờ Koncz thôi cảm giác kỳ diệu. “Cây đàn violin thời kỳ Baroque được gìn giữ một cách cẩn trọng này chính là nhạc cụ mà chính Mozart đã chơi trong suốt những năm ở Salzburg khi ông sáng tác năm bản concerto violin. Thật không có gì sánh nổi!”, Koncz nói. 

Bắt đầu chơi đàn từ năm bốn tuổi, trải qua hơn 20 năm với nghề, nghệ sỹ Áo-Hung đã trở thành nghệ sỹ độc tấu và nhạc trưởng được nể trọng theo đúng nghĩa, cũng như là nghệ sĩ bè trưởng bè violin hai của Dàn nhạc Vienna Philharmonic. Anh kể rằng mình đang trải qua những ngày tháng căng thẳng nhất trong sự nghiệp. Đêm nay đáng lẽ anh phải biểu diễn các concerto trên cây violin đó cùng dàn nhạc Pháp Les Musiciens du Louvre gồm các nhạc cụ thời kỳ trong phòng hòa nhạc lớn của Quỹ Mozarteum ở Salzburg, rồi chơi lại vào cuối tháng này khi tất cả họ – gồm cả nhạc cụ dưới sự giám sát liên tục của hai vệ sĩ (chủ yếu để ‘trông coi’ cây đàn)– di chuyển bằng tàu hỏa đến biểu diễn tại Cologne Philharmonic.


Cây đàn violin của Mozart được bảo quản một cách cẩn thận. Nguồn: ISM/Nadine Kröpfl

Sau nhiều tháng im ắng vì đại dịch, các phòng hòa nhạc châu Âu đang từng bước mở cửa trở lại một cách thận trọng dù với lượng khán giả ít hơn nhiều và phải tuân theo các quy tắc vệ sinh nghiêm ngặt. Koncz và những người phía sau dự án có cảm giác như đây là khoảnh khắc thích hợp để mang một nhạc cụ chủ yếu được giới hạn trong tủ kính đến với nhiều khán giả hơn. “Đó là một nhạc cụ được bảo quản trong bảo tàng nhưng nghệ sỹ chúng tôi tin rằng một cây đàn chỉ có một mục đích duy nhất là được dùng chơi nhạc. Người ta đã cho phép tôi hồi sinh cho nó”.

Koncz kể rằng anh đã mất nhiều năm để khiến cây đàn hồi sinh như thế nào. “Vì rất hiếm khi được chơi nên thoạt tiên gỗ của nó rất cứng, thiếu sự cộng hưởng còn âm thanh của nó thì thực sự đã thiếp ngủ. Để đánh thức nàng công chúa này, tôi đã phải chơi đàn liên tục trong nhiều giờ và nhiều ngày. Thật kỳ diệu là mỗi lần tôi chơi, âm thanh của nó lại mở ra và gỗ của nó hòa điệu trở lại. Thời gian để nó đạt tới trạng thái ổn định mỗi ngày càng ngắn lại thì tôi càng chơi nó thường xuyên hơn”.

Anh nói rằng các bản thu âm là những thành quả rất sinh động để chia sẻ điều gì đó rất gần với thứ Mozart đã nghe. “Họ thu lấy âm thanh này, thứ mà chỉ ít  người khác có thể nghe thấy, bên ngoài phòng hòa nhạc. Tôi có được cảm hứng rất lớn từ thực tế là âm thanh tôi tạo ra trên cây đàn violin có lẽ rất giống với âm thanh mà chính tai Mozart đã nghe thấy. Và bây giờ chúng tôi có thể lan tỏa âm thanh đó trên khắp toàn cầu – đó là cách làm đẹp nhất để chúng ta đến được với chính tâm hồn Mozart”.

Cây đàn, rất có thể là cây violin cỡ lớn đầu tiên Mozart sở hữu, có lẽ do người cha, Leopold, gia sư violin duy nhất của ông, tặng. Nó được chế tác vào giữa thế kỷ 18 tại Mittenwald ở Bavaria, một thị trấn vẫn nổi tiếng với nghề làm đàn violin. Mozart đã chơi nó khi trở thành concertmaster tại Salzburg Hofkapelle ở tuổi 13. Trong chuyến lưu diễn tại quê hương Augsburg của cha mình vào năm 1777, ông đã viết thư kể với cha về thời điểm ông chơi bản concerto thứ hai trên cây violin, “mọi người đều khen tiếng đàn của con đẹp đẽ và trong sáng,” Tại Munich vào cuối tháng đó, một khán giả đã “trố mắt há mồm mà nghe con chơi như thể con là nghệ sỹ đàn dây xuất sắc nhất ở châu Âu”.

Koncz mô tả âm thanh “rất đẹp, đặc biệt là ở quãng âm cao hơn với một âm sắc trong như tiếng bạc, hội tụ và mượt mà, với nó bạn thực sự có thể hát lên mọi giai điệu”. Anh chơi đàn mà không cần dùng đệm vai –  “giữa vai và cây violin không nên có gì cách biệt cả, điều đó đòi hỏi một phong cách chơi khác. Cách làm nhu vậy đem lại cho tôi cảm giác gần gụi hơn với cách nó từng được chơi”.

Không giống như cây Stradivarius 1707 mà Koncz thường chơi, cây violin này không được hiện đại hóa để tạo ra âm lượng cho phép nó được chơi với các dàn nhạc lớn hơn trong các phòng hòa nhạc lớn hơn. Koncz nói rằng thật ngạc nhiên khi các bộ phận chính của cây violin của Mozart đều ở tình trạng nguyên vẹn như ban đầu nó đến với nhà soạn nhạc thiên tài. Sau khi đã tiến hành những nghiên cứu sâu rộng, bao gồm cả nguồn gốc cây đàn, Koncz không dấu nổi niềm vui cho biết: “Do mối liên quan của nó với nhà soạn nhạc nên người ta đã sớm nhận ra nhạc cụ này quý giá như thế nào và không ai dám thực sự thay đổi nó.”

Cây violin được truyền từ Mozart tới chị gái Nannerl khi ông chuyển đến Vienna ở tuổi 25. Sau khi ông mất sớm ở tuổi 35, chị gái ông, một giáo viên dạy piano, đã bán nó cho một trong những học trò nổi tiếng của mình, người cũng sẽ mất sớm. Những người chủ sau này của nó bao gồm một giáo viên violin và một dược sĩ, trước khi nó được Quỹ Mozarteum, tổ chức hàng đầu chuyên bảo tồn di sản của nhạc sĩ, mua lại vào năm 1956.

Koncz cho biết năm bản concerto, trụ cột trong vốn tiết mục của bất kỳ nghệ sĩ violin cổ điển nào, đều vượt trội về độ phức tạp và tinh tế, và là một kỷ lục về tốc độ mà với nó Mozart đã phát triển với tư cách một nghệ sỹ. Những gì ông không để lại phía sau là phần ký âm các đoạn cadenza, những đoạn nhạc trang trí cho phép nghệ sỹ độc tấu phô diễn kỹ năng lành nghề của mình. Mozart rất có thể đã ứng tác chúng – một manh mối khác cho thấy ông đã tự chơi các bản concerto, Koncz nói. Một trong những phần thử thách nhất trong dự án của Koncz là vừa sáng tác đoạn cadenza của riêng mình vừa cố gắng trung thành với Mozart bằng cách nghiên cứu các đoạn cadenza còn sót lại mà nhà soạn nhạc đã viết cho các concerto đàn phím khi soạn chúng cho người khác chơi.

“Việc đó giống như đang đối thoại với nhà soạn nhạc qua khoảng cách nhiều thế kỷ khi cố gắng hình dung những gì ông sẽ làm vào thời điểm này đồng thời cảm thấy một trách nhiệm to lớn đặt lên vai mình. Đôi khi việc đó giữ cho tôi tỉnh thức”. □

Kate Connolly
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2020/oct/09/mozart-violion-bring-instrument-back-to-life-christoph-koncz 


Christoph Koncz thu âm cả năm bản concerto violin của Mozart.

Christoph Koncz là một nghệ sĩ đa tài và nổi tiếng từ rất sớm. Ở tuổi lên chín, Koncz đã được biết đến như một nghệ sĩ ngôi sao khi vào vai cậu bé tài năng Kaspar Weiss trong bộ phim truyền hình Canada The Red Violin (Cây vĩ cầm đỏ), bộ phim kể về số phận của một cây đàn violin và những người sở hữu nó ở năm quốc gia trong vòng bốn thế kỷ.
Koncz được mời tham gia bộ phim vì từ năm bốn tuổi đã bộc lộ tài năng khác thường với cây đàn violin và hai năm sau vào học tại Nhạc viện Âm nhạc Vienna. Koncz theo học Eugenia Polatschek rồi Josef Hell, Igor Ozim và Boris Kuschnir, Mark Stringer ở Vienna, Salzburg, Graz… Trong quá trình học hỏi nghề chỉ huy, Koncz còn được các nhạc trưởng bậc thầy như Daniel Barenboim và Daniel Harding chỉ bảo, qua đó làm giàu thêm vốn kiến thức âm nhạc.
Sự nghiệp độc tấu của Koncz được ghi dấu ấn bằng chuyến biểu diễn Bắc Mỹ ở tuổi 11 cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Montreal dưới cây đũa chỉ huy của Charles Dutoit. Trong quá trình biểu diễn, anh có mối hợp tác mật thiết với nhiều nhạc trưởng xuất sắc khác như Sir Neville Marriner, Dmitry Sitkovetsky, Gábor Takács-Nagy và Marc Minkowski. Những chuyến lưu diễn cùng các nhạc trưởng này đã đưa anh đến với nhiều khán phòng âm nhạc khắp châu Âu đến Trung Đông, châu Á, Australia cũng như Nam Mỹ…
Với niềm đam mê biểu diễn thính phòng, bên cạnh sự nghiệp độc tấu, Christoph Koncz còn có dịp gắn kết trong tập luyện và biểu diễn với những người có cùng thẩm mĩ âm nhạc như Leonidas Kavakos, Joshua Bell, Vilde Frang, Renaud Capuçon, Antoine Tamestit, Kim Kashkashian, Gautier Capuçon và Rudolf Buchbinder. Ngoài ra, anh còn thường xuyên biểu diễn cùng anh trai mình Stephan Koncz – nghệ sĩ cello của dàn nhạc Berlin Philharmonic. Họ từng cùng nhau giành giải thưởng Âm nhạc châu Âu cho nghệ sĩ trẻ.
Vào năm 2008, ở tuổi 20, Christoph Koncz đã được bổ nhiệm vào vị trí bè trưởng bè violin thứ hai của dàn nhạc Vienna Philharmonic.
Sự nghiệp thu âm cùa Christoph Koncz cũng đáng chú ý. Sau bản thu âm các tác phẩm của Heise và Gade, Christoph Koncz vinh dự trở thành nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới thu âm Concertino Op. 27 của Ernst Krenek với dàn nhạc Academy of St Martin in the Fields và nhạc trưởng Sir Neville Marriner cho Chandos Records vào năm 2013. Hai năm sau, hãng Deutsche Grammophon đã phát hành album ngũ tấu Clarinet của Johannes Brahms, do Christoph Koncz biểu diễn cùng các nghệ sĩ tài năng khác như Leonidas Kavakos, Antoine Tamestit, Stephan Koncz và Andreas Ottensamer. Từ buổi biểu diễn tại Festival Aix Easter 2016, một album gồm cả lục tấu đàn dây của Johannes Brahms cùng Renaud Capuçon, Gérard Caussé, Marie Chilemme, Gautier Capuçon và Clemens Hagen đã được ghi và nhận được những lời khen ngợi của giới phê bình âm nhạc, sau đó vào tháng 6/2017, giành giải Diapason d’Or – giải thưởng dành cho các bản ghi âm nổi bật do các nhà phê bình của tạp chí Diapason ở Pháp bình chọn.
Song song với sự nghiệp độc tấu, Christoph Koncz còn học hỏi để trở thành nhạc trưởng. Anh ra mắt với vai trò mới ở Salzburg Mozartwoche 2013, sau đó là một loạt các buổi hòa nhạc tại các khán phòng nổi tiếng ở Berlin, Cologne, Munich Philharmonie, Vienna Konzerthaus, KKL Lucerne cũng như Festival Salzburg. Anh được mời tham gia Dàn nhạc thính phòng Festival Verbier và Les Musiciens du Louvre.
Trong mùa diễn 2020/2021, Christoph Koncz lần đầu dàn dựng opera tại chính Berliner Staatsoper Unter den Linden với Orfeo ed Euridice của Gluck. Những dấu ấn khác của mùa diễn này là anh được mời chi huy Dàn nhạc giao hưởng London; chỉ huy chương trình hòa nhạc Chào năm mới cùng Royal Northern Sinfonia; biểu diễn tại khán phòng Concertgebouw Amsterdam cùng dàn nhạc Deutsche Kammerakademie Neuss am Rhein các tác phẩm của Mendelssohn và Beethoven; hợp tác cùng các nghệ sĩ trẻ khác là Kristian Bezuidenhout, Khatia Buniatishvili và Sabine Meyer.
Christoph Koncz đang “sở hữu” cây đàn Stradivarius 1707 “Brüstlein” qua hợp tác với Ngân hàng quốc gia Áo.□
Anh Vũ dịch

Tác giả