Khi cái tiên đề đã sai

Trong logic học người ta biết rằng chừng nào còn chấp nhận những tiền đề sai, thì hệ quả của nó dù nghịch lý đến đâu cũng không thể bị bác bỏ!

Có thể minh họa điều này bằng bài toán vui “Đố bạn nếu 23 = 32 thì 45 = ?” đã đăng trong Chuyên mục Giáo dục của báo điện tử VietNamNet ngày 18-1-2016, trong đó do tiền đề 23 = 32 sai, nên kết luận 45 bằng bao nhiêu cũng đúng(!) (Xem bài “Một khi tiền đề đã sai”, Chuyên mục Giáo dục, VietNamNet, 20-1-2016.)

Một loại mệnh đề chúng ta rất thường xuyên gặp phải trong khoa học và đời sống là “nếu A là B thì C là X”. Mệnh đề này có thể chuyển hóa thành bài toán thường gặp khác, đó là xác định đối tượng X, để mệnh đề “nếu A là B thì C là X” đúng, trong đó A, B, C là các đối tượng đã biết.

Chẳng hạn, “Nếu năng lượng là không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, thì năng lượng sống-nóng hổi của người vừa chết sẽ chuyển thành cái gì?”, hay “Nếu coi học thuyết Tử vi là một học thuyết đúng thì anh M là người có công danh thế nào?”, đều có thể được quy là những bài toán thuộc loại như thế.

Ở đây, có hai vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, mệnh đề “A là B” chính là tiền đề có tính quyết định, nên nếu mệnh đề ấy vốn dĩ đã không đúng thì việc mải mê đi tìm X là điều vô nghĩa, tương tự như bài toán 23 = 32 … trên đây.

Thứ hai, khi A là một đối tượng hiện hữu cụ thể, còn B lại là đối tượng có thể được định hình theo ý chủ quan của con người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lợi ích, quan điểm tôn giáo, tầm nhìn thời đại, .v.v, thì mệnh đề “A là B” khó có thể là một chân lý vĩnh hằng, nhưng đồng thời lại dễ bị lợi dụng và rất khó phân định đúng sai bởi nó thường sa vào sự cảm tính mơ hồ, ví thử như Kinh thánh cho rằng “Con người sinh ra đã phải mang trọng tội của tổ tông” bởi truyền thuyết  Adam và Eva, hay luật pháp các quốc gia thường ghi “Quyền lợi của quốc gia là trên hết”… 

Thứ ba, một khi đã chấp nhận mệnh đề “A là B” một cách vô điều kiện thì rõ ràng những suy xét về C sẽ không còn mang tính độc lập và khách quan nữa. Vì vậy, để có sự độc lập và khách quan trong tư duy thì người ta phải chống lại mọi sự áp đặt tuyệt đối các tiền đề. Nhưng trong lịch sử, việc áp đặt như vậy lại thường xuyên xảy ra và thậm chí còn kéo dài rất lâu. Ví dụ trong chế độ phong kiến Trung hoa, quyền uy của nhà vua được coi là tuyệt đối, nên vua bảo người nào chết thì người đó phải chết; hoặc trong lịch sử Vatican từng coi Kinh thánh là một kho tàng chân lý vĩnh hằng, mọi khám phá mới trái với Kinh thánh đều không được thừa nhận, thậm chí còn đáng bị xử tử, như trường hợp của Giordano Bruno (1548-1600), người đã bị tòa án dị giáo Roma kết tội và bị hỏa thiêu tại Roma vào năm 1600, do ông chối bỏ một số giáo lý Công giáo nền tảng.

Tuy nhiên, việc xây dựng và xác lập các tiền đề không phải khi nào cũng gây tác động tiêu cực, mà trái lại là điều cần thiết để xây dựng nên mọi tri thức mới, và là cơ sở dẫn tới những khám phá vĩ đại, chẳng hạn như tiên đề “tốc độ ánh sáng trong chân không, trong mọi hệ quy chiếu quán tính, không phụ thuộc vào phương truyền và tốc độ của nguồn sáng”, đã đưa Albert Einstein đến phát minh về Thuyết tương đối hẹp, hay nhờ quan niệm mới về cấu trúc nhân cách-bản năng, bản ngã, siêu ngã, đã đưa Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) đến với Lý thuyết “Nhân cách con người”  rất cách mạng của ông.

Như vậy, việc xác lập và chấp nhận các tiền đề là điều không thể tránh khỏi trong quá trình vận động phát triển của con người, nhưng một tiền đề có đúng đắn hay không, có mang lại sự tiến bộ hay không, đôi khi không dễ chứng minh hay bác bỏ, mà cần phải chờ được kiểm chứng qua thực tiễn! Khi chưa có sự kiểm chứng bởi thực tiễn thì việc chấp nhận một tiền đề nào nghiễm nhiên cũng là chấp nhận sự chủ quan gắn liền với nó.

Việc nhận thức được sự chủ quan cố hữu gắn với mọi tiền đề là điều quan trọng, bởi nó dẫn đến khác biệt trong cách tiếp cận, giữa một bên là tự giác chấp nhận một tiền đề và chủ động thay đổi nó khi cần thiết qua sự kiểm chứng từ thực tiễn, với một bên là áp đặt bảo thủ, không bao giờ kiểm chứng lại tính đúng đắn của tiền đề ban đầu, luôn luôn khăng khăng rằng mình đang nắm giữ chân lý khách quan.

Tác giả