Lịch sử và đại chúng

Xét tới cùng, khi đời sống đặt ra nhiều câu hỏi cấp bách, khi những cuộc thảo luận, tranh cãi về chủ đề lịch sử thiếu đi vai trò dẫn dắt, định hình, thì các nhà chuyên môn cần thiết phải “bước khỏi tháp ngà học thuật” để bắc cây cầu tri thức tới đại chúng.

Trong một khoảnh khắc đặc biệt căng thẳng của chương trình Shark Tank (VTV1) cuối tháng 7 vừa qua, Shark Dũng đã tỏ ra hoài nghi về năng lực chuyên môn của Phạm Vĩnh Lộc, cố vấn lịch sử dự án game lấy cảm hứng từ lịch sử – “Sử Hộ Vương”. Để đáp lại, Lộc khẳng định: “Em đã có khoảng 5 năm, mua rất nhiều sách về lịch sử để đọc.”

Phạm Vĩnh Lộc tuy nổi tiếng trên mạng xã hội với các bài viết về chủ đề lịch sử nhưng lại không được đào tạo chuyên môn về lịch sử: Anh học ngành du lịch. Hồ Phương Thảo, founder của dự án, vốn theo học chuyên ngành marketing, khởi xướng “Sử Hộ Vương” đơn thuần muốn thể hiện tình yêu của mình với lịch sử dân tộc. Vì không có chỗ dựa vững chắc về mặt chuyên môn, một dự án nhằm mục đích “giáo dục tình yêu lịch sử” như “Sử Hộ Vương” nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều ở khắp các trang báo, diễn đàn mạng.

Tương tự, tác giả Dũng Phan (tên thật Phan Trần Việt Dũng) và cuốn sách Sử Việt – 12 khúc tráng ca (NXB Hội Nhà Văn, 2017) đã đạt được tầm ảnh hưởng không hề nhỏ trong giới trẻ. Bằng cách viết lại 12 câu chuyện về lịch sử Việt Nam thông qua văn phong giản lược và lãng mạn hóa , Dũng Phan giành được rất nhiều sự ủng hộ và ca ngợi của độc giả. Một độc giả giải thích bí quyết nằm sau sức hấp dẫn dó: “Cách tiếp cận [của cuốn sách] bình dân hơn, đại chúng hơn. Điểm mới thì không có nhưng khả năng truyền tải tốt hơn những nhà nghiên cứu khô khan, cho người đọc cảm giác họ được là một phần suy luận chứ không bị cái tôi của nhà nghiên cứu lấn át.”





Một minh họa mô tả cách mà Sử Hộ Vương nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của mọi diễn đàn mạng bởi thiết kế và quảng cáo sản phẩm của mình. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, cuốn sách bắt đầu bị các diễn đàn lịch sử trên mạng xã hội công kích bởi sự sai lệch trong kiến thức và phương pháp của tác giả. Phản ứng trước các phê bình đó, những người ủng hộ Dũng Phan, cố gắng nhấn mạnh sự ủng hộ của các nhà khoa học như cố Giáo sư Phan Huy Lê cùng nỗ lực truyền bá kiến thức của tác giả để biện minh cho các vấn đề của sách. Điều đó tiếp tục châm ngòi cho những tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội.

Đây không phải là những hiện tượng đơn lẻ. Những va chạm về hiểu biết lịch sử, quan điểm sử học đang xuất hiện ngày càng nhiều theo sau sự gia tăng mối quan tâm chung của xã hội. Cấu trúc xã hội chuyển dịch, môi trường sống bị ô nhiễm, giáo dục đối mặt nhiều vấn nạn, mong muốn định hình một bản sắc trong thế giới toàn cầu hóa… khiến cho con người hiện đại có nhu cầu tìm hiểu, suy ngẫm về quá khứ, vận dụng tri thức, bài học từ quá khứ để giải quyết các thách thức của xã hội hiện đại. Nhưng một vấn đề lớn nảy sinh từ các cuộc tranh luận là sự vắng bóng các nhà sử học có chuyên môn đóng vai trò như những tiếng nói có tính quyết định. Dư luận có lẽ nhận thức rõ nghịch lí này, những người dù không được đào tạo bài bản hay thực hành chuyên môn sử học có vẻ đang đóng góp nhiều hơn tiếng nói về lịch sử với đại chúng so với chính các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Vậy thì, các nhà chuyên môn, các nhà sử học đã ở đâu giữa làn sóng biến đổi mạnh mẽ của sử học hiện nay, và các nghiên cứu tâm huyết của họ đã có thể tham gia vào một đời sống xã hội rộng lớn hơn hay chưa?

Khó khăn của nhà nghiên cứu

Thực tế, với tư cách là nhà khoa học chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu lịch sử không nhất thiết phải hướng mọi nỗ lực của mình tới đại chúng, và nhằm “giáo dục” đại chúng. Sự phát triển của ngành sử học từ cuối thế kỷ XIX tới tư cách một “khoa học lịch sử” đã tách biệt sử gia hiện đại với những “sử quan” của các thời đại trước. Là thực hành khoa học, nhà sử học không còn là những người “chép sử” – chỉ đơn thuần “ghi lại” sự kiện, mà thay vào đó áp dụng một loạt phương pháp khoa học để tổng hợp, phân tích và đánh giá thông tin quá khứ từ nhiều góc độ và điểm nhìn khác nhau. Khoa học lịch sử, trước hết vẫn thể hiện thuộc tính căn bản của một khoa học hiện đại – tính trừu tượng.

Sản phẩm từ quá trình nghiên cứu của nhà sử học là các công trình khoa học, được thẩm định và phản biện bởi các hội đồng chuyên môn và công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hay tại hội thảo khoa học. Uy tín của nhà sử học được đánh giá trước tiên bởi chất lượng các công trình nghiên cứu, được đánh giá và công nhận bởi các học giả cùng hướng nghiên cứu; cũng như các giải thưởng hoặc danh hiệu đến từ các hệ thống học thuật hàn lâm tiêu chuẩn.

Trong một hệ thống hàn lâm, các nhà sử học có thể không cần thiết phải phụ thuộc vào sự công nhận của độc giả là đại chúng nữa. Điều này đưa đến việc từ cuối thế kỷ XIX hình tượng (có phần tiêu cực) về các “học giả tháp ngà” cũng ra đời, mô tả những nhà chuyên môn chỉ tập trung vào hoạt động “hàn lâm” hơn là hoạt động “đại chúng”.

Sự chuyên môn hóa của ngành sử học do đó cũng đặt ra những vấn đề về khoảng cách ngày càng gia tăng giữa học thuật với đại chúng. Vấn đề, theo anh Nguyễn Quốc Vương – một nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục lịch sử – đến từ chính chuyên môn học thuật của nhà nghiên cứu: “Vì khi tiếp xúc với đại chúng, nhà sử học sẽ phải chấp nhận hay đúng hơn là đón nhận sự phản biện đa chiều, đa dạng và thậm chí là không dựa trên một tiêu chí học thuật rõ ràng nào từ phía đại chúng [vốn] có thể rất khác so với phản ứng của những người cùng nghề, cùng giới học thuật.”

“Một thử thách nữa là nhà sử học phải làm sao diễn tả, trình bày kết quả nghiên cứu của mình “lọt tai” đại chúng trong khi không làm thay đổi kết quả đó về mặt học thuật.” Điều này, theo anh Vương, là một vấn đề nan giải với các nhà sử học trên khắp thế giới. Rất ít tác phẩm lịch sử học thuật có khả năng đạt được một mức độ nổi tiếng trong độc giả đại chúng. Sự nổi tiếng của các công trình nặng học thuật như Những cộng đồng tưởng tượng (Benedict Anderson) là rất hiếm có và bản thân tác giả cũng thừa nhận đó là một điều “rất may mắn”.

Ngược lại, các tác phẩm lịch sử viết riêng cho đại chúng thường bị đặt dưới lăng kính phê phán của các học giả hàn lâm. Yuval Noah Harari thu hút sự chú ý của độc giả khắp thế giới với các sách bán chạy hàng đầu như Sapiens: Lược sử của loài người hay Homo Deus, dù được công nhận ở các ý tưởng giá trị, song, bị phê phán ở cách tác giả cố tình giản lược hóa các dữ kiện lịch sử, cũng như việc liên tiếp đặt vấn đề lịch sử phức tạp dưới các giả định rất chủ quan.

Còn tại Việt Nam, theo anh Vương, “chưa thật sự hình thành một tầng lớp hay một nhóm nhiều nhà khoa học có khả năng làm cầu nối giữa giới chuyên môn sâu và đại chúng.”

TS. Trần Ngọc Dũng (ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng đồng ý rằng khác với các nước khác, hiện Việt Nam đang có một sự thiếu hụt các tác phẩm lịch sử đại chúng có thể chuyển tải các trí thức chuyên sâu. Nhưng đây cũng không phải là riêng vấn đề với ngành sử học: “Các nhà khoa học Việt Nam, không chỉ là sử học, vẫn chưa quen với việc đại chúng hóa [các nghiên cứu],” anh nói. “Giờ đây có rất nhiều các “nhà khoa học mạng”, ai nói cái gì cũng đúng mà chẳng có ý kiến chuyên gia nào cả, tức là niềm tin bị mất, dẫn đến nhà khoa học không có nhiều cơ hội và chưa thể tự mình làm [việc tiếp cận].”



Diễn viên John Sessions, vai sử gia Richard Evans, trong bộ phim Denial (2016). Vụ kiện Irving cũng trở thành động cơ thuyết phục GS. Evans về nghĩa vụ phải tương tác với thế giới ngoài hàn lâm, theo phỏng vấn của ông với The Guardian (Anh). Nguồn: The Guardian.

Trung gian để “đối thoại” với đại chúng

Hoạt động đối thoại với đại chúng từ lâu vẫn được thực hành bởi nhiều nhà nghiên cứu. Bản thân các cuộc khai quật khảo cổ của GS. Lâm Thị Mỹ Dung cũng như là của bộ môn Khảo cổ học (ĐH KHXH&NV) nói chung luôn bao gồm các cuộc thuyết trình với chính quyền và người dân địa phương về kết quả khai quật và giá trị của các di tích.

GS. Lâm Mỹ Dung cho rằng điều này là rất quan trọng với thành công của mỗi cuộc khai quật: “Mục đích của mình thứ nhất là để cho người dân hiểu về di tích quan trọng như vậy, có bề dày lịch sử như vậy ở địa phương, để bà con có ý thức giữ gìn. Thứ hai là trong quá trình làm việc mà bà con thấy chỗ nào có những cái tương đồng thì có thể báo cho các cơ quan chức năng,” GS. Dung nói: “Còn mục đích cuối cùng là để họ hiểu được các công việc của nhà khảo cổ là gì.”

Việc thực hành đối thoại với đại chúng là vấn đề nơi nhà nghiên cứu có thể vận dụng những lợi thế của mình. “Ưu điểm của sử gia là năng lực chuyên môn và kết quả học thuật mà sử gia đó nắm giữ (…) mà đại chúng, cho dù quan tâm cũng khó có thể làm được,” anh Vương giải thích. “Nhà sử học bằng thành tựu học thuật cũng có cả trong tay quyền uy đối với công chúng khi công chúng nhìn nhận họ có khả năng cao hơn người thường trong tiệm cận sự thật và giải thích lịch sử.”

Đây cũng là những vấn đề nóng ở học giới Âu-Mỹ từ mấy thập kỷ gần đây. Bắt đầu từ cuối thập niên 1970 tại Mỹ, những thay đổi trong ngành sử học cũng như là vấn đề khoảng cách hàn lâm – đại chúng gia tăng đã bắt đầu đặt ra đòi hỏi các nhà sử học cần có công cụ và phương pháp chuyên nghiệp để hướng tới đại chúng. Một nhánh sử học mới theo đó ra đời, gọi là “Sử học Đại chúng” (Public History). Theo “cha đẻ” của ngành này là GS. Robert Kelley, “Sử học Đại chúng” đặt ra mục tiêu bao quát toàn bộ các hoạt động tri thức và phương pháp sử học “ngoài không gian hàn lâm” của các nhà nghiên cứu (Robert Kelley, 1978). Các hoạt động đó bao gồm từ bảo tàng và triển lãm, tư vấn chính sách, đến hoạt động cộng đồng… mà trong đó, quan trọng nhất là việc tham gia vào các thảo luận xã hội ở các vấn đề gây tranh cãi.

Vai trò đó là tối quan trọng, theo GS. John Tosh trong cuốn The Pursuit of History (Pearson, 2010): “Nếu một nhà sử học chuyên nghiệp không thực hiện những chức năng này, thì họ sẽ nhường chỗ cho những người kém hiểu biết và nhiều định kiến hơn tạo ra các diễn giải thiếu căn cứ”, từ đó sẽ làm sai lệch hiểu biết chung của xã hội. Nổi tiếng trong số các thảo luận công khai về lịch sử tại phương Tây có thể kể đến vụ kiện năm 2000 của David Irving – một sử gia “xét lại” nạn Diệt chủng Do Thái (Holocaust) – kiện GS. Deborah Lipstadt và NXB Penguin (Anh). Irving kiện bà Lipstadt vì cho rằng sách của bà đã “phỉ báng” ông ta khi nhận định ông này là “người phủ nhận Diệt chủng”. Trong vụ kiện, nhà sử học về Đức Quốc xã nổi tiếng Richard Evans được mời làm chứng tại tòa. Chỉ ra các bằng chứng thuyết phục về ngụy biện học thuật của Irving trước tòa, GS. Evans đã góp phần giúp Lipstadt thắng kiện cũng như giành một chiến thắng lớn chống lại trào lưu xét lại lịch sử Quốc xã khi đó. Câu chuyện gần đây đã được Hollywood dựng thành phim với tên gọi Denial (2016).

Câu chuyện về nỗ lực cứu di tích khảo cổ học ở Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một ví dụ tốt về cách các nhà khoa học cùng làm việc với đại chúng để nêu lên các vấn đề xã hội. Mối đe dọa xóa sổ khu di chỉ Vườn Chuối – di chỉ tiền Đông Sơn nổi tiếng có lịch sử 3500 năm – bởi khu đô thị mới Kim Chung-Di Trạch đã đưa đến sự lên tiếng vận động của các nhà khảo cổ và các nhà bảo tồn di tích trên truyền thông. Cùng lúc đó, các nhà khoa học như PGS.TS Nguyễn Văn Huy vận động người dân tham gia hỗ trợ việc bảo vệ di tích, như ông Nguyễn Văn Thắng và những thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá.

Tác dụng của những nỗ lực này, tuy chưa thực sự làm nên thay đổi, cũng cho thấy những khả năng mà các nhà nghiên cứu có thể thực hiện để tạo sự kết nối rộng rãi với đại chúng. Vấn đề hiện nay, theo anh Vương: “nằm ở chỗ những gì nhà nghiên cứu đưa ra có chạm vào mối quan tâm, hứng thú và suy tư (có thể là trong vô thức) của đại chúng hay không. Muốn chạm được đến trái tim của đại chúng thì có kết quả nghiên cứu tốt thôi chưa đủ, kết quả đó cần thiết phải được diễn giải dưới cách thức nào đó thích hợp, hiệu quả để đại chúng cảm động và thực sự suy nghĩ về nó.”

Sử học cũng giống như mọi lĩnh vực học thuật khác luôn chịu tác động của những điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, phương pháp nghiêm ngặt khiến cho tri thức khoa học khó có thể tách rời không gian hàn lâm. Tuy nhiên, xét tới cùng, khi đời sống đặt ra nhiều câu hỏi cấp bách, khi những cuộc thảo luận, tranh cãi về chủ đề lịch sử thiếu đi vai trò dẫn dắt, định hình, thì các nhà chuyên môn cần thiết phải “bước khỏi tháp ngà học thuật” để bắc cây cầu tri thức tới đại chúng. Sự hợp tác đúng lúc và chặt chẽ giữa nhà sử học với các dự án lịch sử trong tương lai có thể đem tới một diện mạo mới mẻ, hấp dẫn cho môn khoa học tưởng khô khan nhưng rất thú vị này. Cuối cùng thì, khoa học không phải lúc nào cũng dễ dàng “mềm hóa” để dành cho số đông, song khoa học cũng không thể không vì lợi ích của số đông.

Tài liệu tham khảo:

Harriet Swain, “Richard Evans: the film Denial ‘shows there is such a thing as truth’”, The Guardian, 14/2/2017. https://www.theguardian.com/education/2017/feb/14/richard-evans-interview-holocaust-denial-film

John Tosh, The Pursuit of History (5th edition). Pearson, 2010.

Robert Kelley. “Public History: Its Origins, Nature, and Prospects.” The Public Historian, Vol. 1 No. 1, Autumn, 1978. pp. 16-28. DOI: 10.2307/3377666

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/lich-su-va-dai-chung/2019091910552729p1c879.htm

 

 

Tác giả