“Nếu một đêm đông có người lữ khách”: Muôn năm người đọc

"Nếu một đêm đông có người lữ khách", ta gần như đã hiểu luật chơi của nó, ta thôi bị bất ngờ như khi đọc những chương mở đầu, nhưng ta vẫn tiếp tục đọc, không phải vì tò mò trước chủ nghĩa hậu hiện đại, bởi ngay cả chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đã nhàm chán rồi, thứ cuốn lấy ta là khát vọng kể chuyện lì lợm của Calvino.

“Khi Ngày Phán Xét tới và con người, những kẻ vĩ đại và những kẻ bé mọn, diễu hành đến để nhận tưởng thưởng từ trời, Đấng tối cao sẽ nhìn những mọt sách thuần túy và nói với thánh Peter rằng: “Nhìn xem, họ không cần một sự tưởng thưởng nào. Chúng ta chẳng có gì để cho họ. Họ đã yêu việc đọc sách” – Virginia Woolf từng viết về niềm vui đọc sách. Thực sự thì cuộc đời của một người đọc sách có tuyệt vời đến thế chăng? Tuyệt vời đến mức không cần phần thưởng nào từ Thượng Đế. Phải chăng cuộc đời họ lãng mạn như trong Người đọc (The Reader) của Bernard Schlink, vồ vập vào nhau, đọc cho nhau nghe Homer, Tolstoy, Chekhov và Mark Twain rồi cùng nhau nằm dài trong cái bồn tắm suốt những ngày Berlin cô độc? Phải chăng cuộc đời họ cũng đối mặt đầy những nguy hiểm nên thơ khi bị một kẻ trong sách săn đuổi giữa Barcelona tráng lệ u sầu như trong Bóng hình của gió mà Carlos Ruiz Zafon đã viết? Và họ sẽ chinh phục trái tim một hoàng tử trong lốt quái vật như nàng Belle trong câu chuyện cổ tích chứ? Hay sẽ lạc bước vào một mê cung thư viện bí ẩn và gặp Người Cừu như trong tác phẩm của Haruki Murakami?

Có lẽ ngay cả những hiệp sĩ lên đường giải cứu thế giới cũng phải ghen tỵ với những người đọc, bởi những người đọc dường như luôn được ưu ái xuất hiện thật với vẻ ý vị, đáng yêu và mộng mơ như thể họ sở hữu một thế giới của riêng mình và đứng ngoài mọi sự khả ố tồi tàn hay vinh quang hào nhoáng của thế giới bên ngoài. Nhưng, hẳn chưa từng bao giờ, hình ảnh một người đọc lại hiện lên kỹ lưỡng hơn, bí ẩn hơn và quyến rũ hơn trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, cuốn tiểu thuyết của Italo Calvino mà ngay từ khi mới ra đời vào năm 1979, nó đã được bàn tới bàn lui, được đọc đi đọc lại, được phân tích, được gỡ cấu trúc, được giải mã.

Trong bài tiểu luận Tại sao ta đọc kinh điển? của mình, Italo Calvino từng đưa ra định nghĩa đầu tiên về kinh điển, đó là: “Kinh điển là những cuốn sách mà ta thường thấy mọi người nói: Tôi đang đọc lại nó… chứ không bao giờ là Tôi đang đọc nó”. Quả thế, không chỉ bởi vì thói giả tạo không muốn ai biết ta chưa từng sờ tới một cuốn sách nổi tiếng, mà còn vì những cuốn sách kinh điển luôn đến với “hào quang của những diễn giải trước đây”. Kiểu như làm sao ta có thể đọc Kafka mà không ngay lập tức ngẫm nghĩ về Kafkaesque, bất kể là ta xuôi theo hay chống đối Kafkaesque đi chăng nữa thì ta cũng sẽ ngẫm nghĩ về nó. Nếu ví kinh điển là một kho tàng, thì những người đọc đi trước là người đã xây nên tẩm cung ý nghĩa bao quanh kho tàng ấy và trước khi ta chạm được tận tay vào kho tàng để biết nó có gì thì ta sẽ phải đi một vòng quanh cái tẩm cung lắt léo ấy. 

Bởi vậy, khi nói về Nếu một đêm đông có người lữ khách, hay là ta thôi, đừng nói đến cái tẩm cung kia nữa, cái tẩm cung được xây nên bởi chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa cấu trúc, siêu hư cấu, trò chơi tiểu thuyết và vô thiên lủng những thuật ngữ loằng ngoằng. Ta hãy chỉ là ta, mặt đối mặt với những gì sắp xảy ra trên trang giấy mà không trang bị bất cứ vũ khí nào mà các nhà phê bình đi trước dúi vào, bởi chẳng phải chính nhà văn đã mở đầu bản thảo này bằng ngôi thứ hai hay sao: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩ khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhạt nhòa đi”.

Cả cuốn sách đơn giản chỉ là hành trình đọc của một Người Đọc. Anh (hay có thể chính là ta) cố gắng đọc cuốn tiểu thuyết của Calvino, nhưng vì lầm lẫn nào đó mà lại nhận ra mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết khác của một nhà văn khác, anh đi tìm cuốn tiểu thuyết khác ấy nhưng cũng không thể hoàn thành nó mà lại bị đưa đến một cuốn khác nữa, và rồi cứ thế, khi một cuốn tiểu thuyết vừa mở ra thì nó lại ngay lập tức đóng sập lại và đẩy người đọc đến một cuốn tiểu thuyết mới, cho đến khi tất cả khép lại mà không cuốn tiểu thuyết nào khép lại. 

Không phải thôi thúc đi tìm bản ngã, chống lại thế lực hắc ám, tìm ra một bí mật chôn giấu của Giáo Hội hay bất cứ một cứu cánh cao cả nào, nhân vật Người Đọc của Calvino dấn thân chỉ với thôi thúc được đọc nốt những cuốn sách mà anh đang đọc dang dở. Anh thuần túy muốn biết những cái kết đang cố tình lảng tránh anh, anh chỉ muốn biết điều gì xảy ra tiếp sau tiếng chuông điện thoại kỳ quái đang đuổi theo một vị giáo sư đại học hay chung cuộc của một kẻ bị đánh bẫy bởi những hình chiếu ảo ảnh quanh mình. Như thể việc đọc xong một cuốn sách là điều thật sự hệ trọng và thiết yếu và xứng đáng để anh chạy đôn chạy đáo, đâm đầu vào những mạng lưới giao cắt của biết bao rắc rối. Nhưng ngay cả những rắc rối ấy cũng là một thứ rắc rối không mang tính sống còn, những rắc rối chỉ để mà lộn tùng phèo cuộc sống lên nhưng hoàn toàn vô hại.

Cuốn “Nếu một đêm đông có người lữ khách” (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam và NXB Văn học hợp tác xuất bản). Nguồn: nhanam

Người đọc của Italo Calvino, anh là một Don Quixote phiên bản mọt sách phăm phăm nhảy vào cuộc đời với tất cả con tim trong sáng và nồng nhiệt. Sự vô ích không làm anh nhụt chí. Sự bế tắc không tài nào cản bước anh. Anh truy cầu một hiện thực vô nghĩa trong một đường dây ngụy thư và trong niềm hưng phấn của những cao trào bị bỏ ngỏ, anh quên mất rằng chúng vô nghĩa, hoặc anh đã lờ mờ nhận ra, nhưng ngay cả nhận thức ấy cũng chẳng mang ý nghĩa gì.

“Cuốn tiểu thuyết em thích đọc nhất vào lúc này phải là cuốn tiểu thuyết mà động lực duy nhất là khát vọng kể chuyện, chất chồng chuyện này lên trên chuyện khác, không cố áp đặt lên ta một cách nhìn thế giới, mà chỉ để ta quan sát sự lớn dần của nó, như một cái cây, một sự xoắn xuýt vào nhau như của cành và lá”, một nhân vật trong Nếu một đêm đông có người lữ khách nói. Thay vì nói về sự có nghĩa của tiểu thuyết, hãy nói về sự vô nghĩa của nó. Hãy nói về niềm đam mê biếng lười được vắt chân chìm vào một thế giới hão huyền một cách đầy nghiêm túc, nơi điều khiến ta bồn chồn và nóng lòng hơn cả là có gì trong trang tiếp theo sắp được lật giở sang. Khi đã đọc được đến khoảng 1/3 Nếu một đêm đông có người lữ khách, ta gần như đã hiểu luật chơi của nó, ta thôi bị bất ngờ như khi đọc những chương mở đầu, nhưng ta vẫn tiếp tục đọc, không phải vì tò mò trước chủ nghĩa hậu hiện đại, bởi ngay cả chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đã nhàm chán rồi, thứ cuốn lấy ta là khát vọng kể chuyện lì lợm của Calvino. Nói cho cùng mỗi thời đại người ta đọc Kafka theo một cách khác nhau, nhưng người ta vẫn còn tiếp tục đọc Kafka chỉ bởi vẫn có gì đó thật dễ cảm thông khi đọc về một viên công chức bỗng một ngày biến thành con côn trùng khổng lồ. 

Và Người Đọc, cuộc phiêu lưu của anh có thể không có những tay gangster, không có ma cà rồng, không có những kẻ sát nhân, đến cả một ông anh họ tham lam cũng không có, không có một ai là kẻ phản diện, nhưng nó thật đẹp chính trong sự suôn sẻ ấy. Anh giống như kẻ quá rảnh rỗi tự bịa ra vấn đề để giải quyết và rốt cục cũng không giải quyết được gì, nhưng, dù ta có thể tưởng tượng ra Italo Calvino đang cười thầm những người đọc (trong đó có cả ông) khi viết những dòng đó, nhưng ta cũng có thể thấy trong mắt ông, những người đọc tuy nhàn tản, tuy bất an, nhưng vẫn thật dễ thương.

Tất nhiên, bạn có thể hoài nghi việc, có nhất thiết phải viết ra hẳn một cuốn tiểu thuyết về việc đọc một hành trình mà đến kết cùng cũng không thức tỉnh được một chân lý nào hay nảy ra một cuộc chiến nào, vậy thì tôi đành xin khép lại bằng chính câu kết của Italo Calvino khi ông khép lại bài tiểu luận Tại sao ta đọc kinh điển của ông: “Và nếu ai đó phản đối rằng chẳng đáng để mà nói nhiều thế, thì tôi sẽ trích dẫn Cioran (người bây giờ chưa phải là kinh điển những sẽ trở thành kinh điển): Trong khi họ đang chuẩn bị thuốc độc thì Socrates học chơi một giai điệu trên cây sáo. “Việc biết một giai điệu trước khi chết thì có ích lợi gì cho ngài chứ”, họ hỏi”.

Nhưng bài viết này cũng chỉ lại là một cái ngách be bé nữa trong tẩm cung đồ sộ bao quanh cái mà cuốn sách của Italo Calvino thực sự là. Một người đọc giống như một kẻ đào vàng bị lời nguyền vậy, vàng tìm được là của riêng anh, muốn hay không, anh cũng không thể trao nó vào tay ai đó khác, còn nếu ai đó khác cũng muốn tìm vàng, người đó sẽ phải khăn gói đi tìm vàng lấy.

Tác giả

(Visited 18 times, 2 visits today)