Người máy, máy người

Rốt cuộc thì khoa học viễn tưởng có phải là một dòng văn chương chân chính?

Philip K. Dick là một trường hợp đặc biệt trong thế giới văn chương sci-fi

Khi Ian McEwan ra mắt cuốn tiểu thuyết Machines like me, ông rào trước ngay rằng tiểu thuyết của ông không thuộc dòng sci-fi (khoa học viễn tưởng), dù rõ ràng nó đề cập tới trí tuệ nhân tạo. Kurt Vonnegut thì không đến nỗi tỏ thái độ kỳ thị với sci-fi. Ông viết truyện cho một số tạp chí sci-fi, nhưng mặt khác, ông không muốn những cuốn sách của mình  bị xếp vào “ngăn” sci-fi, một phần vì ông muốn tiếp cận với một lượng độc giả lớn hơn, một phần khác vì ông biết rõ giới phê bình không mấy người ưa sci-fi, và theo lời ông, điều khiến ông khó chịu nhất là họ thường nhầm cái “ngăn” đó với cái bồn tiểu. Nhưng thái độ rõ ràng nhất phải kể tới Vladimir Nabokov. Văn hào tuyên bố như đinh đóng cột với một phóng viên rằng: “Tôi kinh cái thể loại khoa học viễn tưởng với những cô ả và những tay trùm rồi cả những đoạn gây hồi hộp với chả hồi hiếc.”  

Trong thế giới văn chương sci-fi bị nhiều người rẻ rúng và coi như thứ truyện ba xu đó (thậm chí đến người mê sci-fi cũng coi đây là thứ sở thích tội lỗi), Philip K. Dick là một trường hợp đặc biệt. Sách của ông được liệt vào hàng danh tác và bạn có thể tìm thấy chúng được đặt chung giá với tác phẩm của Franz Kafka. Những nhà phê bình trưởng giả thay vì dửng dưng với ông, lại thường so sánh ông với những nhà văn họ sùng bái nhất như Calvino hay Borges. Thậm chí có người coi vai trò của Dick trong thời đại của mình có thể ví như Edgar Allan Poe trong thời đại Kim Tiền (Gilded Age) của nước Mỹ. Ừ thì sách của ông không được bình luận trên trang nhất tờ Times Book Review, xong đổi lại, ông là nhà văn sci-fi đầu tiên được lựa vào tuyển tập Library of America (một danh sách những cuốn sách vĩ đại đã định hình văn hóa Mỹ.

Cũng như nhiều nhà văn sci-fi khác, Philip K. Dick viết nhiều và viết khỏe. Ông có tới 44 tiểu thuyết, chưa kể cả trăm truyện ngắn. Nhưng khi nhắc tới tên ông, người ta sẽ nhắc tới đầu tiên một cuốn sách mà ngay từ tựa đề đã đặt ra một câu hỏi đầy tính triết học: Do androids dream of electric sheep?, hay Người máy có mơ về cừu điện không?

Có giai thoại rằng Dick ghét cuốn truyện này kinh khủng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông còn tiết lộ rằng có những cuốn sách của bản thân khiến ông chỉ muốn lấy xẻng xúc đi, và Người máy có mơ về cừu điện không? là một trong số đó, dầu chẳng ai coi ông đang nói chuyện nghiêm túc cả.

Chuyện lấy bối cảnh hậu tận thế, cái thời mà Trái đất đã bị khai thác đến cạn kiệt và loài người khăn gói quả mướp lên các hành tinh khác để định cư, chỉ có những kẻ “đầu thừa đuôi thẹo” mới bám trụ lại hành tinh đất mẹ. Một kẻ trong số đó tên Rick Deckard, một chuyên gia săn tiền thưởng. Y được giao đi tiêu diệt sáu tên người máy đang trà trộn vào Trái đất. Để phân biệt người máy và người thật, có một bài kiểm tra mang tên Voigt-Kampff với một loạt những câu hỏi để đo lường mức độ thấu cảm của đối tượng. Decka mang bài kiểm tra đó đi để lần xem kẻ nào là người kẻ nào là máy, nhưng dường như bài kiểm tra ấy cũng đang lung lay.

Người máy có mơ về cừu điện không? trước hết là một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn tính giải trí. Giới Hollywood say mê nó. Một phần di sản của cuốn sách nằm ở chỗ nó đã gợi cảm hứng cho Ridley Scott làm nên siêu phẩm điện ảnh Blade Runner, bộ phim nằm trong danh sách 100 phim hay nhất theo xếp hạng của Viện phim Mỹ. Đó là kiểu tiểu thuyết khiến bạn ngốn ngấu trong một đêm, liên tục lật mở hết trang nọ tới trang kia. Nói như nhà văn Neil Gaiman, bí quyết của một cuốn truyện thành công chỉ gói gọn trong bốn từ duy nhất: “Rồi thế nào nữa?” Và Người máy có mơ về cừu điện không là một mẫu mực cho mô hình tiểu thuyết như vậy, nó khiến người ta không thể nhịn được để biết cái gì sẽ tiếp tục xảy ra, những cú “twist” (nút thắt, nói theo ngôn ngữ điện ảnh) nảy ra trong từng trang và trong từng chương, bạn luôn cảm thấy mình bị lừa, và bạn đúng.

Cuốn sách tất nhiên không dừng lại ở đó. Nó lấn những lằn ranh.

Ấn bản tiếng Việt “Do androids dream of electric sheep?” (Người máy có mơ về cừu điện không?). Nguồn: tiki

Người máy có mơ về cừu điện không? lấn vào lằn ranh giữa văn chương nghiêm túc và phi-nghiêm túc. Nó biết cách mua vui, biết cách làm nghẹt thở nhưng cũng biết cách khai phá những phạm vi siêu hình. Calvino biết làm ra những mê cung, vậy thì Philip K. Dick cũng biết. Kafka biết tiên tri, vậy thì Philip K. Dick cũng biết. Cái thế giới nơi những người máy có thể cất tiếng hát Cây sáo thần hay đến mức khiến người ta phải rưng rưng nhòa lệ, cái thế giới nơi con người tìm kiếm sự hòa cảm tôn giáo trong một cái hộp điện tử gần giống như thực tế ảo, cái thế giới mà lên thiên đường có nghĩa là sao Hỏa, cái thế giới khi mà những gì phân biệt sự thượng đẳng của Người và sự hạ đẳng của Máy chỉ còn là một cái cớ vô lí chẳng khác gì những logic của những kẻ phân biệt chủng tộc, cái thế giới ấy có lẽ đang dần hiện hữu.  

Rồi, tiểu thuyết của Dick lấn tiếp cái lằn ranh giữa nhân và phi-nhân. Các nhân vật và cả người đọc không ngừng bị chất vấn về việc liệu họ là Người hay là Máy, ngay cả Máy cũng được lập trình để không tin nổi mình là Máy và muốn làm Người, và có đôi lúc, khi Người lạc vào thế giới toàn Máy, Người cũng có những giây phút hoang mang không biết mình có thật là Người. Khi nhân vật Rick đọc lên những câu hỏi kiểm tra một đối tượng xem cô có phải là Người, trường đoạn ấy, Philip K. Dick như đang chơi một trò chơi với độc giả của mình: Hãy tự thú nhận đi, câu trả lời của bạn có giống câu trả lời của Người?

Lằn ranh thứ ba mà Người máy có mơ về cừu điện không? bóp nghẹt, lằn ranh giữa thực và phi-thực. Trong tiểu thuyết, Philip K. Dick đặt ra một thứ tôn giáo chủ lưu mang tên đạo Mercer, một phiên bản hậu tận thế của Cơ Đốc giáo, trong đó thiên đường trở thành sao Hỏa, đấng thiêng liêng trở thành một ông già mang tên Mercer, những con chiên trở thành lũ cừu điện, những người Máy là những thiên thần sa ngã. Và cú “twist” cuối cùng của Dick không nằm ở diễn biến kịch tính trong cuộc chiến giữa Người và Máy, mà nó nằm ở chính đạo Mercer, khi một AI tuyên bố đấng cứu thế Mercer thực ra là một ông già diễn viên quần chúng tầm thường chui lủi trong đống rác và tất cả chỉ là trò đểu cáng được dựng lên bởi kỹ xảo của những tay làm phim Hollywood. Khi tất cả những trải nghiệm có thể định nghĩa chính xác thế nào là một con người hóa ra chỉ là một tấn bịp bợm, sự tồn tại của con người bị rung lắc tới tận gốc rễ. Đừng nói thế giới quan của Máy chỉ là một vùng lập trình ảo tưởng, bởi có khi đến cả thế giới quan của con người cũng được bồi đắp bởi toàn ảo tưởng. Như ở đoạn cuối cùng, Rick nói: “Mercer không giả. Trừ phi hiện thực đều là giả.”

Nhưng hiện thực là gì mới được?

Philip K. Dick từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn của mình: “Hiện thực là cái mà, khi bạn không tin vào nó nữa, nó vẫn không biến mất.”

Vậy thì bạn hãy tự quyết định liệu thế giới của người máy – máy người có phải là hiện thực.□

 

 

Tác giả