Người thầy quan trọng nhất của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Victor Tardieu (1870 – 1937) thường được nhắc đến với vai trò sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của ông đến hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 còn sâu sắc hơn thế. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, nếu không có trái tim rộng mở cùng “nhãn quang” nghệ thuật của Victor Tardieu, chưa chắc, chúng ta có được các danh họa như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn và đặc biệt là Nguyễn Phan Chánh.

Chơi ô ăn quan, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh. Ảnh tư liệu.

Victor Tardieu – Người có “con mắt xanh nghệ thuật”

Khi trao đổi cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến1 về vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bà nhấn mạnh: “Victor Tardieu không những là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, trái tim nồng nhiệt, ấm áp mà còn là một nhà sư phạm sáng suốt”. Cần nói thêm, sự hiểu biết sâu sắc của bà Hải Yến về các họa sĩ Đông Dương bắt nguồn từ mối thâm giao giữa cha bà – nhà Hán học kiêm Tây học nổi tiếng – Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng2 với Tự lực văn đoàn, nhóm tác giả vốn thân thiết với Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung… Thời kỳ đó, hầu hết tác phẩm của Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ… đều do các gương mặt xuất sắc kể trên vẽ bìa và tranh minh họa. Thế nên, tuy là “dân” văn, ngấm văn chương Pháp từ bé nhưng Nguyễn Hải Yến cũng dần “nhiễm” tình yêu mỹ thuật từ những người bạn của cha mình. Sau này, bà rẽ hẳn sang nghiên cứu mỹ thuật, trở thành học trò của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và được nhiều họa sĩ tên tuổi khác tận tình chỉ dạy. Bởi vậy, không có gì lạ khi con gái của học giả Nguyễn Tường Phượng lại nắm giữ những câu chuyện ít ai biết về người thầy của các danh họa Việt Nam – Victor Tardieu.
Bà Yến chia sẻ, điều khiến bà nể phục nhất ở Victor Tardieu là ông có “con mắt xanh nghệ thuật” cùng khả năng dự cảm kỳ lạ trước những tài năng lớn. Trong thời điểm không ít người Pháp cho rằng, An Nam chỉ có thợ thủ công, Victor Tardieu vẫn mở trường dạy vẽ đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1924 với sự kiên định: Xứ sở này không thiếu nghệ sĩ! Không phụ lòng thầy, cả sáu sinh viên khóa đầu với Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, George Khánh đã “đáp trả” lại nước Pháp một cách mạnh mẽ và về sau, đều trở thành những viên ngọc quý của mỹ thuật Việt Nam, riêng Lê Phổ còn rạng danh cả trên nước Pháp. Theo bà Hải Yến, đối với thế hệ họa sĩ Đông Dương, vai trò của Victor Tardieu không chỉ dừng lại ở việc khai phá tài năng. Quan trọng hơn, ông biết cách “nuôi dưỡng” tài năng bằng phương pháp sư phạm vừa chuẩn mực vừa mềm dẻo. Tuy “sao chép” y nguyên mô hình của một trường mỹ thuật “kiểu mẫu” tại Pháp vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, “ép” sinh viên phải học hành cật lực, mau chóng “làm chủ” những kiến thức hãy còn quá xa lạ như hình họa, giải phẫu cơ thể, luật viễn – cận, sơn dầu… nhưng Victor Tardieu luôn trân trọng những gì thuộc về bình diện tự nhiên của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Những năm tháng đó, cùng với học trò, ông và các giáo sư người Pháp của trường thường mang giá vẽ về nông thôn, say sưa tái hiện trên mặt toan cảnh đồng quê bằng kỹ thuật vẽ chuẩn mực của châu Âu. Ông cũng khuyến khích sinh viên theo đuổi các đề tài phù hợp với “tạng chất” như phụ nữ Hà thành, thiếu nữ bên hoa, con trâu ra đồng….
Bà Hải Yến nhận định, sự sáng suốt của Victor Tardieu còn thể hiện ở việc lựa chọn khuynh hướng cổ điển cho Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dù vào thời điểm đó, mỹ thuật châu Âu nảy sinh nhiều khuynh hướng mới. Thay vì áp đặt như cách những người Pháp đi “khai sáng” vẫn hành xử ở nước thuộc địa, Tardieu lại dành thời gian tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người An Nam với tinh thần “nhập gia tùy tục”. Dịp may đến khi ông nhận được lời mời thực hiện bức tranh tường khổng lồ tại giảng đường lớn Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, nay là giảng đường của trường Đại học Khoa học tự nhiên). Trong nhiều năm hoàn thiện bức tranh trải rộng trên 80m2 với 200 nhân vật, tái hiện đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội đầu thế kỷ XX, Tardieu đã cùng lao động nghệ thuật với đội ngũ cộng sự người bản xứ và nhờ thế, ông thực sự am hiểu phong cách sáng tác của các nghệ nhân An Nam. Rõ ràng, trường phái cổ điển Victor Tardieu áp dụng cho Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoàn toàn phù hợp với những sinh viên lớn lên từ nền văn minh lúa nước, đa số vẫn mặc áo dài truyền thống dù đi học trường “Tây” và điều quan trọng hơn cả, đã quen vẽ theo lối tả thực. Bà Hải Yến đặt giả thiết, nếu ngày đó, Tardieu đưa các trường phái mới lạ đang nở rộ tại châu Âu vào Việt Nam thì có lẽ, các danh họa tương lai của chúng ta như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh… phải chật vật lắm mới có thể nắm bắt được lý thuyết chứ chưa nói đến thực hành.
Trong 20 năm hoạt động, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trải qua hai đời hiệu trưởng – Victor Tardieu và Évariste Jonchère (1892 – ?). Cũng thật khôi hài khi đặt cạnh nhau, hai con người ấy khác biệt như nước với lửa. Tardieu yêu mến, tin tưởng và luôn khẳng định tài năng của học trò còn Jonchère thì ngược lại, luôn phủ nhận. Một năm sau khi Tardieu qua đời (ông mất năm 1937 tại viện Saint Paul, Hà Nội), Jonchère chính thức đảm nhận vị trí hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi vừa đến nơi, vị tân hiệu trưởng đã trả lời phỏng vấn của báo Epinion Sài Gòn với giọng điệu như sau: “Tôi đi Hà Nội chuyến này là để đào tạo thợ mỹ nghệ”. Trong mắt Jonchère, những người thợ thủ công An Nam không bao giờ có được tâm hồn lãng mạn và cảm hứng nghệ thuật cao độ như người Pháp để có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Khác hẳn với Tardieu, ông đến An Nam với tâm thế của người đi “khai sáng”, đầy ngạo mạn và hiếu thắng, sẵn sàng “ra” những quyết định cực đoan. Theo bà Yến, có lẽ vì thế mà sau này, khi nhắc tới Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người ta thường “lờ” đi vị hiệu trưởng thứ hai của trường. Rất ít tài liệu đề cập đến cái tên Évariste Jonchère.

Người thầy quan trọng nhất của Nguyễn Phan Chánh

Trong số các học trò của Victor Tardieu, Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là trường hợp kỳ lạ nhất. Khi trúng tuyển vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Phan Chánh đã ngoài ba mươi, “cứng tuổi” hơn các bạn và cũng đã “vợ con đề huề”. Từ Hà Tĩnh lặn lội ra Hà Nội học, ông mang theo trọn vẹn chất quê mùa cùng những thói quen khiến cho bạn bè, hầu hết là con “nhà quan” vừa buồn cười, vừa “tức mắt”. Đặc biệt, Phan Chánh đi đâu cũng “kè kè” cái ô nhỏ. Đến Tardieu còn thấy khó chịu về anh chàng sinh viên ngồi trong lớp mà vẫn giữ khư khư cái ô bên cạnh. Không biết bao nhiêu lần, ông rời bục giảng, xuống “tịch thu” ô của Phan Chánh, đem treo ở chân giá bày mẫu vật. Trò Chánh lập tức “lon ton” chạy lên lấy lại ô mang về để cạnh mình như cũ. Và thầy trò cứ tái diễn hành động ấy cho đến khi Tardieu tức điên, giơ hai tay lên trời “đầu hàng”: “Thôi, tôi thua anh rồi. Xin vĩnh biệt!”. Lúc tuổi già, ký ức về người thầy thường xuyên trở lại. Họa sĩ Phan Chánh thường lim dim đôi mắt, chia sẻ với “cô cháu” Hải Yến những mẩu chuyện thú vị như thế về Victor Tardieu.
Dù bị Phan Chánh làm cho “nhức đầu” nhưng Tardieu vẫn thương cậu trò mộc mạc, chân chất, “rặt” quê và… thường xuyên “đội sổ”. Chắc chắn, không có nhiều người biết, ngày ấy, danh họa Việt Nam học vẽ đến năm thứ hai vẫn “ăn” điểm zero (điểm 0) hình họa, trong khi các bạn cùng khóa nhận toàn điểm 10. Vốn  à một nhà Hán học, rất giỏi chữ Nho và nghệ thuật thư pháp, đôi tay chỉ quen cầm bút lông, Phan Chánh gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu những tinh hoa của mỹ thuật của châu Âu. Ông vẽ sơn dầu rất xấu, không ra mảng khối, xa – gần, khiến các Giáo sư vô cùng chán nản. Thế nhưng, hiệu trưởng vẫn kiên trì giữ lại trò Chánh. Dường như, bằng trực giác kỳ lạ, Tardieu nhìn ra tài năng hội họa ẩn giấu đâu đó bên trong dáng vẻ quê kệch cùng đôi bàn tay “không thể cầm bút vẽ sơn dầu” của Phan Chánh. Và ông đã đúng!
Trong một dịp sang Vân Nam (Trung Quốc), Tardieu bắt gặp những bức tranh lụa đời Đường, Tống phác họa phong cảnh. Ông bất chợt lóe lên một ý nghĩ: Biết đâu, Phan Chánh hợp với chất liệu lụa! Ông liền mua một bức tranh “gốc” cùng một xấp lụa Vân Nam, mang về đưa cho học trò và bảo: “Chánh, con thử vẽ lụa xem!”. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Gặp được lụa, Phan Chánh y như “Cá gặp nước”, ông say sưa vẽ bằng mực nho và màu nước. Qua một thời gian “vùi mình” trong lụa, thậm chí, Phan Chánh còn nghĩ ra một lối vẽ mới, khác hoàn toàn với bức tranh “mẫu”, đó là lược bỏ chi tiết, chỉ phủ mảng màu lớn, khiến tranh thêm phần mềm mại, huyền ảo. Bà Yến nhấn mạnh, Tardieu quả có con mắt tinh tường khi đưa Phan Chánh đến với chất liệu lụa. Rõ ràng, với lụa, Phan Chánh được là chính mình, ông bộc lộ hết trên mặt toan tâm hồn dịu dàng lẫn chất quê, từ đề tài “rặt” nông thôn đến bảng màu thâm trầm nghiêng về màu đất, màu áo nâu sồng của người nông dân. Với lụa, Phan Chánh được  thỏa sức bay bổng, sáng tạo và một trong những sáng tạo “đắt” nhất của ông là phương pháp “rửa” lụa, giúp mặt tranh trở nên thanh sạch, mịn màng. Sau này, các họa sĩ đều học tập cách vẽ lụa, “rửa” lụa của Phan Chánh, tạo nên vẻ đẹp riêng có cho tranh lụa Việt Nam so với tranh lụa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Có thể nói, trong khóa đầu của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Phan Chánh sớm nổi danh và công đầu thuộc về Victor Tardieu. Năm 1931, thầy Victor Tardieu đã mang bốn bức tranh lụa đầu tiên của trò Chánh tham dự một buổi đấu xảo tại Paris. Ông có dự cảm, những bức tranh toát lên vẻ “quê mùa”, thuần Việt ấy sẽ nổi bật giữa một rừng tác phẩm bóng bẩy mang đậm thẩm mỹ phương Tây lúc bấy giờ. Đúng như thế, cả bốn bức tranh đã gây sức hút lớn với công chúng Paris và rất “đắt khách”. Nhà sưu tập tranh Pierre Massé mua bức Lên đồng, bác sĩ Morase sở hữu Em cho chim ăn, Rửa rau cầu ao thuộc về bác sĩ Montel. Riêng Chơi ô ăn quan “về tay” nhà sưu tầm tranh Đức Minh và đó là cả một câu chuyện li kỳ. Từ Pháp, Tardieu gửi thư cho trò Chánh: “Những bức tranh của con ta rất thích. Con nên tiếp tục vẽ. Việc đóng khung tranh thì Nam Sơn (họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ – người cùng Tardieu thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) sẽ giúp con”. Còn Tô Ngọc Vân, trong bài báo “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại” đăng trên tờ Thanh Nghị cũng dành cho Phan Chánh những dòng dí dỏm: “Đấu xảo Paris, công chúng Pháp rất ngạc nhiên trước những bức tranh được thực hiện bởi Phan Chánh. Anh chàng khư khư giữ ô ngày xưa đã làm nên một thành công rất lớn ở ngay giữa kinh đô của hội họa”. Nhớ đến hai năm đầu học vẽ sơn dầu nhọc nhằn của Phan Chánh, đúng là không ai có thể tin, cậu trò lĩnh toàn điểm zero ngày nào lại làm nên chuyện, rồi sau này trở thành người dẫn đường cho tranh lụa Việt Nam hiện đại.
Từ trường hợp của Nguyễn Phan Chánh, mới thấy, để có thể thăng hoa trong nghệ thuật, ngoài tài năng bẩm sinh và kỹ thuật vẽ, người họa sĩ còn cần phải được là chính mình. Dễ hiểu vì sao trong thời gian Tardieu làm hiệu trưởng, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lại nở rộ tài năng. Hàng loạt bức tranh ra đời vào thời kỳ đó đều toát lên sắc thái trong trẻo, lãng mạn và tràn trề cảm xúc, phần nào phản ánh môi trường sống, học tập, sáng tạo vừa chuẩn mực vừa cởi mở, êm đềm mà mỗi một sinh viên được thụ hưởng. Cũng khó lý giải vì sao Tardieu lại yêu mến đất nước và con người An Nam đến vậy. Sau những năm tháng làm việc tại Hà Nội thì nỗi háo hức ban đầu trong ông về xứ sở nhiệt đới đầy ánh sáng đã trở thành một tình yêu sâu đậm, khiến Tardieu gắn bó với nơi này cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Tình yêu ấy thậm chí còn lan tỏa đến các thành viên khác trong gia đình ông. Năm 2000, nhà xuất bản Phụ nữ phát hành tác phẩm “Thư Hà Nội” (Dịch giả Đặng Anh Đào). Dưới dạng những lá thư gửi hai người bạn thân, cuốn sách tái hiện thời thơ ấu êm đềm của người viết khi sống cùng bố mẹ tại Hà Nội – một Hà Nội của những năm 30 với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa bình dị. Tác giả của những trang hồi ức ấm áp ấy chính là con trai duy nhất của Victor Tardieu – Jean Tardieu3.
——–
1 Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Là một trong những nhà nghiên cứu và chuyên viên bảo tàng đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam. Bà là chuyên gia sưu tầm tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục giảng dạy bộ môn “Lịch sử mỹ thuật” tại: Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Cao đẳng Truyền hình, Trung tâm trao đổi nghệ thuật của Bộ Ngoại giao. Tác phẩm chính: Họa sĩ Tô Ngọc Vân; Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (Nhà xuất bản Văn hóa, 1984); Phác thảo chân dung mỹ thuật Sài Gòn (1985); Sách ảnh “Những khoảnh khắc” hợp tác cùng nhiếp ảnh gia Lê Vượng, viết về nghệ thuật trang trí và trang phục của các dân tộc Việt Nam; Hội họa Hà Nội – Những ký ức còn lại (Picture Art Foundation – Mỹ xuất bản song ngữ, 2010); Họa sĩ Văn Giáo trên những nẻo đường (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2016). Bà đang cộng tác với Picture Art Foundation tiếp tục thực hiện các cuốn sách: Họa sĩ Lê Phổ, Họa sĩ Nguyễn Gia Trí…
2 Nguyễn Tường Phượng (bút hiệu Tiên Đàm): sinh năm 1899 trong một gia đình khoa bảng. Ông là chủ nhiệm của tạp chí Tri Tân (1941 – 1945). Tác phẩm chính: Ấn Độ trước thời Phật giáo; Văn học sử Việt Nam tiền bán thế kỷ XIX và hậu bán thế kỷ XIX; Văn học sử hiện đại; Lược khảo binh chế Việt Nam qua các thời đại…
3 Jean Tardieu (1903-1995), nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Pháp.

Vốn là một điêu khắc gia, Ésvariste Jonchère không mấy mặn mà với hội họa giá vẽ. Ông bị thu hút bởi các tác phẩm sơn mài do sinh viên của trường thực hiện và mau chóng biến sơn mài thành một thứ hàng hóa sinh lời. Theo “lệnh” của hiệu trưởng, sinh viên chủ yếu chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ như bình phong, hộp đựng đồ dùng sinh hoạt…và làm xong là đưa đi triển lãm, bán hàng. Do lo lắng về tài chính, vấn đề khiến Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương thường xuyên đứng trước nguy cơ bị đóng cửa, ông thẳng tay “đập tan” chủ nghĩa “Nghệ thuật vị nghệ thuật” của người hiệu trưởng tiền nhiệm và bắt buộc tất cả sinh viên phải bước ra khỏi “Tháp ngà nghệ thuật”, vừa học, vừa làm, vừa bán sản phẩm, tự trang trải học phí. Quyết định “sắt đá” này khiến đời sống của các họa sĩ tương lai trở nên vô cùng khó khăn. Một làn sóng phản đối Jonchère bùng nổ mạnh mẽ trong giới mỹ thuật lúc đó. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung với sự ủng hộ của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Khang, Hoàng Lập Ngôn đã viết bài phản đối vị hiệu trưởng độc đoán, đăng trên tờ Ngày nay (số 114 ngày 7-1-1939). Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần đặt cạnh Jonchère cũng thấy, phương pháp sư phạm vừa “rắn” vừa “mềm”, tư tưởng bình đẳng và trái tim rộng mở của Victor Tardieu quả khác biệt với các trí thức phương Tây cùng đến làm việc tại nước thuộc địa vào đầu thế kỷ XX.

 

 

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)