Nhạc trưởng Vladimir Jurowski: Tìm con đường riêng trong âm nhạc

Là một trong những nhạc trưởng tài năng hiếm có trong thời đại ngày nay, Vladimir Jurowski luôn tìm kiếm những hướng đi mới trong âm nhạc và không ngừng mở rộng kịch mục với những tác phẩm ít người biết đến. Vladimir Jurowski đã trả lời phỏng vấn của Zima Magazine - một tạp chí tiếng Nga xuất bản tại London, về quan điểm của mình về âm nhạc.


Nhạc trưởng người Nga Vladimir Jurowski.

Anh xuất thân từ một gia đình có bốn thế hệ làm âm nhạc? Gốc rễ âm nhạc này ảnh hưởng thế nào đến anh?

Không có gốc rễ thì cây cũng không thể mọc nổi, do đó những gì tôi có là nhờ truyền thống gia đình. Tôi rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình như vậy.

Tuy nhiên anh có cảm thấy điều đó gắn liền với gánh nặng trách nhiệm không?

Dĩ nhiên, khi bước trên con đường của người khác, anh phải “gánh” trách nhiệm của người đó, bên cạnh trách nhiệm của chính mình. Hiện tại tôi đã tìm thấy được con đường riêng, khác biệt với con đường của cha ông tôi. Và tôi cũng cảm thấy đang mang trọng trách của riêng mình. 

Anh có theo một trường phái hay một phong cách chỉ huy nào không?

Tôi không trưởng thành từ một trường phái chỉ huy cụ thể nào mà tổng hợp từ nhiều phong cách như trường phái Moscow của nhạc trưởng Leo Ginzburg, phong cách của cha tôi, trường phái Đức của giáo sư người Berlin dạy tôi và cả những gì tôi thu nhận được qua hợp tác với một nhạc trưởng Nga khác, Gennady Rozhdestvensky.

Những người thầy của anh có nghiêm khắc không?

Tôi may mắn bởi những người thầy Nga của tôi tại Nhạc viện Moscow – Viktor Frayonov, Dmitriy Blum, Valeria Bazarnova, Elena Anikienko, không chỉ có sự trân trọng và khắt khe gần như là mộ đạo đối với nghề nghiệp mà vẫn hết sức nhân bản. Chỉ huy là một nghề rất đặc biệt liên quan đến vấn đề quyền lực đối với những người khác. Vì vậy phải cực kỳ nghiêm khắc, chính xác và nghiêm túc trong lựa chọn của mình. Thái độ không chuyên nghiệp, thờ ơ hoặc đơn giản là sự bất tài của nhạc trưởng sẽ làm méo mó dàn nhạc. Tôi nghĩ với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác có thể có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, con người hơn nhưng chỉ huy thực sự không phải là nghề dành cho tất cả mọi người.

Anh có gặp khó khăn trong việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm mới không?

Tôi còn nhớ năm 2004, tôi biểu diễn bản giao hưởng số 5 của Valentyn Sylvestrov với dàn nhạc Munich Philharmonic tại Munich. Lúc đó, mối quan hệ giữa tôi với Munich Philharmonic không ổn lắm. Thực tế là cả dàn nhạc và khán giả đang tẩy chay âm nhạc Nga, và sẽ rất sung sướng nếu tác phẩm này thất bại ngay trong buổi công diễn lần đầu tại Đức. Và tôi bảo họ: “Các anh sẽ thấy, nó sẽ không thất bại.” Và để chọc tức họ, ngay trước khi biểu diễn, tôi cầm micro và trong những lời mở đầu, tôi đưa khán giả vào một tâm trạng sẵn sàng lắng nghe còn nhạc công sẵn sàng biểu diễn. Ba đêm liên tiếp bản giao hưởng số 5 của Valentyn Sylvestrov là một thành công lớn của dàn nhạc và thuyết phục được cả những người chỉ trích.

Theo anh có cần thiết phải trao đổi với khán giả trong mọi buổi hòa nhạc?

Trong chừng mực nào đó thì không có gì mê hoặc và thôi miên khán giả bằng chính năng lượng và quan điểm của nhạc trưởng đối với tác phẩm âm nhạc đang biểu diễn. Nhưng tôi nghĩ, khi còn nhiều người hiểu biết rất ít về âm nhạc, việc nghe nhạc và đặc biệt là thứ nhạc không quen thuộc đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở Nga. Vì vậy cũng cần phải nói với họ.

Và có lẽ, một nét đặc biệt của người Nga là họ tin tưởng người đứng trên sâu khấu, họ muốn, thậm chí mong đợi anh ta khai sáng cho mình, họ muốn nghe kể điều gì đó từ sân khấu mà họ không hiểu trước đây…


Vladimir Jurowski dành nhiều quan tâm tới các tác phẩm còn ít người biết đến.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng bạn không nên lạm dụng lòng tin này. Bạn có thể nói điều gì đó để giúp mọi người hiểu một tác phẩm tốt hơn, hoặc ít nhất bằng cách nào đó chuẩn bị cho họ đón nhận nó. Tất cả những gì bạn cần là hướng mọi người đến nhà hát, nơi giúp họ quên đi những mối bận tâm thường ngày để thư giãn và lắng nghe bằng trái tim mình… Âm nhạc sẽ làm phần còn lại. Vì lý do đó, bạn cần một cảm giác nhạy bén và truyền nó cho khán giả của mình. Bạn cần liên hệ với khán giả một cách tôn trọng và nghiêm túc, không phải như một đám đông, mà như một tập hợp các cá nhân.

Tôi còn nhớ anh biểu diễn bản giao hưởng số 8 của Shostakovich cùng dàn nhạc London Philharmonic ở London rồi sau đó trình diễn nó ở Moscow… Anh có hy vọng vào việc truyền tải thông điệp của nhà soạn nhạc thông qua các buổi biểu diễn?

Vâng, tôi biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Svetlanov ở Moscow. Trong hơn bốn ngày chúng tôi đã chơi nhiều tác phẩm khác nhau, nói chung tất cả đều khá dữ dội. Giao hưởng số 8 của Shostakovich nghe như một kết luận mang tính triết lý và một lời cảnh báo. Sau buổi công diễn lần đầu tác phẩm này vào ngày 4/11/1943, nhà văn Nga Mikhail Prishvin đã viết rằng có vẻ như mọi người đã không hiểu nó nhưng hy vọng sẽ có lúc họ bừng tỉnh.

Tôi nghĩ Giao hưởng số 8 của ông là một tác phẩm âm nhạc hợp với thời đại chúng ta. Lần đầu tiên tôi biểu diễn bản giao hưởng này là tại Cologne vào năm ngoái, và một phụ nữ khá lớn tuổi đã đến gặp tôi nói: “Bản thu âm giao hưởng này nên được gửi tới mọi chính khách trên thế giới và mọi tay buôn bán vũ khí. Có lẽ bọn họ có thể hiểu được ít nhất là một chút về nó.”

Anh có tin vào tác động của âm nhạc với con người?

Âm nhạc được biết đến như một liệu pháp chữa bệnh, nhưng vấn đề là nếu bạn làm việc với âm nhạc và tự chữa lành bằng âm nhạc, thì bạn không bao giờ có sự yên tĩnh. Với một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, liệu pháp tốt nhất là sự yên tĩnh. Đó là lý do mà tôi tắt hết thiết bị điện tại nhà, đặc biệt là vào ban đêm. Tôi chỉ cần rút mọi thứ ra khỏi ổ cắm. Hoặc nếu tôi nghe nhạc thì chủ yếu là loại nhạc mà tôi không chỉ huy. Một số nhóm nhạc rock yêu thích, hoặc nhạc jazz, hoặc nhạc hợp xướng tôn giáo.

Tại sao lại là nhạc hợp xướng?

Nó liên quan đến cấu trúc. Dù không có phương thuốc nào có thể chữa được bách bệnh nhưng nhạc hợp xướng luôn có hiệu quả tốt. Các tác phẩm của Bach, Mozart đều dựa trên luật phổ quát về hòa âm và đều có khả năng đưa một người quay về với sự an hòa, trong bất kỳ tình huống nào.

Vậy âm nhạc hiện đại còn có điều đó không?

Hiện tại có thể thấy âm nhạc của Arvo Pärt có tác dụng đặc biệt lên con người, điều đã được một số nhà nghiên cứu chứng minh. Arvo Pärt đã quay về với sự hòa âm nguyên thủy. Bên cạnh đó có một số các nhà soạn nhạc theo phong cách tối giản nữa như Steve Reich và John Adams. Âm nhạc của họ thậm chí còn phức tạp hơn nhiều so với chính chủ nghĩa tối giản, nhưng chắc chắn là âm nhạc của họ rất hài hòa.

Về nguyên tắc, bất cứ ai đang tìm kiếm sự bình yên cần tránh bất kỳ thứ âm nhạc quá sôi động với phối âm dàn nhạc chói lọi, và thậm chí một số tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc thiên tài, chẳng hạn như các bản giao hưởng của Shostakovich có thể dễ dàng đưa đến trầm cảm. Đó không phải là nhạc để thư giãn. Ngược lại, đó là nhạc của tư duy và cảm xúc mãnh liệt. Vì vậy, tất cả phụ thuộc vào những gì bạn muốn thu nhận từ âm nhạc.

Mặt khác, tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngất ngây mà mình đã trải nghiệm lúc còn ở tuổi vị thành niên khi lần đầu tiên nghe chương cuối adagio trong Giao hưởng số 3 của Mahler. Đó là thứ âm nhạc khá phức tạp nhưng tôi tin chắc rằng nếu đủ sức “chịu đựng” được 30 phút mê say phấn khích của chương nhạc thì dù không phải là nghệ sĩ, ai cũng sẽ cảm thấy mình như một người khác sau khi nghe nó. Bạn cũng có thể nghe các chương chậm trong các giao hưởng của Bruckner và Prokofiev, mặc dù các bản giao hưởng của Prokofiev không phải dễ nghe. Vở opera Fiery Angel của Prokofiev là một trong những tác phẩm “đáng sợ” nhất từng được viết ra. Nhưng thực sự Prokofiev đã viết ra một thứ âm nhạc hoàn toàn thuần khiết.

Anh vừa mới gia hạn hợp đồng với Dàn nhạc London Philharmonic trong khi làm việc tại Moscow và bắt đầu làm việc tại Berlin vào năm 2017. Có thể thấy làm việc ở khắp mọi nơi cùng một lúc là nhu cầu của thời đại chúng ta. Vậy việc một nhạc trưởng cộng tác với một dàn nhạc trong suốt cuộc đời mình đã trở thành quá khứ?

Không may đó lại là điều không thể trong thế giới ngày nay. Thế giới đang chuyển động rất nhanh, và con người cũng mệt mỏi rất nhanh. Bạn chỉ có thể ép mình “ăn kiêng” một thời gian theo chế độ của một dàn nhạc, hay có thể nói của một thành phố.

Giờ rất nhiều điều đang thay đổi và việc gắn kết bản thân bằng cách này hay cách khác với nhiều dàn nhạc sẽ rất thú vị. Mối quan hệ của tôi với London Philharmonic sẽ tiếp tục, ngay cả khi hợp đồng kết thúc và tôi rời đi vào năm 2020 hoặc 2021 thì tôi sẽ tiếp tục chỉ huy tại đây. Với Moscow cũng vậy: nếu tôi rời vị trí giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc quốc gia thì điều đó không có nghĩa là tôi sẽ chấm dứt mọi hợp tác sáng tạo với họ.

Xin cảm ơn anh!

Olga Jegunova thực hiện
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://zimamagazine.com/en/2017/01/vladimir-jurowski-on-searching-meditation-the-therapeutic-effects-of-music-and-the-importance-of-silence/

Tác giả