Rembrandt và Saskia: Thiên tình sử vượt thời gian

Trong năm 2019 này, những cuộc triển lãm kỉ niệm 350 năm ngày mất của Rembrandt được tổ chức trên khắp đất nước Hà Lan. Và nằm ở trung tâm mỗi cuộc triển lãm ấy là những bức chân dung chàng vẽ người vợ trẻ – như một ghi dấu cho cuộc hôn nhân ngắn ngủi và bất hạnh giữa hai người.


 Chân dung tự họa của Rembrandt khi còn trẻ, được biết đến với tên “Chân dung tự họa với mái tóc rối”, vẽ năm 1628 (trái) và bức chân dung Saskia đội mũ đỏ vẽ năm 1642 (phải). Nguồn: Thư viện nghệ thuật Bridgeman/Alamy

Những nét vẽ của tình yêu

Rembrandt đặt cọ vẽ Saskia van Uylenburgh lần đầu tiên vào mùa hè năm 1633, ba ngày sau lễ đính hôn. Người vợ tương lai của chàng được khắc họa như một hiện thân cho sự quyến rũ về tinh thần. Nàng mỉm cười với chàng từ bên dưới vành mũ rơm, vành môi tươi tắn, mái tóc để rối tự nhiên, và ánh nhìn ngời lên vẻ thông minh hài hước. Trên tay nàng cầm một bông hoa, trên vành mũ rộng của nàng kết bện nhiều hoa hơn nữa, có lẽ đều là những đóa hoa do vị hôn phu của nàng mang tới tặng. Rất sớm thôi, nàng sẽ thành thân với con người kì diệu phi thường kia, kẻ đang ngồi rất gần nàng, ngay phía bên kia bàn – người họa sĩ danh tiếng nhất của thành phố Amsterdam.

Bức hình vẽ Saskia lập tức được trưng bày vào tháng sáu năm đó, tại phòng triển lãm của Hendrick van Uylenburgh, người anh họ lớn tuổi của Saskia, đồng thời cũng là đại lý môi giới chính của Rembrandt. Đây cũng là cơ ngơi chàng họa sĩ đang sống và làm việc. Một vài kiệt tác đầu tay của chàng đã được hoàn thành trong tòa nhà lớn bốn tầng lừng lững bên bờ kênh Amstel này; trong đó không thể quên nhắc tới tác phẩm đầy tính nổi loạn Bài học giải phẫu của bác sĩ Tulp. Số tiền hoa hồng có được từ việc bán tuyệt tác kiệt xuất này đã đem lại cho Rembrant sự giàu có và danh tiếng. Ngay sau khi nắm trong tay số tiền bán tranh khổng lồ, Rembrant đã phóng tay mua một căn nhà xa hoa trên con phố hiện tại mang tên Jodenbreestraat. Chính tại nơi này, chàng sẽ vẽ Saskia hết lần này qua lần khác, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đau thương của cuộc hôn nhân của họ. Những bức phác thảo bằng bút và mực, được kí họa tức thời trong sự tập trung cao độ, sẽ được tìm thấy thêm trong một tập lưu trữ sau khi người họa sĩ qua đời. Chúng hệt như những trang nhật kí riêng tư nhất chàng còn để lại. Và cùng với hàng trăm bức tranh khắc gỗ (không nghi ngờ gì, có thể được xếp vào hàng vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật), những bản vẽ này cũng đã được ra mắt công chúng trong vào 2019 này – Năm kỉ niệm Rembrandt. 

Đã 350 năm kể từ ngày Rembrandt từ trần ở tuổi 63, trong nghèo túng, sự suy vi của ông cũng kịch tính chẳng kém gì con đường bước lên đỉnh cao danh vọng ông từng đi trước đó. Thứ pháp thuật thô sơ ông nắm giữ chẳng mấy chốc đã trở nên lỗi thời trong mắt người Hà Lan, và giống như Mozart, cuối cùng, ông kết thúc cuộc đời mình nơi nghĩa trang của một trại tế bần. Nhưng rồi Rembrandt được phục sinh; và lần này, ông trở lại trong tư cách một người chớp bắt thiên tài gương mặt con người, với đầy đủ những đổi thay hỉ, nộ, ái, ố qua từng trải nghiệm; hay nói đúng hơn, trong tư cách một người ghi chép tức thời hành trình vô tận của một trái tim đã nếm trải đủ đầy cả tình yêu, khổ đau, tuyệt vọng và cả những xúc cảm khó gọi thành tên. Van Gogh từng chia sẻ, sẵn sàng đánh đổi mười năm cuộc đời để có được trọn vẹn hai tuần chỉ ngồi ngắm bức Cô dâu Do Thái, và cho rằng: “Rembrandt nói những điều mà không một thứ ngôn ngữ nào làm nổi”.

Cô dâu Do Thái – bức chân dung một cặp vợ chồng người Hà Lan trong ngày cưới, bàn tay chàng đỡ lấy bầu ngực nàng, tay nàng đặt nhẹ lên tay chàng, trong một cử chỉ yêu thương tôn trọng nhau tuyệt đối – sẽ trở thành điểm sáng trong tất cả các buổi triển lãm tưởng nhớ Rembrandt, mở màn là triển lãm tại bảo tàng Rijks vào tháng hai vừa rồi, với 22 tranh vẽ cùng toàn bộ di sản tranh khắc ông để lại. Bắt đầu từ Amsterdam, và sau đó là một chuỗi sự kiện triển lãm quan trọng khác – tại quê hương Leiden của ông, Delft, Dordrecht, Leeuwardeb và The Hague; những bức tranh thực hiện cuộc hành trình dài trên những chuyến tàu dọc chiều dài đất nước. 

Với riêng tôi, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Rembrandt và Saskia tại bảo tàng Fries, phía bắc thành phố Leeuwarden, ghi dấu một ấn tượng mạnh mẽ hơn cả: một bức họa riêng tư về cuộc hôn nhân của người họa sĩ. Rembrandt kết hôn với Saskia năm 1634, khi chàng vừa tròn 28 tuổi; và nàng qua đời khi chàng mới bước sang tuổi 36; để lại cho chàng một đứa con trai cùng nỗi đớn đau tột cùng tới mức người họa sĩ dừng việc vẽ tranh sơn dầu suốt vài năm sau đó. Ta sẽ hiểu được nỗi mất mát chàng phải gánh chịu lớn lao đến nhường nào, nếu ngắm nhìn những bức họa Saskia ngập tràn trong hạnh phúc lứa đôi được chàng vẽ (đa phần) trước khi nàng qua đời. Những bức tranh, ấy chính là trái tim người nghệ sĩ.

Leeuwarden là quê hương của Saskia. Một Amsterdam thu nhỏ với những cây cầu vòm và những con phố hẹp nơi bạn có thể tản bộ hàng giờ không chán. Saskia được sinh tại nơi này vào năm 1612, là con gái út của Rombertus van Uylenburgh – vị luật sư hàng đầu đồng thời là thị trưởng thành phố – vào thời đó còn là kinh đô của vương quốc Frisia. Dù sinh ra trong nhung lụa nhưng nàng lớn lên hết sức kiên cường: mất mẹ khi mới lên bảy và mất cha khi mới mười hai, được nuôi dưỡng trong vòng tay người chị gái. Nàng kiên quyết chối từ lời cầu hôn đầu tiên của vị chúa đất già vùng Frisia để đổi lấy món tiền lớn. Nàng kiên nhẫn chờ đợi, chăm chỉ học hành, giao lưu gặp gỡ nhiều nghệ sĩ và trí thức thời bấy giờ. Với tính cách ấy, chẳng có gì lạ lùng khi chàng trai lọt vào mắt xanh của nàng lại là Rembrandt, con trai người chủ cối xay, nổi loạn, hoang dã và bốc đồng ngay từ những bức chân dung tự họa. Hồi bấy giờ, chàng đã hoàn thành xong bức Chân dung tự họa với mái tóc rối (hiện đang trưng bày tại bảo tàng Rijks). Trong bức tự họa ấy, Rembrandt là một linh hồn đơn độc giữa rừng khuya, ánh mắt chàng đen hơn cả màn đêm đang bao phủ xung quanh. Chàng đặt mình chính vào nơi đường ranh giới giữa màn đen ấy với một luồng sáng làm ánh lên bờ má mịn màng cùng chiếc cổ áo ren trắng như muốn ngầm khoe khoang những món quà tuyệt vời từ da thịt và gấm vóc. Nhưng gần như mọi đường nét vẫn ẩn trong bóng tối, khiến gương mặt thật – hay có thể nói, căn tính đích thực của chàng – vẫn gần như không thể chạm tới được. Mỗi dàn dựng của Rembrandt là một dàn dựng che giấu. Bạn phải khổ công kiếm tìm chàng, và một khi tìm thấy, sẽ là một nỗi bất ngờ lớn thứ hai đang chờ bạn: bạn sẽ thấy chàng đang nhìn thẳng lại mình, chính bạn, chứ không ai khác, đang rơi vào tầm ngắm của đôi mắt ấy.

Khi ngắm nhìn những tác phẩm tự họa của Rembrandt, giờ đây đang được trưng bày rải rác ở khắp nơi trên đất Hà Lan, bạn sẽ nhận ra rằng gần như không một lúc nào chàng để mình hiện lên giống nhau qua từng bức chân dung. Những bức tranh hé lộ tính bất định nội tại ẩn sâu trong tâm thức – một nét đặc trưng của tâm hồn chàng; được biểu thị qua một hình dong ngoại hiện liên tục biến chuyển và không khi nào cố định. Đó là những phẩm chất khiến Rembrandt trở nên ‘rất người’, mượn lại cách nói của Shakespeare.

Và một nét đặc thù dễ phát hiện trong những bức họa Saskia của chàng cũng chính là ở lối miêu tả mang tính bất định này. Mỗi ngày, nàng hiện lên một mới mẻ, không bao giờ trông giống nhau ở mỗi bức tranh. Bản phác thảo đầu tiên trao cho ta những hình dung đầu tiên nhất về nàng: vành môi xinh xắn đỏ mọng, chiếc cằm chẻ thanh mảnh mà cương nghị, đôi mắt tròn linh hoạt, mái tóc xoăn bồng bềnh. Trông nàng tinh nghịch và tình tứ trong những bức vẽ đầu tiên; nhưng lại tròn lẳn bụ bẫm trong bức tranh khắc tạc lại cảnh đôi uyên ương đang cùng soi gương… Trên cùng một tờ vẽ nháp, ta được nhìn đến tận năm bản phác thảo vẽ nàng – trẻ trung với mái tóc sáng màu chấm ngang vai, cặp lông mi cũng sáng màu như thế; hoặc tiều tụy đi vì âu lo, sống mũi cúi xuống trĩu nặng. Điều ấy khiến ta đặt ra một câu hỏi không tránh khỏi: vậy đâu là hình dong đích thực của nàng?

Có một bức chân dung Saskia không phải do Rembrandt thực hiện mà có khả năng cao là do Govert Flinck vẽ. Trong bức tranh này, nàng nhợt nhạt, nặng nề với mái tóc nâu vàng, chỉ riêng vành môi dưới căng mọng gợi cảm là không chút nào thay đổi. Nhưng vấn đề được đặt ra là: vậy đâu là giới hạn cho một hình dung cụ thể và trọn vẹn về nàng? Câu hỏi này chắc chắn sẽ một lần nữa được đặt ra khi bạn bước ngang qua bức chân dung Jan Lieven vẽ bạn mình là Rembrandt, cũng đặt ở bảo tàng Rijks, một bức họa hoàn hảo đến tuyệt vời dù vẫn có phần chật chội và hữu hạn so với nét hoang dã bứt phá được Rembrandt biểu đạt khi tự họa chính mình. Đâu là giới hạn cho những hình dung của chúng ta về Rembrandt?

Cái đẹp bất tử 

Căn nhà nơi họ từng chung sống ấy, giờ đây đã trở thành một bảo tàng tuyệt vời. Bước vào bên trong phòng làm việc, phóng tầm mắt qua cửa sổ, bạn sẽ thấy những con đường Rembrandt từng ngắm nhìn, hướng mắt ra phía một dòng nước chảy phía xa xa, và cảm nhận được từng tia sáng đã rọi chiếu cho chàng sáng tạo từng bức họa. Bước vài bậc thang nữa lên phòng ngủ của chàng và nàng, một bản kí họa hình nàng vẫn vương lại phía đầu giường. Đó là bản tốc họa hình nàng đang chống tay lên má suy tư; tưởng chừng chàng đang vội vàng ghi lại từng chuyển động nhỏ của cánh tay ấy, hệt như một cuốn phim chậm.

Sáu trong số chín căn phòng của tòa nhà được Rembrandt hiến dâng cho nghệ thuật. Saskia gần như không thể tách khỏi công việc của chồng: các sinh viên đến ở trên tầng áp chót, các trợ lí đi lại nhộn nhịp trong studio và dưới sảnh nườm nượp khách mua bán ra vào. Đến tận bây giờ, mùi dầu hạt lanh vẫn phảng phất khắp nhà, máy khắc vẫn hoạt động tốt, phòng đạo cụ vẫn ngổn ngang, và trong căn phòng sưu tầm lớn của Rembrandt vẫn chất đầy các loại sừng thú, vỏ sò, cành san hô được chàng nhặt nhạnh mang về trong ‘nỗi tò mò lớn lao riêng’. Dây phơi các bản in tranh khắc vẫn còn nguyên đó. Những bảng màu với đủ thứ nguyên liệu vẽ đắt đỏ. Rembrandt, người đã không tiếc bỏ tiền để có được cả bộ sưu tập tranh của Dürer, Holbein, Raphael và Titian, cũng không kiềm lòng được trước một con cá sấu nhồi bông hay một con ốc xà cừ. Chàng, phải nói, là một kẻ tiêu hoang đích thực.

Bảo tàng Rembrandt, Amsterdam. Nguồn: Alamy.

Trong tác phẩm Flora, được vẽ ngay trong năm đầu tiên sau ngày cưới của hai người, Saskia xuất hiện, trên tay cầm một nhành hoa, trên mình là chiếc váy lụa dài óng ả. Trông nàng vẻ như đang mang bầu, và đứa con đầu lòng của hai người, Rombertus – được đặt theo tên ông ngoại, qua đời ngay khi mới chào đời. Hai cô công chúa ra đời sau đó của cặp vợ chồng trẻ cũng chỉ sống được vài ngày ngắn ngủi. Nhưng đứa con thứ tư thì sống sót, và sau này cũng trở thành họa sĩ. Chúng ta biết đến Titus qua những bức họa sắc bén của Rembrandt về cậu con trai mình, tuyệt đẹp nhưng dường như lúc nào cũng vương vất chút buồn: cậu nhóc đang nhíu mày nhìn vở bài tập về nhà, gương mặt đăm chiêu như đang cố tìm câu trả lời; cậu nhóc trong vai một học trò nhỏ nơi phòng vẽ, một thiếu niên xinh xắn sau này sẽ trở thành quý ông mắt huyền có làn tóc sáng.

Rembrandt vẽ những con người thuộc ba thế hệ trong gia đình chàng nhiều đến nỗi gương mặt họ đã trở nên gần như không thể xóa nhòa: mẹ chàng, gầy gò xương xẩu, gương mặt đầy những nếp nhăn – đúng với hình dung về mẫu hình những cụ già trong Kinh Thánh hay trong huyền thoại cổ điển; chàng, vợ chàng, và cậu con trai của chàng – cả ba đều mang những nét tương đồng nhưng vô cùng cá biệt. Leeuwarden là nơi ba người lần đầu tái ngộ từ sau khi Rembrandt qua đời, trong một cuộc gặp gỡ lạ lùng qua những bức chân dung. Saskia mất vào năm 29 tuổi, chỉ vài tháng sau khi sinh Titus, vì bệnh lao phổi hay đậu mùa; và việc đứa trẻ sống sót là một điều kì diệu. Titus lớn lên giữa những bức tranh vẽ mẹ: đó là cách cậu hiểu về bà, là cách cậu hằng ngày nhìn thấy bà trong căn nhà, được lọc qua con mắt hội họa của người cha. Không gì bù đắp được nỗi đau mất Saskia, điều lớn nhất Rembrandt có thể trao tặng cho nàng trong suốt quãng đời còn lại là mọi cung bậc cảm xúc sâu xa nhất trong chàng: để mỗi lúc một thấu suốt và đồng nhất với nàng hơn từ ánh mắt đến tâm hồn.

Trong số rất nhiều kiệt tác ông để lại còn được lưu giữ ở Mauritshuis, bức chân dung Rembrandt đội chiếc mũ nồi cũ có lẽ là bức tự họa cuối cùng của người họa sĩ. Bức họa như ghi lại nỗi bi kịch mỗi lúc một thống khổ hơn suốt một đời người: gương mặt ảm đạm, trầm ngâm, sầu muộn, phảng phất nét hổ thẹn và đôi phần thất bại. Nhưng vẫn còn một bức tranh khác, hiếm thấy hơn, được giữ nguyên trên tường một lâu đài Đức suốt 250 năm. Đó là bức họa trác tuyệt về Saskia mà lần triển lãm này công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng. Bức tranh này cũng được bắt tay vẽ không lâu sau lễ thành hôn của hai người, nhưng phải đến tận năm 1642, sau khi nàng qua đời, Rembrandt mới thực sự hoàn thành. Chàng giữ tấm chân dung ấy bên mình không rời, lưu giữ nó giữa những đồ vật thân thương nàng để lại, cho tới khi sự kiệt quệ tài chính buộc Rembrandt phải bán dần bán mòn toàn bộ tác phẩm của mình. Bức chân dung được một người bạn cũ của chàng, nhà sưu tầm Jan Six, mua lại. Vào khoảng năm 1750, nó được chuyển tới Hesse-Kassel (Đức) và ở đó cho tới tận bây giờ, khi vừa được mang về Leeuwarden phục vụ cho dự án triển lãm. Không thể cưỡng nổi sức hút tỏa ra từ bức tranh này: Saskia khoác trên mình chiếc áo choàng nhung đỏ và vàng, đội chiếc mũ rộng vành đầy khiêu gợi. Trông nàng thật thanh tú với làn da sáng, bờ môi dưới sinh động gợi cảm, khuôn mặt sáng lên vẻ sắc sảo thông minh. Toàn bộ hình ảnh ấy gợi lại cảnh tượng đau buồn một tuần trước lúc Saskia qua đời, khi nàng chán chường lắc đầu và rằng, nàng đang thấy mình mất dần đi cả sự thông minh lẫn khiếu hài hước.

Món quà lớn mà người chồng trao lại được cho nàng là giúp Saskia nắm giữ được trọn vẹn từng khoảnh khắc mùa xuân, biến nó thành bất diệt. Sau giây phút Saskia lâm chung, chàng họa sĩ Rembrandt đã cài tặng nàng một chiếc lông đà điểu thanh lịch lên vành mũ, lại khẽ đặt vào tay nàng thêm một nhành hương thảo. Bởi hương thảo, ấy là loài cây tượng trưng cho lòng tưởng nhớ.□

Thái Hà dịch
Nguồn: “Rembrandt and Saskia: a love story for the ages”, Laura Cumming, www.the guardian.com

Một trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị trong năm 2019 này là việc diễn ra hai lễ kỉ niệm đặc biệt lớn của hai danh họa vĩ đại nhất trong làng hội họa: Rembrandt van Rijin và Leonardo da Vinci. Trong năm nay, ‘một cuộc chiến nghệ thuật’ đã thực sự diễn ra giữa các bảo tàng, với một bên là chuỗi trưng bày kỉ niệm 350 năm ngày mất của Rembrandt tại Hà Lan, và một bên là lễ kỉ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo đang diễn ra tại Phòng sưu tầm và Thư viện hoàng gia Anh cùng sự kiện triển lãm lớn được tổ chức tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Nhưng một trong hai, đâu sẽ là lễ kỉ niệm gây được tiếng vang và có được thành công lớn hơn? Theo nhiều học giả, lựa chọn lễ kỉ niệm Rembrandt có vẻ như là một đặt cược thông minh. Nghệ thuật của ông lôi cuốn, bi thương, và hướng nội. Những bức chân dung ông vẽ có thể đặt ngang hàng với những kiệt tác nghệ thuật như ‘Vua Lear’. Ông là họa sĩ của những linh hồn u tối. Ngược lại, Leonardo giống như một ngôi sao nhạc pop, vẫn còn sức khuấy đảo thị trường đến tận 500 năm sau khi đã qua đời – và liệu rằng bạn có nhận ra được chút quyền lực áp chế nào từ sự thống trị ấy? Quả không khó để hình dung ra cảnh từng đoàn khách du lịch xếp hàng đợi được trải nghiệm ngắm chạm vào bức họa nàng Mona Lisa trên màn hình smart-phone, nhưng thực sự không có nhiều chốn để bạn có thể dừng lại trầm ngâm suy tưởng trong mong mỏi kiếm tìm một sự giao kết tinh thần sâu xa với người họa sĩ Rembrandt. (Jonathan Jones)

Tác giả