Sibelius và Phần Lan là một

Với sự nghiệp của mình, nhà soạn nhạc Jean Sebelius đã trở thành một phần không thể tách rời của đất nước Phần Lan.


Nhà soạn nhạc Jean Sibelius qua nét vẽ của họa sĩ Favén. Nguồn: Wikipedia

Tại một vài thời điểm nhất định trong lịch sử đất nước mình, một số nhà soạn nhạc với những tác phẩm bất hủ bất ngờ đóng những vai quan trọng trong đời sống chính trị tại quê hương. Giuseppe Verdi là một ví dụ như vậy. Vào giữa thế kỷ 19, ông là nguồn cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc chống lại Áo đang cai trị nước Ý bị chia cắt. Những vở opera của Verdi, đặc biệt là Nabucco với hợp xướng “Va’ pensiero”  được coi là biểu hiện thầm kín của chủ nghĩa yêu nước mà sau này đã thổi bùng lên cuộc cách mạng dẫn tới sự thống nhất của Ý vào năm 1848. Dưới góc độ này, không một nhạc sĩ nào có được mối liên hệ chặt chẽ với những biến động chính trị tại quê hương như nhà soạn nhạc người Phần Lan Jean Sibelius. Ông đã đóng góp âm nhạc của mình vào cuộc đấu tranh lâu dài của Phần Lan khỏi ách thống trị của đế quốc Nga và trước đó của Thụy Điển kéo dài hàng thế kỷ. Phần Lan cuối cùng đã giành được độc lập vào ngày 6/12/1917.

 

Di sản lịch sử và di sản nghệ thuật

 

Cuộc chiến giành độc lập của bất kỳ quốc gia nào đều không hề dễ dàng, nhưng người Phần Lan đã phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt, dễ làm nản lòng thoái chí vào thời điểm Sibelius ra đời vào cuối thế kỷ 19. Thụy Điển đã cai trị đất nước từ thế kỷ 13 đến năm 1809 khi nước Nga tiếp quản và thiết lập Phần Lan thành một đại công quốc tự trị. Ngôn ngữ chính thức của đất nước lúc bấy giờ là tiếng Thụy Điển. Hầu hết tầng lớp trung và thượng lưu đều biết rất ít tiếng Phần Lan vốn được coi là ngôn ngữ của giai cấp lao động. Phần Lan cũng có những câu chuyện dân gian xưa cũ nhưng không được viết ra và chỉ được truyền miệng, chủ yếu bằng tiếng Thụy Điển. Hầu như không có âm nhạc Phần Lan, ngoài âm nhạc dân gian và các bài thánh ca của nhà thờ Luther.

Hàng trăm năm bị ngoại bang đô hộ đã khiến người dân Phần Lan khao khát đào sâu hơn cội nguồn của chính mình với tư cách một dân tộc. Trong cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 18, những nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ tuổi đã quyết tâm khám phá – và nếu cần, tạo ra – một di sản nghệ thuật đặc trưng của Phần Lan. Và họ làm việc không ngơi nghỉ để truyền bá các sản phẩm này tới người dân.

Jean Sibelius chào đời, lớn lên và sáng tác âm nhạc trong bối cảnh đất nước như vậy. Ông sinh ngày 8/12/1865 tại Hämeenlinna, cách Helsinki khoảng trăm cây số về phía Bắc, trong một gia đình nói tiếng Thụy Điển. Với tài năng âm nhạc thiên phú, trí tưởng tượng bay bổng, tình yêu văn học và niềm đam mê với vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương, Sibelius dường như đã được định mệnh sắp đặt để “ghi chép lại một cách sống động và chân thực bản chất, lịch sử và huyền thoại của dân tộc mình”.

Ông đã tìm thấy niềm cảm hứng âm nhạc của mình trong Kalevala, một tuyển tập hàng nghìn câu thơ cổ về những người anh hùng Phần Lan được xuất bản lần đầu năm 1835, tác phẩm được coi là sử thi của đất nước ông. Với những người Phần Lan trẻ, đó là suối nguồn sáng tạo của đất mẹ, là bàn đạp để tạo nên bản sắc dân tộc của quê hương mình. Ngày 28/4/1892, ông trình diễn Thơ giao hưởng Kullervo, Op. 7 cho giọng nam trung, nữ cao, hợp xướng nam và dàn nhạc dựa trên Kalevala tại Helsinki và giành được sự đón nhận vang dội. Lần đầu tiên, khán giả Phần Lan được nghe âm nhạc mang âm hưởng Phần Lan. Như nhà soạn nhạc Oskar Merikanto đã nhận xét: “Chúng tôi nhận ra [giai điệu] là của riêng chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi chưa bao giờ nghe chúng trước đó”. Nhà văn, nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ Glenda Goss đã viết trong cuốn Sibelius: Cuộc đời nhà soạn nhạc và Phần Lan thức tỉnh: “Sự xuất hiện của câu chuyện Kullervo trong âm nhạc là một việc làm táo bạo phi thường”. Trên thực tế, Sibelius không bao giờ trích dẫn rõ ràng âm nhạc dân gian Phần Lan trong các tác phẩm của mình, nhưng màu sắc và hình thái đó vẫn hiện hữu rõ ràng trong những tác phẩm lấy cảm hứng từ Kalevala (Karelia và Lemminkäinen) hay các bản giao hưởng thời kỳ đầu.


Một bản thu âm Finlandia, Op 26

Với Karelia, một tác phẩm khác cũng có nguồn gốc từ Kalevala mà Sibelius sáng tác theo đề nghị của Hiệp hội sinh viên Viipuri, chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước của Sibelius được đẩy lên một nấc thang mới. Tác phẩm được ca ngợi là không chỉ lấy cảm hứng từ Phần Lan mà nó hoàn toàn là về Phần Lan. Karelia đã kết hợp được những giai điệu đồng quê mộc mạc với những khoảnh khắc hùng vĩ, tráng lệ phản ánh chân thực cuộc sống bình dị, vất vả và lòng yêu nước nồng nàn của người dân quê hương. Ngày nay, Karelia là một trong số những bản nhạc được biểu diễn nhiều nhất của Sibelius. Từ tác phẩm gốc ban đầu, Sibelius soạn lại thành hai tác phẩm nhỏ hơn: Overture Karelia, Op, 10Tổ khúc Karelia, Op. 11.

Tháng 2/1899, Sa hoàng Nicholas II của nước Nga ban hành “Tuyên ngôn tháng Hai” trong đó hạn chế quyền tự trị của đại công quốc Phần Lan. Điều này đã khuấy động sự chống đối trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của văn hóa Phần Lan, những bức tranh với chủ đề phản kháng trở nên rất phổ biến. Sibelius cũng muốn đóng góp phần của mình vào các cuộc biểu tình. Ông đã sáng tác các tác phẩm cho giọng hát và dàn nhạc: Bài hát của Athens (Athenarnes sång)Băng vỡ trên sông Oulu (Islossningen i Uleå älv), đây đều là những bản nhạc khích lệ lòng yêu nước, chống lại sự áp bức của các thế lực bên ngoài với những hình ảnh có tính ước lệ cao như cuộc chiến chống lại kẻ địch của người anh hùng thành Athens Dexippos (trong Bài hát của Athens) hay dòng sông đóng băng là sự áp bức của nước Nga và hình tượng băng vỡ vụn đại biểu cho sự tự do, thoát khỏi gông cùm, xiềng xích (trong Băng vỡ trên sông Oulu).

Tái hiện lịch sử đất nước bằng âm nhạc

 

Trong năm 1899, Sibelius được mời sáng tác một số tác phẩm âm nhạc cho sự kiện “Lễ kỷ niệm báo chí”. Chương trình được quảng bá là để gây quỹ cho những người làm báo đã nghỉ hưu nhưng mục đích thật sự là để vận động tài chính cho một nền báo chí Phần Lan tự do. Để chuẩn bị cho việc này, Sibelius đã sáng tác một tác phẩm gồm 1 khúc dạo đầu và 6 hoạt cảnh âm nhạc miêu tả những sự kiện trọng đại của đất nước:

Sau Prelude mở màn, hoạt cảnh 1 bắt đầu với màn sương mù về truyền thuyết của Phần Lan lấy cảm hứng từ Kalevala “Bài hát của Väinämöinen (người anh hùng, nhân vật chính trong Kalevala”; hoạt cảnh 2 kể về việc đạo Cơ đốc được truyền tới Phần Lan; hoạt cảnh 3 Công tước John ở lâu đài Tukku nói tới John III người trở thành vua của Thụy Điển từ năm 1569-1592; hoạt cảnh 4 miêu tả cuộc Chiến tranh 30 năm 1618-1648; hoạt cảnh 5 Sự thù địch vĩ đại kể về cuộc xâm lược của quân đội Nga vào năm 1714-1721 và kết thúc tác phẩm là hoạt cảnh 6 nổi tiếng nhất Phần Lan thức tỉnh sôi động, trên thực tế không dựa trên một sự kiện xảy ra trong quá khứ mà là một cái nhìn lạc quan hướng tới tương lai của đất nước.

Phiên bản đầu tiên của tác phẩm (lúc này có tên gọi là Âm nhạc dành cho ngày Báo chí) được diễn ra vào ngày 3/11/1899 tại Nhà hát Thụy Điển, Helsinki với Helsinki Philharmonic Society dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Tác phẩm ngay lập tức chiếm được sự yêu mến của toàn bộ khán giả. Họ như được tiếp thêm sức mạnh khi chứng kiến một bức tranh lịch sử được vẽ bằng âm nhạc. Với hình ảnh bà mẹ Phần Lan đang ngồi trên xe kéo trên tuyết cùng với những đứa con của mình trong hoạt cảnh 5, bị Chiến tranh, Băng giá, Đói khát và Cái chết đe dọa, Sibelius đã sáng tác ra những giai điệu đen tối và bất hạnh nhất có thể tưởng tượng được. Hoàn toàn tương phản, hoạt cảnh cuối cùng Phần Lan thức tỉnh là hình ảnh đầy hào hùng, mạnh mẽ, một khúc khải hoàn ca, âm nhạc đạt đến đỉnh cao trong một tác phẩm chứa chan lòng yêu nước và tràn đầy tinh thần dân tộc bất khuất. Rõ ràng ở đây, ông không hề sáng tác nhằm miêu tả bất cứ một giai đoạn lịch sử nào trong quá khứ mà là khắc họa ý chí ngoan cường và tinh thần chiến đấu mãnh liệt của Phần Lan theo một cách khái quát nhất, một thông điệp tuyệt vời về hi vọng mà Sibelius gửi gắm tới khán giả quê hương.


Ngôi nhà ở Järvenpää bên hồ Tuusula hiện tại trở thành bảo tàng Sibelius. Nguồn: discoveringfinland.com

Sau những thành công vang dội, tác phẩm được yêu cầu biểu diễn lại nhiều lần, đặc biệt là Phần Lan thức tỉnh. Ông quyết định tách Âm nhạc dành cho ngày Báo chí thành các tác phẩm độc lập. Hoạt cảnh số 1, 3 và 4 thành Cảnh lịch sử, Op 25 (Scènes historyque) và hoạt cảnh 6 là Finlandia, Op 26 (Phần Lan). Tên gọi Finlandia đến từ một gợi ý trong bức thư của một người ẩn danh. Sau này Sibelius mới được biết đó là nam tước Axel Carpelan, một người rất hâm mộ ông và sau này họ trở thành những người bạn thân.

Finlandia Op. 26, tác phẩm được đánh giá là biểu tượng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Phần Lan của Sibelius, đã được biểu diễn với tư cách độc lập lần đầu tiên vào ngày 2/7/1900 tại Helsinki với Helsinki Philharmonic Society do Robert Kajanus chỉ huy. Để tránh sự kiểm duyệt từ phía chính quyền Nga, để được trình tấu, tác phẩm phải được xuất hiện dưới những cái tên khác nhau tại từng buổi hòa nhạc, ví dụ như Cảm giác hạnh phúc khi đánh thức mùa xuân Phần Lan; Một bản hành khúc thánh ca Scandinavia hay thậm chí là Khúc tùy hứng (Impromptu). Phần lớn tác phẩm diễn ra trong một không khí sôi động, cuồng nhiệt, thậm chí là náo loạn, như thôi thúc người dân Phần Lan vùng lên giành lấy tự do nhưng phần cuối lại nhẹ nhàng, thiết tha và thành kính bởi bài Thánh ca Phần Lan đã vang lên. Đã có lúc, người ta bị nghi ngờ đoạn nhạc này dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian hoặc tôn giáo có sẵn trước đó nhưng đây hoàn toàn là một sáng tạo của Sibelius. Sau này, Sibelius cũng tách riêng phần Thánh ca Phần Lan biểu diễn như là một tác phẩm độc lập. Ban đầu nó không có lời nhưng sau đó đã có nhiều phiên bản lời hát khác nhau. Lời bài hát được dùng phổ biến nhất hiện nay là của nhà thơ Veikko Antero Koskenniemi, được sáng tác vào năm 1940. Trong đó có những đoạn: “Phần Lan hãy ngắm nhìn, ánh sáng ban ngày đang rực rỡ, sự đe dọa của ban đêm đã bị xua đuổi… ánh sáng bình minh đang tới, hỡi Phần Lan của chúng ta!… Phần Lan hãy trỗi dậy…”. Thánh ca Phần Lan được biểu diễn lần đầu vào ngày 7/12/1940, phiên bản trước đó với phần lời của Wäinö Sola, ca sĩ opera nổi tiếng người Phần Lan diễn ra vào 21/4/1838. Bản thân Sibelius ban đầu không hứng thú với việc đặt lời cho tác phẩm của mình. Ông từng phàn nàn: “Nó không được sáng tác để hát, nó được viết cho dàn nhạc. Nhưng cả thế giới muốn hát nó, tôi không thể giúp gì được”. Sau này, vào năm 1848, chính Sibelius đã soạn lại Thánh ca Phần Lan cho dàn hợp xướng hỗn hợp. Bản nhạc hay, hấp dẫn và ý nghĩa đến nỗi đã có những đề nghị chọn làm quốc ca của Phần Lan. Với sự ra đời của Finlandia, Sibelius đã trở thành người anh hùng của dân tộc.

Nữ nhạc trưởng người Phần Lan Susanna Mälkki nói: “Nếu bạn hỏi bất kì nhạc sĩ Phần Lan nào, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều cảm thấy một sự kết nối chặt chẽ tới Sibelius. Đó không phải là điều gì đó bị áp đặt, mà đó là nghĩa vụ quốc gia. Một tình yêu đích thực đối với âm nhạc của ông ấy. Tôi lớn lên với thứ âm nhạc này trước cả khi tôi biết được đó là của Sibelius. Đó là một thứ văn hóa rất, rất mạnh; chúng tôi có những bài hát Giáng sinh, những ca khúc đời thường. Và tất nhiên, những tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng… Nó ở khắp mọi nơi”.

Mặc dù những dấu ấn về lịch sử, văn hóa cũng như vẻ đẹp thiên nhiên của Phần Lan đã tạo cảm hứng cho rất nhiều những tác phẩm của Sibelius nhưng bản thân ông lại không muốn đưa ra bất cứ một sự miêu tả mang tính văn học hay lịch sử về âm nhạc. Nhưng rõ ràng, tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương Phần Lan đã tạo ra nguồn năng lượng dồi dào trong phần lớn các tác phẩm của ông. Ông đảm nhiệm vai trò của mình như một đại điện tiêu biểu cho văn hóa Phần Lan với sự kiêu hãnh, từ chối di tản khi Hồng quân Liên Xô xâm chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong suốt cuộc đời mình, ông nghiên cứu văn hóa dân gian Phần Lan nên Finlandia và những tác phẩm chứa đầy chủ nghĩa dân tộc của ông không chỉ đồng nghĩa với tinh thần yêu nước mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn về ý thức tự cường của dân tộc. Như nhạc trưởng người Estonia Neeme Järvi, người hiếm hoi hai lần ghi âm trọn bộ bảy bản giao hưởng của Sibelius, đã nêu lên cảm nghĩ của mình về nhà soạn nhạc tuyệt vời nhất trong lịch sử Phần Lan này: “Sibelius thực sự là một nhà sáng tạo xuất sắc, chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm xem ông đã thực sự làm được những gì… Sibelius và Phần Lan cũng giống như Verdi và Ý vậy: nhà soạn nhạc và đất nước là một”.□

Tác giả