Tản mạn đôi điều về chữ Hán

Năm 1936 Lỗ Tấn trăng trối "Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước". Mao Trạch Đông sau cũng nói "Lối thoát của chữ Hán là Latin hoá". Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Hải Hoành bàn về vài mặt hạn chế của chữ Hán.

Dân tộc ta thời cổ không có chữ viết. Trong thời kỳ Bắc thuộc, tổ tiên ta đã mượn chữ của người Hán để dùng cho mình, nhưng không đọc theo âm Hán ngữ mà đọc theo âm tiếng Việt, và gọi là chữ Nho, tức chữ của người có học. Chữ Nho không ghi âm được tiếng Việt nhưng đã góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam suốt 2.000 năm cho tới đầu thế kỷ XX, khi nước ta bỏ chữ Nho, dùng chữ Quốc ngữ. Tuy vậy chữ Hán/Nho vẫn có vai trò quan trọng trong việc kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Hiện nay báo chí đang bàn nhiều về kiến nghị phục hồi dạy chữ Nho ở bậc học phổ thông và về Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020 dự định thí điểm dạy Hán ngữ như một trong ba ngoại ngữ bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12… Vì thế có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về chữ Hán.

Bài này chỉ bàn về vài mặt hạn chế của chữ Hán, không bàn về ưu điểm. Do trình độ non kém của tác giả, bài viết không tránh khỏi có sai sót, xin quý vị chỉ bảo.

Xét về tính chất, chữ viết hiện dùng của các dân tộc chia làm hai loại: chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideography) và chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonography). Phần lớn các hệ thống chữ viết đang được dùng trên thế giới hiện nay đều là chữ biểu âm, riêng chữ Hán chủ yếu ghi ý, không ghi âm. Người Hoa đọc chữ Hán theo các âm khác nhau tùy theo dùng phương ngữ (方言, dialect) nào. Trung Quốc (TQ) hiện có bảy phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ. 70% người TQ dùng phương ngữ miền Bắc, sáu phương ngữ còn lại của miền Nam. Hiến pháp TQ quy định toàn dân đẩy mạnh sử dụng tiếng Phổ thông (Standard Mandarin), lấy âm tiếng Bắc Kinh làm chuẩn.

Như chữ viết của các dân tộc khác, ban đầu chữ Hán là chữ tượng hình (pictography), một dạng thô sơ của chữ biểu ý, sau đó hoàn thiện dần. Ở chữ Hán, hình vẽ biến thành các nét vẽ, tức nét chữ; chúng được sắp xếp với nhau theo quy tắc nhất định, hình thành chữ, mỗi chữ nằm trong một ô vuông, vì thế còn gọi là chữ vuông (block word).

Chữ Hán có đặc điểm nhìn chữ không đọc được âm, không hiểu được nghĩa; học chữ nào phải thuộc lòng chữ ấy. Ngô Văn Siêu, chuyên gia TQ từng dịch 25 năm ở Liên Hợp Quốc nói: so với các ngôn ngữ dùng chữ biểu âm, chữ Hán rất khó học, không có hiệu suất và quá già cỗi, không thích hợp với một thế giới số hóa, toàn cầu hóa. Học viện Dịch vụ Ngoại giao Mỹ coi chữ Hán là loại chữ khó học nhất với người nói tiếng Anh. Các nhà Nho nổi tiếng ở ta cũng đều nói chữ Nho “khi dùng được chữ thì trán đã nhăn, lưng đã còng” (Vũ Bội Liêu), “học cho đến chết cũng chưa nhớ nổi một phần ba ”, “người có tài trí phải mất đi tinh lực nửa đời người dùi mài vào cái học ấy, không còn thì giờ và tâm trí để học những cái khác”.1

Vì sao chữ Hán khó học?

Bỏ qua phần nói về văn ngôn, chúng tôi thấy chữ Hán khó học, khó dùng, chủ yếu bởi mấy lẽ:

Có quá nhiều chữ

Hiện chưa có số liệu chính xác về tổng số chữ Hán. Thời Ân – Thương có khoảng 2.000 chữ; thời Hán, sách Thuyết văn giải tự lần đầu thu gom được 9.353 chữ. Sách Ngọc thiên (thời Nam Triều) – 16.917 chữ; sách Tập Vận (đời Tống) -53.525; Khang Hy Tự điển (đời Thanh) – 47.035; Trung Hoa Tự hải (1994) -85.568; Tiêu chuẩn Nhà nước TQ GB18030 (2005) -70.217. Từ điển Tân Hoa online – 20.959 chữ. Kho chữ Hán của Công ty Thiết bị Tư vấn Quốc An Bắc Kinh (kho chữ đầy đủ nhất ở TQ hiện nay) đã nhập được 91.251 chữ có xuất xứ và đã qua kiểm định.

Sau đây chỉ bàn về những chữ thường dùng đã được Nhà nước TQ chuẩn hóa và ghi trong Bảng chữ Hán quy phạm thông dụng công bố ngày 18/6/2013, là quy phạm kèm theo bộ Luật Ngôn ngữ văn tự thông dụng nhà nước của nước CHND Trung Hoa. Bảng này được làm từ tháng 4/2001, sau 80 cuộc họp, hơn 3.000 lượt chuyên gia tham gia, sửa hơn 90 bản thảo mới ra văn bản cuối cùng, có tính chuẩn mực, tính hiện đại và tính thông dụng. Nhằm ổn định việc dùng chữ trong xã hội, bảng này không phục hồi chữ phồn thể. Bảng gồm 8.105 chữ giản thể, chia ba cấp. Cấp 1 có 3.500 chữ, đáp ứng nhu cầu dùng chữ của giáo dục cơ sở và phổ cập văn hóa. Cấp 2 gồm 3.000 chữ có mức độ sử dụng phổ biến chỉ kém cấp một. 6.500 chữ nói trên đáp ứng nhu cầu dùng chữ của việc xuất bản các văn bản Hán ngữ hiện đại, là những chữ có tần suất sử dụng cao chọn từ chữ của chín Kho Ngữ liệu lớn. Cấp 3 gồm 1.605 chữ thông dụng trong các lĩnh vực như họ tên, địa danh, thuật ngữ khoa học kỹ thuật và văn văn ngôn trong giáo trình ngữ văn trung-tiểu học, đáp ứng nhu cầu dùng chữ của các ngành có quan hệ mật thiết với đời sống đại chúng và phổ cập văn hóa. Tài liệu TQ nói: biết 3.500 chữ cấp 1 là có thể đọc sách báo Hán ngữ hiện đại; tốt nghiệp tiểu học phải biết 3.000 chữ; công dân cần biết 6.500 chữ. Tình trạng có quá nhiều chữ Hán đã gây khó khăn lớn cho người học. Người bình thường khó nhớ được âm và nghĩa của 3.500 chữ cấp 1; viết chữ lại càng khó. Giáo sư triết học Trương Quảng Chiếu ở Bắc Kinh nói ông chỉ viết được 3.000 chữ. Tác giả bài này không nhận được mặt chữ của nhiều chữ cấp 2 và hầu hết chữ cấp 3!


Do chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý, mỗi chữ biểu thị ít nhất
một “ý”, hoặc mỗi “ý” cần biểu thị bằng một chữ nên bao nhiêu
chữ cũng chưa đủ. Trong ảnh: Một loại mỳ sợi tỉnh Thiểm Tây
xưng danh bằng chữ [biáng] 56 nét, không có trong từ điển.

Chúng tôi cho rằng người ta phải tạo ra nhiều chữ chủ yếu do chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý. Chữ biểu ý được tạo ra theo nguyên tắc mỗi chữ biểu thị ít nhất một “ý” (idea), hoặc mỗi “ý” cần biểu thị bằng một chữ. Trên thực tế số lượng “ý” nhiều vô kể, bao nhiêu chữ cũng chưa đủ.

Loài người ngày càng khám phá nhiều cái mới, đời sống ngày càng phong phú, buộc phải tạo thêm chữ Hán mới. Năm 1921 khi viết truyện Cố Hương, Lỗ Tấn đã tạo chữ 猹 [chá] để chỉ con Tra, một loại chồn ăn dưa. Sau khi tiếp xúc với phương Tây, người TQ đã tạo nhiều chữ để gọi tên các khái niệm mới. Như khi người Đức mở nhà máy rượu bia ở Thanh Đảo, người ta tạo chữ 啤 [pí] để chuyển ngữ chữ beer. Năm 1917 nhà thơ Lưu Bán Nông tạo ra chữ 她 [ta] khi ông dịch chữ she trong một kịch bản của Anh Quốc. Ông đã dùng 她khi viết bài thơ tình nổi tiếng Sao tôi không nhớ nàng. Về sau ông lại tạo chữ 它 [ta] để chỉ ngôi thứ ba giống trung, ứng với chữ it tiếng Anh. 她 và 它 đã nhập khẩu khái niệm giống (gender) trong ngôn ngữ phương Tây vào ngôn ngữ TQ quen trọng nam khinh nữ, là một sáng tạo có giá trị nhân văn. Tiếc rằng 他, 她, 它đều đọc cùng âm [ta], nếu chỉ nghe đọc mà không nhìn chữ thì khó biết giống của ngôi thứ ba ấy. Năm 1953, GS Sái Phương Am tạo chữ 砼 [tóng] (Đồng) cấu tạo bởi ba chữ人Nhân, 工Công, 石Thạch, nghĩa là đá nhân tạo thay cho từ 混凝土 [hùn níng tǔ] chỉ bê-tông, nhằm giảm nét chữ từ 30 còn 10… Những chữ mới nói trên đều được Nhà nước công nhận.

Lẽ ra phải hạn chế lượng chữ cho hợp với khả năng nhớ của bộ óc, nhưng người xưa lại cho rằng tạo càng nhiều chữ càng tốt. Rốt cuộc kho chữ Hán chứa rất nhiều chữ hầu như không dùng tới. Sau năm 1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông từng chủ trương bỏ bớt một số chữ.

Như có chữ 有 [yǒu] (Hữu, có) rồi thì chỉ thêm chữ 没 [méi] (Một, không) là thể hiện được ý “không có” (没有), hoặc dùng chữ 無 [wú] (Vô, không). Nhưng lại tạo thêm chữ冇 [mǎo] (Mão, không có). Khái niệm “già”, đã có chữ 老 [lǎo] (Lão), lại còn tạo chữ 耄 [mào] (Mạc, già 80-90 tuổi), và chữ 耋 [dié] (Điệt, già 70-80 tuổi]. Nếu mỗi trạng thái già biểu thị bằng một chữ riêng, thì cần bao nhiêu chữ? Cái chết dùng chữ死 [sǐ] (Tử) là đủ, lại vẽ ra chữ 薨 [hong] (Hoăng) để biểu thị cái chết của người làm quan to. Lá chè hái muộn gọi là 荈 [chuǎn] (Suyễn). Chó nhiều lông gọi là 尨 [máng] (Mang). Bò và ngựa lang đen trắng có tên riêng là 牻 và 駹, đều đọc [máng] (Mang). Núi đồi trọc dùng 秃山 [tu shan] (Thốc Sơn) là đủ, lại tạo thêm một chữ đồng nghĩa 屺 [qǐ] (Kỉ). Khái niệm “ba cái” dùng 三个[san ge] (Tam Cá) là được, lại tạo thêm chữ đồng nghĩa 仨 [sa] (Ta)…

Cả thế giới có hàng triệu địa danh, thế nhưng lại tạo chữ riêng để gọi. Như 鄞 [yín] (Ngân) là tên một huyện ở Chiết Giang, 涑 [sù] (Tốc) tên một con sông ở Sơn Tây; 嶧 [yì] (Dịch) tên một ngọn núi ở Sơn Đông… Thậm chí một loại mỳ sợi tỉnh Thiểm Tây xưng danh bằng chữ [biáng] 56 nét, không có trong từ điển.

Rất nhiều ví dụ như trên cho thấy tình trạng tạo chữ Hán ở thời xưa không có quy tắc nghiêm chỉnh, không khoa học, thiếu logic. Về sau, khi thấy cần phải hạn chế số chữ, người ta đã tìm cách dùng chung những chữ cũ nhưng gán thêm ý mới. Như dùng cách giả tá để tạo chữ mới mà không cần thêm chữ có tự dạng khác. Song như vậy lại phát sinh những rắc rối mới.

Nhiều chữ có quá nhiều nét

Chữ Hán cấu tạo bởi các đơn vị nhỏ nhất là nét (筆畫 stroke). Có tám nét cơ bản: chấm, ngang, sổ, phẩy, mác, hất, gập, móc.

Phần lớn chữ Hán có nhiều nét, hình dạng chữ phức tạp, khó nhớ khó viết. Trong bảng 2.000 chữ thường dùng công bố năm 1952 (quy định lượng chữ Hán tối thiểu cho người biết chữ), bình quân mỗi chữ có 11-12 nét, song có đến 221 chữ có hơn 17 nét. Đều là chữ giản thể mà vẫn còn nhiều nét như thế, thực sự khiến người ta ngại học.

Trong 3.500 chữ cấp 1 của Bảng chữ Hán quy phạm thông dụng chỉ có ba chữ một nét: chữ 一 [yi] (Nhất), chữ丨có bốn âm đọc [gǔn], [shù], [yī], [tuì], và chữ 乙 [yǐ] (Ất). Còn lại 19 chữ hai nét, 52 chữ ba nét, 116 chữ bốn nét, 158 chữ năm nét, 251 chữ sáu nét… Một số chữ quá nhiều nét: chữ 矗 [chù] (Xúc, đứng thẳng) 24 nét, 蠼 [qú] (Cù, tên một loài côn trùng) 26 nét; thậm chí như chữ 齉 [nàng] (Náng, ngạt mũi) có đến 36 nét. Trong Tiêu chuẩn Nội mã Nhà nước GBK (Chinese Internal Code Specification) còn ghi nhận một chữ 48 nét, cấu tạo bởi ba chữ Long phồn thể (mỗi chữ 16 nét), đọc [dá] (sự bay của cả đàn rồng). Một số chữ tạo ra bằng cách đơn giản xếp chồng cùng một chữ, như 姦 [jian] (Gian, gian dối), 掱 [pá] (Vát, kẻ móc túi)… Chữ nhiều nét nhất có 64 nét, ghép bởi bốn chữ Long (hai trên, hai dưới), đọc [zhé], (lải nhải, lắm điều).

Các nét sắp xếp rất phức tạp, gây khó cho việc viết và phân biệt chữ. Như trong chữ曰 [yue] (Viết), nét ngang không chạy hết khung vuông mà chừa lại một khoảng cách rất nhỏ, khó phân biệt với chữ日 [rì] (Nhật). Bộ 臼 ở ba chữ cùng đọc [jìu]: 臼 (Cựu),桕 (Cựu), 舅(Cữu) có cấu tạo hai nét ngang trong ô vuông cách nhau một cự ly quá nhỏ rất khó tạo được khi viết chữ nhỏ. Chữ 丐 [gài] (Cái) khác 丏 [miǎn] (Miễn) ở một nét gập cực ngắn nên rất dễ nhầm với nhau. Do các nét quá gần nhau nên chữ nhiều nét không thể viết nhanh, viết nhỏ được, và đọc rất hại mắt. Ở thời đại in bằng bản khắc gỗ, chữ in ra thường mất nét.

Vì viết chữ trên mai rùa hoặc thẻ tre rất mất công, người xưa đã tìm cách bớt nét chữ. Từ đầu thế kỷ XX, giới học giả đưa ra nhiều phương án giảm nét chữ. Sau năm 1949, nước CHND Trung Hoa đã thực hiện thành công việc đơn giản hóa chữ Hán: Năm 1956 công bố 515 chữ giản thể. Năm 1986, công bố 2.235 chữ giản thể. Năm 2013 công bố Bảng chữ Hán quy phạm thông dụng có kèm theo Bảng đối chiếu chữ Quy phạm với chữ phồn thể và chữ dị thể.

Có quá nhiều chữ đồng âm

Chữ đồng âm tức chữ cùng âm nhưng khác mặt chữ và nghĩa, vì thế khi nghe đọc rất dễ hiểu nhầm ý, viết nhầm chữ. Như 越, 粤 đọc cùng âm [yuè] (Việt), nếu không nhìn mặt chữ sẽ dễ lẫn lộn giữa tên riêng tỉnh Chiết Giang với tên riêng tỉnh Quảng Đông.

Chúng tôi thử thống kê theo Tân Hoa Tự điển bản in 2006, thấy chỉ có 21 chữ không có chữ đồng âm, như 给 [gěi], 能 [néng],日 [ri],…; 10 âm có hai chữ đồng âm và bảy âm có ba chữ đồng âm. Còn lại đều có ít nhất bốn chữ đồng âm. Những âm có nhiều chữ đồng âm nhất là: âm [yi] có 147 chữ, âm [xi] – 123, [ji] -122, [yu] -118, [zhi] – 96, [li] -86, [shi] – 79, [wei] -70, [ju] – 68, [bi] – 66, [wu] – 64, [jie] – 61, [jiao] -60, [xian] – 57…

Theo chúng tôi, sở dĩ có nhiều chữ đồng âm là do Hán ngữ quá nghèo âm tiết. Trong khi đó, kho chữ lại có quá nhiều chữ, vì thế buộc phải tạo nhiều chữ đồng âm. Tài liệu TQ nói Hán ngữ cả bốn thanh điệu có khoảng 1.200 âm tiết. Chúng tôi thấy trong Tự điển nói trên, toàn bộ chỉ có 415 âm tiết; tính cả bốn thanh điệu thì cũng không quá 1.200 âm tiết. Nếu chia 91.251 (tổng số chữ Hán) cho 1.200 âm tiết, bình quân mỗi âm có hơn 70 chữ đồng âm.

Theo chúng tôi, tình trạng có quá nhiều chữ đồng âm là hậu quả tất nhiên của chữ biểu ý, bởi lẽ số âm tiết con người có thể phát âm được thì quá ít so với lượng chữ cần tạo ra.
Tình trạng lạm phát chữ đồng âm đã mang lại lắm rắc rối. Khi nghe nói, nghe hát, người nghe rất dễ hiểu nhầm ý nghĩa chữ. Ví dụ 怎麽辦 (làm thế nào) nhầm với 怎麽拌 (trộn thế nào); chữ 訂 (Đính) nhầm với 定 (Định), chữ灰 (Khôi, tro) nhầm với 恢 (Khôi, rộng lớn), chữ 坐 (Tọa, ngồi) nhầm với 座 (Tọa, chỗ ngồi)… Phim TQ thường phải thêm phụ đề chữ cho ca từ để không bị nghe nhầm. Khi đọc trên đài truyền thanh, truyền hình hoặc khi nói chuyện, nếu gặp chữ dễ gây nhầm lẫn, người nói phải giải thích cấu tạo chữ đó. Như khi nói tới họ Lý 李 [li], phải nói rõ đây là “木子李 Mộc Tử Lý” để người nghe hiểu đúng mà không nhầm với 86 chữ khác cùng âm [li]. Khi đánh chữ Hán bằng máy tính theo hệ abc, ví dụ chữ 亿 [yi], sau khi gõ yi, màn hình hiện ra 147 chữ cùng âm, phải dò từ 147 chữ ấy để lấy ra chữ 亿.

Có nhiều chữ đa âm đa nghĩa

Đa âm tức có ít nhất hai âm đọc. Sở dĩ nhiều chữ đa âm là do số chữ Hán tạo ra không đủ dùng, phải dùng chữ đã có nhưng gán cho nó âm đọc mới và nghĩa mới. Tài liệu TQ nói trong 3.500 chữ thường dùng có 250 chữ đa âm; hoặc chữ đa âm chiếm 16,7% kho chữ Hán; Tự điển Tân Hoa có hơn 600 chữ đa âm. Như chữ 参 có ba âm: [can] (Tham: tham gia, tham khảo), [cen] (Sâm: so le), [shen] (Sâm: nhân sâm). Chữ nhiều âm nhất là 和 có năm âm : [hé] (Hòa: hòa giải), [hè] (Họa: phụ họa), [huó] (Hòa: trộn, nhào), [huò] (Họa: 和稀泥 hòa giải vô nguyên tắc), [hú] (Hòa: Ù ván tổ tôm).

Chữ đa âm đa nghĩa còn gọi là chữ Phá âm 破音字. Như 給 dùng với nghĩa “cho” thì đọc [gěi], dùng với nghĩa “cung ứng” phải đọc [jǐ]. Chữ 數 có ba âm đọc là [shù], [shǔ], [shuò], mỗi âm có một nghĩa khác nhau, rất dễ đọc nhầm dùng nhầm.


Phần lớn chữ Hán có nhiều nét, hình dạng chữ phức tạp, khó nhớ khó viết.
Trong ảnh: Chữ 齉 [nàng] (Náng, ngạt mũi) có đến 36 nét
.

Cá biệt có chữ đa âm nhưng cùng nghĩa, như 誰 (Thùy, ai) đọc [shéi] hoặc [shuí] đều được. Một số chữ khi đứng trong các từ ngữ khác nhau thì phải đọc khác nhau nhưng nghĩa vẫn như nhau. Như chữ 血 (Huyết, máu) đọc [xiě] trong văn nói, nhưng đọc [xuè] trong văn viết.

Chữ có một nghĩa gọi là chữ đơn nghĩa, có từ hai nghĩa trở lên gọi là chữ đa nghĩa, tức có những nghĩa khác nhau khi nó đứng trong các từ ngữ hoặc câu khác nhau.

Thông thường đa nghĩa là do chữ có những âm đọc khác nhau. Chữ Hán khi mới tạo ra đều là chữ đơn nghĩa, nhưng trong quá trình sử dụng lâu dài, một số chữ dần dần trở thành đa nghĩa. Phần lớn chữ Hán hiện đại là chữ đa nghĩa.

Chữ đa âm đa nghĩa làm cho người ta nhìn chữ mà không biết đọc và hiểu thế nào, nhất là với chữ đơn độc, có khi gây hiểu lầm đáng tiếc. Năm 1957, TQ lập Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, đặt tên 广西僮族自治区 thì năm 1965 phải đổi chữ 僮 trong cụm từ đó thành chữ 壮. Lý do: chữ 僮 có hai âm đọc: [tóng] (Đồng: đầy tớ trẻ con, thằng nhỏ) và [zhuàng] , nên có thể gây hiểu nhầm là “dân tộc đầy tớ trẻ con” ; trong khi chữ 壮 chỉ có một âm [zhuàng] nên không thể đọc nhầm, hiểu nhầm.


Một số chữ tạo ra bằng cách đơn giản xếp chồng cùng một chữ, như chữ [dá]
(sự bay của cả đàn rồng), cấu tạo bởi ba chữ Long phồn thể (một trên, hai dưới,
tổng cộng 48 nét); hay chữ [zhé] (lải nhải, lắm điều),ghép bởi bốn chữ Long phồn thể
(hai trên, hai dưới), cũng là chữ Hán có nhiều nét nhất – 64 nét.

Phỏng đoán tương lai của chữ Hán

Ngôn ngữ là công cụ tư duy, và nó cũng phản ánh tư duy. Ngôn ngữ biểu ý có đặc điểm là muốn hiểu đúng thì phải nhìn mặt chữ, điều đó tạo ra thói quen coi nhẹ sự phân biệt âm đọc của chữ, tùy tiện tạo nhiều chữ đồng âm. Hán ngữ hơn 4.500 năm dừng lại ở giai đoạn dùng chữ biểu ý mà không chuyển sang chữ biểu âm như phần lớn các ngôn ngữ khác, điều đó thể hiện đặc điểm tư duy của người Hoa. Trên thực tế chữ Hán đã trải qua nhiều thăng trầm.

Trong hàng nghìn năm, người Hoa có tâm lý kính sợ “chữ Thánh hiền”, coi mỗi chữ đều là kết tinh trí tuệ của tổ tiên, chuyên chở và kế thừa truyền thống văn hóa của họ.

Cuối thế kỷ XIX, khi tiếp xúc với phương Tây, giới trí thức TQ thấy chữ viết của người ta quá dễ học, nhờ thế phần lớn dân biết chữ, dân trí cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến, dân giàu nước mạnh. Ngược lại, chữ TQ quá khó học, vì thế hầu hết dân mù chữ, ngu dốt, đất nước lạc hậu, yếu hèn, kết quả bị phương Tây bắt nạt. Thời phong trào Ngũ Tứ, các học giả tiên tiến và các lãnh tụ cộng sản TQ đổ lỗi tình trạng đó cho đạo Khổng và chữ Hán, chê chữ vuông là loại chữ “dã man, lạc hậu”. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Tiền Huyền Đồng nêu khẩu hiệu “Muốn phế bỏ Khổng học, không thể không trước tiên phế bỏ chữ Hán ” và yêu cầu toàn dân học tiếng Anh từ tiểu học, bỏ tiếng TQ2. Mao Trạch Đông nói chữ phồn thể là rào cản do giai cấp thống trị phong kiến đặt ra để độc quyền tri thức, ngăn cản nhân dân làm chủ tri thức.

Từ đó trở đi, giới tinh hoa TQ dốc sức cải cách chữ Hán. Đại để theo ba bước: – đơn giản hóa chữ Hán để xóa nạn mù chữ, – ghi âm chữ Hán để thống nhất âm đọc Hán ngữ trong cả nước, – thay chữ Hán bằng một loại chữ biểu âm để Hán ngữ hòa nhập với ngôn ngữ toàn thế giới.

Sau năm 1949, Chính phủ TQ tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Đã hoàn tất việc đơn giản hóa chữ Hán, nhiều chữ được bớt nét, trở thành chữ giản thể; nhờ thế xóa gần hết nạn mù chữ. Rồi lại thành công làm ra hệ thống ghi âm (phiên âm/ chú âm) chữ Hán bằng chữ Latin, qua đó thống nhất trong phạm vi cả nước âm đọc từng chữ trong hệ thống tiếng Phổ thông, tạo điều kiện thống nhất ngôn ngữ và dân tộc, đồng thời tạo thuận tiện cho việc dùng chữ cái Latin phiên âm các danh từ riêng của Hán ngữ, xếp sắp chữ Hán trong các loại tự điển và làm chỉ mục (index) trong các văn bản in ấn, thúc đẩy Hán ngữ hòa nhập toàn cầu.

Nhưng sau đấy việc nghiên cứu thay chữ Hán bằng chữ biểu âm bị dừng lại. Có lẽ đó là do người Hoa trên thế giới cho rằng chữ Hán là tiêu chí của nền văn minh Trung Hoa, gắn với lịch sử và truyền thống dân tộc, bỏ chữ Hán nghĩa là xóa bỏ lịch sử và nền văn minh Trung Hoa, họ không cho phép làm thế. Vì vậy Chính phủ TQ đã ban hành luật ngôn ngữ, khẳng định phiên âm/ ghi âm chữ Hán chỉ là một công cụ bổ trợ, không được coi là văn tự chuẩn bị thay thế chữ Hán. Biên bản Hội nghị công tác văn tự toàn quốc ngày 31/5/1986 nói rõ: Trong một thời kỳ tương đối dài sau đây, chữ Hán vẫn là văn tự pháp định của nhà nước.

Như vậy là biên bản này vẫn dành hy vọng cho các học giả chủ trương phiên âm hóa Hán ngữ, tức thay chữ Hán bằng một loại chữ biểu âm. Họ tin là sớm muộn mọi người sẽ nhận ra sự bất lợi lâu dài của việc dùng chữ biểu ý trong một thế giới toàn cầu hóa, tin học hóa.

Theo chúng tôi, chủ trương phiên âm hóa Hán ngữ là đúng nhưng không thể thực hiện. Lý do: đã quá muộn, không thể vượt qua trở ngại có quá nhiều chữ đồng âm. Các loại chữ tượng hình-biểu ý đều chuyển thành chữ biểu âm từ rất sớm, ít nhất cả nghìn năm trước, khi số chữ chưa nhiều, số người dùng chữ còn rất ít. Riêng chữ Hán suốt 4.500 năm không thay đổi, kho chữ nay đã có khoảng 100 nghìn chữ, được 1,4 tỷ người sử dụng, đã quá muộn để thay đổi thói quen mấy nghìn năm của từng ấy người.

Như đã nói, loại chữ biểu ý nào cũng đều có nhược điểm bẩm sinh là cần quá nhiều chữ, bao nhiêu cũng không đủ. Để bớt số chữ, buộc phải mượn chữ đã có để thêm nghĩa mới, âm mới. Hậu quả là chữ Hán ngày càng có quá nhiều chữ đồng âm, chữ đa âm đa nghĩa. Giả thử chỉ nghe hoặc chỉ xem phần chữ Latin phiên âm của chữ Hán, thì sẽ nhầm lẫn, không thể nào hiểu được. Ví dụ khi nhìn mấy chữ Hán đồng âm 施氏食獅史 (Thi thị thực sư sử: Chuyện ông Thi ăn thịt sư tử)3, người TQ có thể hiểu ý mấy chữ đó; nhưng nếu phiên âm bằng chữ Latin sẽ được “shī shì shí shī shǐ”, đọc mấy chữ ấy không ai có thể hiểu nghĩa là gì. Khi viết từ “công kích攻擊” bằng chữ Latin “gong ji” sẽ có thể nhầm với từ đồng âm “công kê 公雞” là “gà trống”… Nói cách khác, nếu Hán ngữ dùng chữ biểu âm thì khi đọc lên người nghe sẽ chẳng hiểu hoặc hiểu nhầm. Tóm lại, tình trạng có quá nhiều chữ đồng âm đã làm thất bại mọi cố gắng chuyển Hán ngữ sang dùng chữ biểu âm.

Năm 1936 Lỗ Tấn trăng trối Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước. Mao Trạch Đông sau cũng nói Lối thoát của chữ Hán là Latin hoá. Nhưng năm 2009, Vương Mông – nguyên Bộ trưởng Văn hóa – tuyên bố tại Đức: TQ không thể thay đổi chữ Hán… nếu không sẽ mất nước. Như vậy xem ra chưa thể khẳng định về tương lai của chữ Hán. Có lẽ Hán ngữ sẽ giữ nguyên trạng như ngày nay, khó có cải tiến gì lớn. Nhưng không thể nói Hán ngữ là tử ngữ, vì nó hiện vẫn được nhiều người dùng nhất thế giới.

Lịch sử cho thấy nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm đạt được ít thành tựu có tác dụng to lớn thúc đẩy sự tiến bộ của loài người. Trong cuốn Vì sao người TQ ngu thế4 triết gia Li Ming đã phân tích vấn đề đó, cho rằng chủ yếu do người TQ thiếu tư duy logic và luôn tự cho mình thông minh, nhưng không rõ vì sao tác giả chưa nói gì về vai trò của chữ Hán.
Có thể thấy do chữ Hán khó học nên thời xưa hầu hết dân chúng mù chữ, chỉ một thiểu số biết chữ nhưng lại phải dành phần lớn cuộc đời vào việc học và dùng chữ cho nên không còn thời gian nghĩ tới khoa học, triết học. Hầu như họ chỉ dùng chữ để làm thơ ca, chép sử…, rất ít làm khoa học kỹ thuật. Học giả W. C. Hannas nhận xét: Việc học thuộc lòng chữ Hán tạo ra ở người TQ thái độ tuân theo quy củ và thói quen trọng phương pháp mà không trọng kết quả, mất rất nhiều thời gian vào việc viết chữ, thiếu thời gian suy nghĩ.5

Tâm lý thần bí kính sợ chữ Hán cũng góp phần hạn chế phổ cập thứ chữ này, bởi lẽ cái gì thần bí thì rất ít người nắm được, và kẻ nắm được chữ Hán thì lại dùng nó để thực hành chuyên chế độc tài, cố ý để dân chúng mù chữ nhằm dễ sai bảo. Đại học giả ngôn ngữ Lã Thúc Tương nói: TQ có thực hiện phiên âm hóa chữ viết thì mới thực hiện được dân chủ.
Ngoài ra, chữ biểu ý không thích hợp với tư duy trừu tượng. Nhìn chữ biểu ý, ta sẽ có ngay nhận thức cảm tính, như nhìn chữ 帽 nghĩ tới cái mũ. Nhưng nhìn chữ a sẽ chẳng nghĩ tới cái gì. Nhận thức cảm tính có thể che lấp sự xuất hiện nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng). Như Hannas nói: Học Hán ngữ sẽ thúc đẩy tư duy thực tiễn chứ không phải tư duy trừu tượng, do đó làm yếu sức sáng tạo ở tầng sâu. Hệ chữ cái phương Tây có thể sớm trau dồi năng lực phân tích và suy nghĩ trừu tượng.

Ngày nay, sự phát triển công nghệ tin học và mạng đang giảm dần các khó khăn trong việc học và dùng chữ Hán. Nhớ và viết chữ phồn thể vẫn chậm và khó hơn chữ giản thể, nhưng đánh chữ trên máy tính thì như nhau. Vì thế có lẽ quan điểm phục hồi chữ phồn thể sẽ ngày càng được nhiều người tán thành. Trong kỳ họp Quốc hội TQ tháng 3/2015, hai đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Trương Quốc Lập đã đưa ra đề án khôi phục 100~200 chữ phồn thể có hàm nghĩa văn hóa nhằm kế tục nét đẹp của văn hóa truyền thống. Đề án này tuy trái với Luật ngôn ngữ văn tự nhưng vẫn được dư luận quan tâm.
——–
1 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=78&rb=06
2 Thời Minh Trị một số học giả Nhật nổi tiếng cũng nêu đề nghị tương tự.
3 Trích từ một đoạn “kỳ văn” do nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Triệu Nguyên Nhiệm viết hồi năm 1930 ở Mỹ, được in trong Encyclopædia Britannica dưới tiêu đề  Story of Stone Grotto Poet: Eating Lions.
4 http://nghiencuuquocte.org/2016/08 /28/vi-sao-nguoi-trung-quoc-ngu/
5 http://www.nytimes.com/2003/05/ 03/books/writing-as-a-block-for-asians.html.

 

Tác giả

(Visited 282 times, 1 visits today)