Từ truyền thuyết đi vào chính sử (Kỳ I: Sử nhà Lê khác sử nhà Trần)

Lời dẫn: Khi nhà Lê phá tan ách đô hộ của giặc Minh giành lại độc lập, những bộ sử trước đó của Việt Nam đã biến mất không còn dấu vết. Có lẽ vì vậy mà vua Lê Thánh Tông và sử quan Ngô Sĩ Liên đã khỏa lấp khoảng trống văn hóa lịch sử của dân tộc bằng một bộ quốc sử mới, Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ quốc sử này đã kéo dài thêm lịch sử của Đại Việt hơn hai ngàn năm, bắt nguồn từ thời Hùng Vương, sử dụng truyền thuyết dân gian để phủ lên những thời kì giờ xa xưa chỉ còn là màn sương mù của ký ức. Cách thức truyền thuyết này được "biên tập" để đưa vào chính sử hé lộ những thông điệp chính trị mà nhà Lê gửi gắm cho con cháu đời sau. Chủ đề này sẽ được Tô Như, tác giả các cuốn sách xuất bản hoàn toàn bằng gọi vốn cộng đồng như: Giải mật Tây Du Ký, Thương Hải tang điền, Ngàn dặm quan san…phân tích qua nhiều kì trên Tia Sáng.


Phải chăng không hề có chuyện người Minh đem Đại Việt sử ký, Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục của ta về Kim Lăng lưu trữ, mà đã một mồi lửa đem thiêu sạch sẽ?

Sự đứt gãy

 

Khâm định Việt sử thông giám cương mục (từ đây viết tắt là Cương mục), (tập 1 trang 740), chép rằng năm Kỷ Hợi (1419), giặc Minh sai đem “các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng”. Theo ghi nhận của Lịch triều hiến chương loại chí (từ đây viết tắt là Loại chí), (tập 2 trang 524, 532), ngoài các tập thơ văn thì người Minh còn tịch thu một số sách sử và sách văn hóa của Đại Việt, có thể kể tới các bộ sử như Đại Việt sử ký (từ đây viết tắt là Sử ký) của Lê Văn Hưu, Việt Nam thế chíViệt sử cương mục của Hồ Tông Thốc. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là, nếu người Minh mang các bộ sách đó về Kim Lăng, thì hẳn chúng phải tồn tại ở Kim Lăng hoặc đâu đó, chứ không lẽ nào lại biến mất theo dòng lịch sử mà chẳng ai hay biết. So sánh với trường hợp bộ sử (khuyết danh) Đại Việt sử lược được đưa vào khai thác vài chục năm gần đây, bộ sử này được tìm thấy trong Tứ khố toàn thư, do Tiền Hi Tộ (đời Thanh) hiệu đính và khắc in. Nhưng họ Tiền không phải người đầu tiên ở Trung Quốc1 biết tới văn bản này, mà ngay từ thời nhà Minh, Đại Việt sử lược đã được ghi nhận trong Văn Uyên các thư mục2, trong khi đó, các bộ thi văn sử được Loại chí liệt kê lại không hề được nhắc tới. Phải chăng không hề có chuyện người Minh đem sách của ta về Kim Lăng lưu trữ, mà đã một mồi lửa đem thiêu sạch sẽ?

Chỉ có như vậy mới giải thích được sự biệt tăm tích của chừng ấy tác phẩm lịch sử và văn hóa từ thời Trần trở về trước. Người Minh đã mưu toan xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa Đại Việt (và cả thời trước khi nước Đại Việt ra đời), biến chúng ta trở thành một dân tộc không có truyền thống lịch sử, không có nền văn hóa riêng. Tính chất Việt chỉ qua một, hai thế hệ sẽ bị bào mòn dưới lưỡi dao Bắc thuộc. Và nếu thành công, người Minh sẽ biến Đại Việt thành một dân tộc (thiểu số) thuộc Trung Quốc, như họ đã thành công với các dân tộc khác thuộc khối Bách Việt xưa kia3.

Nhìn thấy sự đứt gãy văn hóa và đặc biệt là đứt gãy lịch sử của dân tộc, nên sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh tông đã bằng mọi giá phải cho ra đời một bộ quốc sử của nước mình, khỏa lấp vào những chỗ đang khuyết thiếu. Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt là Toàn thư) hình thành trong điều kiện ấy. Dĩ nhiên, ngoài truyền tải lịch sử dân tộc từ ngàn năm trước, nó cũng mang trong mình thông điệp riêng của triều nhà Lê. Nó khác, rất khác Đại Việt sử ký do triều Trần viết nên.

 

Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ Đế

 

Toàn thư (tập 2 trang 38), cho biết năm Nhâm Thân (1272), Lê Văn Hưu vâng chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển. Tại sao Sử ký chỉ chép từ Triệu Vũ Đế trở về sau mà không lấy An Dương Vương hay Hùng Vương làm khởi thủy của dân tộc4? Ấy là bởi hai triều Lý, Trần, chính trị đã ổn định, nền văn hiến đã rực rỡ, nên triều đình không có nhu cầu đưa các yếu tố huyền thoại, kỳ dị vào sử. Thêm nữa, ở thời điểm năm 1272, tức là một năm sau khi Hốt Tất Liệt lập triều Nguyên, nhà Nam Tống của dân Hoa Hạ chỉ còn thoi thóp chờ ngày tuyệt diệt. Gốc gác huyền hoặc liên quan đến Thần Nông bên Trung Quốc lại càng không còn giá trị bao nhiêu.


Với gốc gác dân tộc Mường ở xứ Trại (thời Trần đặt Thanh Nghệ là Trại, các địa phương khác gọi là Kinh), các vua Lê gặp phải không ít khó khăn trong việc thu phục nhân tâm cả nước nên có thể Lê Thánh Tông mong muốn Đại Việt sử ký toàn thư sẽ góp phần thắt chặt đoàn kết dân tộc, xóa bỏ những ngăn cách về chủng tộc trong một nước.  

Một phương diện rất quan trọng khác là nhà Trần tìm được một sự tương đồng rất lớn về đường lối ngoại giao của Đại Việt với Nam Việt trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc. Sử ký (Tư Mã Thiên) – Nam Việt Úy Đà liệt truyện (trang 664) chép Triệu Văn Vương sợ nhà Hán, muốn vào chầu, quần thần can rằng: “Nhà Hán dấy quân đánh Dĩnh cũng là làm cho Nam Việt hoảng sợ. Vả lại tiên vương trước có nói: ‘Phụng sự thiên tử cốt không thất lễ, không nên nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt mà vào chầu.’ Nếu vào chầu thì không được về, đó là cái thế mất nước đấy”.

Gian đoạn năm 1272, vua tôi nhà Trần đang đấu tranh rất gay gắt với triều đình nhà Nguyên, đặc biệt trong vấn đề bắt vua ta sang triều kiến. Nguyên sử – An Nam truyện (An Nam truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, trang 56) chép rằng năm 1267, vua Mông Cổ hạ chiếu dụ bảo nước ta sáu việc, trong đó việc đầu tiên là “Quân trưởng phải đích thân sang chầu”. Toàn thư (trang 38) chép việc năm 1271 rằng “Năm ấy, Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vua vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh từ chối không đi”.

Chủ trương của các vua nước ta từ các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần rất rõ ràng và nhất quán, có thể xưng thần, nhận tước phong, nhưng tuyệt đối không sang chầu phương Bắc. Sử ký lấy Triệu Đà làm thủy tổ của nước Việt, chính là muốn dùng ý chí sắt đá, lời lẽ cương quyết (tới mức ngạo mạn) để cổ vũ tinh thần chống lại yêu cầu bắt Đại Việt nội phụ, bắt vua Việt vào chầu của nhà Nguyên.

Nhà Hán khi xưa mạnh nhường ấy, từng đánh đuổi rợ Hung Nô (cũng được coi là một trong các tộc tổ tiên của người Mông Cổ), mà nhà Triệu ở một khoảnh Nam Việt quyết không nội phụ, quyết không vào chầu, thì nhà Trần vừa đánh đuổi người Mông Cổ hơn chục năm trước (năm 1258, nhà Trần đánh bại đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai sang xâm lược nước ta), lẽ đâu lại phải quỵ lụy uốn gối?

Như vậy, chúng ta có lý do để tin rằng vua tôi nhà Trần soạn bộ Sử ký vào thời điểm năm 1272, coi Triệu Đà là tổ nước ta, là có dụng ý chính trị hợp lý trong việc cổ vũ tinh thần dân tộc chống lại âm mưu xâm lược của nhà Nguyên.

Tuy nhiên, hai trăm năm sau tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Quan hệ Bắc Nam lại càng khác. Bắc triều đã trở lại với quyền cai trị của người Hoa Hạ (nhà Minh), còn phương Nam, một vị quân chủ có gốc gác Mường lên ngôi. Nhà Lê cần một thông điệp chính trị khác, cần xây dựng một gốc gác cho đại gia đình dân tộc Việt khác. Vì lẽ đó mà Đại Việt sử ký toàn thư ra đời.

 

Toàn thư – thông điệp về tính nhất thể của dân tộc

 

Anh hùng dân tộc Lê Lợi, tức vua Thái Tổ sáng lập nên triều nhà Lê của nước ta có gốc gác liên quan tới người Mường. Lam Sơn thực lục (trang 19) chép trước khi khởi nghĩa, ông là Phụ đạo Khả Lam, trong đó Phụ đạo là chức thổ quan mà triều đình thường phong cho hào mục miền núi. Trong thời kỳ hai mươi năm Minh thuộc, đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước, nhưng cuối cùng chỉ có khởi nghĩa Lam Sơn là thành công đánh đổ ách đô hộ của người Minh. Tuy nhiên, với gốc gác dân tộc Mường ở xứ Trại (thời Trần đặt Thanh Nghệ là Trại, các địa phương khác gọi là Kinh), vua Lê Thái Tổ gặp phải không ít khó khăn trong việc thu phục nhân tâm cả nước. Toàn thư (tập 2, trang 265) chép “Trước đây, quân lính ở thành Tam Giang theo sự điều động của quan Tổng binh nhà Minh đi đánh vua ở Thanh Hóa, bị thua trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn vua [Lê Lợi]. Thanh [Chỉ huy sứ Lưu Thanh của quân Minh] mắng nó: ‘Thằng man vô lễ, ông ấy sẽ là Hoàng đế của chúng mày đấy’”.


Sự tích Lý Ông Trọng trong Lĩnh Nam Chích Quái khi đưa vào Đại Việt sử ký Toàn thư đã lược bỏ những đoạn thể hiện sự hèn yếu của An Dương Vương khi đối phó với yêu sách của vua Tần. Ảnh: Đỗ Duy Anh.

Thậm chí, người dân một số địa phương còn ngả theo người Minh chống lại nghĩa quân. Minh sử – truyện Lý Nhậm chép rằng quân Lam Sơn đánh thành Xương Giang gặp vô vàn khó khăn (đánh chín tháng mới hạ được thành) vì dân chúng theo người Minh chống lại nghĩa quân, tới mức khi quân Lam Sơn do Trần Nguyên Hãn, Lê Sát chỉ huy phá được thành thì “quân dân, phụ nữ trong thành không chịu khuất phục, chết vài ngàn người”.

Sau khi lên ngôi, vua Thái Tổ nhìn thấy sự bất đồng của khối người Kinh và khối người Trại, sự e sợ thế lực Kinh Lộ của ông đã lần lượt dẫn tới cái chết của hai viên võ tướng công thần là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Cương mục (tập 1 trang 836) chép “Bấy giờ nhà vua đã hơi cao tuổi, lại nhiều tật bệnh. Quốc vương Tư Tề thì ngông cuồng càn bậy, Thái tử Nguyên Long thì còn thơ ấu. Thấy Văn Xảo là người Kinh lộ, có danh vọng đối với mọi người, nhà vua sợ rằng, một ngày kia, có lẽ khó kiềm chế được, cho nên đem lòng nghi kỵ. Bọn Trình Hoành Bá và Lê Quốc Khí đón biết ý ấy, muốn tâng công, nên dâng mật sớ cáo tỏ rằng Văn Xảo âm mưu làm việc trái phép. Nhà vua tin lời, bắt Văn Xảo phải chết và tịch thu cả nhà”.

Sau khi Thái Tổ băng, trải qua hai (ba) đời vua kế tiếp là Thái Tông, Nhân Tông (và vua Nghi Dân), thì phải tới đời vua Thánh Tông, một vị vua tài hoa chuộng văn học, thì vấn đề Mường/Việt, Kinh/Trại mới được xử lý một cách bài bản và mềm dẻo. Năm Kỷ Hợi (1479) vua Thánh Tông “Sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển”(Toàn thư – tập 2 – trang 473), trong đó từ Hồng Bàng thị đến Ngô sứ quân 5 quyển gọi là Ngoại kỷ; từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ 10 quyển gọi là Bản kỷ.

So với Sử ký của nhà Trần, Ngô Sĩ Liên thừa lệnh của vua Lê Thánh Tông đã đẩy lịch sử của Đại Việt tiến ra xa hơn tới 2.622 năm, gồm trọn vẹn các đời vua Hùng và An Dương vương. Mục đích của việc mở rộng phạm vi quốc sử này, theo người viết, bao gồm hai ý nghĩa chính: 1. Đặt Đại Việt ngang hàng với Trung Quốc ngay từ thời Thượng cổ; và 2. Bày tỏ dân Kinh/Trại Mường/Việt đều chung một gốc. Từ đó tạo nên lòng tự hào của quốc gia, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết, xóa bỏ những ngăn cách về chủng tộc trong đất nước. Những điều này được thể hiện rất rõ qua ngòi bút “biên tập” nội dung các truyền thuyết hình thành từ thời Trần trở về trước, lựa chỗ nọ bỏ chỗ kia, để đưa vào quốc sử5.

Dĩ nhiên, để đẩy nguồn gốc Đại Việt về 4.000 năm trước thời viết ra Toàn thư, Ngô Sĩ Liên buộc phải đưa vào chính sử những nội dung mang màu sắc huyền hoặc, các truyền thuyết được lưu giữ bằng văn tự và truyền ngôn. Ngày nay, đọc Toàn thư, chúng ta không khó để nhận ra những vết tích của Lĩnh Nam chích quái (từ đây viết tắt là Chích quái) hay Việt Điện u linh tập (từ đây viết tắt là U linh tập), được san cải để phù hợp với thể loại sử. Tỷ như trong Kỷ họ Hồng Bàng, nguồn gốc của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân được lấy từ Truyện họ Hồng Bàng trong Chích quái; tích Xung Thiên thần vương (tức Thánh Gióng) phá giặc Ân được lấy từ Truyện Đổng Thiên vương trong Chích quái; tích hiến chim trĩ trắng được lấy từ Truyện bạch trĩ trong Chích quái; tích Sơn Tinh Thủy Tinh được tổng hợp từ Truyện núi Tản Viên trong Chích quái và truyện Tản Viên Hựu thánh Khuông quốc hiển linh ứng đại vương trong U linh tập. Kỷ nhà Thục có sự tích An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy lấy từ Truyện rùa vàng trong Chích quái; tích Lý Ông Trọng được lấy từ truyện Hiệu úy Uy mãnh anh liệt phụ tín Đại vương trong U linh tập. Giai đoạn sau thì có tích Triệu Việt Vương, Hậu Lý Nam đế được tổng hợp từ truyện Đầm Nhất Dạ trong Chích quái và truyện Triệu Việt vương, Lý Nam Đế trong U linh tập. Thậm chí sang tới thời tự chủ, việc đại sư Minh Không chữa bệnh lạ cho Lý Thần Tông cũng là san cải từ Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong Chích quái.

Mặc dù có sự sao chép truyền thuyết, nhưng so sánh các văn bản trong quốc sử và văn học, chúng ta có thể thấy rõ ngoài việc hầu như đã lược bỏ các yếu tố phép thuật, mê tín để một bộ sử mang hình dáng tín sử, Ngô Sĩ Liên còn chủ động lược bỏ các tình tiết yếm nhược của nước Việt so với Trung Quốc, đơn cử như Truyện Lý Ông Trọng trong Chích quái (trang 97) kể rằng “Đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn cất binh đánh ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân [tên thật của Lý Ông Trọng] tiến nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm, phong cho làm chức Tư lệ hiệu úy. Khi Thủy Hoàng đã lấy được cả thiên hạ, sai Lý đem quân giữ đất Lâm Thao, uy danh vang dội đến Hung Nô, Hung Nô không dám xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng phong Lý làm Phụ Tín hầu, lại gả công chúa cho Lý. Sau tuổi già trở về nước. Hung Nô lại xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng nhớ tới Lý Thân, sai người sang triệu. Lý Thân không chịu đi, trốn vào rừng núi. Vua Tần trách quở, An Dương Vương tìm không được, nói dối là Lý đã chết. Vua Tần hỏi vì sao mà chết. Trả lời: vì đi tả. Tần sai sứ sang khám. An Dương Vương bèn nấu cháo đổ xuống đất để làm thực tích. Vua Tần đòi mang xác sang, Lý Thân bất đắc dĩ phải tự vẫn. An Dương Vương sai lấy thủy ngân rắc lên xác rồi đem nộp vua Tần”.

Đoạn văn chứa đầy sự hèn yếu của An Dương vương, đại biểu cho nước Việt đã không được Toàn thư thu nạp, mà khi chép về Lý Ông Trọng, Ngô Sĩ Liên trích lục từ U linh tập. Các tình tiết khác trong Chích quái miêu tả Trung Quốc có quyền cai trị nước ta (ta sẽ phân tích qua các bài về Nguồn gốc Kinh Dương Vương, tích dâng chim trĩ, tích Xung Thiên thần vương) đều bị Toàn thư nhất loạt cắt bỏ để chứng tỏ không nhưng tổ tiên người Việt là ngang hàng với người Trung Quốc, mà nước Việt cổ cũng bằng vai với Trung Quốc.

Ngoài việc biên tập các chi tiết như đã kể trên, Toàn thư còn san cải một số tình tiết trong truyền thuyết để khiến người Việt và người Mường trở nên chung một nguồn gốc, và đất Kinh đất Trại vốn là một nhà. Các chi tiết này được thấy trong các tích về Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Thủy Tinh, và khá bất ngờ là cả tích về Triệu Việt Vương.

Bằng việc so sánh văn bản giữa Toàn thư, Chích quáiU linh tập, chúng ta phần nào có thể nhận ra ý nghĩa chính trị của việc vua Thánh Tông lệnh cho Ngô Sĩ Liên viết nên bộ quốc sử, đề cao tinh thần tự tôn quốc gia, đồng thời gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc trong một nước. Chẳng có gì đáng phải xấu hổ khi gắn nguồn gốc dân tộc với những yếu tố huyền hoặc bởi rất nhiều dân tộc trên thế giới nhận mình là hậu duệ của thần linh (như Hoàng tộc Nhật Bản nhận là con cháu Nữ thần Mặt trời Amaterasu), hay chính Sử ký Tư Mã Thiên – bộ sử vĩ đại của nhân loại khi chép về tổ tiên của triều đại nhà Ân Thương trong Ân bản kỷ cũng pha lẫn các yếu tố phi thực: “Mẹ của Ân Khiết [thủy tổ của nhà Ân] là Giản Địch, con gái của họ Hữu Nhung, làm Thứ phi của Đế Khốc. [Một lần] ba người đi tắm, nhìn thấy chim én đẻ rớt một quả trứng, Giản Địch liền nuốt vào, nhân đó có thai sinh ra Khiết”.

Người đọc sử biết rằng mình đang đọc những đoạn lấy từ huyền thoại, truyền thuyết đưa vào chính sử, sẽ tự lược bỏ các yếu tố phi thực ấy, để nhận chân ý nghĩa quý báu mà vua tôi nhà Lê đã khổ công tạo dựng, trao truyền cho hậu thế. Ấy là công lao vĩ đại của nhà Lê vậy.

——

Tài liệu tham khảo

An Nam truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2017.

Đại Việt sử ký toàn thư – tập 2 – Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – 1998.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục – tập 1 – Nhà xuất bản Giáo Dục – 2007.

Lam Sơn thực lục – Nhà xuất bản Tân Việt – 1956.

Lịch triều hiến chương loại chí – tập 2 – Nhà xuất bản Giáo Dục – 2012.

Sử ký Tư Mã Thiên – Nhà xuất bản Văn Học – 2003.

Lĩnh Nam Chích quái – Nhà xuất bản Kim Đồng – 2017.

Việt điện U linh tập – Nhà xuất bản Văn học – 2008.

Và một số trích đoạn trong các bộ sử Trung Quốc mà tác giả tự dịch, lấy từ website www.ctext.org

—–

1 Nếu Đại Việt mỗi triều đại hầu như đều giữ nguyên quốc hiệu, thì Trung Quốc lại thay đổi quốc hiệu mỗi đời, thời Hán thì gọi là nước Hán (Đại Hán), thời Minh thì gọi là nước Minh (Đại Minh). Trong khuôn khổ bài viết này, “Trung Quốc” được dùng để chỉ nước CHND Trung Hoa ở triều đại tương ứng với nội dung bài viết.

2 Văn Uyên các thư mục là bộ thư mục sách vở được lập từ đầu thời Minh. Minh Thái tổ đánh đổ nhà Nguyên, thu thập tất cả thư tịch cổ ở Đại Đô đưa về Nam Kinh. Từ đó về sau, triều đình liên tục sưu tầm sách vở các triều đại Trung Quốc và các nước sử dụng văn tự Hán. Minh Thành tổ dời đô về Bắc Kinh, lưu giữ sách vở tại Bắc Lang của Tả Thuận môn. Minh Anh tông dời tới lưu ở Văn Uyên các. Năm Chính Thống thứ 6 (1441), Thiếu sư Binh bộ Thượng thư kiêm Hoa Cái Đại học sĩ Dương Sĩ Kỳ cùng đồng sự đem tất cả sách vở trong Văn Uyên các lập thành thư mục, gọi Văn Uyên các thư mục.

Trong thư mục ấy, Đại Việt sử lược được ghi nhận là 1 bộ 2 cuốn, nhưng khuyết thiếu (chỉ có tên sách mà thôi).

3Bất kể thế nào đi nữa thì Tính chất Việt là một thứ gì đó âm thầm tồn tại trong dân tộc ta. Với một ngàn năm Bắc thuộc, người Trung Quốc với các triều đại từ Hán tới Đường, Ngũ đại, đã không cách nào đồng hóa được người dân bản xứ. Hai triều Tống, Nguyên không chiếm được nước ta, nên sẽ không ngạc nhiên nếu triều Minh muốn thử bẻ gãy Tính chất Việt bằng cách xóa bỏ toàn bộ lịch sử và văn hóa của dân tộc.

4 Loại chí ghi lại rằng bộ Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc cũng soạn ở thời Trần, ghi cả thế phả 18 đời Hùng vương.

5Chúng ta sẽ lần lượt phân tích kỹ hơn ở các kỳ sau.

Tác giả