Vở opera chưa được trình diễn của Liszt

Bị bỏ dở khi mới hoàn thành một màn nhưng bản thảo viết tay vở opera bằng tiếng Ý của Franz Liszt đã dài đến 111 trang. Sau gần hai thế kỷ nằm trong quên lãng tại một kho lưu trữ ở Weimar, Đức, cách đây 10 năm, bản thảo đã được TS David Trippett, giảng viên cao cấp Khoa Âm nhạc, Đại học Cambridge, phát hiện và tìm cách phục hồi. Và sắp tới, một trích đoạn của vở opera sẽ ra mắt công chúng tại Anh.


Với quá nhiều chỗ viết tắt và bỏ trống, bản thảo vở opera của Liszt thường bị cho là rời rạc và không thể giải đoán nổi. Trong ảnh: Một trang bản thảo vở opera Sardanapalo của Liszt. Nguồn: Klassik Stiftung Weimar.

Ngày nay, hầu hết chúng ta vẫn nghĩ đến Liszt như một nghệ sĩ piano tinh hoa bậc thầy. Và dĩ nhiên, bằng nhiều cách, ông đã nâng sự điêu luyện trong các ngón đàn lên tầm cao mới, mở rộng giới hạn của cây đàn phím trong việc gợi ra những hình ảnh bằng âm thanh và kể những câu chuyện đầy chất thơ. Nhưng ông cũng đã soạn ít nhất 94 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc có những phiên bản khác nhau và khi ở đỉnh cao danh vọng của một nghệ sĩ piano – thời hoàng kim trong những năm đầu thập niên 1840 – ông đã tuyên bố ý định giải nghệ biểu diễn và chuyển sang soạn opera.

Kế hoạch giải nghệ sớm này về sau bị trì hoãn suốt (ông còn nhắc lại nhiều lần với bạn bè trong những năm tiếp theo), nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi ông vẫn cân nhắc nhiều đề tài cho các vở opera của mình:

Richard of Palestine (Walter Scott); Le Corsaire (Byron), Consuelo (George Sand), Jankó (Karl Beck), Spartacus (Oscar Wolff), Inferno (Dante), Marguerite (Goethe), Jeanne d’Arc (Friedrich Halm) và Sardanapale (Byron) cùng các đề tài khác.

Chúng ta hiếm khi nghe nói về động lực mạnh mẽ, về sự thôi thúc liên tục này ở bên trong con người Liszt đối với việc soạn opera. Vậy chúng ta có thể rút ra điều gì từ cách tiếp cận rải mành mành đối với loạt đề tài văn học cho các vở opera nằm trong dự kiến? Tôi tin rằng nó liên quan đến tham vọng kể chuyện bằng âm nhạc mà ông gọi là ‘chính kịch âm nhạc’ (musical drama). Nói ngắn gọn, nó gợi ra khao khát hợp nhất văn chương và âm nhạc của Liszt. Opera là thể loại tinh túy để kể những câu chuyện; không kể đến Don Sanche1, một tác phẩm từ thời niên thiếu mà vấn đề ai thật sự là tác giả còn gây tranh cãi, vở opera bằng tiếng Ý Sardanapalo (1851) của Liszt là thành quả duy nhất chúng ta có từ khao khát đó.

Giờ đây khi đã có trong tay phần âm nhạc của vở opera, ta có thể cảm nhận được cách tiếp cận opera chín muồi của Liszt và hiểu rõ những tham vọng âm nhạc của ông.

Với tôi, đó là lý do tại sao việc xuất bản vở opera của Liszt với Editio Musica Budapest vào năm tới thật thú vị. Sự kiện đó và cả triển vọng nghe thứ âm nhạc này được biểu diễn lần đầu tiên2, thứ âm nhạc hình như thoạt đầu chỉ tồn tại trong tâm trí Liszt rồi truyền qua những ngón tay ông lên chiếc piano hiệu Boisselot trong căn phòng Xanh thuộc khu dinh thự của ông ở Altenburg, Weimar.

Ông mới viết ra giấy phần âm nhạc cho màn đầu của vở opera dự kiến gồm ba màn. Nó dài khoảng 50 phút, được ông ký âm vào khoảng năm 1850-51. Tại sao ông lại bỏ ngang nó? Có thể vì vài lý do. Một mặt, Liszt trở nên đắm chìm vào những vấn đề thẩm mỹ của Wagner và lối hùng biện thẳng thừng đến nghiệt ngã chống lại phong cách Ý của Wagner có thể đã dẫn dụ ông rời xa vở opera viết bằng tiếng Ý của mình. Nhưng mặt khác, Liszt được cho là nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở châu Âu vào thời đó, giàu có và tư tưởng cực kỳ độc lập. Tôi ngờ rằng lý do chính khiến ông bỏ ngang bản tổng phổ có thể hoàn toàn do thực tế là ông chưa nhận được phần Libretto (phần lời) hoàn chỉnh cho màn 2 và màn 3 và do đó không thể soạn nhạc cho chúng.

Libretto (do một thi sĩ vô danh người Ý đồng thời là tù nhân chính trị viết) đã gây ra khó khăn đáng kể cho ông và ông cần người đồng sáng tạo với mình, công nương Cristina Belgiojoso3, đọc lại và biên tập cho phù hợp với những đề xuất của ông nhằm tái tạo vở kịch. Trong khi đó, bà thì lại quá bận rộn với những nỗ lực đấu tranh giành độc lập ở Ý (tới mức nuôi cả một đội quân lính đánh thuê của riêng mình ở Milan) và sự cộng tác của bà với Liszt đơn giản là bị gạt sang bên.

Khi lần đầu tiếp xúc với bản thảo âm nhạc, tôi thấy rõ có thể đọc trôi chảy từng phần nhỏ của nó. Nhưng nó đầy những khoảng trống, những chỗ sửa chữa, dập xóa cùng một vài đoạn hình như “bị thiếu”. Nhiệm vụ giải mã và ráp nối các đoạn với nhau cũng như xác định ý đồ âm nhạc là một công việc chậm chạp và khó nhọc. Sau lần đầu tiên chép lại bản thảo, tôi rà soát nó thêm khoảng 15 lần nữa, từng ô nhịp một, tham khảo chéo các chủ đề và ý tưởng, các hình nhịp điệu và các bậc hòa âm.

Rõ ràng là bản thảo của Liszt đã được sửa chữa trong một số giai đoạn và dựa vào các màu mực viết khác nhau cũng như xem một lượt khoảng trống trên những khuông nhạc, có thể xác định các giai đoạn sửa chữa khá chính xác. Nhiều dấu hóa [các ký hiệu thăng/giáng] và khóa nhạc bị thiếu nên chúng cần được phục hồi một cách cẩn trọng – thường nhờ quá trình loại suy và tham khảo ngôn ngữ âm nhạc đương thời của Liszt. Cuối cùng, một số âm hình đệm đã bắt đầu bộc lộ hình hài nhưng sau đó lại mất dấu, bỏ lại bè giọng hát được ký âm trọn vẹn ở phía trên một loạt khuông nhạc trống. Bề ngoài thì điều này thực sự là vấn đề. Nhưng những “khoảng trống” như vậy chỉ xuất hiện khi Liszt tạo ra một âm hình đệm tiêu chuẩn, thứ có thể thấy quá hiển nhiên mà không cần phải viết ra đầy đủ chi tiết; trên cơ sở đó, nhiệm vụ biên tập là đoán được các kiểu viết tắt khác nhau của ông để triển khai thành âm hình ở dạng đầy đủ mà ông đã nghĩ trong đầu nhưng cảm thấy không cần phải ký âm.

Nhiều khả năng, Liszt viết bản thảo này chỉ để một mình ông đọc, nghĩa là, ông biết mình định viết gì, và với trí nhớ âm nhạc phi thường, ông chỉ cần viết ra những gì ông cảm thấy không rõ ràng mà thôi. Việc lần giở quá trình sáng tác này và dùng kỹ thuật đảo ngược để trở lại những khoảnh khắc sáng tạo quyết định, nếu bạn thích, tự nó đã vô cùng hấp dẫn.

Âm nhạc thu được cung cấp cho ta cái nhìn thấu đáo về giọng điệu độc đáo của Liszt với tư cách nhà soạn nhạc opera chín muồi. Với thời lượng 50 phút, dấu vết còn sót lại mà chúng ta có về nó là ngắn ngủi nhưng lôi cuốn. Bởi vậy, Liszt không chỉ là một tác giả opera mà còn là một tác giả phải được kể đến.

Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: http://www.classical-music.com/blog/story-behind-liszts-unheard-opera
———–
1 Khi vở opera một màn này ra mắt lần đầu thì Litzs mới sắp tròn 14 tuổi.
2 Một trích đoạn dài 10 phút từ màn đầu sẽ được biểu diễn ra mắt công chúng trong khuôn khổ sự kiện BBC Cardiff Singer of the World contest vào tháng Sáu tới, bởi giọng ca nữ cao người Armenian Anush Hovhannisyan.
3 Cristina Trivulzio di Belgiojoso (1808-1871): một phụ nữ quý tộc đóng vai trò nổi bật trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập của Ý. Bà viết văn và làm báo.

Tác giả