Xem tranh thầy Pháp Hạnh, nghĩ về sáng tạo

Thật lòng, tôi không hiểu nhiều về hội họa. Như đa phần người xem tranh bình thường, tôi không hiểu “vẽ trừu tượng” với “hiện thực” hoặc “siêu thực” là gì. Trừ những bức tranh phong cảnh thuần túy hoặc tranh chân dung mộc, mỗi khi xem tranh, tôi thấy mình tự động nhăn mắt nhíu mày để giải mã xem bức tranh này về cái gì và cái ấy được thể hiện như thế nào. Luôn luôn, việc xem tranh đi kèm một cố gắng. Luôn luôn, việc xem tranh mang theo một câu hỏi: Mình xem có “đúng” không? “Đúng” tức là thấy được những tầng lớp ý nghĩa hay cảnh sắc mà tác giả truyền tải trong mật mã màu. Nhưng xem tranh như thế rất mệt và ít thỏa mãn vì thường tác giả tranh không bao giờ đứng cạnh đọc cho tôi biết đáp số. Cho nên, đối với hội họa, tôi thường “kính nhi viễn chi” – tôn trọng nhưng không đến gần và không dám nói gì.


Triển lãm tranh của thầy Pháp Hạnh ở Sông Mây, Đồng Nai vào ngày cuối cùng của năm 2017.

Nhưng là người viết văn, tôi có thể liên hệ một chút với người vẽ. Viết văn là trình bày về thế giới và giao tiếp với thế giới qua ngôn ngữ văn tự, thì hội họa là trình bày về thế giới và giao tiếp với thế giới qua ngôn ngữ màu sắc. Trên tinh thần ấy, bước vào một tác phẩm là bước vào cảnh giới tâm của tác giả. Muốn bước vào được thì phải có một trong hai điều xảy ra. Một là tác giả có cửa và biển chỉ dẫn rõ ràng. Hai là tác giả mở toang, không hề có cửa hay rào ngăn nào. Không có cửa nghĩa là tâm tác giả quá rộng và trùm chứa được các tầng cao và vực sâu tâm thức con người, dù dưới dạng mơ hồ của người sa vào các “cơn sáng tạo điên rồ” hay dưới dạng rõ biết kiểu “mặc chiếu” của các thiền sư.

Tôi gặp thầy Pháp Hạnh lần đầu cách đây 3 năm và biết thầy vẽ tranh đã nhiều năm. Tuy thế, năm nay tôi mới lần đầu thực sự xem tranh của thầy khi thầy làm một triển lãm tranh “cho vui” ở Sông Mây, Đồng Nai vào ngày cuối cùng của năm 2017. Gọi là triển lãm, nhưng thực sự là một cuộc trưng bày tranh của thầy tại khuôn viên của cộng đồng Sông Mây, một cộng đồng theo mô hình “ăn sạch, uống sạch, nghĩ sạch”. Khoảng vài trăm bức tranh được bày trong một phòng lớn và trong vườn theo cách tự nhiên. Người đến triển lãm có thể xem tranh, đi dạo vườn, nói chuyện với thầy, hoặc tự do làm gì thì làm.

Tôi xuống Sông Mây buổi chiều ngày 30-12 và ở đến sáng đầu năm mới thì trở lại Sài Gòn. Trong khoảng thời gian ấy, tôi vào phòng tranh thầy xem 3 lần. Tranh của thầy dùng nhiều tông màu chứ không thiên về một tông như nhiều họa sỹ; tranh có nhiều tạng khác nhau, nhiều dạng thức, nhiều cỡ, thật khó mô tả cho người ngoại đạo như tôi. Những bức nhỏ thì khoảng 40cm x 40cm. Bức lớn thì dài 25 mét, rộng chừng 2 mét. Tranh thầy có thể xem từ đằng trước tranh, hoặc xem từ đằng sau tranh (chiếu đèn phía trước tranh vào và xem từ phía sau). Tranh thầy có thể xem kiểu dọc, kiểu ngang, xem xuôi (thuận với chữ ký) hoặc xem ngược (xoay ngược lại). Có thể xem cả tranh từ xa, hoặc vào gần xem từng mảng nhỏ. Có khi dí mắt vào gần một điểm chừng 10cm vuông mà thấy hiện ra cả một thế giới khác. Mỗi bức tranh là rất nhiều tranh trong tranh. Rất nhiều thế giới. Bức tranh 25 mét mà thầy vẽ thì bao gồm nhiều vũ trụ. Những người xem tranh hỏi thầy:

Con thấy bức này là thế này… có đúng không ạ?

Đúng quá chứ sao không đúng – thầy cười.

Ai hỏi thầy “thầy ơi, tranh thầy nói về cái gì?”, thầy nói, giọng Huế:

Yêu thương, bao dung, tha thứ.

Hỏi lại lần nữa cho chắc, thầy bảo:

Tha thứ, bao dung, yêu thương.

Chiều ngày 31, khi lễ “khai mạc triển lãm” đã xong, tôi ngồi với thầy và mấy người bạn. Chúng tôi uống nước và làm một trò nhố nhăng là “bình thơ” của thầy – những bài thơ dạng Haiku ngắn. Tôi nói với thầy:

Thầy ạ, từ hôm qua đến giờ, con thấy con có ba giai đoạn khi xem tranh thầy. Đầu tiên, con thấy tranh rất đẹp. Thật sự là rất đẹp. Sau đấy thì con nhìn tranh toàn thấy tiền. Chỗ nào cũng thấy tiền. Nhưng đến sáng nay thì không thấy tiền nữa.

Mọi người cười. Bạn tôi hỏi:

Không thấy tiền thì thấy gì?

Chẳng thấy gì cả. Không quan tâm.

Tôi đã nói rất thật. Lần đầu vào xem tranh thầy, tôi thấy màu sắc đẹp. Quá đẹp! Thầy vẽ rất đa dạng và nhiều chỗ thì tôi không thể hiểu thầy đã vẽ bằng cách nào. Thực tế là nhiều bức tranh của thầy không thể chép lại được. Càng xem, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái mê hoặc. Càng xem, tôi càng hiểu rằng thầy đang làm một điều rất khác biệt với các họa sỹ khác (mà tôi từng biết) – không đậm đặc ở tất cả các tranh nhưng đều hiện hữu ở tất cả tranh. Với cá nhân tôi, tôi có thể nói tôi chưa thấy ai vẽ như thầy và phải sau này người ta mới hiểu “đúng” và hiểu “được” tranh của thầy.

Khi nhận ra điều này thì tôi bắt đầu thấy tiền. Không phải tôi thấy tiền trong tranh mà tôi thấy vị của tiền. Trời ơi, tôi muốn giữ hết tranh của thầy, không bán cho bất cứ ai. Tôi không muốn thầy cho không tranh của thầy như thầy đang làm – mỗi lần cho đi 20 bức, có khi cả 100 bức để họ bán đấu giá từ thiện, ai xin cũng cho. Tôi thấy phí phạm khi người khác không thể thấy cái thầy đang làm cả về nội dung tranh lẫn hình thức sáng tạo. Tôi nhìn thấy 20 năm nữa, 50 năm nữa, 100 năm nữa, khi một số trong những bức tranh này đến tay những người hiểu được, thì cái gì sẽ xảy ra. Người ta sẽ muốn sở hữu – vì tiền, vì muốn lưu giữ cái đẹp cho một mình mình ngắm. Họ sẽ sưu tập. Sẽ có những cuộc đổi chác, buôn bán. Một ngày trong tương lai, người ta sẽ có thể làm những điều như người ta đã truy tìm, sưu tập, trộm cắp, và bán chác các bức tranh của những danh họa đời trước. Khi đó, nghĩ đến tranh chỉ còn nghĩ đến giá tiền. Như kiểu Picasso mấy triệu, Dali mấy triệu, Pollack mấy triệu.

Đến sáng hôm 31, thì tôi không còn thấy tiền nữa. Tôi đã đầu hàng hoàn toàn. Tôi có sở hữu bức tranh nào của thầy không đâu có quan trọng. Tranh thầy bán hay tặng cho ai, trôi nổi về đâu, người ta có hiểu được hay không đâu có quan trọng. Tranh và việc vẽ tranh của thầy trong bản chất không liên quan gì đến tiền, không liên quan đến khái niệm “đẹp” hay không, không liên quan đến ai, không thuộc sở hữu của ai trong bản chất.

Thầy có làm gì đâu, chỉ thêm một chút – thầy nói – Mỗi bức tranh này nha, phải có người trồng cây, người làm khung, người làm toan, người làm màu… Họ làm phần lớn rồi. Thầy vẽ tầm bậy tầm bạ thêm chút xíu…

Rút cục, thầy Pháp Hạnh đã vẽ 30 bức tranh, mỗi bức dài 1,5 mét rộng nửa mét, để tôi mang đi Mỹ. Ba mươi bức được vẽ xong trong 1 ngày.

Những bức này thanh quá – tôi nói với thầy – Khác các bức trước thầy vẽ.

Đúng rồi.

Thầy nhắn gì với người Mỹ ạ?

Yêu thương, bao dung, tha thứ.

Ba mươi bức tranh sẽ được bày trong khuôn viên trường, trong sảnh của khoa, trung tâm cho sinh viên, và thư viện công cộng, cho sinh viên và người qua lại ngắm. Bày xong, tranh sẽ được bán đấu giá hoặc tặng; toàn bộ tiền bán được sẽ được gửi cho một dự án từ thiện. Tôi hỏi thầy tôi sẽ bán tranh như thế nào, làm thế nào để định giá? Thầy bảo không cần định giá trước; giờ mình cần bao nhiêu tiền làm từ thiện, 100 triệu hay 200 triệu, thì mình tạm định giá cho 30 bức tranh theo giá đó; nhưng trên thực tế, người ta thích tranh, người ta trả bao nhiêu thì trả; sinh viên nghèo không có tiền, trả bao nhiêu cũng được; mà xin thì cho luôn.

Cứ để pháp vận hành, mình không cần tính toán dây dưa vào, vậy là mình khỏe – thầy bảo tôi.

Ái chà, cứ thế thì khỏe thật. Người vẽ tranh, người bán tranh, người nhận tranh, người treo tranh, người xem tranh đều khỏe. Không có ai làm người sáng tạo hay tô vẽ gì trong tiến trình này; không cần sự tôn vinh nhưng tất cả đều đang được tôn vinh bình đẳng – cả người trồng cây làm khung, người dệt vải làm toan, người căng khung, người vận chuyển, người bán hàng, người cúng toan, người vẽ, và người xem. Tất cả đều đang cho đi. Nói tới chữ “sáng tạo” làm gì cho mệt.

Tác giả