BÀ TỶ PHÚ VỀ THĂM QUÊ: Không chỉ là thử nghiệm

Bà tỷ phú về thăm quê lần đầu tiên được công diễn tại Việt Nam đã thu hút được đông đảo sự chú ý của người xem. Với nội dung thể hiện sự băng hoại của những giá trị đạo đức trong xã hội, vở kịch mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đã được trình diễn ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Và dù ra đời cách đây đúng 50 năm, năm 1956, nhưng vở kịch Bà tỷ phú về thăm quê vẫn nguyên tính thời sự.

Vở bi hài kịch gồm 3 hồi. Hồi 1 mở ra không gian thị trấn Ghi-lần đang lâm vào cảnh sống mòn, tiêu điều, xác xơ với nhà máy xay xát bị dẹp tiệm, hãng gạch nợ đầm đìa, mỏ thiếc phá sản. Một ngày kia, chuyến tàu tốc hành bỗng dừng lại ở ga Ghi-lần gây nên sự sửng sốt ngạc nhiên với người dân trong vùng. Sự khác thường ấy là dấu hiệu dự báo, là mở đầu cho hàng loạt những đổi thay sẽ diễn ra ở thị trấn nghèo nàn này. Chuyến tàu ấy đưa bà tỷ phú 62 tuổi về thăm quê. 45 năm trước, bị An-phơ In (Trọng Phan đóng) phản bội, Cala Sắc (Thu Hà đóng) rời bỏ quê hương thân yêu với một mầm sống đang lớn dần trong người. Trải bao sóng gió, cuộc đời của người con gái Ghi-lần rẽ sang hướng khác khi bà gặp, lấy tỷ phú dầu mỏ và thừa hưởng một gia sản khổng lồ. Trở về quê hương với lòng hận thù sâu sắc, Cala muốn mua lại công lý với giá 1 tỷ đô, nghĩa là đổi lại, ông In phải chết. Ông thị trưởng, người có quyền lực nhất của thị trấn, đã phản ứng dữ dội khi nghe điều kiện của Cala: “Chúng tôi thà chịu sống nghèo khổ hơn là để tay mình vấy máu”.
 


Cảnh trong Bà tỷ phú về thăm quê diễn tại Việt Nam

Màn 2 là hàng loạt sự thay đổi diễn ra ở thị trấn Ghi lần. Người dân thị trấn, những người từng dứt khoát từ chối điều kiện của Cala để đứng về phía ông In, bênh vực ông In thì nay lại là những người thay đổi đầu tiên. Điều gì đã xảy ra khiến những người dân nghèo nàn nay lại hút thuốc lá thơm, ăn món ngon, diện đồ đẹp và mua hàng chịu? Họ thích thú và không hề giấu giếm cảm giác hạnh phúc khi hưởng thụ cuộc sống đủ đầy về vật chất.
Nếu như ở màn 1, hành động kịch diễn ra hết sức khẩn trương, từ khâu chuẩn bị vội vã, chuyến tàu tốc hành phanh gấp, đến màn gặp gỡ chóng vánh với dân chúng, ra cánh rừng, và quay trở lại phiên tòa hiện tại thì sang màn 2, hành động kịch lại chậm dần. Điều này được thể hiện trong sự đan xen, chồng chéo giữa hai cảnh: một cảnh dân chúng Ghi lần náo nức đi mua sắm, một cảnh là tại cửa sổ khách sạn Hoàng Hoa với bà Cala đang chứng kiến, đang dõi theo sự đổi thay ấy. Các lời thoại giữa 2 cảnh ấy bị ngắt quãng khiến ta có cảm giác tác giả đang cố kéo dài thời gian, kéo dài tâm trạng run sợ của ông In. Ông In là người chứng kiến rõ hơn ai hết sự thay đổi của bà con trong thị trấn, từ những vị khách bình thường nhất trong xã hội đến những người nắm quyền lực của thị trấn như cảnh sát, thị trưởng và mục sư.
Bằng tiền của, uy thế của mình, Cala đã mua toàn bộ Ghi lần: “Các nhà xưởng, cả thung lũng và kho thóc, toàn bộ thành phố, từng con đường, từng ngôi nhà đều thuộc về tôi hết. Tôi đã cho người đi mua hết những thứ tầm phào ấy, rồi đóng cửa tất cả các hãng. Hy vọng của các người là điên rồ, sự kiên trì của các người là vô nghĩa, sự hy sinh cả đời của các người là ngu xuẩn, cả cuộc đời của các người là một sự phí hoài”. Trong bà giờ đây tình yêu với In đã nguội lạnh, chỉ còn hằn lên mối hận lớn lao: “Thế giới này đã bắt tôi làm đĩ, thì giờ đây tôi sẽ biến cái thế giới đó thành một nhà chứa khổng lồ”.
Trong xã hội đồng tiền thống trị, mọi thứ tự giá trị của xã hội ấy bị đảo lộn. Người ta sẵn sàng chà đạp lên tình thương yêu, chà đạp lên tính mạng của con người để chạy theo những ảo ảnh của sự phồn vinh, giàu có. Sức mạnh của đồng tiền biến người ta thành công cụ của dối trá, của tội ác. Xã hội ấy còn là xã hội thiếu lòng nhân đạo. Là xã hội tràn ngập sự dối trá, họ lên tiếng khuyên nhủ bà Cala hãy “cố vượt qua sự thống hận để nhường chỗ cho lòng nhân đạo” nhưng chính họ lại đi ngược lại lời kêu gọi ấy, phản bội những giá trị đạo đức xã hội. Tất cả mọi thứ, từ công lý đến lòng nhân đạo đều được mua bằng tiền. “Lòng nhân đạo chính là thứ để cho giới triệu phú bán buôn như chứng khoán. Với sức mạnh của đồng tiền, người ta có thể sắp xếp lại thế sự tùy ý thích”. Đó còn là xã hội tràn ngập sự phản bội. Vì tiền, Ông In lấy một thiếu nữ giàu có và phản bội tình yêu của Cala, chối bỏ nhân chứng tình yêu của hai người thời trai trẻ. Vì tiền, vợ phản bội chồng, con phản bội cha. Vì tiền, người dân sẵn sàng phản bội đồng loại của mình. “Sự tồn tại của Ghi lần đổi lấy một cái chết. Sự phục hồi kinh tế của Ghi lần đổi lấy một tử thi”, bởi “số tiền bạc tỷ nhục nhã kia cháy bỏng trong tim họ”.
Kết thúc màn 3 cũng chính là lúc ông In phải trả giá cho những hành động nông nổi thời trai trẻ của mình. Chuốc lấy hận thù của Cala là một bất hạnh. Bị người dân quay lưng lại là một bất hạnh. Và càng bất hạnh hơn khi chỗ dựa cuối cùng của ông, những người thân thiết nhất với ông, là vợ và hai con, là cái “gia đình đàng hoàng lương thiện”, cũng vô tình quay lưng lại với ông để chạy theo sự cám dỗ của đồng tiền, và trở thành nô lệ cho đồng tiền. Và ông bất lực, ông đầu hàng, ông bỏ cuộc, ông đau đớn nhận ra mình không có quyền sống nữa khi “cái chết đang rón rén đến gần mình theo từng dấu hiệu của sự phồn vinh”. Cảnh dân chúng Ghi-lần hành xử ông In là một cảnh thành công trên sân khấu. Đạo diễn Rudolph Straub thật tinh tế khi sử dụng biểu tượng chiếc mặt nạ. Đây là một chi tiết đắt giá trên sân khấu. Bởi mặt nạ là hiện thân của sự dối trá, của tội ác, là mặt nạ của quỷ sứ, là công cụ của quỷ sứ trong kế hoạch thu mua linh hồn. Sự nghèo khổ, tính tham lam đã kéo con người xuống vũng bùn lầy tội lỗi. Nơi đó, công dân tiếp tay cho tội ác, phản bội chính đồng loại của mình.
 Tác phẩm xoay quanh chủ đề: Đồng tiền, sự tham lam của con người đã phá hoại nền tảng của đạo đức. Đây là thông điệp phổ quát bởi lấy cốt truyện của cuộc sống đời thường, tác giả nhằm làm nổi bật cuộc đấu tranh của Thiện – ác, nhằm hướng tới sự thanh tẩy. Nhân vật của Duerrenmatt bởi thế mang tính điển hình cao.
Nhân vật In là một bi kịch. Đúng như diễn viên Trọng Phan, người đóng vai ông In nhận định: “Đối với tôi, từ đầu tới cuối, nhân vật ông In trong vở kịch của Duerrenmatt là đại diện cho một bi kịch lớn. Bi kịch này có thể xảy ra khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam, khi mà đồng tiền có thể mua được tất cả”. Không thể phủ nhận rằng yếu tố bi là dòng chủ đạo của vở kịch, song trong Bà tỷ phú về thăm quê, Friedrich Duerrenmatt đã kết hợp hài hòa giữa chất hài và chất bi. Hài hước, lố bịch hết mực và bi xót, chua cay cũng hết mực. Với Duerrenmatt, sau những thảm họa của thế kỷ 20 thì bi kịch cổ điển đã mất đi uy lực của nó: “Chỉ có hài kịch mới lột tả được thời đại của chúng ta. Không thể làm được bi kịch thuần túy, chúng ta chỉ có thể lấy cái bi kịch từ trong hài kịch như một giây phút khiếp sợ, như một vực thẳm đang nứt toác từ tận cùng lòng đất”.
 Đạo diễn Rudolph Straub cho rằng: “Đây là một thử nghiệm: mang một câu chuyện từ một nền văn hóa này gieo trồng lên mảnh đất của một nền văn hóa khác, và kết quả là hình thành một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ”. Song với thành công của vở kịch, Bà tỷ phú về thăm quê đã không dừng lại ở một cuộc thử nghiệm.

Chú thích ảnh: Poster của vở kịch ở các nước

Thúy Hằng

Tác giả