Công án Trần Nhân Tôn- Nhân chuyến đi Yên Tử

Ðã lâu, mỗi khi về Việt Nam, tôi thường ngỏ ý với bạn bè muốn đi thăm chùa Ðồng và leo núi Yên Tử, nơi cội nguồn của giòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Cứ mỗi lần như thế, bạn bè ở Huế cũng như người quen ở Hà Nội đều gạt phăng bảo rằng khó lắm, đường đi hiểm trở và phải có thì giờ, phải mất hai ngày trời mới leo lên tới chùa Ðồng nằm trên đỉnh núi Yên Tử, không đi được đâu, và tôi, kẻ ở xa, khi thấy nét hốt hoảng của mọi người về nỗi ngăn sông cách núi như thế, cũng đâm ra ngần ngại, lo cho thân mình, và ngoan ngoãn bỏ ý định leo núi Yên Tử. Mùa đông vừa rồi, nhân về Hà Nội do lời mời của Viện Goethe ở Hà Nội, tôi tự nhủ lần này phải leo lên được núi Yên Tử mới cam lòng và nhất định không nghe ai can ngăn việc đường đi hiểm trở mà nản chí. Tính thì giờ, tôi chỉ có một ngày để leo núi. Cũng được thôi, ta tính chuyện đi, trong một ngày!

Cuộc đi ! Cũng chẳng khó chi cho mấy!

“Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông“…

“Miễn cứ một lòng;

Thì rồi mọi hoặc“. (TNT, Cư trần lạc đạo, xin xem Lê Mạnh Thát “Trần Nhân Tôn“, tt. 403, 413).

Một vài giờ đôn đáo xuôi ngược hẹn giờ, hẹn xe, hẹn người cùng đồng hành cuộc đi và cuộc đi đã được thu xếp.

Suốt cả đêm vừa thấp thỏm chờ sáng lên đường, vừa thú vị vì cuộc đi sắp được thực hiện, trong đầu tôi âm vang câu châm ngôn đắc chí đã học từ hồi lớp năm trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông“, một câu thường dùng như một loại cẩm nang thuộc lòng, dù đúng cho muôn đời và đúng trong trường hợp của chuyến đi Yên Tử này, nhưng hôm nay nghe bóng bẩy trơn lu như một sáo ngữ nhàm, chán tai quá, tôi lắc đầu, xua duổi âm vang của câu ấy ra khỏi trí óc. Chỉ biết ngày mai sẽ lên đường đi Yên Tử… một ước ao đã nuôi dưỡng từ mấy năm sắp thành sự thật, một ước ao thật ra rất tầm thường, rất nhỏ bé, không phải loại dời núi lấp sông, nhưng một ước ao dù cho nhỏ bé, cũng có quyền đòi thành sự thật…

Không ngủ được, tôi mở cuốn sách “Trần Nhân Tôn“ mới nhận được của Thầy Lê Mạnh Thát tặng và bắt gặp một cách nói khác, cũng cùng một chân lý nhưng mộc mạc hơn, Việt Nam hơn và lạ lùng hơn: “Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông“… “Miễn cứ một lòng, thì rồi mọi hoặc“. Cách đặt câu hình như còn gai góc, khó khăn, cái câu được viết lần đầu tiên bằng tiếng Nôm trong lịch sử văn học của nước ta trong bài phú “Cư Trần Lạc Ðạo“, của một vị vua quyết tâm dùng tiếng Việt làm chủ ngữ trong Văn học của đất nước Việt Nam.

Ðọc lên nghe vấp váp, từ cú còn thô thiển  nhưng hình như ở nơi mỗi vấp ngã lại làm cho ta dừng lại để thâm nhập vào trong chiều sâu của chữ nghĩa và “Lắng Lòng Mình“ để chiêm nghiệm “lòng người“.

Thật quả từ lâu “Lòng“ mình cứ “vướng“ cứ “chấp“. Tâm mà vướng thì chướng ngại sẽ trùng trùng điệp điệp, ta cứ  quyết một lòng thì mọi nghi ngại đều được vượt qua, giải tỏa. Trường hợp Yên Tử chỉ là một điểm nhỏ nhoi. Nói rộng ra là việc nhà việc nước.

Một ông vua nước Nam, cách đây đã 800 trăm năm đặt chữ Tâm, chữ Lòng lên hàng đầu trong mỗi công cuộc xây thành dựng nước, bảo vệ bờ cõi, thao luyện nhân cách làm người Việt Nam, một ông vua có đủ quyền lực trong tay nhưng sẵn sàng rủ bỏ hết quyền uy, giàu sang tột đỉnh để làm một vị sư “nệm cỏ giường Thiền“, “giữ giới sạch“, “giữ lòng trong“.

Giấc ngủ chập chờn đến với những ý tưởng và hình ảnh loanh quanh quay tròn theo chữ TÂM, mà thời đại Trần Nhân Tôn đã gọi rất nôm na, rất tiếng Việt “Lòng ta“

như một “cách sống, cách nghĩ “ của một thời, khi Việt Nam bước vào giai đại phát huy tự chủ tự cường sau khi đã dựng nước và giữ nước…               

                           
                             “Có phải Sông Nhị ngày mai mờ khói nước

                              Rượu đào tươi mát rửa lòng trong“

                              (Trần Nhân Tôn, Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, sách đã dẫn)

Lót lòng bằng bánh cuốn

Xe đi từ Hà Nội lúc 4 giờ sáng, băng qua sông Nhị còn mờ hơi sương, đến chân núi lúc 8 giờ, ăn sáng nơi một quán gió có nồi bún riêu bốc hơi ngào ngạt, bún riêu và bánh cuốn nóng, trong một sớm mai mùa đông se lạnh ở một làng quê miền Bắc cách Hà thành 100 cây số, có một chút chi đầy cá tính Việt Nam – Việt Nam hơn Hà Nội hay Sài Gòn ồn ào náo nhiệt-  trong cung cách của cô bán bánh cuốn, đôi tay thoăn thoắt  cuốn bánh, không nhìn khách là ai, thỉnh thoảng ngước đôi mắt đảo nhanh một cái, đôi má hồng vì hơi nước của nồi hấp bánh tỏa ra, nhưng cô biết ai là người ăn bún ai là người ăn bánh,  còn chi thú vị hơn ?

Ăn trong một không khí “ít lời“ vì người bán chỉ múc và cuốn, người cùng ăn yên lặng nghiền ngẫm món ăn. Ờ nơi một thị trấn nhỏ bé và tĩnh mịch như thế này, sự đơn giản như một trầm lắng hiển nhiên, làm cho tâm mỗi người như chìm xuống để đi vào chiều sâu không gian và thời gian của cuộc sống từ khi cuộc sống còn sơ khai.

Tiếng xe bò lọc cọc vang trên đường nhựa, trên đường qua lại đôi người với nón lá và mũ vải, màu áo ka ki bạc thếch hòa với màu cây lá xung quanh tuyền một màu xanh xám đạm bạc vì được phủ một lớp bụi than đen của vùng sơn cước có nhiều mỏ than.

Phong cảnh buổi sáng nơi miền quan tái hoang sơ như trong một bức tranh cổ. Tôi cúi mặt nhìn dĩa bánh cuốn, những chiếc bánh trắng tinh láng mượt mà, cho ta biết là bột vừa dẻo, óng ánh màu nước mắm ửng hồng, “bánh cuốn như hồng ngọc“ là đây ! Dung dị, nhưng đầy ý vị, đơn sơ nhưng đậm đà hương vị lúa gạo Việt Nam, cho nên quí giá như Hồng Ngọc.

Viên ngọc của Việt Nam tôi đó! người sứ giả phương Bắc kia !

Trong một thoáng tôi như thấy lại quang cảnh lịch sử của ngày xưa. Cũng nơi miền quan tái này, cách đây không xa mấy nơi chốn biên cương, rộn ràng ngựa xe tiễn sứ giả Bắc triều, bụi tung mờ đàng trước, nơi một doanh trại nào đó, tiệc tiễn đưa sứ giả diễn ra, với “ Ðầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc“ và một lời nhắn nhủ ý nhị “Phong tục từ xưa của nước Nam“ của vua Trần Nhân Tôn. Lấy một món dân giã ra mà đãi quốc khách, bản lĩnh tự chủ của vị Vua này thực vững chãi có một không hai !   

“Xong mùa giá chi thử áo xuân,

Hôm nay luống gặp tiết cỏ xanh

Ðầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc

Phong tục từ xưa của nước Nam“

(Thác chi vũ bãi thí xuân sam

Huống trĩ kim tiêu tam nguyệt tam

Hồng Ngọc đôi bàn xuân thái bĩnh

Tùng lai phong tục cựu An Nam)

(Trần Nhân Tôn, bài thơ tiễn sứ giả Tàu Trương Lập Ðạo, bản dịch Lê Mạnh Thát, sách đã dẫn, tr. 296)

Tự chủ với một nền văn hóa Việt Nam, mà món ăn là một nét khởi đầu của cái Ðạo làm người Việt Nam “Nhu dã ẩm thực chi đạo dã!“ (Kinh Dịch). Sau khi đã ổn định trời đất (chiến thắng quân Nguyên giành lại độc lập cho đất nước) thì không thể không có giáo dục và nuôi dưỡng, hai yếu tố chủ yếu của văn hóa, tạo nên bản sắc văn hoá – nếu không nói là bản sắc văn hóa dân tộc, những danh từ mà tôi bỗng e dè khi dùng tới trong cuộc hành trình này…

Mời người trước kia là địch thủ nay là sứ giả hòa bình nếm món bánh cuốn của trời Nam, để biết ăn chơi không chỉ là cao lương mỹ vị, mà là sự tinh tế tài hoa của người biết nấu và người biết ăn, phong tục của nước Nam !

Tôi đã thưởng thức món bánh cuốn dưới chân núi Yên Tử không với một niềm hoài cảm mà với một sự chiêm nghiệm thích thú đã gặp được “khẩu vị“ của một đấng anh hùng nước Nam, và cũng là vị sáng lập một thế đứng tư tưởng Việt Nam ngẩng mặt đối diện với phương Bắc, mà từng bước từng bước tôi đang sắp sửa đi trên một quãng đường mà Người đã để lại.
Núi Yên Tử đã ở trong tầm mắt của tôi!
“Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm

Buổi sáng hôm ấy trời trong, mặt trời rải nắng ấm vừa phải trên đường đi. Một ngày lý tưởng để leo núi, chân tôi như reo lên với sỏi đá ở trên con đường ngoằn ngoèo hun hút tới trời cao.

Yên Tử trong mùa đông rét mướt thường vắng khách vãng lai, vả chăng Yên Tử vẫn còn là một nơi hẻo lánh khó đi, nên Yên Tử chưa bị nhiễm độc như Chùa Hương bởi những hàng quán rối rít hai bên đường.

Quang cảnh vắng vẻ, yên tĩnh, thích hợp cho một cuộc đi như một kiểu hành hương, hành thiền.

Ðường lên núi rợp bóng cây, lau lách, tre sậy và các thứ cây miền nhiệt đới um tùm hai bên đường,  đường núi dốc đá quanh co, có nơi bằng phẳng nhưng cũng lắm chỗ gập ghềnh.

Chân mới bước lên những tầng đá đầu tiên bắt đầu con đường dốc đi lên, đã thấy như mình lìa xa cõi tục, bỏ lại bụi trần và chút dư âm náo nhiệt của thành phố đọng lại nơi mấy tiếng còi xe dưới chân núi, nhường cho tiếng chim líu lo trong những tùm cây có tán rộng che rợp cả đường đi…

Khí  núi cùng với mùi hoa lá lạnh mát bay phả vào mặt làm cho người đi thấy lòng dịu hẳn,  những bước đi trên con đường dốc thoạt chốc bớt nặng nề. Yên Tử có một không gian thanh thản thâm u nhưng không huyền hoặc như Ðộng Hương Tích.

Cũng “Bầu trời cảnh Bụt“ cũng “suối giải oan“ nhưng không “mê cung“ như Hương Tích mà lại nhuốm chút thần tiên sảng khoái, như nhà sư Huyền Quang đã tả :

Buông niềm trần tục, náu tới Hoa Yên,

Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy;
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên
Bàu đủng đỉnh giăng hoa thế giới
Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên…
Trời thiền thiên góp thu lửa hạ, lạ hơn ba mươi sáu thiền thiên,
…Thấy đây, đất tựa vàng liền, cảnh bằng ngọc đúc…
cảnh tốt hoa lành, đồ tựa vẽ tranh.
chỉn ấy trời thiên mở khéo
nhàn chi vua bụt tu hành…
(Bài Phú “Vịnh chùa Hoa Yên” của Trúc Lâm Tam Tổ Huyền Quang (1254 – 1334) theo “Chữ Nôm” của Ðào Duy Anh, tt 176-178,  Nxb Khoa học Hà Nội)

Từng bước từng bước một, tôi biết mình đang dẫm chân lên  những dấu vết  sơn lâm lịch sử.
 Yên Tử còn “lạ hơn ba mươi sáu thiền thiên” (1), có lẽ bởi Yên Tử không chỉ là nơi “náu ẩn” như Huyền Quang nói, mà là thánh địa của “nết dụng sơn lâm” như Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn đã hoạch định.
Thăng Long và Yên Tử, một bên là “mình ngồi” một bên là “nết dụng”, một bên là “xác” một bên là “hồn”, Thăng Long mà không có Yên Tử thì Thăng Long rốt cùng chỉ là nơi buôn danh bán tước, một chốn thị phi tranh tài tranh sức, nhân nghĩa thực dụng để chìm đắm trong bể khổ, Thăng Long với lầu vàng điện ngọc đã bao lần dâu bể trong “cuộc mất còn” của lịch sử, Thăng Long đã bao lần đá nát vàng phai nhưng Yên Tử vẫn còn đó, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bởi vì Yên Tử chẳng có chi vật chất để mà “thành trụ hoại diệt”, Yên Tử vẫn là cứ địa của một nền tư tưởng, đạo đức Việt Nam, vẫn là sơn lâm sâu thẳm của “thể tính” “an nhàn” Việt nNm như một điểm tựa vững chải cho những gì có ý nghĩa cho hiện sinh Việt Nam, cho nên là “nết dụng sơn lâm”. Sống ở thị thành là chân lý tương đối, dụng tâm ở sơn lâm là chân lý tuyệt đối, thị thành không có sơn lâm thì sẽ mất ý nghĩa và điểm tựa tinh thần.
Trần Nhân Tôn đã không lên Yên Tử để trốn đời. Trần Nhân Tôn lên Yên Tử để làm “tròn” cuộc đời của một con người Việt Nam.
Cả một cơ nghiệp đời Trần, như ai cũng thừa nhận đã là giai đoạn lịch sử vàng son nhất của Việt Nam, nếu không có “nết dụng sơn lâm” của Yên Tử thì Trần Cảnh đã không thể đứng vững trên mặt đạo lý để là một vị vua cho quần thần mến phục. Có thể nói Yên Tử đã cứu Trần Cảnh ra khỏi phong ba bão táp loạn luân của Trần Thủ Ðộ và Yên Tử từ đó là cơ sở đạo đức thiết lập niềm tin cho một bản sắc Việt Nam :
Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm
Tham ái nguồn dừng
chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí
Thị phi tiếng lặng
được đầu nghe yến thốt oanh ngâm…
“Thân như hơi thở vào ra mũi
Thế tựa gió luồn mây núi xa…”
(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Ðạo phú, sách đã dẫn)

Bên cạnh tôi tiếng thở phì phò của hai anh chị bạn cùng đi đã nghe rõ, chúng tôi đang lên dốc núi đi vào đoạn đường đẹp nhất của Yên Tử, những cây tùng cổ thụ đã gần 700 năm, cao vòi vọi,  rễ tùng đan trên đường đi như rắn quấn.
Leo núi có lẽ là cách hay nhất để quán hơi thở và quán thân xác và từ đó ý thức rõ rệt chúng ta có thân tâm, mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta chỉ xem chúng như những cái máy ăn, nói, nghĩ, làm, sử dụng chúng một cách phung phí và bạo động. Mỗi bước đi chậm rãi trên từng bậc thang đá, không được hấp tấp hối hả – điều tối kỵ trong phép leo núi – là mỗi bước nghe thân thể chuyển động, biết ngũ tạng lục phủ lành hay bệnh ở phần nào, chú tâm vào bước đi, xả bỏ mọi ham muốn đi mau cho tới đỉnh, mỗi ham muốn là một trở ngại có thể làm cho ta nghẹt thở, mỗi nôn nóng là một mụt nhọt làm ung độc ngũ tạng làm cho thân thể rã rời không tiếp tục đi được nữa, muốn tới đích phải đi từng bước vững chắc, ở đó ngũ quan và thức hay thân và tâm là một, là sự đi, là sự sống trong toàn thể  ..
Biết bao nhiêu lần Trần Nhân Tôn đã đi lên núi này? đã hành thiền? đã phi hành phi thân? và những vị tướng thời Trần khi chống quân Nguyên? đã dụng khổ công, tập luyện võ nghệ  trong “nết dụng sơn lâm” này? Leo núi- và leo núi Yên Tử, 1080 mét cách mặt biển –  là dụng nội công, thực hành công phu sớm chiều để chiêm nghiệm cuộc sống :
“Thân như hơi thở vào ra mũi
Thế tựa gió luồn mây núi xa
Ðỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng
Ðừng để tầm thường xuân luống qua.
(Thơ Trần Nhân Tôn, “Thân như”)

Ði lên núi mới biết mỗi bước đi không “tầm thường”, phải đi bằng tâm và thân, nếu lơ đểnh là trượt chân xuống hố, và đích sẽ không bao giờ tới được. Mỗi hơi thở bỗng trở nên quý hóa, không thở được là không đi được và phải rất chuyên, tinh tấn, đi không nên dừng lại la cà là mất sức, là để “mùa xuân” của cuộc đời trôi đi một cách phung phí, mỗi hơi thở là một đóa hoa mùa xuân cho thân và tâm. Những phương pháp quán hơi thở Satipatthana hay Anapana-sati của Phật dạy, phương pháp thiền quán Dhyana, mở ra cho ta thấy mùa xuân của cuộc đời trong từng hơi thở, trên từng bước đi của chúng ta để mà cẩn trọng cuộc đời, một cách hành thâm ba la mật đa:

Số đời một màn kéo
Tình người đôi mắt ngân
Cung ma chật hẹp lắm
Cửa Phật khôn xiết xuân
(Trần Nhân Tôn, “Ðề chùa Thôn Hương cổ Châu”)

“Con bò cười” trong núi Yên Tử và câu hỏi “Trần Nhân Tôn người là ai”

Trước khi đến chùa Hoa Yên, chúng tôi dừng lại nghỉ trưa bên cội tùng. Phong cảnh như một bức tranh cổ “Mây năm thức che phủ đền Nghiêu; Non nghìn tầng quanh co đường Thục…” (Huyền Quang, Bài phú vịnh chùa Hoa Yên).
Anh L. mở ba-lô lấy lương thực, còn tôi chỉ đem theo mấy chục trái quýt của nhóm anh Huệ Chi gửi theo đi đường, quýt làng, không biết có phải của làng Bố Hạ không (hay quýt Hương Cần?) , nhưng cứ cho là của làng Bố Hạ đi như trong truyện Tự Lực Văn Ðoàn – leo  núi chỉ khát, cho dù trời lạnh. Anh L. đưa cho miếng phó mát bình dân của Pháp và Âu châu, có hình “con bò cười” (La Vache qui rit), hiện nay là món ăn thời thượng ở Hà Nội và ở các thành phố lớn Việt Nam. Anh kể, trong ti vi có cuộc mạn đàm phỏng vấn một nữ nghệ sĩ, ngoài những câu chuyên môn cô còn tiết lộ là mỗi ngày cô dùng điểm tâm hết một hũ marmelade (mứt) và một hộp con bò cười (hai loại thức ăn điểm tâm thường nhật ở Âu châu). Anh giải thích, Marmelade và  “con bò cười” là mốt ăn chơi của tầng lớp đang muốn thành “snob” bây giờ, lượng ăn càng nhiều thì cảm tưởng “snob” càng to.

Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Trần Nhân Tôn, chẳng thời thượng tí nào :

Chân rùa bóc đỏ mọng
Yên ngựa nướng vàng thơm
Sơn tăng giữ giới sạch
Cùng ngồi chẳng cùng ăn
(Trần Nhân Tôn, thơ “Dự Yến với Văn Tức Vương”)

Không chống mốt thời thượng nên cùng ngồi, nhưng nếu “cùng ăn” thì “cung ma“ sẽ rất chật hẹp, phải biết không “cùng ăn” để mở lối thoát cho những thời thượng nhất thời, để biến cung ma thành nước biếc non xanh.
Tôi như thấy được nụ cười rất tự tại của Trần Nhân Tôn trong buổi tiệc cao lương mỹ vị với Văn Tức Vương, nụ cười “cùng ngồi không cùng ăn”, tham dự mà không tham… ăn!
Trên ngọn núi Yên Tử tùng trúc rào rạt trong gió, ngẩng mặt lên nhìn mảnh trời xanh lạ lùng của ngày mùa đông hôm ấy đã thành những bông hoa xanh biếc được những lá tùng nhọn như những mũi kim thêu lốm đốm. Một câu hỏi chợt đến trong đầu, sau ba tiếng đồng hồ leo núi:

TRẦN NHÂN TÔN NGƯỜI LÀ AI ?

Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tôn? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tôn? Không những là là một vị vua anh dũng nơi các chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dưong, Bạch Ðằng, Tây Kết của Việt Nam vào thế kỷ 13, vị hoàng đế “Kim Phật” này lại là một nhà lãnh đạo tư tưởng văn hoá tôn giáo ưu việt đã đem lại cho thời đại của mình và cho đời sau một niềm tự tin vững chắc và sâu đậm  “Nam quốc sơn hà nam đế cư” hơn tất cả những vị anh quân của lịch sử VN: không những  võ công mà chính là văn trị đã đưa Trần Nhân Tôn thành một nhà lãnh đạo tư tưởng Việt Nam đầy nhân ái và sáng tạo: với Trần Nhân Tôn tiếng Việt được đưa vào văn học chính qui và với Trần Nhân Tôn tư duy triết lý và đạo đức Việt Nam trên cơ sở Thiền học được thành lập.
Từ lớp tiểu học cho đến đại học, qua nhiều lần thi cử, chính tôi đã thuộc nằm lòng những trang sử sáng ngời Trần Nhân Tôn như thế, cho đến khi xuất ngoại du học, những năm tháng xa quê hương sống nơi đất khách, mỗi khi trình bày về lịch sử và văn hóa Việt Nam, mỗi khi lý luận về bản sắc dân tộc, về văn hóa dân tộc, những trang sử Trần Nhân Tôn luôn luôn là bằng chứng hùng hồn của ý thức độc lập thực sự Việt Nam và là điểm tựa cho niềm tự hào và nỗi hãnh diện của tôi về văn hóa ưu việt của đất nước đối với người ngoại quốc.
Nhưng thực tình và thực sự mà nói, thì hình như trải qua mấy mươi năm đọc, học, nghe, và lặp lại những điều sử sách viết về Trần Nhân Tôn, Trần Nhân Tôn đối với tôi chỉ là một trang sử mở sẵn hay gấp lại để trên bàn hay trong tủ không hơn không kém,  tôi chưa hề biết                                   

 TRẦN NHÂN TÔN LÀ AI.

Câu hỏi đến có vẻ hơi muộn màng sau ba giờ đồng hồ va chạm đá và đất, mồ hôi ướtt áo, nếm mùi tân khổ leo núi Yên Tử, nhưng thật ra không muộn màng, câu hỏi đã có từ lâu, có lẽ từ lúc mới sinh ra là người Việt Nam, câu hỏi bật ra bây giờ, cùng với tiếng cười về và của con bò cười, cùng với hoa trời màu thiên thanh loáng thoáng sau ngọn tùng cao ngất.
Hỏi Trần Nhân Tôn là ai trong cái khung cảnh « Vân thủy bằng lòng ; Yên hà phải thú », trong giờ phút chân tay rã rời với một niềm vui giải thoát nhẹ hửng như đám mây trắng vun vút bay nhanh để nhường màu xanh lại cho cây.
Câu hỏi như đến cùng một lúc với câu trả lời, hay câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi? từ sáng đến giờ người đồng hành với tôi từ chân núi Yên Tử lên đây nơi những bước chân chiêm nghiệm, anh L. chị S? hay chính là Trần Nhân Tôn?
Hoa Yên Tự – Trần Nhân Tôn: «Ta (thật tận tình) là Ta »

Chùa Hoa Yên, nơi thờ vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm vua Trần Nhân Tôn, mở ra từ những bậc đá từ dưới nhìn lên thoạt tiên quen thuộc như… « vườn nhà » với các bụi chuối hai bên lối đi, sau khi đã quanh co với những cây cổ thụ, bạch tùng, xích tùng lạ kỳ hiếm có, bỗng nhiên gặp lại vườn chuối tiêu điều, như ngõ sau quê mẹ… thế này?! khác với Hoa Yên của tam tổ Huyền Quang (sách đã dẫn) :
                               Hồ sen trương tán lục ;
                               Suối trúc phiếm đàn tranh…

Nhưng rồi vượt hết các bực đá, Hoa Yên bỗng chơi vơi trên không với một tầm nhìn sơn hà bao quát lồng lộng, núi non rừng cây trùng điệp mấy tầng nâng Yên Hoa lên trong thế rồng ngồi với một kiến trúc vườn cây lăng miếu hài hoà thuần túy Việt Nam.
Tôi đứng trên bậc cấp cuối cùng giữa hai cây “trượng phu tùng “ (Huyền Quang, sách đã dẫn)), gió lộng bốn bề trước cảnh non nước gấm vóc, rồi quay mặt trực diện với bệ thờ Ðiều Ngự Giác Hoàng, trong một giây cảm xúc tôi có cảm tưởng thấy được chân dung thực sự của Trần Nhân Tôn.

Như chia với nhau cùng một ấn tượng chúng tôi ba người đều thấy cùng một lúc chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam “Việt Nam” hơn Yên Hoa của Yên Tử với lối kiến trúc khiêm tốn nhưng thâm u, thiên nhiên thô sơ nhưng không thô kệch, tinh vi nhưng không phù phiếm.
 Trần Nhân Tôn đó, có thể ngẩng mặt nhìn sang Bắc để nói “Ta cũng như người”, để hướng về phương Ðông mà nói “Ta khác với người”, nhìn về Tây mà nói “Ta không thua người”, nhìn về Nam mà nói “Ta cùng với người”.
Ðã thấy lăng tẩm các vị vua chúa triều Nguyễn, mới thấy Trần Nhân Tôn “Việt Nam” ngay từ từng viên đá, không một chút ảnh hưởng của Trung Hoa trong sự khiêm tốn nhân ái ngược với kiến trúc tráng lệ đến vô nhân, Hoa Yên lại khác với Nhật trong chất đá thiên nhiên, với Nam Dương trong nghệ thuật tinh vi. Tôi bỗng hiểu được tại sao người Nhật mê và tìm học kỹ thuật đồ gốm đời Trần. Chén gốm đời Trần có một sắc thái tinh vi trong chất đá thô kệch, không hào nhoáng bóng bẩy như của Tàu, cho biết nghệ nhân có một bản lĩnh cao cường trong lúc sáng tạo, vừa thấu hiểu bản chất sự vật để gìn giữ bản chất ấy đồng thời nâng sự vật lên thành tác phẩm nghệ thuật.
Chẳng khác chi bản sắc của một dân tộc mà Trần Thái Tôn trong trách nhiệm cầm cân nảy mực phải dùi mài trau chuốt, vừa gìn giữ để không bị đồng hóa vừa phát huy để đừng bị thoái hoá. Và trong trăm ngàn trách nhiệm, chưa thấy vị vua nào như những vị vua đời Trần đã miệt mài nói về chữ Tâm Việt Nam như một lời tuyên ngôn làm kim chỉ nam để phát huy bản chất Việt Nam như thế, nói về chữ Tâm Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho nên không ngại đi ngược lại với thời thượng và mặc cảm của sĩ phu Việt Nam sau một ngàn năm đô hộ của Tàu.
Cần phải đi ngược để khẳng định cho được phong cách con người Việt Nam với giá trị văn hoá đạo đức phương Nam.
Từ Trần Thái Tôn trở về sau, chữ Tâm đã được thay thế bằng chữ Lòng trong những tác phẩm văn chương đời Trần viết bằng chữ Nôm. “Thay đổi cách hành văn là thay đổi tư duy, thay đổi tư duy là thay đổi cách hiện hữu, cách sống”, Nietzsche đã có lý khi nói như thế.
Có thể nói Trần Nhân Tôn đã tiếp tục sứ mạng “làm người Việt Nam” toàn vẹn nhất, tận tình nhất, hùng hồn và sâu thẳm, sáng tạo và đôn hậu trong sự nhất quán, trong sự thấu suốt cuộc đời bên ngoài, cuộc đời thành thị và cuộc sống nội tâm, cuộc sống tinh thần nơi chốn sơn lâm.
”Nghĩa  hãy nhớ  đạo chẳng quên” (Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Đạo, hồi thứ 7)
“Hãy xá vô tâm
tự nhiên hợp đạo
Sạch giới lòng, dồi giới tướng
nội ngoại nên Bồ Tát Trang Nghiêm
Ngay thờ chúa thảo thờ cha
Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”
(Trần Nhân Tôn, bài phú Cư Trần Lạc Ðạo, sách đã dẫn)

Tôi lùi lại phía sau, đến cạnh bệ thờ có tượng Trần Nhân Tôn, nhìn ra phía trước. Tôi muốn biết Trần Nhân Tôn từ chỗ ngồi này đã nhìn gì, thấy gì khi người còn sống “am mây một sập Thiền”, khi người đã chết, từ hơn 800 năm trước cho đến bây giờ… Có phải
 “Ta nay: ngồi đỉnh Vân Tiêu, cỡi chơi Cánh Diều” (2)
Coi Ðông Sơn tựa hòn kim lục
Xem Nam Hải tựa miệng con ngao“ (Vịnh chùa Hoa Yên, Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang)
 
như Huyền Quang ngày trước đã tả không, thì thấy rừng cây trùng điệp mà chúng tôi đã đi qua như những cánh phượng hoàng phấp phới trong gió, núi mờ núi đậm tiếp vai nhau ở chân trời xa thẳm, làng mạc nằm chơi vơi trong màu nắng thanh lam như trôi lững lờ vào trong màu xanh vô tận  của bầu trời, khói nước từ biển khơi lung linh giữa thinh không mờ ảo như thật như hư, con đường ngoằn ngoèo dưới chân núi như một vệt sáng lấp lánh xuyên hút qua lòng núi…

Phong ba hay thái bình, Trần Nhân Tôn “ngồi” đây với “non nước.. nghìn thu” ấy như một chiêm nghiệm sâu thẳm về hiện hữu vật chất và tinh thần, ngoại tâm và nội tâm của một con người Việt Nam. Tuy “ngồi” nhưng đã “đi” thẳng vào đạo tâm của cả non sông, dân tộc.

“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp
ngoại trang nghiêm tự tướng hãy tu;
Săn hỷ xả, nhuyển từ bi
nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc”

(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Ðạo phú, Hồi thứ 8, sách đã dẫn)
Tại sao về núi giới lòng ?

Rời Hoa Yên, con đường dẫn lên đỉnh núi đi qua một đoạn rừng trúc xào xạc, trúc lâm Yên Tử trên đỉnh núi lạnh không cao lớn, thân cây vàng sắc, lá săn nhỏ nhọn, mảnh mai gầy guộc nhưng đầy sức dẻo dai, gió núi có hun hút cay độc mấy đi nữa, khi thổi qua rừng trúc thấp la đà cũng phải thành hiền để rì rào những lời “kinh lòng hằng đọc”.
Bỏ rừng trúc,  vượt con đường đá gay go dốc ngược, lên gần thấu đỉnh bỗng thấy mình chơ vơ giữa khoảng không lộng gió, trên đầu chỉ có bầu trời, xung quanh là đá núi. Chỉ có ta với ta, ta với trời, ta với đất. Một mình giữa đất trời bao la !
Hai chữ “một mình” thường gây một nỗi hoang mang sợ hãi của người đang đứng bên bờ vực thẳm, nhưng ngày hôm ấy sau khi rời Hoa Yên, bầu trời mênh mang trên đầu bỗng cho tôi một cảm giác gần gũi với ý niệm “giải thoát” như một sợi tơ trời bay bổng trên không, cảm giác không có gì ngăn cách giữa trời và ta, một cảm giác “ sâu xa rộng mở” của Bồ Ðề Ðạt Ma. (3)
Có phải “về núi giới lòng” là để “mở rộng lòng” với người với đất với trời?
Ðứng trên đỉnh núi với ngôi chùa Ðồng bé tí như một món đồ chơi – khác hẳn một ngôi chùa Đồng vĩ đại trong tưởng tượng khi nghe bạn bè nói về Chùa Ðồng Yên Tử – đỉnh núi cheo leo, lởm chởm đá, những tảng đá thi gan, khổ hạnh, đã mấy trăm hay mấy ngàn năm, như một bình phong tròn đứng chắn gió cho bốn phương cảnh vật nhu hòa, nhân ái quyện dưới chân núi.
Bỗng thấy núi Yên tử như một thiền sư, Trần Nhân Tôn là núi Yên Tử, thân tâm vững như núi :

                                                                 Nhìn lên càng cao
                                                                 Dùi càng bền cứng
                                                                 Chợt ở phía sau
                                                                 Thấy liền trước đứng…

                                (Trần Nhân Tôn, Ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ, sách đã dẫn)
Buổi xế trưa gió núi vun vút không ngừng bay về trời trên đỉnh Yên Tử, nghe trong gió tiếng núi vang vọng câu trả lời :

“Hiểu theo lối trước lại chẳng phải”

(Trần Nhân Tôn,  Tại sao về núi giới lòng? Ðáp: “Hiểu theo…”Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn).

Ðã đi đến hết đường Yên Tử, đã hấp tấp ham hố chụp hết phim nơi trạm Hoa Yên, chẳng còn một chút phim để ghi lại hình ảnh  bầu trời trên đỉnh núi, là cái đích của cả chuyến đi ! Thôi đành ghi nhớ “nằm lòng”!
Yên Tử mà tôi đã đi qua, Yên Hoa mà tôi đã dừng lại, Chùa Ðồng mà tôi đã đứng cheo leo, Vân Tiêu, Cánh Diều mà tôi đã chắp cánh bay theo, nếu hiểu như tôi đã hiểu theo sách vở lại  là CHẲNG PHẢI !
Vậy thì “Dùng công án cũ để làm gì? Ðáp : Mỗi lần nêu ra một lần mới.” (Trần Nhân Tôn, Bài giảng cuối đông năm Giáp Thìn 1304 tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn)(4)

Trần Nhân Tôn là một công án cho tôi !
Ðường về “Cư Trần Lạc Đạo”
Xuống núi thật nhanh. Trời mới xế chiều. Lên xe. Nằm dài trên ghế. Chúng tôi chỉ ba người, xe rộng thênh thang. Tôi đã ngủ một giấc ngủ “cư trần lạc đạo”: mệt ngủ liền !
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Ðối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Đạo phú, sách đã dẫn)

Thái Kim Lan

Tác giả