Đôi chút về giải thưởng Tự lực văn đoàn

Nhà văn Nguyên Ngọc phát hiện ở Tự lực văn đoàn một giá trị để lại cho đời sau: bài học làm giải thưởng. Khi mà bao giải thưởng to tát, bao cuộc vinh danh đang thoảng qua như nắng sớm mưa chiều, thì gần trăm năm trước đã có một giải thưởng văn học mang tính phát hiện cao, có ảnh hưởng khơi gợi tài năng.

Những năm làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội tại Hà Nội từ 1955 – 1962 trước khi trở lại chiến trường miền Nam, tôi sống nhiều cùng anh Thanh Tịnh, rất thân thiết. Anh Tịnh là người rất hay chuyện, thường kể cho tôi bấy giờ là một cậu lính trẻ từ chiến trường xa mới ngơ ngác về thủ đô, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thanh xuân của anh, đặc biệt hấp dẫn là về thời anh mới từ Huế ra Hà Nội hồi trước Cách mạng tháng Tám, tập tò bước vào văn học. Lạ, hấp dẫn, và lại có phần “bí mật” nữa, vì anh nói nhiều về Tự lực văn đoàn, ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn đối với thế hệ anh, với riêng anh, mà ngày đó chúng tôi được dạy dỗ chu đáo và nghiêm khắc rằng cái nhóm văn học ấy nó là tư sản rất phản động. Hai anh em thường rủ rỉ về khuya, trên phòng vắng gác hai nhà số 8 Lý Nam Đế. Rất vắng, vì bấy giờ ở tạp chí chỉ có ba anh em miền Nam, không vợ con nhà cửa, đêm ngày gì cũng chỉ ở cơ quan thôi: Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), và tôi.

Qua chuyện của anh Tịnh, tôi dần dà hiểu và hình dung ra được mấy lớp văn học kế tiếp trong quá trình hiện đại hoá ở ta, hoá ra là vô cùng quan trọng, khoảng từ đầu thế kỷ đến 1945, đại thể: lớp Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh… trong Nam; lớp Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… ngoài Bắc; lớp Hoàng Ngọc Phách của Tố Tâm; rồi bùng nổ, bừng nở rực rỡ Tự lực văn đoàn và như một hội pháo hoa của các trào lưu dồn dập song song; kế đó là lớp sau Tự lực văn đoàn… Rồi đột ngột dừng lại (dừng lại, tôi nói cái quá trình hiện đại hoá ấy. Đối với riêng tôi, sự dừng lại đó được đánh dấu bằng hình bóng một con người và một tên tuổi rất rõ ràng, tôi sẽ xin nói sau đây). Anh Thanh Tịnh thuộc cái “lớp sau” ấy, cũng có thể nói lớp nhà văn được Tự lực văn đoàn “đào tạo”, được Tự lực văn đoàn “sinh ra”, nói thế cũng không quá đáng đâu.

Hồi tôi làm việc ở ban Sáng tác Hội Nhà văn, có lần chúng tôi thảo luận một vấn đề nghe có thể đến lẩn thẩn, buồn cười: Hội Nhà văn chỉ đạo sáng tác như thế nào? Theo tôi, Hội Nhà văn chẳng thể mà cũng chẳng nên chỉ đạo ai sáng tác cả. Bởi làm thế nào mà “chỉ đạo” người ta viết? Bảo người ta phải viết thế này, không được viết thế kia chăng? Được thôi, nếu anh có quyền. Nhưng người ta sẽ vâng dạ, rồi người ta cứ viết theo cách của người ta, và thường sẽ có được tác phẩm hay. Hoặc người ta răm rắp tuân theo anh, và, bao giờ cũng vậy, viết dở òm!… Nhưng một tổ chức được sinh ra tất muốn tác động đến ai đó, theo khuynh hướng nào đó, khép hay mở, của nó. Vậy nó có thể tác động như thế nào đây?

Hoá ra từ những năm 30 thế kỷ trước, Tự lực văn đoàn đã hiểu rất tinh chuyện này. Một trong những cách quan trọng, hiệu quả nhất: họ làm các giải thưởng. Ta không có quyền chỉ đạo ai sáng tác theo ý ta, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến người viết (và cả người đọc, tức công chúng độc giả, lại cũng sẽ ảnh hưởng trở lại người viết) qua việc quyết định chọn trao giải cho tác phẩm kiểu này hay kiểu kia, khuynh hướng này hay khuynh hướng khác.

Giải thưởng Tự lực văn đoàn được trao ba lần cho: tập truyện ngắn Ba của Đỗ Đức Thu, Diễm dương trang – tiểu thuyết của Phan Văn Dật, Bóng mây chiều – tiểu thuyết của Hàn Thế Du (1935); Kim tiền – kịch Vi Huyền Đắc, Bỉ vỏ – phóng sự Nguyên Hồng, Nỗi lòng – tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn (1937), Làm lẽ – tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư, Cái nhà gạch (tức Tiếng còi nhà máy) – tiểu thuyết của Kim Hà (1937); Bức tranh quê – thơ của Anh Thơ, Nghẹn ngào – thơ Tế Hanh (1939).

Thoạt nhìn đã có thể thấy, đây là một giải thưởng có tính phát hiện cao. Hầu hết các tác phẩm được giải là tác phẩm đầu tay, và nhiều tác phẩm trong số đó lúc ra mắt qua giải thưởng Tự lực văn đoàn, như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Bức tranh quê của Anh Thơ… đã thành “hiện tượng” trong đời sống văn học. Và thật thú vị, những nhà văn chủ trì Tự lực văn đoàn, vốn được coi thuộc khuynh hướng lãng mạn, lại chọn biểu dương những cây bút gần như ngược hẳn với mình, đậm chất hiện thực xã hội, nhiều khi đến gay gắt. Có thể điều này rất quan trọng: giải thưởng do đó khêu gợi và quy tụ cả một dàn đồng ca rộn rã phong phú đa dạng như chưa từng có những tài năng mới, trẻ, góp phần tạo nên “cả một thời đại mới trong văn học” như cách nói của Hoài Thanh.

Anh Thanh Tịnh nói với tôi rằng anh được hưởng ân huệ của vụ mùa ấy, là một cây hoa bừng nở trong mùa hoa đẹp do Tự lực văn đoàn tạo nên, dù anh không được giải. Các giải thưởng hay là như vậy, thậm chí có thể cái hay nhất, quan trọng nhất của nó không chỉ, không phải là các tác phẩm, tác giả do nó phát hiện và biểu dương. Mà là ở ảnh hưởng khêu gợi, kích thích, lan toả của nó, để tạo nên tài năng mới hơn nữa, hay hơn nữa. Quả có điều thật lạ: thử nhìn lại những tác phẩm và tác giả có tên trong ba lần giải Tự lực văn đoàn vừa kể trên xem: họ sẽ bị lút đi trong dòng sông lớn mà Tự lực văn đoàn đã tinh tế “dùng” họ làm cửa mở và lực đẩy. Vậy đó, cái tài đặc biệt của người làm giải. Một bài học sắc sảo, sâu sắc về chuyện làm giải thưởng, cho đến bây giờ. Và thêm một đóng góp lớn của Tự lực văn đoàn…

Tôi có hỏi anh Thanh Tịnh về một tác giả muộn của thời kỳ ấy từng để lại trong tôi ấn tượng không phai: Đỗ Tốn, với Hoa vông vang. Một tập truyện ngắn, tôi nhớ, tuyệt vời, xuất bản đầu khoảng đầu hay giữa năm 1945, hình như trước Cách mạng tháng Tám có mấy tháng. Anh Tịnh hơi buồn. Anh bảo theo anh đấy là một tài năng lẽ ra đã có thể đi rất xa. Một cây bút lẽ ra đã có thể tiếp nối Thạch Lam, người có tài nhất trong Tự lực văn đoàn nhưng đã mất quá sớm. Đỗ Tốn bị “chặn” lại vì chuyện khác: quá trình hiện đại hoá của văn học được bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, đạt cao trào thời Tự lực văn đoàn, đến đây khựng lại, để dân tộc quay về giải quyết sự độc lập sống còn. Ba mươi năm.

… Cho đến 1975.

Nghĩa là cần nhận ra sự đứt mối tất yếu ngày ấy, để tiếp tục mạnh mẽ hôm nay.

 

Tác giả