Hai kiệt tác của J. S. Bach

Đó là "Toccata và Fugue, giọng Rê thứ" mang đậm dấu ấn chuyến đi bộ 200 dặm của Bach tới Lübeck để nghe Buxtehude, một nghệ sĩ organ lớn thời đó, chơi đàn; và bộ sáu concerto được gọi là “Brandenburg” - một trong những tác phẩm được yêu thích và biểu diễn nhiều nhất của ông.

Toccata and Fugue – dấu ấn 200 dặm bộ hành K

không như người đồng hương Handel học nhạc trên đất Ý, Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) hấp thụ ảnh hưởng từ phong cách Ý nhờ việc chuyển soạn một lượng lớn tác phẩm của Vivaldi. Qua các đại lý tại Đức của NXB âm nhạc Le Cène (trụ sở chính ở Amsterdam), Bach có thể xem catalog và đặt mua tổng phổ các tác phẩm đã xuất bản mà ông quan tâm.

Bên cạnh cách tiếp cận với các phong cách, trường phái âm nhạc trên thế giới qua tổng phổ có được, Bach cũng rất ý thức với việc “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi không nhiều và xa như Handel, song đến nay người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một chuyến bộ hành nổi tiếng của Bach. Ông đã cuốc bộ hàng trăm dặm để được nghe Dietrich Buxtehude (1637 – 1707), một nghệ sĩ organ lớn thời đó, chơi đàn.

Năm 1703, ở tuổi 18, Bach bắt đầu sự nghiệp âm nhạc độc lập của mình với vị trí nhạc công organ và nhạc sĩ tại thị trấn nhỏ Arnstadt. Vào tháng 10/1705, hội đồng nhà thờ tại đây đồng ý cho Bach nghỉ phép một tháng để tới thăm TP Lübeck ở miền Bắc Đức, nơi Dietrich Buxtehude đang làm nhạc công organ chính tại Nhà thờ Đức Mẹ.

Bach quá nghèo nên không thể thuê xe ngựa cho một chuyến đi xa. Ông phải cuốc bộ 200 dặm từ Arnstadt tới Lübeck. Tại Lübeck, Bach tận dụng mọi cơ hội để nghe Buxtehude chơi đàn. Ông cũng tham dự các tối hòa nhạc nổi tiếng tại Nhà thờ Đức Mẹ khi các tác phẩm cantata nhà thờ của Buxtehude được biểu diễn. Các buổi hòa nhạc này cùng các buổi thảo luận về nghệ thuật với nghệ sĩ bậc thầy Buxtehude đã cuốn hút Bach tới mức ông lưu lại Lübeck qua cả lễ Giáng Sinh cho tới tận tháng Hai năm sau.

Bach trở lại Arnstadt muộn mất ba tháng. Bầu nhiệt huyết cùng những ý tưởng mới mẻ sau chuyến đi tới Lübeck ngay lập tức được Bach đưa vào thực hành trên cây đàn organ. Tuy nhiên cả giáo đoàn Arnstadt đã ngơ ngác hoang mang trước “những biến tấu gây sửng sốt và những nét hoa mỹ không thích hợp làm hủy hoại giai điệu và làm ca đoàn hỗn loạn”.

Hội đồng nhà thờ tại Arnstadt quyết định khiển trách Bach vì “những âm thanh lạ” và cũng đòi Bach giải trình lý do trả phép muộn. Sau nhiều xung đột tiếp theo, Bach quyết định tìm một vị trí mới. Tháng 6 năm 1707, ông trả lại chìa khóa văn phòng mình cho hội đồng nhà thờ tại Arnstadt rồi nhanh chóng tới thị trấn Mühlhausen, nơi ông được nhận làm nhạc công organ.

Dấu ấn chuyến đi tới Lübeck hiện diện trong nhiều tác phẩm cho đàn organ Bach sáng tác về sau. Trong số đó không thể không nhắc đến bản Toccata và Fugue, giọng Rê thứ mang ký hiệu BWV 565.

Là một trong các kiệt tác thời kỳ sáng tác đầu tiên của Bach, Toccata và Fugue nổi bật vì xu thế nhịp nhàng cũng như motif mở đầu đầy lôi cuốn của nó. Nhiều người còn coi tác phẩm này là mẫu mực của thứ âm nhạc rùng rợn cho đàn organ vì họ liên hệ nó với những cảnh phim câm cường điệu kịch tính. 

Toccata và Fugue đã được chuyển soạn lại theo nhiều cách. Trong thế kỉ 20, thính giả thường được nghe nó qua bản chuyển soạn cho dàn nhạc của nhạc trưởng Leopold Stokowski. Những âm thanh ầm ì, được lãng mạn hóa của nó ngay trên cây đàn organ cũng khá hiệu quả, mặc dù những nghệ sĩ theo xu hướng chuẩn xác lịch sử lại tạo cho tác phẩm một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn.

Sự luân phiên giữa các đoạn “gần như ngẫu hứng” và đối âm trong Toccata và Fugue cũng chính là đặc trưng trong các tác phẩm của Dietrich Buxtehude – người mà Bach không quản ngại cuốc bộ 200 dặm để gặp gỡ và học hỏi. 

Concerto “Brandenburg” – đơn xin việc bị từ chối

Gần một nửa trong số tác phẩm của Bach tưởng rằng đã bị thất lạc và nhiều concerto của ông chỉ tồn tại ở dạng chuyển soạn về sau hay ở những bản sao chép sai sót. Nhưng các bản Concerto “Brandenburg” đã may mắn tồn tại ở dạng bản thảo gốc mà Bach gửi cho Christian Ludwig, bá tước vùng Brandenburg vào tháng 3 năm 1721. 

Nhan đề tiếng Pháp mà chính Bach đặt cho bộ tác phẩm này là Six Concerts Avec plusieurs Instruments (Sáu concerto với một số nhạc cụ). Trong lời đề tặng viết bằng thứ tiếng Pháp hết sức dài dòng và hoa mĩ, Bach tỏ vẻ nhún nhường và ngỏ ý muốn xin ngài bá tước một vị trí làm việc tốt hơn. Biệt danh “Brandenburg” quen thuộc chỉ gắn chặt với bộ tác phẩm kể từ sau khi nhà âm nhạc học Philipp Spitta sử dụng nó lần đầu trong một cuốn tiểu sử Bach năm 1880. Vào thời điểm viết các concerto này, Bach đang giữ chức Kapellmeister (Giám đốc âm nhạc) tại thành phố nhỏ Köthen nơi ông soạn nhạc cho triều đình Hoàng thân Leopold. 

Mỗi một bản trong số sáu concerto này đòi hỏi một cách kết hợp nhạc cụ khác nhau cũng như các nghệ sĩ độc tấu trình độ cao. Mọi bằng chứng gợi ra rằng các Concerto “Brandenburg” hoàn toàn phù hợp với trình độ các nhạc công tại Köthen lúc ấy. Ngược lại, bá tước vùng Brandenburg chỉ có trong tay một dàn nhạc triều đình nhỏ ở Berlin nhưng đó là một nhóm các nhạc công mà đa số trình độ xoàng xĩnh.

Sở dĩ nhạc công tại Berlin có trình độ kém nhạc công thành phố tỉnh lẻ Köthen là do Vua Friedrich Wilhelm I mới thừa kế ngai vàng nước Phổ là người quan tâm đến sức mạnh quân sự hơn là nghệ thuật âm nhạc. Sau khi lên ngôi, nhà vua giải thể luôn dàn nhạc triều đình Berlin uy tín. Điều đó khiến nhiều nhạc công Berlin mất việc, và may mắn thay Hoàng thân Leopold yêu âm nhạc tại Köthen đã trọng dụng được bảy trong số những nhạc công giỏi nhất đó.

Món quà âm nhạc, hay cũng có thể coi là đơn xin việc mà Bach gửi tới bá tước vùng Brandenburg, đã bị đối xử hờ hững. Bá tước không sử dụng, chẳng cảm ơn cũng như không trả tiền cho sáu concerto này. Chúng nằm im lìm trong thư viện của bá tước cho đến khi thư viện bị phát tán sau khi bá tước qua đời vào năm 1734. Sáu Concerto “Brandenburg” được bán với giá rẻ mạt là 24 đồng groschen và mãi đến thế kỉ 19 người ta mới phát hiện ra chúng. 

Concerto không chỉ là hình thức phổ biến nhất của khí nhạc cuối thời Baroque mà còn là phương tiện hàng đầu để thể hiện những cảm xúc lớn lao, hùng vĩ, một vai trò mà về sau được thể loại giao hưởng đảm đương.

Ngoại trừ Concerto “Brandenburg” No. 1, năm Concerto “Brandenburg” còn lại đều được viết theo thể thức concerto grosso, trong đó hai hay nhiều nhạc cụ solo (concertino) tương phản với một nhóm hòa tấu lớn hơn (ripieno). Điều ấn tượng nhất mà người nghe sẽ ngay lập tức nhận ra là cách sáu bản concerto này thay đổi trong lối kết hợp nhạc cụ của chúng. Bach không hề sử dụng cùng một lối kết hợp nhạc cụ nào đến hai lần.

Concerto “Brandenburg” No. 1 giọng Fa trưởng BWV 1046 là concerto có nhiều chương nhạc nhất trong bộ (bốn chương). Nó cũng mang tính dàn nhạc hơn với các đàn dây, oboe, piccolo và kèn cor mạnh mẽ. 

Ở Concerto “Brandenburg” No. 2 giọng Fa trưởng BWV 1047, concertino là một nhóm bốn nhạc cụ (trumpet, recorder, oboe và violin) chơi solo tương phản với ripieno gồm dàn dây và bè continuo. 

Cây đàn harpsichord thường chơi ở bè continuo làm nền trong các concerto khác nhưng ở Concerto “Brandenburg” No. 5 giọng Rê trưởng BWV 1050 thì lại giữ vai trò nổi bật. 

Concerto “Brandenburg” No. 4 giọng Sol trưởng, BWV 1049 gồm violin và hai recorder chơi tương phản với dàn dây và bè continuo.

Concertino của Concerto “Brandenburg” No. 3 giọng Sol trưởng BWV 1048 gồm ba violin, ba viola và ba cello. Trong khi concertino của Concerto “Brandenburg” No. 6 giọng Si giáng trưởng BWV 1051 chỉ là hai viola. Ngày nay, trong di sản âm nhạc đồ sộ mà Bach để lại, không có nhiều tác phẩm được yêu thích và biểu diễn thường xuyên bằng sáu bản Concerto “Brandenburg”.

Nghe sáu concerto này, nơi bộc lộ khía cạnh thanh thoát hơn của thiên tài bất diệt, là một cách tiếp cận lý tưởng tới nghệ thuật đầy sức sống và đa dạng của Bach.       

Tác giả