Mới nhưng cũ

Từ những năm cuối của thế kỷ trước đến nay, có khá nhiều những công trình kiến trúc tôn giáo được xây mới. Lý do thì không có gì phải bàn vì phục hưng kinh tế nào mà chả dẫn đến sự phục hưng tôn giáo.

Điều đáng nói chính là ở chỗ, tuy những ngôi chùa, những nhà thờ đó mới xây nhưng lại thể hiện bằng một ngôn ngữ kiến trúc cũ, nhất là các công trình kiến trúc Phật giáo. Ngẫm kỹ thì thấy thật khó hiểu vì tư tưởng nhà Phật hoàn toàn cởi mở. Từ bi hỉ xả; Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan…, đó là những quan niệm rất lỏng và động, không bó buộc, không quá cứng nhắc và khuôn phép. Đó là một môi trường tốt cho nghệ thuật. Tại sao quan niệm triết học và quan niệm mỹ học lại không song hành? Thể hiện trong các công trình kiến trúc Phật giáo xây mới trong giai đoạn vừa qua.
Nếu không giải quyết được công án này thì sẽ, đã và vẫn đang có nhiều thiền viện, nhiều ngôi chùa vừa khánh thành nhưng là sao chép lại theo một mẫu hình nào đó từ thế kỷ 17, 18. Sao chép có đẹp mấy thì vẫn là sao chép ấy là chưa kể kỹ năng của những thợ mộc, thợ sơn, thợ nề, thợ ngõa hôm nay không bao giờ có thể sánh được với cổ nhân. Tư tưởng ăn xổi ở thì, tiền bạc ít, thời gian hạn hẹp cũng là những yếu tố đáng kể khác nữa làm cho những ngôi chùa mới xây trông thì mới nhưng xấu.
Nguyên nhân của những ngôi chùa mới nhưng cũ đó phải chăng là do không có sự gặp gỡ giữa “chủ đầu tư” và giới kiến trúc sư? Cũng có thể do quan niệm thẩm mỹ của họ? Trả lời một câu hỏi bằng những câu hỏi thì quả thực không bao giờ thỏa mãn nhưng biết sao được.
Vẫn biết rằng đưa ngôn ngữ kiến trúc hiện đại vào một ngôi chùa thì khó thuyết phục đám đông hơn là đưa vào một công trình bất kể nào khác. Thử hình dung về một ngôi chùa vuông bằng xổ thẳng, bê tông, nhôm kính, thép. Không có đầu đao, không cần những đường diềm hoa khế li ti ở bờ nóc, không hoành phi, câu đối, không tam quan, gác chuông, gác trống, không cửu phẩm, không tam thế… Thật tối giản, yên tĩnh tuyệt đối. Một ngôn ngữ vô ngôn sẽ đưa người ta tìm thấy mình nhanh nhất mà không bị nhầm lẫn, không lạc vào những ảo giác và tạp niệm.
Có cách gì để những người sắp xây chùa và những người được thuê vẽ kiểu phát tâm một cách mạnh dạn, đừng bảo thủ, cố chấp. Người nọ hãy tin tưởng người kia chứ đừng trông nhau. Người vẽ không dám vẽ kiểu mới vì sợ người chủ không thông qua, người chủ thì lại sợ chùa kiểu mới không thiêng hoặc phật tử không đến. Nhầm.
Phật tử thời hiện đại đã có học và văn minh và trẻ hơn rất nhiều. Giới tu hành hiện nay cũng đã khác hẳn lớp trước. Họ đi xe máy, xe hơi, dùng internet, nói tiếng Anh và du học nước ngoài khá nhiều.
Rất nhiều ngôi cổ tự đang ngày càng mục nát. Những ngôi chùa được trùng tu thì do thiếu hiểu biết và sai phương pháp nên đã biến dạng hoàn toàn. Những ngôi chùa mới xây thì mới nhưng lại cũ và xấu. Đương nhiên chùa hay tượng thì cũng chỉ là ngón tay để chỏ cho mọi người thấy mặt trăng. Đó chỉ là phương tiện nhưng một phương tiện đẹp và hiện đại để phù hợp với cuộc sống và con người hiện đại hơn thì vẫn hơn.

Lê Thiết Cương

Tác giả