Thành phố Festival

Giở lại chồng báo cũ, tôi thấy có tờ Thừa Thiên Huế số ra ngày 22-11-2004 viết về Festival, vừa điểm lại và phân tích các Festival năm 2000, 2002 và 2004, vừa có hoạch định sơ khởi về Festival 2006 sắp tới, xem đây như thói quen làm việc cần tập tành lần lần. Hai năm một lần, Festival tại Huế, từ đây đã được xem là “thành phố Festival” của cả nước, mặc dù loại hình văn hóa du lịch này càng ngày càng rộ lên ở nhiều tỉnh thành khác và mỗi nơi đều mang sắc thái riêng biệt. Cách tính trước, lo trước, phòng xa như thế này rõ ràng có tính tích cực và đầy trách nhiệm. Chu kỳ hai năm, tưởng như ngày rộng tháng dài, hóa ra qua nhanh, đến liền, chẳng qua là vì trong thời gian ấy bao nhiêu công tác khác đa số đều khá dồn dập bức bách, kèm theo bao nhiêu sự cố xảy ra trong nước và trên khắp thế giới làm cho con người quay như vụ và thoắt một cái, ngày giờ Festival tương lai đến ngay bên hông.

Thời gian để vào Festival hẳn nhiên không phải khoanh lại trong 9 (hay 12) ngày, và cũng không hẳn tiêu tốn do chờ đợi giấy phép hoặc tìm kiếm tiếp thị và tài trợ hay là xây dựng chọn lựa tiết mục trong chương trình, mà có lẽ đổ nhiều hơn cả vào việc tiếp xúc và đàm phán với các đối tác nước ngoài. Việc hợp tác với nước ngoài để tổ chức loại

 Festival cần được tổ chức thế nào để người dân phải là người tiêu thụ chính, người hưởng thụ chính. Và đây cũng là điều trông đợi của chính những ngươi ngoại quốc ở những người tổ chức.

hình văn hóa lễ hội này là một điều cần thiết. Ngay cả đến một lúc nào đó ta đã tiếp thu được công nghệ dàn dựng và tích lũy được kinh nghiệm đến mức độ có thể bay bằng đôi cánh của mình, sự có mặt của nước ngoài vẫn cần thiết cho tinh thần giao lưu, qua đó còn có khía cạnh cập nhật cái mới ngoại lai và nhu cầu thu thái văn hóa đa phương. Đó là chưa nói đến hoạt động ngoại giao lắm khi được hỗ trợ hoặc bắc cầu nhờ sinh hoạt thể thao, tổ chức xã hội, hoặc tương tác văn học nghệ thuật.
Festival 2006 là sự tiếp tục Festival 2004 về chủ đề: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển. “Tiếp tục” vì chủ đề không những là hợp thời, mà phải nói là đúng lúc hơn bao giờ hết và càng trở nên trọng đại. “Di sản” có hy vọng bước thêm bước nữa: thế giới trong tương lai có thể công nhận tổng thể sông Hương như là báu vật thiên nhiên và, mặt khác, tế lễ Nam Giao như là di sản phi vật thể. “Hội nhập” là xu thế hiện đại cho mọi quốc gia, dù muốn dù không, dù phải tốn kém rất nhiều, dù phải đốt giai đoạn một cách chông chênh. “Phát triển” từ nay chỉ còn có thể là “phát triển bền vững” (khái niệm “phát triển bền vững” được sáng chế lần đầu tiên năm 1987 do cựu nữ Thủ tướng Na-uy, bà Brundtland) quy định phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại không phương hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Nhân đây cũng là thời điểm khởi động thực sự của cỗ máy Festival, chúng tôi khơi gợi ra đây hai điểm có thể xem là đáng lưu ý:
    1.Quan tâm đến khách nhiều hơn.
Dân tộc ta xưa nay nổi tiếng hiếu khách. Nụ cười luôn nở và đon đả chào mời. Và hiếu khách luôn cả với người trước đây là kẻ thù của mình nữa. Đây là một đặc điểm của người Việt mà người nước ngoài ghi nhận.

Trong tiếp xúc và đàm phán với người nước ngoài cho việc hợp tác, cả hai bên tất nhiên đều có những điều kiện đưa ra nhưng mục tiêu là chung cho cả hai bên: thực hiện thành công lễ hội, cho nên điều kiện đưa ra, từ phía nào cũng vậy, không nhằm làm khó cho đối tác mà trái lại, nhất là từ phía chủ nhà, nhằm sự được việc để từ đó, trên mặt bằng nghệ thuật lúc đầu, xây dựng những đồ án trong tương lai, về văn hóa, chính trị, kinh tế.

Vấn đề đến với khách đặt ra ngay từ giai đoạn tiền –Festival: tiếp xúc và đàm phán với người nước ngoài cho việc hợp tác. Đây là giai đoạn ngoại giao trên mặt nghệ thuật là chủ yếu. Cả hai bên tất nhiên đều có những điều kiện đưa ra nhưng mục tiêu là chung cho cả hai bên: thực hiện thành công lễ hội, cho nên điều kiện đưa ra, từ phía nào cũng vậy, không nhằm làm khó cho đối tác mà trái lại, nhất là từ phía chủ nhà, nhằm sự được việc để từ đó, trên mặt bằng nghệ thuật lúc đầu, xây dựng những đồ án trong tương lai, về văn hóa, chính trị, kinh tế.
Tính hiếu khách còn cần được duy trì suốt dọc dây chuyền tiếp khách từ khi khách đặt chân đến cho đến khi khách từ giã, và giữa đó là những chặng chuyển dịch giữa các địa điểm trong thành phố. Có thể nghĩ tới việc sắm sanh những phương tiện “con thoi” nhiều loại cho phép di chuyển nhanh, gọn, tiện lợi.
Về các trục lộ trong thành phố, ta nên để ý đến lề đường. Ở nước ngoài, người ta phân biệt rõ lòng đường với lề đường, do xe chạy nhiều luồng và nhất là xe buýt vốn kềnh càng bao giờ cũng ôm sát lề đường, cho nên người đi bộ trên lề không dám thò chân xuống lòng đường. Ở Huế, rất nhiều đường không có lề, nhưng đối với những đường sẵn có lề thì cần chăm sóc tu bổ. Ánh sáng về đêm trên đường phố hoặc là chưa đủ hoặc phân bố chưa đồng đều, và có những trục lộ lớn hoàn toàn chưa đủ sáng.
Nói đến khách nước ngoài mà ta chào đón, tiếp chuyện, hướng dẫn, trao đổi, và sau này tiếp tục liên hệ, buộc lòng ta phải nghĩ tới ngoại ngữ. Một thành phố mệnh danh là thành phố Đại học từ một nửa thế kỷ nay như Huế đương nhiên là một thành phố ngoại ngữ. Ta nên để cho sinh viên ngoại ngữ nhập cuộc và tôi nghĩ rằng các thanh niên này sẵn sàng và vui lòng trở thành hướng dẫn viên và tình nguyện viên, miễn sao ban tổ chức Festival đều trưng tập được khối lượng sinh viên ngoại ngữ, của năm thứ 3 và thứ 4 chẳng hạn, trở thành thực tập sinh một cách vừa năng động vừa hữu ích và, nếu làm như vậy, Đại học Huế cùng một lúc khoác thêm sắc thái của loại hình “Đại học cộng đồng” rất hợp tình hợp lý và vô cùng độc đáo. Đội ngũ trẻ tuổi này còn nên được đề nghị đèo thêm nhiệm vụ soát xét lại, rà lại tất cả những gì là “văn hóa viết” bằng ngoại ngữ trên các phương tiện và công cụ quảng bá liên quan đến lễ hội và du lịch để có thể chuyển hóa tất cả, nếu được và nếu cần, thành đề tài luận văn hoặc nghiên cứu khoa học.


“Huế vào Hội”

Còn có những công cụ hướng dẫn và quảng bá vô cùng hữu ích mà ta chưa thực hiện: đó là những băng âm thu sẵn với nhiều ngoại ngữ nhằm giải thích, hướng dẫn du khách tại những địa điểm tham quan. Những băng âm này, ngoài ra, còn có thể dùng để chuyển tải, dưới hình thức cô đọng, nhiều chủ đề khác nhau mà ta sẽ nghiên cứu đáp ứng những thắc mắc, quan tâm của du khách.
Trong cùng một mục đích hướng dẫn du khách và giới thiệu thành phố, ta nên quan tâm đến loại “văn hóa bản đồ”. Thành thực mà nói rằng người Việt chưa có thói quen đọc bản đồ, đọc một cách “không sáng nước cờ”, hoặc chẳng biết định hướng ra làm sao vì ít có dịp thực tập, trong khi, ngược lại, thành phố phương Tây nhan nhản bản đồ khắp nơi (bến xe tàu, công viên, ngã tư…) giúp cho người dân có thể lái xe từ nước này sang nước khác chỉ cần nhìn vào bản đồ dắt theo hoặc bản đồ đường phố là có thể tìm ra địa chỉ mong muốn khỏi cần dò hỏi ai. Bản đồ hiển nhiên là một loại ngôn ngữ kiệm lời nhưng rất hiệu quả.
    2. Phục vụ quần chúng là chính.
Bao nhiêu Festival đã trôi qua, rồi bao nhiêu Festival khác sẽ lần lượt tiếp diễn, theo nhịp độ hai năm một lần.
Huế càng ngày càng phải củng cố danh hiệu là thành phố Festival của cả nước bằng cách trước tiên là trau dồi và không ngừng nâng cao chất lượng các món sở trường của mình.
Qua các lễ hội, ai nấy đều cảm nhận được sức năng động và sáng tạo của mọi tầng lớp dân chúng trong những ngày đón khách và ngay từ trong sinh hoạt hàng ngày của thành phố. Lưu lượng xe người trên đường đi dậy dàng, mua bán nhộn nhịp, thành phố ngủ khuya… Ngoài chương trình In và Off, còn có chương trình hưởng ứng Festival đầy đột biến, tự phát, tạo ra một bức tranh toàn cảnh độc nhất.

“Nhã nhạc cung đình Huế”

Tuy nhiên, bên cạnh bao nhiêu công của dốc ra và nhiều thành tựu đã gặt hái, hình như vẫn có một giá trị ta chưa đạt được, mà lại là một giá trị ưu tiên, đó là: lấy người dân làm đối tượng trung tâm. Bởi lẽ, vẫn có suy nghĩ rằng Festival bày ra cho người nước ngoài, hoặc đó là một sự dàn xếp giữa các giới có chức quyền, hoặc bao nhiêu tiết mục ấy chỉ là dành riêng cho những người có tiền, còn quần chúng vẫn là diễn viên quần chúng, những người chạy hiệu, ngoài rìa mà thôi. Mục tiêu mà mọi người nhắm đến tất nhiên không phải như vậy. Do đó Festival cần được tổ chức thế nào để người dân phải là người tiêu thụ chính, người hưởng thụ chính. Và đây cũng là điều trông đợi của chính những người ngoại quốc ở những người tổ chức.
Một trong những điều kiện cần yếu để cho một thành phố phát triển bền vững là người dân thành phố ấy được sống trong công bằng. Họ sẽ không bị phân biệt đối xử, không có cảm giác bị bỏ rơi. Ai cũng có thể nói “thành phố của tôi”, mừng thấy con đường này sáng đèn, buồn khi thấy con đường khác xói thêm ổ gà. Mọi công dân đều cảm nhận được mọi thăng trầm của thành phố, “trầm” khi gặp đổ nát, khủng hoảng, thiên tai, “thăng” khi được người khác khen tặng hoặc tổ chức hội lễ vang dội. Nếu đau cái đau chung thì cái đau ấy được bớt giảm đi nhiều vì được chia sẻ. Nếu cảm thấy tự hào về thành phố mình đang sinh sống thì ý thức có dịp được nâng cao, từ đó ta có thể yên tâm hơn về tinh thần tập thể, trách nhiệm và nghĩa vụ, và “tính sinh  thái công dân” sẽ phát triển.
Chưa lúc nào bằng lúc này, văn hóa cộng đồng là một điều kiện, một dưỡng chất, một vũ khí cần thiết cho tất cả mọi người trong mọi hàng ngũ. Văn hóa ấy, ta học được qua đủ loại hình đào tạo giáo dục và nhất là học ở muôn người trong xã hội mà ta luôn tập tành quen biết và yêu thương nương theo triết lý “vì người khác”. Nhưng văn hóa ấy sẽ không vững chắc, bền bỉ nếu không được xây dựng trên nền tảng những truyền thống quý báu của dân tộc mà ta cần thường xuyên soi mình vào.
Festival là một tổng hợp văn hóa, hay một chùm tinh hoa, nếu không muốn nói là một đỉnh cao văn hóa của nhiều miền, nhiều quốc gia hưởng ứng và cộng hưởng.

Bửu Ý

Tác giả