TS Nguyễn Thị Từ Huy nói chuyện về tiểu thuyết “L’Ignorance” của Milan Kundera

TS Nguyễn Thị Từ Huy sẽ có buổi nói chuyện về tiểu thuyết L’Ignorance của Milan Kundera, tác phẩm mà chị cho rằng qua đó nhà văn “tiếp tục trở lại với nỗi băn khoăn từ bao đời nay đã ám ảnh những kẻ suy tư và tìm cách giải đáp câu hỏi: con người có thể biết gì?”

Buổi nói chuyện diễn ra vào 17 giờ, thứ Ba ngày 25/01/2011 tại Cà phê Sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chương trình vào cửa tự do.

Tác phẩm này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt qua bản dịch Vô tri của Cao Việt Dũng, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Từ Huy cho biết, chị không đồng tình với cách dịch tiêu đề L’ignorance thành Vô tri.

“Vì nghĩa của từ ‘vô tri’ trong tiếng Việt đã được xác định rất rõ: không có năng lực tri giác. Vô tri được dùng để chỉ tất cả những vật chất ở trong tình trạng không có khả năng tri giác, như sỏi đá… hay là những đồ vật không có linh hồn, không có khả năng nhận biết, tri giác: bàn, ghế… Vì thế ‘vô tri’ còn có từ đồng nghĩa là “vô tri vô giác”. Và vô tri được dùng như là tính từ, thường phải nói là ‘vật vô tri’, thông thường bản thân từ ‘vô tri’ không đứng một mình. Trong tiếng Pháp cũng vậy, chỉ có tính từ “inanimé”, không có danh từ tương ứng, người Pháp cũng nói ‘objet inanimé’ [vật vô tri]. Cuốn tiểu thuyết của Kundera không đề cập tới tình trạng vô tri này, mà đề cập đến tình trạng không biết của con người. Các nhân vật có đầy đủ tri giác, tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc, nhưng họ, hoặc là không biết đến quá khứ, hoặc là không biết đến hiện tại, hoặc là không biết tương lai, do vậy cũng có thể không biết cả ba thứ này. Nếu dịch từ l’ignorance của Kundera tôi sẽ chọn từ ‘sự không biết’”, TS Nguyễn Thị Từ Huy giải thích. Ngoài ra, theo chị, nếu muốn dùng cấu trúc hán ngữ để dịch từ l’ignorance thì phải dùng chữ “bất tri”.

Tuy nhiên, chị nhấn mạnh, “Cần phải nói rõ rằng dù tôi không tán thành cách dịch tên tác phẩm, thì điều này không hề có nghĩa là tôi đánh giá thấp bản dịch. Để có thể đánh giá chất lượng bản dịch cần đối chiếu cẩn thận với văn bản gốc…”

 

Tác giả