Văn hóa Chăm trong tiến trình văn hóa Việt

Tôi làm pho tượng Huyền Trân cho công viên Phú Xuân, Huế và biết rằng nhờ cuộc hôn nhân của nàng mà nước Việt thời Trần có được dải đất này

Câu chuyện trở về của nàng cũng được thêu dệt lóng lánh trong chuyện tình diễm lệ. Xuôi về phía Nam nữa và biết rằng thành Đồ Bàn – Vijaya cho tới 1471 vẫn là kinh đô với các Vua Chăm. Tôi chiêm ngưỡng di sản thế giới Mỹ Sơn; thán phục nghệ thuật điêu khắc mình ngưỡng mộ từ nhỏ, nền điêu khắc ở tầm quốc tế sánh vai với những gì đẹp nhất trên “thế gian này”, dù bom Mỹ đã tàn phá phần lớn 70 ngọn tháp nguy nga mà đầu thế kỷ 20 Parmentier từng khảo tả… Các tháp Chàm như những giọt nước mắt của trời sao rơi xuống, hình như là ý thơ rất hay của Văn Cao, nhưng không đúng. Chế Lan Viên cũng khoác cho chúng vẻ thê lương, uất hận… cũng không đúng, không sai chỉ vì đó là tình cảm của nghệ sĩ tiếc thương một thời vàng son đã mất ở đâu đó. Sự thực các ngọn tháp Chăm là những tia nắng rực rỡ hân hoan nhất của một nền văn hóa trên đất Việt Nam. Xuôi nữa về cực Nam Trung bộ tôi đọc được rằng khoảng năm 1691 tướng Nguyễn Hữu Kính của Chúa Nguyễn Phúc Chu mới chiếm nốt Khánh Hòa- Kauthara. Và mãi tới 1835 Minh Mạng mới bãi bỏ hoàn toàn quyền tự trị của Chăm ở  Panduaranga – chính là Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Tôi đi trên hơn 50%  lãnh thổ nước mình mà tôi biết quá lơ mơ về lịch sử của vùng đất ấy. Tôi lại thấy những con người miền Trung với giọng nói khác, nước da khác, nhân tướng khác người “thuần Bắc Kỳ”. Những người Chăm Trung thế kỷ đã đi đâu? Một lần Kinh đô thất thủ chắc chắn chỉ có vài ngàn hộ vương hầu, quan lại có thể di cư, lánh về phía Nam (Thủy Chân Lạp) hay sang phía Tây Nam (Lục Chân Lạp). Không thể không có một sự hòa chủng giữa những người Chăm ở lại với những người Việt mới tới. Lịch sử của nước Champa chắc cũng thật hào hùng với một nền văn hóa cao vót mà về nhiều mặt từ mỹ thuật, âm nhạc tới tôn giáo, văn học, biểu diễn không thể không ảnh hưởng sâu sắc tới người Việt (Kinh) qua suốt quá trình gần ngàn năm mở đất. Và một quy luật thường thấy là kẻ “chiến thắng” thường học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa của kẻ “chiến bại”. Tôi có gợi ý với nhà văn Nguyên Ngọc về một chủ đề cần nghiên cứu để hiểu rõ hơn văn hóa Việt Nam là: “Văn hóa Việt Nam – Con đường từ Nam lên Bắc”. Trong thời đại hội nhập ngày nay những bài học trong hòa nhập văn hóa Việt – Chăm chắc chắn là to lớn, đáng tự hào. Ở cả hai mặt để hiểu rõ văn hóa Việt Nam thời Trung đại, Cận đại và Hiện đại hơn. Và để hiểu rõ hơn cách thức giao tích văn hóa, mà ông cha ta là những bậc thầy về tiếp thu cái ngoài mình và bảo tồn cái trong mình vốn có. Tại một cuộc nói chuyện tôi có nói âm nhạc Việt chắc có chịu ảnh hưởng Chăm, chỉ nhìn vào các dàn nhạc khắc trên các ban thờ Chăm cũng thấy. GS. Trần Văn Khê gật gù và xác định đúng là như vậy. Và nghệ thuật múa Việt Nam bây giờ có lẽ cũng đang học rất nhiều ở các “Vũ nữ Trà Kiệu”. Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long gần đây ta càng thấy rõ dấu ấn mỹ thuật Chăm trong nghệ thuật Lý Trần -Đại Việt. Một số nhà nghiên cứu cũng đã tìm ảnh hưởng kiến trúc Chăm ở kiến trúc cung đình Huế và ngược lại! Trong việc phát huy bản sắc dân tộc chắc chắn có việc phát huy truyền thống của mọi dân tộc sống trên đất Việt Nam từ Tày, Mèo, tới Bana, Êđê, Chăm… nhưng phải thấy văn hóa Chăm có một vị thế khác và với sự tồn tại của vương triều Chăm song song với Đại Việt thì việc nghiên cứu, phát huy phải ở một chiều kích, tầm khác không thể chỉ bó trong “văn nghệ dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian được!
Tôi nhớ câu mình đã viết: “Người Chăm là những người thầy điêu khắc thực sự đầu tiên của người Việt”, từng được một anh bạn biên tập viên bỏ đi mười mấy năm trước, sau khi khai quật Hoàng thành Thăng Long mấy năm gần đây tôi hỏi lại: “Thế nào, tôi có sai không?” Thì bạn ấy bảo: “Vẫn biết thế, nhưng nói ra lúc ấy sao tiện!”. “Và bây giờ nói ra cũng chưa tiện sao?” Có một cái lý mơ hồ khó hiểu, không chính thống, không thành văn nào đó khiến các tác giả, sử gia, sách báo, văn kiện của người Việt cứ theo nếp “nói ra không tiện” về nước Chăm! Đây là một mặc cảm của người Việt (Kinh), một quan niệm lịch sử tùy tiện đậm nét tâm lý hơn khoa học. Cũng hoàn toàn không phải là chuyện đòi lại sự công bằng, mà là chuyện quan niệm viết sử tới hôm nay vẫn theo giáo điều Khổng giáo, vẫn lấy “Bản triều làm trung tâm'” nên không thể không phiến diện chủ quan. Nhà Trần bắt nhà Lý đổi họ. Nhà Nguyễn phủ nhận Tây Sơn. Tới cuối thế kỷ 20 vẫn một giọng “nhuận Hồ, ngụy Mạc”. Thời dân chủ, cộng hòa thì kể tội nhà Nguyễn mà bỏ qua công lao; ca ngợi các ông vua kháng Pháp bất thành nhiều hơn những người khai quốc! Nhớ GS. Trần Quốc Vượng vừa qua đời tôi lại nhớ cuộc rượu đầu tiên với anh ở nhà họa sĩ Mai Văn Hiến, tôi hậu sinh đã “khùng” mà than trách kiểu viết sử như nêu trên với anh. Anh không phản đối nhưng cũng chẳng thể sửa sai được gì. Lịch sử nước Chăm vẫn là một cái gì “nhậy cảm- mặc cảm” đối với chính các sử gia! Tới tận hôm nay người ta vẫn theo giáo lý chính danh một phía của Khổng học và nguyên lý “lấy bản triều làm trung tâm”, từ đó mà soi rọi, trình bày lại lịch sử (mà chỉ chủ yếu là lịch sử chính trị) của cả một dân tộc được hình thành từ muôn vàn gốc rễ với hai cái cội chính là Việt và Chăm. Mãi gần đây mới có những động thái đổi thay như một số các cuộc “Nhìn lại” lẻ tẻ về từ Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, tới Trương Vĩnh Ký, Phan Khôi, Phạm Quỳnh… Phải  chăng đã tới lúc “vững âu vàng” và ta có thể nhìn lại toàn diện hơn các thời kỳ và hiện thực lịch sử ?
Sử ký Tư Mã Thiên đã trình bày sự hưng vong của bao nhiêu quốc gia để đi tới một đế quốc Tần- Hán. Chắc chắn lịch sử nước Việt, nước Ngô, nước Tề… lớn mạnh và hàng trăm nước nhỏ khác thuộc vào lịch sử Trung Quốc ngay thời đó và mãi về sau. Nhà Thanh không thể chỉ trình bày lịch sử của một tộc Mãn sau khi vào Bắc Kinh. Lich sử nước Đức chắc chắn có lịch sử các công quốc sau đó bị Phổ thâu tóm. Lịch sử Hoa Kỳ chắc có lịch sử bang New Mixico, Texas hay Alaska từ trước khi chúng được mua để  gộp vào “cờ hoa”. Bản đồ thay đổi trong lịch sử là tất nhiên và sự hòa chủng cũng vậy. Nếu không thì ta chỉ có các bộ lạc thuần chủng và nhỏ bé, man muội. Tôi không phải một sử gia, không có thẩm quyền gì về lịch sử. Tôi chỉ học sử phổ thông và đọc thêm các sách sử đã được ấn hành. Tôi từng ham đọc Tam Quốc chí và có lúc ao ước giá như ta có một nhà văn-sử nào đó viết được một cuốn tương tự về lịch sử Champa trong lòng lịch sử Việt Nam. Được vậy tôi sẽ hiểu dân tộc mình, mảnh đất mình đang sống sâu sắc thêm biết bao nhiêu. Một kiến trúc sư trên 30 tuổi, ham đọc sách từ Bắc vào Nam lập nghiệp tâm sự là anh hoàn toàn mù mờ về cái thời sôi động nhất nói trên và không hiểu gì về quá trình mở đất của quốc gia Việt Nam, mà anh đoán rằng rất hấp dẫn và đồ sộ. Giá như được học về các triều đại Chăm, sự hưng vong của triều đại ấy, văn hóa nghệ thuật của nó như một phần của lịch sử Việt Nam thì điều đó sẽ ích lợi “cho bọn cháu” biết bao!
Trình bày hỗn tạp như trên tôi chỉ muốn nêu mấy ý kiến để các bậc thức giả, trước tiên là các nhà sử học, văn hóa học và nghệ thuật học lưu tâm. Sau đó là các cấp lãnh đạo quan tâm xem xét để chỉ đạo nghiên cứu và giáo dục đào tạo như sau:
1. Biên soạn và trình bày lịch sử Chăm, dân tộc Chăm và quốc gia Chăm như một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam. (Cũng như bổ sung thích đáng phần lịch sử thời các chúa Trịnh và Nguyễn).
2. Đưa phần lịch sử ấy vào giảng dạy phổ thông và đại học sâu, đậm hơn.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa Chăm toàn diện và sâu sắc hơn một bậc và – quảng bá các kết quả nghiên cứu đó.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu dòng ảnh hưởng văn hóa “từ Nam ra Bắc” trong tiến trình văn hóa Việt Nam để tìm ra những đặc điểm, những bản sắc văn hóa của nước ta ít nhất là từ thời trung đại tới đầu nhà Nguyễn. Rút ra những bài học từ thời đại văn hóa này.
Bây giờ là lúc khá thích hợp để làm các việc trên. Những việc ấy có lợi ích to lớn cho việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc,  xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo đường lối và chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tất nhiên tác giả bài này không có một nhãn quan chính trị làm nền cho các ý kiến thô thiển trên mà chỉ xuất phát từ những bứt rứt chủ quan cụ thể trong tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật học mà thôi. Vì thế xin các bậc thức giả châm chước cho.

Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả