Văn hoá truyền thống Trung Quốc có coi thường phụ nữ?
Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 21/1/2010 đưa tin: Mới đây một người Trung Quốc nêu đề nghị sửa lại những chữ Hán có bộ nữ hàm chứa ý nghĩa khinh thường hoặc đánh giá thấp phụ nữ. Đề nghị này đã gây ra một cuộc bàn cãi ồn ào trong dư luận, có người tán thành, có người phản đối, chê cười, cho là ngông cuồng (số này đều là nam giới). Mặt khác nó cũng tiếp tục đặt ra vấn đề nên có thái độ ra sao với văn hoá truyền thống Trung Quốc, khi nước này đang ra sức tăng cường “sức mạnh mềm” trên phạm vi toàn cầu, trong đó quảng bá văn hoá truyền thống Trung Hoa là một nội dung then chốt.
16 chữ Hán có hàm ý khinh thường phụ nữ
Đề nghị nói trên được nêu ra trong bài Sai lầm của 16 chữ Hán: vừa không tôn trọng phụ nữ lại vừa dẫn dắt sai lệch nhân sinh quan của trẻ em? đăng trên một báo mạng. Tác giả bài báo này là luật sư Diệp Mãn Thiên ở Thượng Hải.
Diệp Mãn Thiên nêu chủ trương: trong các chữ Hán hiện sử dụng có 16 chữ kèm bộ nữ 女 có hàm nghĩa khinh miệt hoặc đánh giá thấp phụ nữ, vì vậy nên dùng các chữ khác thay cho bộ nữ đó hoặc bỏ hẳn bộ nữ trong các chữ ấy.
Đó là các chữ sau đây (chú ý: ở đây chúng tôi chỉ liệt kê các nghĩa xấu):
1. 婪 âm Hán-Việt là lam, có nghĩa là tham lam
2. 嫉 tật: ghen ghét; căm ghét
3. 妒 đố: ghen ghét đố kị
4. 嫌 hiềm: ngờ vực (hiềm nghi); hiềm khích; chê, ghét
5. 佞 nịnh: nịnh nọt, xu nịnh
6. 妄 vọng: viển vông hão huyền, ngông cuồng; xằng bậy, càn quấy
7. 妖 yêu: yêu quái; tà ác, mê hoặc; đồng bóng, lẳng lơ
8. 奴 nô: nô bộc, nô lệ, tôi tớ; nô dịch
9. 妓 kỹ: gái điếm, đĩ điếm
10. 娼 xướng: gái điếm, đĩ điếm
11. 奸 gian: gian dối; kẻ gian, kẻ bán nước; gian lận, tự tư tự lợi
12. 姘 biền, biện: lang chạ, chung chạ (trong quan hệ nam nữ)
13. 婊 biểu: đồ đĩ (tiếng chửi)
14. 嫖 phiếu: chơi gái
15. 娱 ngu: làm vui, tạo thú vui; vui vẻ; giải trí.
16. 耍 xoạ: chơi; thi thố, giở trò; lừa gạt
Diệp Mãn Thiên nói chỉ cần phân tích 3 chữ sau đây là đủ thấy chúng là sự ô nhục của Hán tự.
Chữ 娱 (ngu), từ điển giải thích là “vui vẻ và làm cho người khác vui vẻ; tiêu khiển”. Đây là một chữ hình thanh (do 2 bộ phận hình và thanh tạo thành), bộ 女 (nữ) là hình, 吴 (ngô) là thanh bàng. Cấu tạo của chữ này cho thấy nó hàm chứa ý nghĩa và hiện tượng trực quan “dùng phụ nữ làm đối tượng tiêu khiển chơi bời của đàn ông, qua đó đem lại niềm vui (cho đàn ông)”.
Chữ 嫉 (tật) có nghĩa là “Oán giận vì thấy người khác hơn mình” (thường dùng trong từ 嫉妒 tức đố kị, ghen ghét), cũng là một chữ hình thanh, bộ 女 là hình, 疾 (tật) là thanh bàng. Giải thích từ góc độ chữ hình thanh là “đàn bà có tật đố kị ghen ghét”.
Nhận định như thế có đúng không? Ai cũng biết danh ngôn đố kị nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là câu “(Trời) đã sinh Du sao còn sinh Lượng?” – hai người đàn ông kiệt xuất như thế mà còn đố kị, thử hỏi sao lại ghép bộ thủ nữ vào chữ ấy? Chỉ có thể giải thích: đó là do người đặt chữ có thành kiến sai lệch cực kỳ sâu sắc với phụ nữ.
Chữ 嫖 (phiếu) nghĩa là “Hành vi đồi bại chơi gái điếm”, cũng là một chữ hình thanh, bộ 女 là hình, 票 (phiếu) là thanh bàng. Chữ này thường xuất hiện trong cụm từ “ăn uống-chơi gái-đánh bạc”, thể hiện hành vi trụy lạc của lũ người ăn không ngồi rồi. Chữ 票 ngày nay thường được hiểu là tiền bạc; xếp người đàn bà bên cạnh tiền bạc thì thành ra “chơi gái”, nghĩa là cử bỏ tiền ra thì mua được đàn bà để chơi; rõ ràng đây là sự xỉ nhục người phụ nữ.
Diệp Mãn Thiên đề xuất: có thể sửa đổi 16 chữ nói trên bằng cách thay bộ 女 (nữ) bằng bộ 彳 (bộ nhân đứng kép) hoặc bộ 犭(bộ khuyển) ghép với các chữ tương thích.
Dĩ nhiên nói sửa thì dễ, nhưng nhận thức-thói quen của hơn một tỷ người Hoa trên toàn thế giới thì rất khó sửa, vả lại kho tàng văn hoá mấy nghìn năm có hàng tỷ thư tịch đều dùng các chữ cũ, nay sao mà sửa được. Chưa nói tốn kém về khâu sửa cụ thể như sửa các từ điển, sửa chữ in của nhà xuất bản, máy tính, máy chữ …
Nhưng Diệp Mãn Thiên kiên trì đề nghị dù tốn kém tới đâu cũng phải sửa bằng được. Ông giải thích: Có người nói 16 chữ này chẳng đáng bao nhiêu trong hàng vạn chữ Hán, chỉ như giọt nước trong biển cả, không bõ sửa đổi. Nhưng mấy chữ ấy lại là những chữ thường dùng, thậm chí là từ ngữ cửa miệng của những người văn hoá thấp, có ảnh hưởng rất lớn với thanh thiếu niên nhi đồng. Cũng có người nói 16 chữ ấy sử dụng mấy nghìn năm đã quen, bây giờ sửa lại sẽ vô cùng phiền phức, tốn công của. Nhưng chữ Hán là do nam giới làm ra, có sai thì nam giới phải sửa, chúng ta chớ nên phụ lòng mong mỏi của nữ giới, sai sót càng để lâu thì càng xấu hổ cho chúng ta. Muốn xây dựng một xã hội nam nữ bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, chúng ta phải hiếu kính với cha mẹ, phải tôn trọng vợ con, vì thế việc sửa đổi những chữ nói trên là không thể không làm. Lý lẽ của ông Thiên quả là khó bác bỏ.
Đạo Khổng cũng coi thường phụ nữ
Ai từng đọc sách Luận Ngữ chắc còn nhớ ở thiên thứ 15 “Dương Hoá” có một danh ngôn: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”.
Nhóm người phụ nữ bị bó chân, nhưng vẫn phải làm việc vất vả |
Trong Luận ngữ với người quân tử thời hiện đại (NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008), tác giả Trần Tiến Khôi dịch câu này là “Chỉ hạng tì thiếp và tôi tớ là khó cư xử với họ. Thân cận với họ thì họ nhờn, xa cách họ thì họ lại oán”.
Ở đây chữ “nữ tử”, từ điển nào cũng giải nghĩa là đàn bà con gái, nhưng ông Khôi lại dịch là “hạng tì thiếp”, “tiểu nhân” dịch là “tôi tớ”, “nan dưỡng” dịch là “khó cư xử” – điều này thật khó hiểu. Phải chăng có thể suy ra ông làm thế nhằm giúp Khổng Tử tránh khỏi bị mang tiếng là khinh thường phụ nữ? (nếu vậy thì điều đó cũng không có gì lạ, vì đây là một cuốn sách ca ngợi đức Khổng).
Dư luận hiện nay phổ biến phê phán danh ngôn nói trên của Khổng Tử hàm ý khinh miệt phụ nữ, phân biệt đối xử với họ, coi họ ngang hàng với tiểu nhân, là hạng người hèn kém vô học, thường chỉ làm tôi tớ cho quân tử. Trong cuốn “Chó không nhà – Tôi đọc Luận Ngữ”, học giả Lý Linh nhận xét: trong xã hội cũ, phụ nữ là nô lệ toàn bộ và mãi mãi, họ thực sự là nô lệ trên ý nghĩa nguyên thuỷ; trong xã hội hiện nay, đó là kỹ nữ, những nô lệ tình dục của đàn ông.
Tại Trung Quốc cũng có người vì để bênh vực Khổng Tử nên cố ý giải thích khác đi danh ngôn nói trên. Thí dụ họ bảo ở đây Khổng Tử nói cả tới tiểu nhân, mà tiểu nhân chẳng phải là nam giới đó sao? – cho nên không thể bảo Khổng Tử phân biệt đối xử phụ nữ. Có người nói Khổng Tử không có gì sai cả, cụ chỉ mô tả một hiện tượng có thực trong xã hội mà thôi chứ không có ý đánh giá. Trong thực tế, phụ nữ và tiểu nhân đều sống nhờ sự chu cấp của quân tử, đều khó nuôi dạy được (nan dưỡng), vì thế nên mới “gần thì nhờn nhã, xa thì oán trách”. Thậm chí có người bênh vực Khổng Tử đến mức nói trong danh ngôn nói trên, chữ “nữ tử” vốn là chữ “nhĩ tử” (chữ nhĩ gồm bộ thuỷ và chữ nữ), tức đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, còn chữ “tiểu nhân” có nghĩa là “người nhỏ”, tức trẻ em. Lối nguỵ biện này thật nực cười!
Trong thời đại Khổng Tử, đúng là phụ nữ không có vai trò gì trong xã hội, rõ ràng họ bị đối xử khác với nam giới, đây là chuyện dĩ nhiên. Hãy xem trong số 3000 học trò cụ Khổng có ai là phụ nữ đâu? Nhưng thực tế là một chuyện, diễn tả việc đó thành một câu có tính tổng kết và đưa nó vào sách lý luận kinh điển thì có lẽ không ổn, dễ bị người đọc cho rằng đấy là tư tưởng của người viết sách. Rõ ràng, không thể phủ nhận dưới chế độ phong kiến, phụ nữ đều bị phân biệt đối xử và trong hoàn cảnh lịch sử như thế Khổng Tử không thể đi trước thời đại, cụ cũng coi thường phụ nữ (và tiểu nhân), vấn đề này chẳng cần biện bạch làm gì. Bởi thế danh ngôn nói trên của cụ bị phê phán là đúng.
Văn hoá truyền thống Trung Hoa có nhiều thành tựu rực rỡ cả thế giới đều biết. Chữ Hán và học thuyết Khổng Tử là hai trong số các thành tựu đó, đều xuất hiện rất sớm và có ảnh hưởng sâu sắc tới các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Dĩ nhiên, do hạn chế bởi lịch sử, văn hoá truyền thống Trung Quốc không tránh khỏi có những yếu tố tiêu cực; sự phân biệt đối xử với phụ nữ là một sự thật lịch sử, ở Việt Nam cũng có. Thái độ đúng đắn đối với văn hoá truyền thống là tiếp thu cái tiến bộ, gạt bỏ cái lạc hậu. Người Trung Quốc từng phê phán chữ Hán khó học, họ đã đưa ra chữ Hán giản thể thay cho một số chữ phồn thể. Hiện nay Đại lục Trung Quốc và người Hoa ở Singapore cũng như ở nhiều nước đều dùng chữ Hán giản thể. Riêng Đài Loan vẫn dùng chữ phồn thể. Đạo Khổng từng bị người Trung Quốc phê phán thậm tệ, thậm chí bác bỏ, tuy gần đây có được khôi phục nhưng kết quả chưa tốt và xem ra rất khó được thế hệ người Trung Quốc hiện đại chấp nhận.
Luật sư Diệp Mãn Thiên có ý định tốt khi nêu lên vấn đề sửa 16 chữ Hán hàm ý miệt thị phụ nữ. Cho dù không sửa được 16 chữ Hán ấy đi nữa thì đề xuất này vẫn có giá trị ở chỗ nó công khai thừa nhận các yếu tố tiêu cực trong văn hoá truyền thống Trung Hoa. Sự thẳng thắn ấy chỉ càng làm tăng thêm “sức mạnh mềm” của Trung Quốc; mọi cố gắng che đậy sự thật lịch sử đó sẽ chỉ dẫn đến tác động ngược lại. Ai cũng biết hiện nay Trung Quốc đang tuyên truyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết về nền văn hoá truyền thống 5000 năm của mình, họ cho rằng nay đã đến lúc văn minh phương Đông, cụ thể là văn minh Trung Hoa, bắt đầu áp đảo văn minh phương Tây. Chữ Hán là chữ thánh hiền, do các vị thánh hiền làm ra, mà dám bảo là sai thì sao được? Vì thế dễ hiểu đề xuất của Diệp Mãn Thiên lập tức bị đa số dư luận phản đối kịch liệt.