Viết bằng sự tôn trọng sự thật của lịch sử

Vì nhiều lý do, trang phục cung đình và dân gian của cha ông ta ngày xưa cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi và chưa có những cứ liệu chuẩn xác. Các tác phẩm khảo cứu văn hiến áo mão của người Việt số lượng đếm trên đầu ngón tay, và cũng mới chỉ là những phác thảo mờ nhạt... Đó chính là động lực thôi thúc nhà nghiên cứu sinh năm 1985 Trần Quang Đức hoàn thành cuốn sách Ngàn năm áo mũ.

Với Ngàn năm áo mũ, anh đặt định cho mình một quan điểm nghiên cứu lịch sử ra sao?

Trước tiên, mọi nhận định đều cần có dẫn chứng thuyết phục, có cơ sở khoa học, tuyệt đối không sử dụng tư liệu mơ hồ. Tính đến nay, chúng ta mới có vài cuốn sách đề cập đến trang phục cung đình và dân gian của người Việt, nhưng trong đó không ít kết luận nặng tính tư biện và ước đoán bởi thiếu chứng lý khoa học. Tôi thấy các tác giả thường viện dẫn một cách hàm hồ, kiểu “Sử cũ ghi lại”, “Sử xưa chép lại”, “Tương truyền rằng” v.v… mà không chú rõ xuất xứ của thông tin. Họ cũng mới chỉ dừng lại ở việc công bố một số tư liệu liên quan, thiếu thao tác phê bình, đối chiếu sử liệu xem nó đúng hay sai. Một hạn chế khác, các tác giả ít khai thác nguồn tư liệu Hán Nôm, chủ yếu khảo cứu dựa trên các bản dịch tiếng Việt sẵn có của Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí… Các sử liệu đã được chuyển ngữ thì khiêm tốn về số lượng và nhiều khi không chuẩn xác. Dịch giả không am hiểu lĩnh vực cổ trang rất dễ dịch nhầm khiến các nhà nghiên cứu thế hệ sau nếu không tra cứu tư liệu gốc sẽ bị sai theo. Có thể điểm qua một số trường hợp như áo Xưởng hạc bị “định danh” nhầm là áo lông hạc, mũ Thất Lương Quan là mũ bảy cầu, phương tâm khúc lĩnh là tim vuông tràng áo cong, mũ Đường Cân là khăn tàu v.v. Trong khi, đó đều là tên riêng của các loại áo, mũ, phục sức… hầu hết có quy chế sử dụng rõ ràng.

Nói đến thái độ nghiên cứu, tôi thấy mình cần phải giữ được sự sáng suốt và công tâm để bước qua các luồng tư tưởng cực đoan, mang nặng ảnh hưởng của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Tôi xác định cho mình, cuốn sách được viết phải bằng sự tôn trọng sự thật của ngàn năm áo mũ người Việt, không đánh giá đúng sai, hay dở bởi thẩm mỹ mỗi thời đều có giá trị riêng.

Anh dựa trên cơ sở khoa học nào để khắc hoạ trang phục cung đình và dân gian của người Việt, xuyên suốt 1.000 năm?

Khi nghiên cứu về trang phục của vua Lý Thái Tổ, tôi thấy các nhà nghiên cứu trang phục hiện nay đều dựa trên pho tượng được tạc vào thế kỷ 18 – 19, bằng trí tưởng tượng của người đời sau. Hiện vật này chắc chắn không thể nào tái hiện chính xác trang phục của một thời đại cách đó tới 800 năm. Cách làm của tôi không như vậy. Mỗi một nhận định đều là kết quả của quá trình nghiên cứu các hiện vật tranh, tượng, áo, mũ đồng đại, và các hiện vật đồng đại lại phải khớp với mô tả trong các thư tịch liên quan. Nếu không khớp với sử liệu, hiện vật cũng chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Tôi lấy ví dụ, để khảo cứu trang phục của vua Trần trong đại lễ, cụ thể là phục sức phương tâm khúc lĩnh (làm bằng lụa, cổ tròn gắn với tâm vuông đeo trước ngực), tôi dựa vào những ghi chép trong An Nam chí lược và bức phù điêu tại chùa Dầu (Hà Nam), có niên đại thuộc thời Trần. Tôi nhận thấy dạng lễ phục được khắc hoạ trên bức phù điêu này về cơ bản khớp với mô tả của sử liệu.

Như vậy, lối hình dung về trang phục đời trước dựa chủ yếu trên những ấn tượng sâu đậm về trang phục triều Nguyễn phải chăng là quá chủ quan và nặng tính suy diễn?

Đúng vậy. Không ít người vẫn dựa trên tập tục búi tó, vấn khăn, mặc áo dài năm thân của người triều Nguyễn để hình dung về người thời trước, trong khi người Lê trung hưng (giai đoạn sau của nhà hậu Lê) lại thường mặc áo giao lĩnh (dạng áo các nhà sư ngày nay thường mặc) và xoã tóc dài. Ngoài hiện vật tranh tượng còn có nhiều sử liệu của người nước ngoài ghi nhận điều này. Tỉ như khi Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh, đã được sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang miêu tả: xoã tóc dài, dùng một tấm khăn phủ lên đầu trông tựa nhà sư. Người đời Trần lại có tục cắt tóc ngắn, hoặc cạo trọc đầu. Riêng về trang phục của vua có nhiều kiểu loại. Năm 2010, nhân mấy bộ phim lịch sử kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, dấy lên những tranh cãi rằng, vua nước mình đâu có đội mũ giống vua Tàu như thế! Nhưng thực ra, ngay từ thời Đinh, Lê, Lý, áo Cổn mũ Miện (lễ phục của hoàng đế Trung Quốc) đã được vua nước ta sử dụng với tâm thái ngang hàng với “thiên tử” Trung Hoa. Chẳng hạn, trang phục cung đình thời Lý phỏng theo nhà Tống, nhưng mũ, đai, hia, hốt đều được dát vàng, trong khi nhà Tống để trơn. Đưa ra những dẫn chứng này, tôi muốn nói một điều, mọi nhận định về quá khứ đều phải có căn cứ và gắn với sử liệu, không nên lấy các đặc điểm của thời đại sau để suy diễn thời đại trước.

Qua câu chuyện có thể thấy, về trang phục, các triều đại phong kiến Việt Nam, bên cạnh sự kế thừa cũng có nhiều cuộc cải cách. Phải chăng, việc khảo cứu văn hiến áo mũ còn đem lại một ý nghĩa khác: trang phục không đơn giản chỉ là trang phục, mà nó thể hiện rất rõ tính cách của người Việt cũng như tư thái và khí chất của mỗi vị vua nước Việt?

Vì sao trong một thời kỳ rất dài, người Việt không phân sang hèn đều nhuộm răng, thích đi chân đất? Vì sao các triều đại phong kiến Việt Nam đều chọn trang phục của một số triều đại Trung Quốc (không nhất thiết cùng thời) làm khuôn mẫu, nhưng luôn mô phỏng theo hướng chọn lọc và biến dị? Vì sao trong nhiều sử liệu, vua quan người Việt tự xưng nước mình là “Trung Quốc”, “Hoa Hạ”, theo ý nghĩa một quốc gia trung tâm, một đất nước hùng mạnh với văn hiến rực rỡ? Đó chính là câu hỏi tôi tìm cách giải đáp trong cuốn sách, song song với việc tái hiện trang phục cung đình và dân gian của người Việt.

Hương Lan (thực hiện)

Văn hoá trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu tích sâu đậm nhất khi nền văn hoá Tây phương do người Pháp đưa vào được áp đặt triệt để lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay của lịch sử và ý thức hệ. Những biến động xã hội ấy khiến cho ngày nay không ai còn biết ông bà ta ngày xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào. Và khi cần tái hiện lối ăn mặc của người Việt trong quá khứ, người ta “sáng tác” một cách tuỳ tiện.

Phim ảnh là phương tiện truyền bá văn hoá cho giới trẻ hữu hiệu và trực tiếp, nhưng hiện nay nhiều bộ phim hay vở kịch tái hiện lịch sử lại có phục trang truyền thống khác nhau. Rồi gần đây khi sự giao lưu văn hoá trở nên dễ dàng, thì trang phục truyền thống Việt Nam trong phim ảnh và trên sân khấu lại mang đậm dấu ấn của phim ảnh Trung Quốc. Đây là đợt huỷ diệt nguy hiểm hơn hết cho kiến thức về lịch sử văn hoá áo mũ truyền thống của giới trẻ Việt Nam.

Vì thế, việc ra đời của quyển sách Ngàn năm áo mũ là một sự cứu rỗi may mắn. Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hoá, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay. Tác giả với vốn liếng ngoại ngữ và cổ văn rất cao đã bỏ ra nhiều năm lăn lộn, tìm tòi ở các thư viện cũng như dân gian ở Việt Nam và các nước, nhất là Trung Quốc, để có được những tài liệu quý giá và chính xác đúc kết nên tác phẩm này.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách

Tác giả