10 phát kiến thiết thực cho các nước đang phát triển

Những phát kiến hữu ích nhất cho các nước đang phát triển nhiều khi chỉ đòi hỏi những giải pháp công nghệ đơn giản nhất

Kính mắt chứa dịch lỏng tự điều chỉnh

Kính mắt là sản phẩm tương đối rẻ và khá phong phú. Tuy nhiên, hiện tại thế giới đang phát triển, điều đang thiếu là những chuyên gia đo mắt định hình kính phù hợp với thị lực của người đeo. Tại vùng phụ cận hoang mạc Sahara châu Phi, chỉ có một chuyên viên đo mắt trên đầu 1 triệu người dân, và ở một số quốc gia, con số còn tệ hơn, với một chuyên viên đo mắt trên đầu 8 triệu người dân.

Tuy nhiên, phát kiến của Josh Silver có thể giúp giải quyết khó khăn cho người dân các nước đang phát triển. Ông đã sáng tạo ra loại kính mắt mà người dùng có thể tự điều chỉnh với cấu trúc bên trong chứa chất lỏng. Việc tăng hoặc giảm số lượng chất lỏng có trong thấu kính sẽ tạo ra độ khúc xạ phù hợp với mắt của người dùng. Kính này khá bền, chi phí thấp và quan trọng nhất là nó cho phép bệnh nhân có thể tự điều chỉnh lượng chất lỏng cho đến khi 2 mắt cùng có thể nhìn rõ vật cùng lúc. Quá trình làm kính tự điều chỉnh mắt kính theo ý muốn thường kéo dài chỉ chưa đầy 1 phút, và đến nay đã có hơn 40.000 cặp kính tự điều chỉnh được phân phối trên khắp thế giới.

Tập đoàn Dow Corning sau khi được biết về phát kiến của Silver đã dành 3 triệu USD kinh phí và đội ngũ chuyên gia cho dự án nhân đạo ChildVision Initiative, nhằm thiết kế, sản xuất và phân phối các phiên bản kính đặc biệt theo thiết kế của Silver cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Dow Corning tin rằng loại kính này không chỉ cải thiện tầm nhìn cho trẻ em mà còn tạo điều kiện thuận lợi giúp chúng học tập hiệu quả hơn.

Chân giả cao su Jaipur

Chân giả Jaipur là một thứ chân cao su dùng cho những người bị cắt cụt dưới gối, thường là nạn nhân của các vụ nổ bom mìn. Thiết bị này được sản xuất bởi ông Ramchander Sharma dựa theo sự hướng dẫn của Tiến sĩ P.K. Sethi vào năm 1969. Sáng kiến độc đáo của ông Sharma hình thành trong một lần ông đang đi xe đạp và tình cờ lưu tâm về tính bền chắc của vỏ lốp cao su. Sau lần đó, ông Sharma suy nghĩ làm thế nào mà một cái chân bằng cao su cứng có thể giúp cho người tàn tật bước đi tự nhiên hơn. Cái chân giả đó phải dễ sử dụng và rẻ tiền để chế tạo, rắn chắc, không thấm nước và có thể mô phỏng tối đa những tính năng của chân con người. Sử dụng cao su cứng đã giải quyết được khá nhiều những vấn đề này, và vật liệu này đặc biệt hiệu quả trong việc giúp người sử dụng cử động tự nhiên. Họ không chỉ có thể đi bộ, mà còn ngồi xổm, đứng lên từ chỗ ngồi, và thậm chí còn chạy được. Chân giả Jaipur hiệu quả đến mức có thể giúp đa số người sử dụng trở về công việc họ từng làm trước đây.

Toàn bộ chi phí cho một chân giả khoảng 28 USD, có độ bền sử dụng khoảng 5 năm, và hàng ngàn người nghèo khổ ở Ấn Độ được dùng sản phẩm này. Chân giả cao su Jaipur đã giúp Tiến sĩ Sethi đón nhận giải thưởng Padma Siri từ Chính phủ Ấn Độ, và năm 2009, tạp chí TIME vinh danh thiết bị này là một trong “50 phát minh tuyệt vời nhất”.

Xe cứu thương eRanger 

Theo kỹ sư người Anh Mike Norman: “Những chiếc xe cứu thương hiến tặng (từ phương Tây) không thể dùng để cáng bệnh nhân xa quá 80 yard (tương đương 91,44 m) ở châu Phi”. Trong khi đó, loại xe ô tô 4X4 thì quá xóc khiến hành trình đến bệnh viện gây quá nhiều nguy hiểm cho các ca cấp cứu. Điều này đặc biệt đúng với các bà mẹ ở nông thôn châu Phi, nơi các biến chứng trong lúc sinh con cùng với sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế, đã góp phần làm tăng cao tỷ lệ tử vong của các sản phụ. Để khắc phục tình trạng này, xe cứu thương eRanger của Mike Norman đã ra đời, thực chất là một chiếc xe gắn máy có gắn theo một chiếc cáng cứu thương ở đằng sau xe dành cho bệnh nhân. Mẫu thiết kế đã kết hợp những tiện ích của một chiếc xe máy với năng lực vận tải của một khoang phụ chở hàng. Xe có tổng chi phí chỉ khoảng 6.200 USD, bền chắc, và dễ bảo trì.

Với phương thức giảm xóc hoạt động rất tốt trên những địa hình gồ ghề, eRanger có thể chở các bệnh nhân đến những bệnh viện ở xa một cách an toàn hơn nhiều so với các loại phương tiện giao thông khác. Một quận ở Malawi báo cáo rằng đã giảm khoảng 60% tỷ lệ tử vong ở sản phụ kể từ khi dùng eRanger vào năm 2003. Ngày nay eRanger đã có mặt ở 17 quốc gia châu Phi, và những dự án thí điểm khác đang được triển khai ở Afghanistan và Haiti.

“Đèn chai” năng lượng mặt trời

Lâu nay, những ngôi nhà dày đặc trong các “khu ổ chuột” ở thủ đô Manila không hề có điện sinh hoạt để dùng. Tình trạng càng tồi tệ khi các ngôi nhà được dựng quá sát nhau và không hề có cửa sổ hay các nguồn ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, trong nhà luôn quá tối ngay cả vào ban trưa. Các gia đình kiếm sống, làm việc nhà, và ăn uống cùng nhau trong không gian tối đen. Họ rất cần có nguồn sáng rẻ, bền vững và thân thiện với môi trường. Xuất phát từ nhu cầu này mà Amy Smith và nhóm sinh viên MIT trong lúc làm việc ở Haiti đã phát minh ra ý tưởng “đèn chai mặt trời”, một giải pháp khéo léo và khá đơn giản. Chiếc “bóng đèn” này thực chất là một cái chai nhựa 1 lít đựng đầy nước và vài muỗng chất tẩy trắng. Chai được gắn cố định vào mái nhà và nó sẽ hoạt động như một thứ ánh sáng trời. Tuy nhiên, không giống như ánh sáng trời chỉ chiếu tia sáng theo một đường thẳng, “đèn chai mặt trời” khúc xạ và phát tán ánh sáng mặt trời theo một góc 360 độ, làm sáng khắp căn phòng bên dưới. Hiệu suất của đèn chai khá mạnh vì tương đương với bóng đèn điện 60 watt. Đèn chai dễ lắp đặt và các vật liệu hoàn toàn sẵn có, thời gian sử dụng mỗi đèn chai khoảng 5 năm.

Sau khi xem các video clip trên YouTube về những chiếc “đèn chai mặt trời” ở Haiti, nhà hoạt động Iliac Diaz đã đưa thiết kế vật dụng này về Manila qua Một Lít Ánh sáng, một tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với các chính phủ. Họ bán mỗi “đèn chai mặt trời” với giá 1 USD và đã lắp đặt được 12.000 đèn chai cho 10.000 hộ gia đình ở Manila, Philippines, Diaz cho biết.

Cho gạo nếu đi học

Năm 2007, ông John Breen đã hiến tặng trang web FreeRice.com cho Chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWFP). Mục tiêu của nó là vừa cung cấp giáo dục miễn phí và cứu trợ nạn đói cùng một lúc. Trẻ em sẽ chơi một chương trình từ vựng Anh ngữ qua mạng, và ai trả lời chính xác mỗi câu hỏi sẽ được thưởng các hạt gạo (1 câu trả lời đúng = 10 hạt gạo, 5 câu đúng = 50 hạt gạo, v.v.). Theo thời gian các câu hỏi sẽ dần khó lên và các câu trả lời sai sẽ được lặp đi lặp lại hoặc được thay thế bằng những câu hỏi dễ dàng hơn. Ngoài ngoại ngữ, bọn trẻ còn có thể học văn học, địa lý, toán học và hóa học. Tại sao lại không cho gạo vô điều kiện? Vì Freerice.com không hề có gạo. Người chơi kiếm gạo thông qua các biểu ngữ của nhà tài trợ xuất hiện khi mỗi lần trả lời một câu hỏi đúng. Số tiền được tạo thành từ các biểu ngữ này sau đó sẽ được dùng để mua gạo cứu trợ nạn đói. Theo trang web này, tất cả số gạo kiếm được từ Freerice.com hiện đã được phân phát ở Haiti, nhưng trước đây cũng từng được phân phát tại Bangladesh, Campuchia, Uganda, Nepal, Bhutan và Myanmar.

Máy giặt và máy sấy quay dùng sức người

Các gia đình ở nông thôn Peru đang sống với số tiền chi tiêu từ 4 USD đến 10 USD một ngày. Đối với những người phụ nữ ở đây, việc giặt quần áo sạch vừa để đảm bảo vệ sinh, vừa để giữ thể diện cho gia đình. Nhưng do không có điện nên mọi sự giặt giũ đều bằng tay, và mất tới 6 giờ để giặt và làm khô quần áo. Công việc diễn ra 3-5 lần mỗi tuần, quá mất thời gian và nặng nhọc khiến nhiều phụ nữ bị mắc bệnh mỏi cổ tay, đau lưng mãn tính, đau tay và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trước tình trạng này, nhà phát minh Giradora đã tung ra một loại máy giặt và máy sấy quay sử dụng điện năng từ sức người. Người sử dụng chèn quần áo vào cái trống và ngồi lên nắp trong khi chân đạp lên một cái bơm. Cơ chế này sẽ đảo quần áo giặt và sau đó quay tròn cho đến khi chúng gần như được vắt khô, làm giảm đáng kể thời gian giặt và phơi quần áo. Điều này rất quan trọng ở Peru, nơi vào mùa đông quần áo ướt có thể phải mất tới 3 tuần mới khô, và nấm mốc sinh sôi rất nhanh trong môi trường ẩm như vậy. Giải pháp này rất hiệu quả vì giúp người nội trợ giặt một lúc cả lô quần áo thay vì từng chiếc một. Và điều khiến chị em mừng nhất là có thể ngồi xuống làm việc thay vì phải đứng liên tục. Giradora thậm chí tuyên bố rằng sản phẩm có thể cung cấp “các cơ hội thu nhập cho phụ nữ thông qua dịch vụ giặt ủi, cho thuê hoặc bán hàng trực tiếp”. Máy giặt có giá bán 40 USD, bằng 1/5 giá tiền của chiếc máy sấy quay rẻ nhất trên thị trường.

Trang web chống tham nhũng

Trong thế giới đang phát triển, tham nhũng là một thực tế khó chịu mà người bình dân không thể thay đổi. Tham nhũng làm mất năng suất quốc gia, làm triệt tiêu năng lực sáng tạo của cá nhân, và làm giảm chất lượng đời sống của người dân. May mắn là các trang mạng xã hội có thể phần nào giúp chống tham nhũng. Trang mạng ipaidabribe.com chuyên thu thập và công bố các báo cáo “nặc danh” về các vụ trả tiền hối lộ, các trường hợp vòi tiền hối lộ, và các “thông lệ” hối lộ đang tồn tại ở Ấn Độ. Trong vòng 2 năm qua, trang web đã nhận tới 400.000 báo cáo, 80% trong số đó liên quan tới các quan chức Chính phủ Ấn tìm cách kiếm các khoản tiền phi pháp. Để ngăn chặn kiện cáo, ipaidabribe.com sẽ không công bố bất kỳ tên ai hoặc thông tin mật nào. Trang web đã mang lại một số kết quả thực tiễn, ví dụ như hội đồng giao thông ở Karnataka gần đây đã dùng thông tin từ trang này để giành sự ủng hộ nhằm cải tổ ban phương tiện giao thông. Kết quả là 20 quan chức cao cấp bị “cảnh cáo”, và sau đó tất cả mọi bằng lái xe được tổ chức đăng ký qua mạng, mọi kỳ sát hạch được tự động hóa và giám sát bằng video. Các thông tin từ ipaidabribe.com ngày càng được công chúng biết đến, và sự quan tâm tới trang web này ngày càng gia tăng. Trên thực tế, trang web rất nổi tiếng và 17 quốc gia khác đã yêu cầu về giấy phép để được thành lập các trang ipaidabribe cho riêng họ.

Mỗi người một con bò

Cho ai một con cá, người ấy sẽ ăn hết trong ngày. Dạy ai cách đánh cá, người đó tự nuôi thân được suốt đời. Tổ chức Heifer Quốc Tế đã áp dụng câu ngạn ngữ này tại những nông trại gia súc sản xuất thân thiện với môi sinh. Kể từ năm 1944, họ đã quyên góp viện trợ các loại gia súc nuôi lấy thịt cho 12 triệu hộ gia đình tại 125 quốc gia trên thế giới. Viện trợ gia súc nhiều khi là giải pháp tốt hơn viện trợ máy nông nghiệp, vì máy móc phải tốn dầu mỡ và thường xuyên bảo trì, còn gia súc có thể cung cấp sức mạnh để kéo cày, cung cấp phân bón làm màu mỡ đất đai, thêm trứng và sữa cho nhu cầu tiêu thụ hằng ngày hoặc để bán, hoặc lấy len làm quần áo và giữ ấm. Người nhận sẽ không phải trả tiền cho các động vật hiến tặng nhưng phải học hỏi cách thức chăn nuôi và hứa hẹn phải tiếp tục ‘chuyền tay quà tặng’. Nghĩa là khi con vật hiến tặng sinh sản, ít nhất một con trong lứa sinh phải được san sẻ cho hàng xóm gần kề, và người kế tiếp này cũng phải bắt buộc nghiên cứu cách thức để chăm sóc vật nuôi. Quy trình này cứ lặp đi lặp lại hình thành một thế hệ gia súc mới làm giàu cho cả cộng đồng.

Quả cầu tre dò mìn

Massoud Hassani là người Hà Lan gốc Afghanistan, lớn lên ở rìa phía Bắc của thủ đô Kabul. Lúc nhỏ, Hassani và chúng bạn thường đuổi bắt quả cầu lăn trên sa mạc xem ai có thể trở thành người nhanh nhất tóm được thứ đồ chơi này. Tuy nhiên, trò chơi luôn ngừng khi chúng tới quá gần sân bay, nơi mà các loại bom mìn và những vật liệu chưa nổ có từ thời Xô viết vẫn còn tồn tại trong lòng đất. Sau khi cha bị ám sát chết vào năm 1993, Hassani và gia đình chuyển đến sống ở Hà Lan, và trở thành một sinh viên thiết kế. Dự án tốt nghiệp của Hassani là thiết bị Mine Kafon, có hình dạng giống với quả cầu lăn ông từng chơi cùng chúng bạn thời thơ ấu. Thiết bị này có công năng phá bom mìn, chi phí thấp, vận hành theo sức gió và dễ sử dụng. Nhìn bên ngoài, Mine Kafon như một quả bồ công anh khổng lồ. Thiết bị cao khoảng 1,8 m với những chiếc cọc tre tua tủa từ phần lõi. Đầu mỗi cọc tre lại được gắn một cái đĩa dẹt na ná như bàn chân người. Mine Kafon nặng như người thật nên khi nó lăn theo sức gió qua một quả mìn, quả mìn sẽ phát nổ. Mỗi lần nổ những chiếc đĩa ở đầu cọc sẽ vỡ nát, nhưng thiết bị có thể chịu được 4 lần nổ mìn mới cần phải sửa chữa. Thậm chí Mine Kafon còn sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nhằm giúp các công nhân có thể xác định khu vực nào chưa được dò mìn.

Mine Kafon không thể so với các thiết bị dò mìn thông thường mà người sử dụng có thể dễ dàng chủ động điều khiển tùy ý. Nhưng với giá thành khoảng 60 USD, Mine Kafon rẻ bằng 0,00012% chi phí các cỗ xe dò mìn Aardvark của NATO. Hassani cho rằng thiết bị của mình hữu dụng trong việc giúp nông dân kiểm tra các khu vực nghi vấn trước khi nhờ NATO gửi đến những đội dò mìn chuyên nghiệp.

Trang bị y tế được phân phối cùng Coca Cola

Trong thời gian Simon Berry làm tình nguyện viên ở đất nước Zambia, anh nhận ra rằng dù đi đến đâu cũng được ai đó chào bán một chai Coca Cola. Một ngôi làng có thể hết sạch vaccine và các dược phẩm y tế căn bản, nhưng Coca Cola thì không bao giờ thiếu. Điều đó khiến Berry nảy ra ý nghĩ: liệu sức mạnh phân phối hàng của Coca Cola có thể được dùng để cứu sống mạng người ở châu Phi?

Điều tra sâu hơn, anh nhận thấy Coca Cola luôn chuyển hàng tới các thành phố lớn và một số thị trấn, nhưng sau đó hàng sẽ được phân phối đi khắp cả nước bởi vô số những chiếc xe máy, xe gia súc kéo, hay thậm chí xe kéo tay. Do người dân được trả tiền để phân phối Coca Cola, họ đưa hàng tới mọi nơi có thể được. Vậy là Berry suy nghĩ: nếu anh có thể thay thế vài chai Coca Cola trong các thùng nước ngọt bằng dược phẩm thì anh có thể phân phát thuốc trên khắp Zambia. Tại sao không tận dụng khoảng trống giữa các chai nước ngọt để nhét thuốc vào? Nghĩ là làm, Simon Berry đã tạo ra những miếng nhựa không thấm nước có tên gọi AidPod đặt giữa khoảng trống giữa các chai để vận chuyển thêm thuốc. Những khoảng trống đó được tận dụng để chứa muối hydrate trừ sâu răng các sản phẩm bổ sung kẽm cùng với xà bông, nước dưỡng da trẻ em và các đồ lặt vặt khác. Những miếng AidPod này làm từ nhựa PET nên người sử dụng có thể đổ đầy nước vào khe chứa, sau đó những tia cực tím từ mặt trời sẽ tiêu diệt mọi vi khuẩn chứa trong nước. Điều này rất quan trọng vì thuốc thang sẽ không hiệu quả nếu người dân không dùng kèm với nước triệt khuẩn. Hiện tại, Simon Berry đang làm việc trên một mô hình kinh doanh rất khả thi và phát triển một chương trình thí điểm dựa trên việc bán các sản phẩm AidPod cho những bà mẹ mới sinh, và họ có thể dùng hoặc bán các sản phẩm này nếu cần. Chính phủ hỗ trợ chương trình của anh, và Coca Cola đến nay vẫn tiếp tục hợp tác. 

        Thanh Hải dịch.
Nguồn:  http://listverse.com/2012/12/20/top-10-ideas-that-are-saving-the-world
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)