2017 – Công nghệ và những thách thức chính sách mới

Công nghệ là lực lượng toàn cầu đang trỗi dậy và tích lũy sức mạnh; nhưng với một quốc gia như Việt Nam, thế chủ động để kiểm soát ‘chủ quyền’ – trong đó có chủ quyền làm chính sách, vẫn đang nắm vững trong tầm tay. Quyết định cuộc cờ và các nước đi như thế nào, vì vậy vẫn đang trong tầm tay của những người làm chính sách.


Tòa án Công lý Châu Âu đã ra tuyên bố Uber là công ty taxi chứ không phải là công ty công nghệ vào ngày 20/12 vừa qua.

Nếu như tháng cuối cùng của năm 2017 mở ra với tâm điểm là sự tăng giá phi mã của Bitcoin, thì những ngày cuối tháng, một sự kiện khác, vẫn liên quan đến các công ty công nghệ, thu hút sự chú ý của dư luận, đó là việc Tòa án Công lý Châu Âu ra tuyên bố Uber là công ty taxi chứ không phải là công ty công nghệ. Xuyên suốt năm 2017, trên thế giới, ‘công nghệ’ là từ khóa được thảo luận nhiều nhất: từ những mẫu hình, ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (công nghệ AI) liên tục được ra mắt; tới sức hút khó cưỡng của tiền mã hóa, lẫn những tranh cãi về mặt chính sách và pháp lý phức tạp chưa có hồi kết của các quốc gia để điều chỉnh các xu hướng công nghệ này.

Những dự báo về mức độ phát triển của công nghệ, giới chuyên gia đã đưa ra từ lâu, nhưng dường như tốc độ của nó còn đi nhanh hơn nhiều so với những dự báo. Từ trước đến nay, luật pháp luôn phải chạy theo cuộc sống. Nhưng có lẽ chưa bao giờ, những nhà làm luật, ngay chính ở những quốc gia tiên tiến nhất, lại lúng túng và chia rẽ gay gắt khi đứng trước bài toán xây dựng luật mà bước tiến quá nhanh của công nghệ đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Điều này thực ra không quá khó hiểu, bởi công nghệ đang xóa nhòa biên giới địa lý và thách thức gay gắt chủ quyền quốc gia – thứ ‘chủ quyền’ theo cách truyền thống mà toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia lẫn luật pháp và ứng xử quốc tế đặt nền tảng trên đó. Đồng Bitcoin chẳng hạn – được phát hành bởi một thực thể vô danh chứ không phải là Ngân hàng trung ương theo cách truyền thống. ‘Thuật toán’ và giải mã thuật toán là yếu tố quyết định số lượng tiền được lưu thông trên thị trường – chứ không phải là một Ngân hàng Trung ương nào cả. Và giá trị giao dịch thực tế lại được ấn định bởi thị trường – thuần túy là thị trường toàn cầu, chứ không phải chính quyền của một quốc gia nào có thể ấn định hay can thiệp. Và cũng cần lưu ý thêm rằng – Bitcoin chỉ là một, trong rất rất nhiều các loại tiền mã hóa (cryptocurrency), đang nở rộ gần đây. Những đồng tiền này vượt khỏi biên giới quốc gia, và cũng không nằm trong tầm điều chỉnh của mọi ngân hàng nhà nước. Trong khi tiền tệ – theo cách thức đã định hình nhiều nghìn năm nay – là một trong những yếu tố căn bản xác lập chủ quyền cao nhất của mọi nhà nước bởi nó cũng là công cụ quyền lực căn bản của chính quyền (bên cạnh bộ máy quân đội, an ninh và công cụ luật pháp). Công nghệ – mà hình thái nổi trội nhất của nó hiện nay là tiền mã hóa, đang trở thành một lực lượng mới – thách thức và đối trọng lại những quyền lực truyền thống của nhà nước. Một thứ quyền lực xuyên biên giới, phi tập trung và vận động tiến lên không ngừng. Ứng xử với nó như thế nào, quả là một cơn đau đầu không hề dễ chịu.

Chẳng thế mà thái độ và động thái cụ thể của các quốc gia với Bitcoin là rất khác nhau. Trong khi một số nước cởi mở và hào hứng tiếp đón, như Nhật, Úc chẳng hạn – thừa nhận đồng tiền; thậm chí đón đầu bằng cách tự tạo ra các loại tiền mật mã của riêng mình (Trung Quốc, Nhật). Số đông khác, dù biết là không thể ‘chắp tay đứng nhìn’ nhưng vẫn lưỡng lự với nan đề: thừa nhận nó như một phương tiện thanh toán – một đồng tiền đúng nghĩa thì đối mặt với rủi ro một ngày, (mà ngày đó có thể rất gần), đồng nội tệ bị hất cẳng ra khỏi cuộc chơi vì người dùng (người dân) ‘yêu’ và tin nó hơn là đồng tiền ‘nhà nước’. Mà không thừa nhận – đồng nghĩa là đứng ngoài hẳn cuộc chơi, mà đồng thời cũng không thể cấm cản công dân quốc gia mình bằng cách này cách khác tham gia vào cuộc chơi đó. Đơn giản là vì internet và công nghệ là không biên giới.

Trở lại với Việt Nam, không nằm ngoài xu thế đó, trên bình diện xây dựng chính sách, năm 2017 cũng là năm mà những tranh luận xoay quanh vấn đề ‘luật hóa’ hoạt động thuộc xu hướng kinh tế công nghệ, kinh tế chia sẻ (sharing economy) diễn ra sôi nổi và gây nhiều chia rẽ. Nổi bật là ba câu chuyện: áp quy định pháp lý như thế nào cho Uber, Grab; làm thế nào để thu được thuế từ các hoạt động thương mại điện tử trên Facebook, Google; và cuối cùng, hóc búa nhất, có thừa nhận tiền mã hóa không, thừa nhận với mức độ như thế nào? Cả ba câu hỏi này đều chưa có câu trả lời rõ ràng, và đương nhiên sẽ vẫn là chủ đề tranh cãi không chỉ riêng năm 2018 mà còn là trong nhiều năm tới.

Lựa chọn theo hướng nào đều có những cái giá phải trả. Nhưng đứng trước nền kinh tế chia sẻ và công nghệ vượt mọi biên giới quốc gia, Việt Nam, theo người viết, nên có cái nhìn lạc quan và cởi mở. Phán quyết của Ủy ban châu Âu – mà ý nghĩa và hệ quả quả nó không chỉ riêng cho trường hợp cá biệt của Uber mà cả với xu hướng kinh tế chia sẻ, chưa hẳn là mẫu hình để Việt Nam đi theo. Với một quốc gia như Việt Nam, khuyến khích xu hướng công nghệ là cần thiết. Là một nước đi sau, lợi thế công nghệ sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách thay vì cách đi tuần tự như những mô hình phát triển cũ. Công nghệ là một con sóng lớn. Và như một người lướt sóng, khi đứng trước một con sóng, hoặc là chủ động tiến lên, nắm lấy con sóng để vượt lên và thành công; hoặc bị con sóng xô ngã.

Tác giả