315 người Việt chết và “chỉ 0,09%”!

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà, trong năm 2007 có 107 người Việt lao động chết ở Malaysia, và con số này phản ánh 0,09% tổng số lao động Việt Nam tại đây. Dựa vào con số này, bài báo trên Tuổi Trẻ mang tựa đề “Lao động VN tại Malaysia: Tỉ lệ tử vong chỉ 0,09%”. Tôi phải hỏi tại sao “chỉ”, trong khi có hàng trăm người chết ?

Thật ra, theo thống kê chính thức của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, trong thời gian từ 2004 đến nay đã có 315 lao động Việt Nam tại Malaysia chết.  Tính trên tổng số lao động, con số này tương đương với tỉ lệ tử vong 0,24%.

Ba trăm mười lăm người Việt đã chết trên xứ người, với những nguyên nhân mù mờ, là một điều rất đáng quan tâm.  Mỗi cái chết là một thảm trạng cho gia đình của nạn nhân.  Con số 315 tử vong cũng có nghĩa là 315 gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn, khốn đốn.

Chẳng những là 315 cái tang gia đình, mà còn là một sự mất mát không nhỏ cho quốc gia Việt Nam.  Cần nhắc lại rằng những người lao động kém may mắn này chết trong độ tuổi sung mãn nhất của đời người.  Nếu tuổi thọ trung bình trong nam giới của cả nước là 71 tuổi, tính trung bình mỗi cái chết tương đương với 46 năm sống bị mất, và tính chung 315 người chết có nghĩa là trên 14.000 năm sống (life-years) bị mất đi. Đó là một sự mất mát lớn, chứ không thể nói là nhỏ được.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa còn cho biết “so với người đang lao động ở trong nước thiệt mạng giữa độ tuổi 25-30 thì tỉ lệ người lao động VN tử vong ở thị trường Malaysia thấp hơn 2-3 lần”.  Tôi e rằng so sánh này thiếu cơ sở thực tế.  Tôi không có số liệu tử vong trong người lao động ở Việt Nam, nhưng qua kiểm tra y văn thì thấy có một nghiên cứu dân số rất chi tiết tại huyện Ba Vì vào năm 2000-2001, và nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ tử vong trong độ tuổi 25-34 là khoảng 0,14% [1].  Như vậy, nguy cơ tử vong của người lao động Việt tại Malaysia cao hơn nguy cơ tử vong trong cộng đồng dân số Việt Nam đến 71%.

Thật ra, so sánh như thế cũng chưa khách quan, vì những người được tuyển đi lao động nước ngoài thường có sức khỏe trên trung bình (nếu không thì khó mà được tuyển đi lao động nước ngoài).  Do đó, trong thực tế nguy cơ tử vong của người lao động Việt tại Malaysia có thể cao gấp 2 lần đồng hương trong nước.

Điều đáng quan tâm hơn nữa là nguyên nhân tử vong chưa rõ ràng.  Đọc qua những “nguyên nhân” tử vong do một quan chức thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước (như “chất lượng khám sức khỏe cho người lao động đi Malaysia chưa cao; cách sinh hoạt của người lao động không phù hợp; người lao động không quen với nếp sống đô thị hiện đại, tác phong làm việc”) tôi không thấy đó là nguyên nhân gì cả, mà chỉ là những yếu tố gián tiếp gián tiếp có thể liên quan đến tử vong.  Chúng ta không thể nào làm ngơ hay không điều tra khi có đến 315 người đã chết mà không rõ nguyên nhân.

Theo tôi, chính phủ Việt Nam cần phải bày tỏ thái độ và hành động, kể cả điều tra nghiêm chỉnh, để chứng tỏ cho chính phủ và các doanh nghiệp Malaysia biết rằng chúng ta quí trọng sinh mạng của công dân Việt Nam.  Nếu chúng ta không quí trọng công dân Việt thì ai quí trọng chúng ta?  

Chú thích:

[1] Con số này tôi trích từ bài báo “Pattern of mortality in Bavi, Vietnam, 1999-2001” trên tập san Scan J Public Health 2003; Suppl 62:8-11.

NVT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)