4 yếu tố tác động đến mô hình CNH,HĐH của nước ta trong giai đoạn mới

Với tư cách là môi trường, điều kiện và không gian của quá trình phát triển kinh tế quốc gia, thế giới (nền kinh tế) toàn cầu hóa gắn cung cấp các cơ sở để xác định và thực thi mô hình tăng trưởng và phát triển mới. Trong số này, gắn với quá trình CNH, HĐH của nền kinh tế Việt Nam, xin nhấn mạnh bốn yếu tố: Xu hướng tự do hóa (di chuyển các nguồn lực); Tính mở (tính không bị giới hạn) của quá trình phát triển; Tính kết nối mạng của các quá trình kinh tế trên phạm vi toàn cầu; Vai trò nổi lên của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Xin nêu một số hàm ý trực tiếp nhất đến mô hình CNH, HĐH từ các yếu tố trên.
Xu hướng tự do hóa đồng nghĩa với việc các rào cản việc di chuyển các nguồn lực trên thế giới bị hạ thấp (tiến tới “không”). Các nguồn vốn tài chính, công nghệ, thiết bị, nhân lực (bao gồm nhân lực trí tuệ) có thể tự do di chuyển trên toàn cầu để đến chỗ nào mà chúng có điều kiện phát huy tác dụng cao nhất và sinh lợi nhiều nhất. Khi đó, hệ quả đối với một nước đi sau sẽ là “không sợ thiếu vốn, không sợ thiếu công nghệ, không sợ thiếu người tài, chỉ sợ thiếu chính sách đúng để thu hút các nguồn lực sẵn có trên toàn thế giới”.


 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi tiệc trưa do Hội đồng Thương mại Mỹ  – Việt và Phòng Thương mại Mỹ tổ chức

Chỉ xin đề cập riêng đến dòng vốn đang tự do lưu chuyển trên phạm vi toàn cầu làm ví dụ minh họa cho xu hướng tổng thể này. Hiện nay, hàng ngày có hàng ngàn tỷ USD di chuyển trên các kênh vốn quốc tế. Khối lượng lớn và tốc độ lưu chuyển vốn nhanh là kết quả trực tiếp của quá trình tự do hóa việc di chuyển các nguồn vốn. Đối với nền kinh tế Việt Nam đi sau, nhìn chung là nghèo và thiếu vốn, nhất là vốn để tiến hành CNH nhanh theo hướng hiện đại, việc tiếp cận đến nguồn vốn quốc tế là yếu tố cơ bản, quyết định để tăng trưởng nhanh, chuyển dịch cơ cấu mạnh và tiến kịp thế giới. Nhưng muốn hút được dòng vốn đó thì điều kiện tiên quyết là phải tự do hóa các kênh lưu thông vốn vào Việt Nam. Nguyên lý phải là như vậy. Nhưng tự do các kênh lưu thông vốn lại chứa đựng những rủi ro khó lường, nhất là khi hệ thống tài chính – ngân hàng của nước ta chưa phát triển, chưa tạo lập được một cơ cấu vững chắc.
Mâu thuẫn này xác định một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, cả trên phương diện ngành lẫn trên phương diện thể chế: phát triển và củng cố hệ thống tài chính – ngân hàng là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ hệ nhiệm vụ CNH, HĐH của giai đoạn tới (đáng ra nhiệm vụ này phải hoàn thành về cơ bản trước khi Việt Nam gia nhập WTO). Có một cấu trúc tài chính mạnh, nền kinh tế sẽ tự tin hơn khi tiến hành các bước đi quyết định trong tiến trình tự do hóa các dòng đầu tư và tài chính.
Tính mở của hệ thống kinh tế toàn cầu hóa hàm ý về không gian vô tận cho sự phát triển. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với bất cứ nền kinh tế thị trường nào, nơi mà quá trình phát triển luôn luôn dựa trên một nguyên lý tiền đề: sự khan hiếm. Trung Quốc đang vận dụng rất thành công lợi thế toàn cầu hóa này khi lựa chọn nguồn cung đầu vào tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc ở các nước ngoài Trung Quốc (để dành tài nguyên quốc gia thành nguồn dự trữ chiến lược). Trung Quốc đang thành công với chiến lược châu Phi nhằm vượt qua những giới hạn về nguồn cung đầu vào trong nước hoặc do các nguồn cung cấp đầu vào chiến lược trên thế giới đã bị các cường quốc “già” khống chế.
Việt Nam không thể không tính đến nguyên lý phát triển này trong giai đoạn tới, khi mà sự khan hiếm đầu vào toàn cầu và xung đột do tranh chấp tài nguyên gia tăng mạnh, còn bản thân nước ta thì không phải là nước giàu có về tài nguyên.
Kết nối mạng của nền kinh tế toàn cầu hàm ý rằng muốn tận dụng được các lợi thế phát triển do thời đại và loài người đem lại, cách thức duy nhất là phải gia nhập mạng, kết nối với các thành tố mạng toàn cầu để làm thông suốt các đường dẫn các nguồn lực về nước mình, “nội địa hóa” chúng để thúc đẩy công cuộc phát triển nền kinh tế quốc gia. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gia nhập được vào mạng lưới kinh tế toàn cầu. Tham gia thật sự vào mạng lưới kinh tế toàn cầu đương nhiên không phải là một quá trình tự động, tự do vô điều kiện. Để nhập mạng (một cách hiệu quả), có hai điều kiện tiên quyết. Đó là:
– Có hệ thống thể chế tương thích với các luật lệ và quy định quốc tế;
– Tạo lập được một cơ cấu kinh tế (ngành) đáp ứng được yêu cầu “làm ra cái thế giới cần, với mức chi phí và chất lượng mà thế giới chấp nhận”.
Xét theo hai điều kiện tiên quyết nói trên, để hội nhập quốc tế thật sự, để có thể huy động tối đa nguồn lực quốc tế và các cơ hội phát triển mà quá trình toàn cầu hóa tạo ra, Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Trong mấy năm gần đây, quá trình cải cách thể chế được đẩy mạnh, đặc biệt là ở việc tạo lập khung khổ luật pháp. Tuy nhiên, ở góc độ thể chế kinh tế thị trường và nền hành chính nhà nước hiện đại, bước tiến vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ. Đây là một điểm yếu sinh tử của quá trình hội nhập. Dường như việc tập trung vào các nỗ lực đầu tư để tăng trưởng nhanh đã phần nào làm lu mờ đi hệ nhiệm vụ quan trọng bậc nhất này của quá trình CNH, HĐH.
Vai trò nổi lên của các công ty xuyên quốc gia. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của lực lượng chủ thể này trong việc thúc đẩy các quá trình kinh tế thế giới, tạo động lực mạnh để kéo các nền kinh tế đi sau nhập vào hệ thống kinh tế thế giới, nhờ đó, các nền kinh tế này có thể tăng tốc phát triển. Vai trò dẫn dắt và tạo động lực thu hút đầu tư của Intel, của Toyota, v.v. khi các công ty này đầu tư vào một nền kinh tế nào đó, dù đó là nền kinh tế còn nhỏ yếu (Honduras ở Trung Mỹ chẳng hạn), giúp các nền kinh tế này nhanh chóng “lột xác” thành hiện đại là điều đã được thực tế kiểm định.
Cho đến nay, một cách thực tiễn, không phải Chính phủ, cũng không phải các trường đại học mà là các công ty xuyên quốc gia đóng vai trò là nguồn cung cấp tri thức và công nghệ quan trọng nhất cho các nền kinh tế. Mọi khoản đầu tư của các công ty xuyên quốc gia đều gắn với việc chuyển tải tri thức và công nghệ, gắn với trình độ quản lý và tiếp cận thị trường quốc tế cao nhất. Mà đó chính là những thứ mà các nền kinh tế đi sau cần nhất để đạt mục tiêu “tiến kịp thế giới”.
Cần lưu ý rằng cuộc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu giữa các công ty xuyên quốc gia luôn luôn là động lực mạnh nhất thúc đẩy phát triển và phổ biến rộng rãi các thành tựu công nghệ – kỹ thuật.
Do vậy, đối với nước ta hiện nay, việc ưu tiên thu hút các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào cần phải trở thành một chủ trương chiến lược mang tính khả thi hiện thực cao. Cần phải coi việc thu hút nhiều công ty xuyên quốc gia là cách thức cơ bản để nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh quốc gia. Nếu đặt ưu tiên này trong việc mở ra chiến lược biển, một chiến lược mà việc triển khai nó luôn đòi hỏi phải có thực lực tài chính mạnh, trình độ khoa học – công nghệ cao, càng thấy tầm quan trọng nổi bật của lực lượng kinh tế này.


Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, cả trên phương diện ngành lẫn trên phương diện thể chế: phát triển và củng cố hệ thống tài chính – ngân hàng là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ hệ nhiệm vụ CNH, HĐH của giai đoạn tới.

Trần Đình Thiên

Tác giả