An ninh sinh thái

Không quá khó khăn để có thể nhận ra mối quan hệ giữa sức tàn phá của thiên tai và sự hủy diệt rừng của nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, ĐăkLắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông trong trận lũ lịch sử hậu quả của cơn bão số hai.


Tất cả những địa phương nói trên đều là những nơi đã từng có tài nguyên rừng hết sức giàu có và cũng là nơi diễn ra nạn chặt phá rừng hết sức khủng khiếp. Và đây cũng là tình trạng chung trên toàn quốc. Vấn đề được đặt ra là ai tàn phá thiên nhiên và ai phải chịu hậu quả của sự tàn phá đó? Cũng không quá khó để khẳng định : một bộ phận nhỏ cư dân (bao gồm cả những kẻ phá rừng và những người tiêu dùng sử dụng vô tội vạ các sản phẩm từ gỗ tự nhiên) tàn phá và hưởng lợi từ sự tàn phá đó trong khi đó đại bộ phận cư dân phải gánh chịu hậu quả của sự tàn phá. Lại cần phải nhấn mạnh một lần nữa là khối cư dân này đa phần lại thuộc bộ phận nghèo và không có những phương kế bảo hiểm cho đời sống của mình. Như vậy, rõ ràng từ vấn đề sinh thái đã đặt ra vấn đề về sự bất bình đẳng xã hội mà cụ thể là những vấn nạn sinh thái đã làm tăng khoảng cách giàu – nghèo trong toàn xã hội.
Đi kèm với điều này là câu hỏi về vai trò trách nhiệm của nhà nước trong việc điều tiết các vấn đề xã hội. Trong sự tàn phá môi trường sinh thái và sự bất lực của việc tái tạo rừng. Một điều đơn giản nhất là “lâm tặc” sẽ không thể phá rừng thành công đến vậy nếu không có sự làm ngơ, nếu không muốn nói là tiếp tay, của một bộ phận quan chức ở địa phương.
Từ sự kiện này, chúng ta có thể liên tưởng đến hai sự kiện khác đang làm “nóng” công luận : dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Tam Đảo và dự án giao cho một số doanh nghiệp đầu tư cải tạo công viên Thống Nhất. Nếu không có sự lên tiếng của báo chí và các nhà chuyên môn, giới trí thức và các nhà nghiên cứu thì chắc chắn những dự án này đã được tiến hành theo dự kiến của các cơ quan công quyền.
Về dự án cải tạo công viên Thống Nhất. Chúng ta gặp điệp khúc muôn thuở của chính quyền địa phương là “thiếu kinh phí”. Không có tiền nhưng tại sao thành phố Hà Nội lại đủ tiền dành cho một dự án đầy bê bối là làm phim lịch sử kỉ niệm ngàn năm Thăng Long, tại sao họ lại sẵn sàng đổ tiền (của nhân dân) cho một cuộc phiêu lưu mà phần thất bại là rất rõ trong khi lại không đầu tư cho một công trình mà số đông người dân sẽ được hưởng lợi trong một thời gian lâu dài? Giao cho một doanh nghiệp đầu tư vào công viên thống nhất nghĩa là phần diện tích xanh ít ỏi sẽ phải bị chia sẻ với các mục đích kinh doanh và sẽ càng là kinh hoàng hơn nữa khi người ta có ý định biến công viên Thống Nhất thành một Disneyland dành cho người nhiều tiền lắm của, phần tiếp tay cho sự bất bình đẳng về đời sống tinh thần trong xã hội. (Điều này cũng đã xảy ra ở Hồ Tây, khi mà không ít không gian của Hồ Tây đã được bán hoặc cho tư bản trong nước và nước ngoài thuê, trong khi đó ngay cả ở một nước tư bản là nước Pháp thì toàn bộ không gian hai bên bờ sông Sein cũng được dành làm không gian công cộng mà toàn bộ người dân được hưởng lợi).
Về dự án cho tư bản nước ngoài đầu tư xây dựng du lịch sinh thái ở Tam Đảo, một trong những điều không thể hiểu nổi trong lí lẽ của chính quyền ở Vĩnh Phúc là khu vực này không còn rừng. (Điều “quái gở” này đã được một đơn vị chuyên môn có uy tín của một trường đại học xác nhận). Điều còn “quái gở” hơn là cái lôgíc của những quan chức địa phương. Họ cho rằng nếu đã không còn rừng thì thay vì khôi phục rừng, hãy phá nốt rừng để xây khu du lịch.
Rõ ràng đã đến lúc an ninh sinh thái cần phải được nhận thức lại trong chiều kích chính trị của nó và đối tượng cần thay đổi nhận thức đầu tiên chính là các quan chức ở các địa phương.


Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)