Ba điều mong ước

Trong cuộc trao đổi với Tia Sáng về những bất cập trong vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng về ngắn hạn cũng như dài hạn ở Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh đã đưa ra 3 khuyến nghị mà ông mong ước Chính phủ sẽ sớm thực hiện.

Theo quan điểm của ông, trong thời gian qua vấn đề an ninh năng lượng đã được các nhà hoạch định chính sách chú trọng tới mức độ nào trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam?

Việt Nam cũng như toàn nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng: cầu tăng quá nhanh, cung không đủ đáp ứng, giá dầu thô tăng vọt, đe dọa tăng trưởng của các nước nghèo, nhập khẩu dầu lửa. Các nguồn nguyên liệu hóa thạch truyền thống như dầu lửa, than đá v.v. không bao lâu nữa sẽ cạn kiệt. Cho đến nay, Việt Nam đã rất lúng túng và đối phó kém hiệu quả trước những nguy cơ này. Mặc dầu than đá sắp cạn kiệt nhưng vì lợi ích của doanh nghiệp, Tập đoàn Than và Khoáng sản vẫn xuất khẩu hằng năm trên 40 triệu tấn than đá mà Chính phủ không có ý kiến gì.

Việc phân cấp đầu tư, về nguyên tắc, là đúng đắn và cần thiết nhưng trong thực tế đã phân cấp thiếu những quy định chặt chẽ, có tính ràng buộc đã dẫn đến cấp phép tràn lan những siêu dự án, trong đó có các dự án thép khổng lồ mà không cần cân đối với khả năng cung ứng điện. Chính việc tăng nhu cầu đột biến này đã vượt xa các dự kiến và làm cho cung-cầu trở nên mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi tuyên bố chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ thứ 21, Việt Nam lại đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng, dẫn đến cắt điện tràn lan, làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và gây bức xúc đối với người dân.

Các nguồn năng lượng có thể khai thác như khí sinh học, năng lượng gió, năng lượng Mặt trời v.v. chậm được triển khai. Tiêu dùng năng lượng, tuy còn ở mức rất thấp, để sản xuất ra 1 đơn vị GDP của Việt Nam cao gấp đôi Nhật Bản vì sử dụng các công nghệ cũ, tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Có thể nói, quy hoạch năng lượng cho đến nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Vậy để giải quyết sự mất cân đối về năng lượng cần có những giải pháp nào? 

Để giải quyết mất cân đối về năng lượng cần phải xử lý cả về cung lẫn cầu, không thể chỉ giải quyết nguồn cung để đáp ứng những nhu cầu kém hiệu quả, thâm chí phi lý như các nhà máy thép công nghệ lạc hậu. Cho đến nay, nhu cầu công nghiệp tăng nhanh không kiểm soát chưa được xử lý thích đáng: cân đối năng lượng cho từng dự án chưa được thực hiện chặt chẽ, tiêu chuẩn công nghệ về hiệu quả năng lượng chưa được tôn trọng. Tiết kiệm điện chưa được coi trọng. Từ bao đời nay, cái kiềng ba chân, lãng phí đến 90% năng lượng sử dụng, vẫn chưa được thay thế bằng các loại bếp có hiệu quả hơn. Nhu cầu năng lượng cho từng vùng chưa được cân đối bằng các nguồn năng lượng thích hợp của địa phương. Việc xây dựng ào ạt thủy điện ở miền Trung nhưng không có đường điện chuyển tải đã dẫn đến lãng phí lớn.

Tình trạng giá xăng, giá điện liên tục gia tăng trong thời gian qua được giải thích là nhằm bù lỗ cho nhà nhập khẩu xăng và nhà sản xuất điện. Chính sách bù lỗ kiểu này liệu có thực sự đảm bảo ổn định kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế?

Giá dầu thô tăng phụ thuộc vào giá dầu thế giới, nằm ngoài khả năng khống chế của Việt Nam. Điều cần làm là kiểm soát vị thế thống lĩnh thị trường (thị phần chiếm trên 60% thị trường) để hệ thống kinh doanh có hiệu quả hơn. Giá điện được tăng lên theo đòi hỏi đơn phương của Tập đoàn điện lực EVN (và những quan chức trước đây của EVN nay hoạt động trong các hiệp hội) mà không hề đòi hỏi EVN phải công khai tài chính, phải được kiểm toán độc lập, giảm tổn thất trên đường dây chuyển tải, giảm chi phí quản lý.

Việc sử dụng nhà thầu Trung Quốc tràn lan đã dẫn đến tình trạng “sống dở chết dở” với các nhà máy nhiệt điện tốn kém hàng tỷ USD nhưng chỉ hoạt động được vài tháng lại có sự cố. Trách nhiệm thuộc về ai không hề được làm rõ. Trong khi thiếu vốn đầu tư vào điện thì EVN lại đầu tư quá 30% vào những ngành nghề ngoài điện như khách sạn, bất động sản, chứng khoán.

Việc kiểm soát vị thế độc quyền của EVN cho đến nay đều không thực hiện được, ngay cả lộ trình thị trường hóa ngành điện của Bộ Công thương cũng bị EVN chặn lại. Rõ ràng là không thể tăng giá điện bất chấp thu nhập của người dân để thỏa mãn đòi hỏi đơn phương, không được kiểm soát vị thế độc quyền của EVN. Đã đến lúc phải có những bước tiến cụ thể để giám sát EVN, giúp EVN hoạt động có hiệu quả hơn, vì điều ấy có lợi cho chính bản thân EVN, giúp EVN hoạt động phù hợp với tư duy cạnh tranh.

Nếu có thể chỉ ra những việc Chính phủ cần làm ngay đối với vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam, ông sẽ cho khuyến nghị gì?

Tôi có ba khuyến nghị sau: Một là, Chính phủ thực hiện ngay Lộ trình thị trường hóa ngành điện, cắt giảm ngay những đầu tư ra ngoài chuyên ngành của EVN. Đã đến lúc phải có liều thuốc có hiệu lực, có hành động thiết thực trên lĩnh vực này. Hai là, tái lập trật tự về phân cấp đầu tư, bảo đảm các cân đối cần thiết về năng lượng đối với các dự án đầu tư tiêu thụ quá nhiều điện, năng lượng. Nếu cần, nên đình chỉ một số dự án thép đã vượt quá nhu cầu trong nước. Cần phát động một chương trình rộng lớn để thực hiện tiết kiệm điện trong toàn dân, cần chấm dứt những nghịch cảnh như trong khi nhiều gia đình bị cắt điện nhưng đèn trang trí, khẩu hiệu v.v. quá lãng phí vẫn thắp sáng suốt đêm, thậm chí còn bật sáng cả ban ngày. Ba là, phải bất đầu ngay các biện pháp quy hoạch và chuẩn bị thiết thực để bảo đảm cân bằng năng lượng cho nền kinh tế bằng phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, kể cả năng lượng hạt nhân cho những thập kỷ tới.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)