Bài toán giá điện

Tăng giá là cách thị trường phản ứng lại đối với sự thiếu hụt. Nhờ sự tăng giá mà cơ hội đầu tư được mở ra. Nhiều nhà đầu tư sẽ "nhảy vào" khai thác. Hệ quả là cung được đẩy lên, và sự thiếu hụt được khắc phục. (Trong nền kinh tế tập trung bao cấp, chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn triền miên chủ yếu là vì sự thiếu hụt đã không thể làm cho giá cả tăng lên được).


Nếu điện năng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, thì việc tăng giá điện có thể là một phản ứng khách quan của thị trường. Thế nhưng, tại sao dư luận xã hội lại tỏ ra hết sức băn khoăn đối với kế hoạch tăng giá của ngành điện lực?
Trước hết, có vẻ như các quy luật của thị trường đang bị bóp méo nghiêm trọng bởi tình trạng độc quyền của ngành điện lực. Thực chất, điện năng đang thiếu hụt đến đâu? Thiếu hụt bao nhiêu và thất thoát bao nhiêu? Có một cơ quan đánh giá độc lập nào xác nhận không? “Tình trạng một mình một chợ” đã làm cho những lập luận của ngành điện tỏ ra không đáng tin cậy. Rủi ro hơn, những lập luận của Bộ Công nghiệp cũng chịu chung một số phận tương tự: Sự dính líu mang tính chủ quản đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của những người tiêu dùng về khả năng hành xử khách quan của Bộ.
Hai là, việc tăng giá điện chưa chắc đã dẫn đến cơ hội đầu tư bình đẳng cho các nhà đầu tư. Tình trạng độc quyền có thể làm cho cơ hội đó rơi hết vào tay những doanh nghiệp thân quen trong ngành. (Ngoại trừ, một số cơ hội nhỏ bé hơn ở những chỗ xương xẩu hơn may ra mới được mở ra cho các nhà đầu tư khác). Cạnh tranh lành mạnh vì vậy vẫn có thể không xảy ra. Hệ quả tiếp theo là, cho dù việc sản xuất điện năng có được tăng cường thì giá cả cũng khó có thể được giảm xuống. Mà như vậy thì sự “hy sinh” của những người dân sẽ hữu ích đến đâu?
Ba là, lập luận của ngành điện về việc tăng giá điện để tăng cường đầu tư mới nghe thấy có lý, nhưng suy cho kỹ thì vẫn chỉ là cái lý của kẻ độc quyền. Tăng giá để có vốn đầu tư thì rõ ràng là biến tất cả mọi người tiêu dùng của nước ta trở thành các cổ đông của ngành điện. Thế nhưng, họ sẽ là một thứ cổ đông có một không hai trên thế giới- những cổ đông không được sở hữu cổ phần, không được chia cổ tức, không được quyền quản lý công ty. Có ai trong số chúng ta chấp nhận trở thành một thứ cổ đông như vậy không?
Cuối cùng, việc tăng giá điện có thể là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là phải nhanh chóng hình thành cơ chế thị trường và phá bỏ vị thế độc quyền của ngành điện. Thiếu cơ chế thị trường, thiếu cạnh tranh lành mạnh, chúng ta sẽ khó lòng xác định được một cách chính xác về việc phải tăng giá điện bao nhiêu là vừa. Và không khéo, mọi sự tăng giá chẳng qua chỉ là để bù lại cho sự kém hiệu quả của ngành điện mà thôi.


Nguyễn Sĩ Dũng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)