Bán hàm

Sau một thời gian im ắng, không biết tại sao hiện nay lại nổi lên một đợt tin "vinh danh [người Việt Nam] vĩ nhân thế giới", mà vài báo có đăng tải [thí dụ ngày 21/7/2005 [email protected], về một bản thông báo của "viện tiểu sử danh nhân Hoa kỳ" về những bộ óc vĩ đại, và "Giáo dục và Thời đại" trên mạng [email protected] số 87, ngày 21/7/2005, về một vị gọi là vĩ nhân Việt Nam.

Cách đây mấy năm, vì loại tin như vậy, tôi đã viết bài báo “Bán hàm” đăng trên báo trong nước. Bài “Bán hàm” này của tôi cũng được in lại trong cuốn sách của tôi “Chung quanh việc Học”, nxb Thanh Niên 2004, cùng với một số thông tin chi tiết khác chung quanh những vấn đề liên quan [thí dụ, như về cái hội tư New York Academy of Sciences, đóng một số tiền có thể gia nhập, hoặc việc mấy công ty kinh doanh tiểu sử câu khách nhẹ dạ hám danh, nhất là khách ở các nước chưa phát triển, đóng tiền để được họ đăng tên]. Là người định cư lâu năm ở nước ngoài, tôi không có quyền lợi gì trong vấn đề, nghĩa là không có ý gì khác ngoài việc thông tin trung thực nhắm tránh sự ngộ nhận, vì lòng trân trọng của tôi đối với nước nhà.

     Một trong những vấn đề quan trọng nhất của giáo dục đào tạo là vấn đề “đúng tiêu chuẩn”. Nói một cách đơn giản, đó là vấn đề giữ sao cho bằng cấp đánh giá đúng được với khối lượng hiểu biết, danh hiệu đúng được với cấp bậc, chức vụ đúng được với khả năng làm việc. Thuở xưa ở nước ta, vào những thời thịnh, khi các tiêu chuẩn về việc học hành đào tạo giữ được đúng, thì dư luận tôn trọng kẻ sĩ; vào thời suy vong, thì dư luận mỉa mai kẻ có hư danh mà không có thực học. Ngày nay, có lẽ là thời trước mắt đang thịnh về kinh tế, nhưng đồng thời dường như dư luận coi việc chấn chỉnh nền giáo dục đào tạo là việc bức xúc. Có những điều hiển nhiên dễ thấy như: nếu trao bằng y khoa bác sỹ cho người không đủ hiểu biết, thì chữa bệnh, giải phẫu, có thể chết người; nếu trao bằng kỹ sư cho người không đủ hiểu biết, thì sụp cầu, vỡ đập, tai hoạ có thể xảy ra… Nhưng cũng có những điều khó thấy hơn, tưởng như không quan hệ gì mấy, thật ra âm ỉ hơn, hậu quả lâu dài hơn, khó chữa hơn, mà duyên do cũng vẫn là vì không “đúng tiêu chuẩn”. Hiểu sai, lý luận sai, đạo lý sai, giải mã thông tin sai, chuyển giao hiểu biết sai… rồi một ngày nào đó tất nhiên sẽ đưa đến những lựa chọn sai, quyết định sai, như đã từng thấy trong thế kỉ 19 ở ta.
     Tôi không có ý định nói dông dài; chỉ xin tập trung vào một khía cạnh của vấn đề: danh hiệu sai. Nếu danh hiệu chỉ là thứ áo mã, thì có lẽ không hại lắm. Nhưng trong một xã hội mà tiếng nói của người có “danh vọng trong nền học vấn” còn đang có trọng lượng lớn, “danh hiệu không đúng tiêu chuẩn” có tầm quan trọng của nó: chỉ phán “sai một  li” là công việc có thể lệch “đi một dặm”. Thế mà “danh hiệu không đúng tiêu chuẩn” thì dường như đang nhởn nhơ đầy dẫy, được coi như trò đùa trong thiên hạ. Nếu quả thật giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nếu quả thật việc chấn chỉnh nền giáo dục đào tạo là việc bức xúc, thì song song với những khâu khác, thiết tưởng cũng nên có giải pháp giải quyết khâu này. Nhưng tìm ra được một giải pháp có hiệu quả, chắc là khó, vì hiện nay, đang nở rộ thời thượng tôn xưng, tiếm xưng, vinh phong… Nào là giáo sư viện sĩ, nào là giáo sư tiến sĩ, nào là danh nhân thế giới, danh hiệu thật, danh hiệu giả, vàng thau lẫn lộn.
     Vì vậy tôi xin được luận một chút về kinh nghiệm người xưa.
     Trong một bài viết trước đây, tôi có nhắc việc tổ tiên ta thuở xưa có kinh nghiệm phân biệt rõ ràng: chức, tước, phẩm, hàm. Nhưng đặc biệt chú trọng phân biệt chức và hàm: chức là để thực hiện công việc, cho nên rất quan trọng; hàm là để cho có danh, cho nên phần nào coi là phù phiếm. Vì thế nên chính quyền thuở xưa có lệ cho phép mua “hàm” : người có tiền có thể trả một số tiền để được phong một [hư] “hàm”, (đó cũng là trường hợp của những ông “hàn”, mà ta còn thấy ngay hồi trước Cách mạng Tháng tám 1945: hàn lâm viện đãi chiếu, hàn lâm viện cung phụng, vv.). Ngoài cái danh, người mua được “hàm”  còn có chút vai vế trong làng, ra đình được ngồi chiếu trên, được miễn sưu dịch đi phu cho nhà nước, cho nên danh cũng không phải hoàn toàn là hão. Số tiền mua thường là để xây trường, mở chợ, xây cầu…, cũng là việc ích chung. Đôi bên cùng có lợi, mà không phạm vào công việc hành chính nhà nước.
     Ngày nay, nghe đồn có một vài người hám danh, dùng tiền của cơ quan để: trả niên liễm cho một vài hội khoa học tư ngoại quốc để tiếm xưng “viện sĩ”, trả niên liễm cho mấy nhà xuất bản cái mà họ gọi là danh sách “danh nhân thế giới”, để được đề cao vv. Thay vì để việc này tiếp tục, vừa không đẹp cho hình ảnh nước nhà, vừa phạm vào việc “danh hiệu không đúng tiêu chuẩn” nói trên, có thể nào bắt chước tổ tiên ta trong cách giải quyết không? Xin nêu hai thí dụ. Nước ta hiện nay chưa có [và chưa cần thiết có] Viện Hàn lâm, có thể nào qui định cho phép những ai muốn, bỏ tiền ra mua một hư hàm “Viện sĩ”. Như vậy, không những thỏa mãn được ham muốn của họ, mà còn lấy tiền của họ để làm việc công ích như giúp học bổng cho sinh viên học sinh, tu sửa trường sở, bồi dưỡng cho những cán bộ giảng dạy chân chính v.v? Đồng thời lại giúp họ tránh được việc tiếm dụng công quĩ để trả niên liễm như kể trên: đã đành đó không phải là tham nhũng (vì theo từ điển, “tham nhũng” là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân để lấy của), nhưng dường như hành động đó không xa với định nghĩa của “tham ô” (“lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để dùng lạm của công”)? Lại có thể nào cho phép mấy nhà xuất bản của một vài cơ quan nhà nước, trước đây đã bỏ của công ra đăng những cuốn sách tôn vinh một vài “danh nhân không đúng tiêu chuẩn”, nay được phép “bán chỗ” trong các “danh sách danh nhân” địa phương cho những ai muốn có tên trên các danh sách đó, xen lẫn với vài tên danh nhân thế giới? Tiền thu được vào công quĩ để làm những việc thực sự có ích cho nền giáo dục đào tạo nước nhà, phải chăng cũng là một việc tốt?
     Tôi ở xa, vì lòng thành mà phát biểu, nếu không phù hợp, xin thông cảm cho tôi. Nhưng vấn đề quá quan trọng để có thể coi nhẹ, đùa bỡn hay giễu cợt.

Bùi Trọng Liễu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)