Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Tư duy lập pháp

Kết luận 14 của Bộ chính trị (BCT) ban hành ngày 22/9/2021 đã nhắm vào một trong những vấn đề nóng bỏng của nền quản trị quốc gia hiện nay. Đó là bảo vệ cho những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì sự thịnh vượng của đất nước.

Trong thời gian qua, tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường đang ngự trị ở trong không ít các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta ai cũng thấy, tình trạng công việc bị đình trệ mà không ai dám quyết đáp. Cấp xã đùn đẩy công việc cho cấp huyện, cấp huyện-cho cấp tỉnh, cấp tỉnh- cho cấp Trung ương. Gần đây hàng ngàn tỷ đồng vốn ODA cho đầu tư công đã được phân bổ, nhưng lại bị một số bộ, ngành trả lại cho Chính phủ. Phải chăng đã không ai ở đó có đủ quyết đáp để thúc đẩy công việc và triển khai các dự án thành công? Điều đáng nói là trong lúc dịch Covid đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế. Quý ba năm 2021 GDP nước ta đã tăng trưởng âm trên 6%; hàng triệu lao động đang mất việc làm. Đầu tư công được coi là cứu cánh của nền kinh tế. Làm sao đầu tư công có thể trở thành cứu cánh được, nếu như các bộ, ngành lại trả lại các khoản đầu tư phát triển lớn như vậy?!

Có thể, các bộ, ngành đã trả lại vốn đầu tư công, chỉ vì họ không thể tuân thủ hết được 1001 các thủ tục mà pháp luật đã áp đặt, chứ chưa hẳn là vì họ thiếu tinh thần trách nhiệm. Trong trường hợp này, Kết luận 14 của BCT ra đời phải chăng có thể góp phần tháo gỡ những vướng mắc, cản trở về thủ tục? Theo Kết luận thì các sáng kiến nếu vì lợi ích chung thì chỉ cần không trái với Hiến pháp và Điều lệ của Đảng là đã có thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai. Khi triển khai nếu không đạt được hoặc chỉ đạt được một phần kết quả thì vẫn được miễn truy cứu trách nhiệm. 

Kết luận 14 quả thực có thể mở đường cho một định hướng tư duy mới để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm trong toàn bộ nền quản trị của đất nước ta. Quan trọng nhất là các tư tưởng cơ bản của Kết luận phải được cụ thể hóa trong hoạt động lập pháp của Nhà nước.

Có ba vấn đề liên quan đến lập pháp ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Một là, sự chồng chéo, sự xung đột của các văn bản pháp luật. Hai là sự lạm dụng điều chỉnh trong hoạt động xây dựng pháp luật. Ba là xu thế đòi hỏi phải làm luật thật chi tiết.

Rõ ràng, khi pháp luật chồng chéo và xung đột, thì cách tốt nhất là trả lại vốn đầu tư công như đã nói ở trên, vì cán bộ, công chức làm kiểu gì cũng sẽ sai phạm. Đơn giản là vì tuân thủ luật này, thì sẽ vi phạm luật khác. Trong bối cảnh như vậy, thì không làm gì cả là vừa an toàn và vừa có lợi. Càng làm nhiều thì càng sai phạm nhiều. Cuối cùng, không khéo những người không làm gì cả sẽ được lên chức, những người dám quyết đáp để thúc đẩy công việc lại bị kỷ luật, thậm chí bị tù tội.

Để khắc phục sự chồng chéo, sự xung đột giữa các văn bản pháp luật, chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình lập pháp, mà trước hết là hoàn thiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các văn bản này đang được soạn thảo phân tán ở rất nhiều bộ, ngành và phần lớn bởi những người không được đào tạo về kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tốt nhất là nên soạn thảo văn bản một cách tập trung. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều cần được soạn thảo bởi một cơ quan có chuyên môn sâu về công việc này. Một cơ quan như vậy có thể là Cục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp chẳng hạn. Các bộ chuyên môn chỉ tập trung nghiên cứu và thúc đẩy chính sách lập pháp. Nếu chính sách lập pháp của họ được Chính phủ phê chuẩn thì sẽ được chuyển cho Cục soạn thảo văn bản để được soạn thảo thành văn bản quy phạm pháp luật. Làm được như vậy, không chỉ chất lượng các văn bản pháp luật sẽ được nâng cao, mà sự chồng chéo, sự xung đột cũng sẽ được khắc phục. 

Hai là sự lạm dụng điều chỉnh. Không biết từ bao giờ, nhưng mỗi khi đối mặt với bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng ta đều nghĩ rằng phải ban hành pháp luật. Đây là một lỗi rất lớn về tư duy. Bởi vì rằng tự do quan trọng hơn điều chỉnh. Tự do là một giá trị tự thân và một giá trị tuyệt đối. Điều chỉnh là một giá trị tương đối và chỉ có giá trị khi đó là một sự cần thiết. Có tự do mới dễ sáng tạo, mới dễ dám nghĩ dám làm. Điều chỉnh có thể giúp chúng ta xử lý một vấn đề nào đó, nhưng đó phải là một sự bắt buộc vì không còn lựa chọn khác. Bởi vì rằng lạm dụng điều chỉnh cũng trói chặt chân tay của chúng ta. Khi làm bất cứ một việc gì cũng phải tuân thủ 1001 các quy định chặt chẽ của pháp luật, thì cán bộ, công chức còn có thể dám nghĩ, dám làm theo cách nào được đây? 

Chính vì vậy, nếu nói về việc dám nghĩ, dám làm, thì ở đây chúng ta cần phải đổi mới tư duy lập pháp của mình. Trước hết là chớ nên lạm dụng điều chỉnh, chớ nên gặp bất cứ vấn đề gì thì cũng nghĩ là phải ban hành pháp luật để xử lý. Cách tư duy nói trên sẽ đẻ ra vô tận xiềng xích trói chặt tất cả chúng ta, cũng như trói chặt nhiều cơ hội và tiềm năng của đất nước. Cứ nghĩ mà xem, khi đòi hỏi phải phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên nóng bỏng, mà hàng năm trời chúng ta vẫn không thể phê duyệt được các dự án đầu tư công, thì chúng ta có phải là thật sự đã trở thành con tin của những quy định pháp luật rối rắm và chồng chéo hay không?!
Để tránh việc lạm dụng điều chỉnh, Quốc hội các nước trên thế giới đều tổ chức xem xét các dự luật một cách rất cẩn trọng qua ba lần thảo luận. Trong đó, lần thảo luận thứ nhất là về việc có thật sự cần phải ban hành một đạo luật như vậy hay không. Về cơ bản, Quốc hội các nước sẽ bác bỏ bất kỳ dự luật nào nếu thấy không cần thiết hoặc nếu thấy quyền tự do của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Có lẽ Quốc hội nước ta cũng cần tổ chức một phiên thảo luận như vậy để xem xét về sự cần thiết của các dự luật.

Ba là xu thế đòi hỏi phải làm luật thật chi tiết. Giống như việc lạm dụng điều chỉnh, không biết từ bao giờ chúng ta cứ nhất nhất khẳng định làm luật thì phải thật chi tiết; Luật thông qua là phải áp dụng được ngay, không cần phải có bất kỳ văn bản hướng dẫn hoặc cụ thể hóa nào. Tuy nhiên, cách tư duy này sẽ đẻ ra những đạo luật bó chặt khả năng sáng tạo của các cán bộ, công chức trong việc áp dụng pháp luật để xử lý nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Luật pháp đã quy định quá cụ thể và chi tiết thì không có cách gì để có thể vận dụng sáng tạo được.

Vấn đề đặt ra là luật khung tốt hơn hay luật chi tiết tốt hơn? Quả thật, không có một câu trả lời khái quát là luật gì tốt hơn ở đây. Nếu chúng ta muốn phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức thì luật khung sẽ tốt hơn; Nếu chúng ta muốn chống việc tự tung, tự tác, việc tham nhũng thì luật chi tiết sẽ tốt hơn. Vấn đề quả thực phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức càng có đức, có tài thì càng nên ban hành nhiều luật khung và ngược lại. Các lĩnh vực mới, các lĩnh vực cần phát huy sự chủ động, sáng tạo thì luật pháp phải tạo khuôn khổ là chính, chứ không điều chỉnh chi tiết hết mọi hành vi có liên quan.

Tóm lại, tư duy lập pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể chế hóa Kết luận của Đảng về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.□

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)