Bảo vệ nguồn lợi hải sản: Khi biển không còn cá…

Nếu không có những giải pháp kịp thời, trong tương lai, có lẽ những vùng biển giàu tài nguyên của Việt Nam chỉ còn là ký ức.


Sản lượng khai thác hải sản có xu hướng tăng nhưng chất lượng và sự phong phú của các nguồn tài nguyên biển đã bị suy giảm. Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Năm 1958, từ chuyến đi thực tế ở Hồng Gai, nhà thơ Huy Cận đã viết những vần thơ chan chứa tự hào về những vùng biển giàu nguồn lợi hải sản “cá bạc biển Đông lặng”, “cá thu biển Đông như đoàn thoi” trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”… Sau hơn nửa thế kỷ “biển cho ta cá như lòng mẹ” ấy, bức tranh tổng thể về nguồn lợi hải sản Việt Nam đã thay đổi chóng mặt. Trong hai cuộc trao đổi với Người đưa tinTuổi trẻ, lần lượt vào năm 2019 và 2021, cả hai ông viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) lẫn phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đều thừa nhận những thực tại mà những người ngoài ngành cũng phải bất ngờ: theo số liệu điều tra, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 đã giảm khoảng 14 – 15% so với giai đoạn 2000 – 2005; giai đoạn 2016-2020 (khoảng 3,95 triệu tấn) tiếp tục suy giảm 22,1 % so với giai đoạn 2000-2005; giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%)1.

Giữa những con số này, có một điểm đáng chú ý là theo năm tháng, nếu sản lượng khai thác hải sản có xu hướng tăng thì chất lượng và sự phong phú của các nguồn tài nguyên biển đã bị suy giảm rất nhiều. Trên trang web của mình, Tổng cục Thủy sản cũng phải chỉ ra, “nhiều loài trước đây rất phổ biến nhưng hiện nay đã trở lên khan hiếm như cá đé (Ilisha elongata) hay cá sủ (Otolithes biauritus)… Đây là những biểu hiện về sự suy giảm tính đa dạng sinh học về loài đối với nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”2.
Theo đà này, có thể một ngày không xa, sẽ không còn cơ hội để chúng ta “kéo xoăn tay chùm cá nặng” nữa.
Vậy có cách nào chặn đứng được nguy cơ đó?
Tìm những “nồi Thạch Sanh” giữa biển
Nếu đọc báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, có thể thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn dần nguồn lợi từ biển do “bị tác động rất lớn từ các hoạt động của con người như phá hủy nơi sinh cư (các rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn…), sự phát triển thiếu kiểm soát ngành khai thác hải sản, ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế khác ở trên đất liền và trên biển”2. Thoạt nhìn, ai cũng thấy phạm vi tìm đáp án cho bài toán này hết sức rộng mở và liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. “Trong số các giải pháp mà chúng ta có thể áp dụng thì tôi thấy, việc triển khai có hiệu quả các khu bảo tồn biển hiện có là cách chúng ta có thể tập trung vào”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc, một nhà nghiên cứu đã có nhiều năm kinh nghiệm về kinh tế thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học ở trường ĐH Nha Trang, cho biết.
Đến năm 2020, Việt Nam có tối thiểu 20 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động, nâng tổng diện tích vùng biển nằm trong khu bảo tồn lên khoảng 1%.
Không nên coi các mô hình bảo tồn biển như một công cụ quản lý độc lập mà nên kết hợp với những công cụ khác và những chính sách khác thì mới có thể thành công.
Từ 20 năm nay, có tới 16 khu bảo tồn biển (marine protected area) đã tồn tại ở Việt Nam, trải dài từ vịnh Bắc Bộ với Cát Bà, Bạch Long Vỹ đến vùng duyên hải Trung Bộ như Cù Lao Chàm, Lý Sơn… và vùng biển Nam Bộ như Côn Đảo, Phú Quốc… Trong công bố “Impacts on the ecosystem and human well-being of the marine protected area in Cu Lao Cham, Vietnam” (Những tác động lên hệ sinh thái và con người của khu bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm, Việt Nam) xuất bản trên tạp chí Marine Policy, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc viết “Là những nơi ngăn cấm hoặc hạn chế các hoạt động đánh bắt tôm cá và các nguồn lợi hải sản khác của con người, các khu bảo tồn biển được coi là những công cụ quản lý hữu hiệu để làm giảm bớt và cuối cùng là phục hồi sự suy giảm của các rạn san hô và hệ sinh thái ven biển. Trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học đã ghi nhận giá trị của các khu bảo tồn biển, đặc biệt những nơi không cho phép đánh bắt (no-take marine protected areas), trong việc cải thiện hệ sinh cảnh biển, bao gồm cả khả năng phát triển nguồn cá, cũng như hỗ trợ nguồn sinh kế thông qua khuyến khích việc sử dụng nguồn lợi hải sản bền vững”.
Đó là lý do vì sao trong hội thảo “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017” do Tổng cục Thủy sản tổ chức vào tháng 12/2019, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ NN&PTNT), đã ví các khu bảo tồn biển như “nồi cơm Thạch Sanh, tuy nhỏ nhưng ăn mãi không hết” còn trên trang earthisland.org, Sarah Ohayon, một nhà động vật học ở ĐH Tel Aviv (Israel) đánh giá “những khu bảo tồn cấm khai thác là những viên kim cương trên vương miện đại dương”3. Nhìn từ góc độ nào, trong vai trò gìn giữ sự đa dạng sinh học hay tạo nguồn cung cho khai thác bền vững, các khu bảo tồn biển cũng là giải pháp mà các nơi đang đứng trước nguy cơ suy kiệt nguồn lợi hải sản như Việt Nam cần tận dụng. “Đa phần các khu bảo tồn biển bảo vệ các hệ sinh thái có vai trò mật thiết với các loài cá như các rạn san hô, các thảm cỏ biển hay rừng ngập mặn… Không riêng Việt Nam mà thế giới cũng chú trọng vào ba đối tượng đó để giúp sinh sôi phát triển các loài hải sản”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc nói.


Thu phí tham quan tại các KBTB được xem là  một giải pháp để thực hiện tốt bảo tồn biển. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Về tổng thể, một khu bảo tồn biển ở Việt Nam được chia thành nhiều phân khu chức năng khác nhau, tùy thuộc các giá trị cần bảo vệ, bao gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ – hành chính, vùng đệm, theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Hiện tại, ngoài các hoạt động đánh bắt, các khu bảo tồn biển Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của chất thải nhựa hay biến đổi khí hậu. Tuy nhiên theo PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc, nếu các bên khai thác như du lịch, đánh bắt hải sản… chấp hành quy định một cách nghiêm túc ở các phân khu thì sau ít nhất ba đến năm năm, hệ sinh cảnh với những thành phần đa dạng sẽ có tiềm năng được phục hồi. Điều đó đã diễn ra ở nhiều khu bảo tồn biển trên thế giới. TS. Kelly Kryc, một chuyên gia về chính sách đại dương ở Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), cho rằng “Tôi không rõ đại dương trong tương lai như thế nào nhưng nếu con người cho nó một cơ may nghỉ ngơi thì nó sẽ có cơ hội vô cùng lớn để tự chữa lành”3.

Trong giới nghiên cứu biển, ai cũng biết đến cơ hội quý báu ấy. Nó cũng là khởi điểm của hiệu ứng tràn (spillover effect) – một hiện tượng xảy ra ở các khu bảo tồn biển khi hệ sinh cảnh được phục hồi, các nguồn tôm cá và sinh vật biển khác sinh sôi nảy nở tràn ra ngoài khu vực được bảo vệ. “Tuy ở Việt Nam chưa có công bố nào về đánh giá hiệu ứng tràn thông qua việc đo lường nguồn tôm cá và sinh vật biển trước và sau khi xảy ra hiệu ứng này nhưng nhiều công bố trên thế giới đã cho thấy điều đó, có nơi tăng 20%”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc nói.

“Bức tranh màu xám”
Những gì diễn ra sau hai thập niên cho thấy không dễ để các khu bảo tồn biển trở thành những “nồi Thạch Sanh” trên biển. PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc chia sẻ “Nếu nói về mức độ thành công của các khu bảo tồn biển ở Việt Nam, tôi thấy vẫn chưa thực sự rõ ràng. 20 năm đã qua kể từ ngày thành lập khu bảo tồn biển đầu tiên nhưng vẫn chưa có đánh giá nào mang tính hệ thống và toàn diện về hai đóng góp lớn của các khu bảo tồn biển là đóng góp vào sự đa dạng sinh học và kinh tế xã hội”.
Người ta thường quan niệm, để kêu gọi sự chú ý của nhà quản lý, các nhà nghiên cứu vẫn hay “nói quá” mọi chuyện lên. Tuy nhiên trong trường hợp này, mọi chuyện ngược lại bởi các nhà quản lý còn “mạnh miệng” hơn cả nhà khoa học. Khi đánh giá về các khu bảo tồn biển Việt Nam, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã thẳng thắn cho biết tại hội thảo tháng 12/2019 của Tổng cục Thủy sản, “đây là một bức tranh màu xám bởi tổng diện tích các khu bảo tồn hiện chỉ chiếm 0,134% diện tích toàn bộ vùng biển, nghĩa là chỉ đạt 56% so với mục tiêu của Quyết định 742/QĐ-TTg về Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020”. Bức tranh toàn cảnh này còn được PGS. TS Nguyễn Chu Hồi phác họa thêm một vài chi tiết giúp hình dung ra sự èo uột của nó: “Vào năm 2010, chúng ta mới quy hoạch được 16 khu bảo tồn biển. Đến nay, lẽo đẽo duy trì 16 khu gần 10 năm thì mới có 11 khu bắt đầu có ban quản lý hay có kế hoạch quản lý, chưa dám nói quản lý hiệu quả hay chưa. Cho nên, dù có tám cam kết từ 2015, trong đó có một cam kết gồm ba nội dung liên quan đến thủy sản và khu bảo tồn biển có hiệu quả, nhưng đến nay chúng ta đã không đạt được những cam kết đó”.

Du khách ngắm vẻ đẹp của hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun, Khánh Hòa. Nguồn: Báo Khánh Hòa .

Nếu được đặt câu hỏi “vì sao nên nỗi?” thì có lẽ, những thông tin phản hồi từ cả nhà quản lý lẫn nhà khoa học đều khiến người ta bối rối, bởi đó là một mớ bòng bong đan cài trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế, nguồn lực… Xét về mô hình tổ chức các khu bảo tồn, “có năm mô hình khác nhau, cái thì trực thuộc huyện, trực thuộc chi cục thủy sản, sở NN&PTNT tỉnh, thành phố, các vườn quốc gia (Bái Tử Long, Cát Bà, Núi Chúa, Côn Đảo là các vườn quốc gia mà khu bảo tồn biển trực thuộc)”, ông Lê Trần Nguyên Hùng phân tích và chỉ ra “chính vì những mô hình, hệ thống tổ chức khác nhau nên thẩm quyền thực thi pháp luật, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các khu bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn”.
Bên cạnh đó, cũng giống như chuyện xảy ra với các hạt kiểm lâm, nguồn lực đầu tư, cả về nguồn kinh phí lẫn nhân lực, cho các khu bảo tồn này rất hạn chế. Ông Lê Trần Nguyên Hùng thừa nhận “trong số các ban quản lý hiện nay thì chỉ có Cù Lao Chàm là có quân số đông nhất, còn lại với các khu bảo tồn khác, con số này chỉ ở khoảng 7 đến 10 người”. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, có thể nhận ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thốn nhân lực ở đây chính là kinh phí, “như với khu bảo tồn Cồn Cỏ có 700-800 triệu mỗi năm, không thể triển khai các hoạt động liên quan đến bảo tồn”. Theo lý giải của ông, ở địa phương, kinh phí dành cho các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi của các địa phương rất ít, đặc biệt “ở các tỉnh khó khăn về ngân sách thì xin một đồng của địa phương vô cùng khó, vì vậy mới diễn ra cảnh thiếu trang bị, thiếu tàu trong khi quản lý phải đi đôi với kiểm tra kiểm soát”…
Xác nhận của ông cũng tương đồng với nhận xét của PGS. TS Quách Trần Khánh Ngọc “các ban quản lý cũng được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước nhưng hầu như rất nhỏ, mặc dù vùng biển họ quản lý lại lớn”.
Nếu đặt tất cả các yếu tố ấy cạnh nhau, ai cũng có thể cảm nhận rõ cái vòng luẩn quẩn mà các khu bảo tồn biển khó thể thoát ra, dù tồn tại đã lâu. Ông Lê Trần Nguyên Hùng không giấu thất bại: “Chính vì thế mà hiệu quả quản lý [của các khu bảo tồn biển] rất thấp. Thiếu tàu, thiếu trang thiết bị, thậm chí có những ban quản lý không có tàu để thực thi quản lý. Như vậy, cơ chế làm sao bền vững được”.
Mặc dù phức tạp như vậy nhưng nếu hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học biển chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm riêng ngành thủy sản (hay của ban quản lý khu bảo tồn) thì vẫn còn dễ giải quyết. Trên thực tế, đó là bài toán liên ngành. “Việt Nam chưa làm được tốt như mong muốn vì trên một vùng biển có quá nhiều hoạt động phải tính đến như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải, dầu khí… Muốn quy hoạch và quản lý thì tất cả các bên phải cùng ngồi lại trao đổi và hợp tác thì việc phát triển kinh tế biển bền vững mới có thể đạt được. Ví dụ chúng ta biết là việc thu hút nhiều khách du lịch và xây cất các resort nghỉ dưỡng ven biển đem lại một nguồn lực kinh tế cho ngành du lịch nhưng cũng làm ảnh hưởng đến môi trường biển, đó là câu chuyện của đánh đổi (trade-off)”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc nói.
Trong câu chuyện này, thẩm quyền giải quyết đã vượt quá tầm với của một ban quản lý. Họ bất lực bởi việc đánh bắt cá trộm còn có thể thấy sờ sờ trước mắt để đuổi bắt, răn đe nhưng những tác hại của ô nhiễm, của sức ép du lịch lên hệ sinh thái thì cần đến cả thời gian để kiểm chứng. Năm 2021, các nhà nghiên cứu mới làm vỡ lẽ một hiện trạng buồn: sự suy giảm tới 90% các rạn san hô tuyệt đẹp ở Nha Trang, nguy cơ vĩnh viễn mất đi những thảm cỏ biển ở khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng như ở đầm Lăng Cô (TT- Huế), ven biển Cửa Đại (Quảng Nam), vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Trong trao đổi với báo KH&PT vào năm 2021, PGS. TS Hoàng Công Tín, trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) cho biết: “Hiện nay các thảm cỏ biển miền Trung đang phải đối mặt với nhiều nguyên nhân gây suy thoái do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng cảng biển, phát triển các cơ sở hạ tầng, các khu du lịch cũng như tình trạng khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa,… Thậm chí, sự đô thị hóa trên đất liền cũng có tác động đến các thảm cỏ biển phía dưới các thủy vực”4.
Có lẽ, những điều như vậy đều nằm ngoài tiên liệu của những người lên kế hoạch thành lập các khu bảo tồn biển gần 20 năm trước.
Liệu có vô vọng?
Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi đứng trước thực trạng này. Liệu có cách nào để các khu bảo tồn biển có thể trở thành nơi đem lại sự sống cho biển cả và hơn nữa, thành “những nồi Thạch Sanh” sinh kế cho ngư dân bám biển? Thật khó đưa ra một giải pháp hoàn hảo để hóa giải mọi khó khăn mà các khu bảo tồn biển phải đối mặt.
Ở góc độ một nhà nghiên cứu, tự nhận là chưa khảo sát đầy đủ các khu bảo tồn ở Việt Nam nhưng đã theo dõi các mô hình quản lý trên thế giới, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc cho rằng, không nên coi các mô hình bảo tồn biển như một công cụ quản lý độc lập mà nên kết hợp với những công cụ khác và những chính sách khác thì mới có thể thành công. “Ở nhiều nước, họ ban hành nhiều chính sách đi kèm để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, ví dụ chính sách khác quản lý quota (hạn ngạch) đánh bắt, cơ chế đền bù cho ngư dân vì bị giới hạn thời gian đánh bắt, giới hạn phạm vi đánh bắt… từ phí du lịch…”, chị nói. Nhưng theo phân tích của chị, có những cơ chế hay với nước ngoài nhưng lại chưa thật sự phù hợp với Việt Nam, ví dụ cơ chế quota khó khả thi khi các tàu cá Việt Nam đa phần là nhỏ, không cài các thiết bị rada giám sát hành trình hoặc có thì cũng có thể ngắt vận hành thiết bị khi vào khu vực cấm. Việt Nam cũng chưa có hệ thống cảng biển hiện đại để có thể xác định được lượng đánh bắt của từng tàu. Thêm một đặc điểm khác là nguồn hải sản ở các nước và Việt Nam cũng khác nhau: ở châu Âu, cá chủ yếu là đơn loài trong khi Việt Nam thì đa loài, việc áp dụng quota khá thách thức…
Vậy thì có cách nào khả thi cho Việt Nam? “Tôi luôn tin là với nguồn lực hạn chế và nghề cá nhân dân chưa được hiện đại hóa thì mô hình đồng quản lý (co-management) – mô hình quản lý có sự tham gia của người dân có thể là giải pháp tốt. Tôi thấy Cù Lao Chàm là điển hình tương đối thành công và không thấy nhiều khu bảo tồn ở Việt Nam làm được như vậy”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc nói. Điều thuận lợi của Cù Lao Chàm không chỉ ở việc có một đội ngũ cán bộ đông nhất trong số các khu bảo tồn mà còn là khuyến khích được người dân tham gia bảo vệ biển. “Theo tôi nghĩ, chủ yếu họ tạo ra đồng lợi ích cho các bên liên quan bởi cộng đồng địa phương phải có được lợi ích trong bảo tồn. Những hô hào chung chung về nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ tài nguyên biển không thực sự dẫn đến sự thay đổi trong hành động của họ. Sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với công tác bảo tồn biển cần được khơi dậy từ động lực nội tại của họ và động lực ấy phải gắn với lợi ích mà gia đình và cộng đồng của họ có được từ bản tồn biển”, chị nhận xét.
Sự hợp tác của ban quản lý và cộng đồng địa phương, có lẽ, không phải muốn là được. “Qua khảo sát, tôi thấy họ rất gần gũi, sâu sát với cộng đồng, cơ chế điều phối minh bạch và rạch ròi nên đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ của cộng đồng”, chị nói. Dĩ nhiên, cơ chế lợi ích đi kèm để ngư dân có được lợi ích khi tham gia và thấy được lợi ích lâu dài sẽ đến nhưng điều cốt lõi là phải xây dựng được niềm tin và khơi dậy được sự quan tâm của cộng đồng. “Tôi cảm nhận là cộng đồng địa phương cũng có đóng góp nhất định vào công tác bảo tồn ở Cù Lao Chàm, ví dụ như không dùng túi nilon, ống hút nhựa. Hằng năm, các vụ vi phạm về đánh bắt cũng có xảy ra nhưng chủ yếu là do người ngoài cộng đồng địa phương”, chị cho biết thêm.
Thế cuộc xoay vần, với khu bảo tồn ở một hòn đảo xinh đẹp vào mùa du lịch, số khách còn đông hơn cả số dân (trên 3.000 người/ngày, theo xác nhận của ông Lê Trần Nguyên Hùng) thì những nguy cơ ảnh hưởng đã hiện hữu. Thông tin xây dựng khu nghỉ dưỡng với biệt thự, nhà hàng, trung tâm fitness, spa… trên đảo, dù đã được điều chỉnh theo hướng thu hẹp và lùi vào sâu trong đảo, cũng khiến người ta lo ngại về một tương lai nhiều nguy cơ rủi ro cho hệ sinh thái5. “Tôi nghĩ chỉ phát triển du lịch tốt khi hệ sinh cảnh được duy trì vì mục tiêu của du lịch là muốn thấy môi trường tự nhiên tươi đẹp. Nếu không còn cá, san hô… thì Cù Lao Chàm không còn là nơi người ta muốn đến nữa. Do đó, phát triển kinh tế phải đi cùng sự bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đó là thông điệp về bảo tồn biển”, PGS. TS Quách Thị Khánh Ngọc cho biết.
Nhưng thật ra, với trường hợp này, một tương lai rủi ro của đánh đổi lợi ích (trade-off) sẽ không đến trong một ngày…

——–

1. https://tuoitre.vn/hai-san-can-kiet-dan-bao-ton-de-dam-bao-sinh-ke-cho-ngu-dan-20211225142818711.htm

http://www.rimf.org.vn/bantin/chitiet/vi-%C4%91au-nguon-ca-o-bien-%C4%91ong-%C4%91ung-truoc-nguy-co-can-kiet

2. http://www.rimf.org.vn/baibaocn/chitiet/tinid-2170

https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-ptnl-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/doc-tin/015570/2021-01-25/ket-qua-thuc-hien-chuong-trinh-bao-ve-va-phat-trien-nguon-loi-thuy-san-giai-doan-2012-2020

3.https://www.earthisland.org/journal/index.php/articles/entry/when-it-comes-to-marine-protected-areas-bigger-is-better/

4.https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/suy-giam-co-bien-o-mien-trung-chuyen-khong-binh-thuong/20210617105029279p1c160.htm

5.https://vietnambiz.vn/du-an-khu-du-lich-sinh-thai-bien-cu-lao-cham-bi-quang-nam-cat-giam-gan-10-lan-dien-tich-117787.htm

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)