Bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân

Để quyền làm chủ của nhân dân có tính thực chất, về nguyên tắc mọi người dân phải được quyền tham gia điều chỉnh tất cả mọi vấn đề mà họ cho là cần thiết, và theo quy định của hiến pháp hiện hành, nhân dân thực thi quyền làm chủ của mình qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Tuy nhiên, đây là một hình thức thực thi quyền làm chủ một cách gián tiếp luôn có độ trễ cao. Hai hình thức cơ quan này không phải khi nào cũng có thể phản biện hoặc điều chỉnh các quyết sách của Chính phủ, hoặc khi được phản biện hay điều chỉnh thì sự đã rồi. Chưa kể, không phải khi nào Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân cũng phản ánh sâu sát được quan điểm và quyền lợi của người dân địa phương.

Nhìn sang nước Pháp, có thể thấy rằng hiện nay họ thực thi quyền làm chủ của người dân tốt hơn chúng ta, ở chỗ họ cho phép người dân địa phương không chỉ được phản biện, đối thoại, mà còn được tự do đàm phán (không chỉ về tiền đền bù đất đai và tài sản mà cả những nhu cầu khác, như trạm y tế, trường học, hạ tầng đường sá, v.v) với chủ đầu tư của những dự án có ảnh hưởng tới quyền lợi của cộng đồng. Chủ đầu tư sẽ phải giải trình cho tới khi thuyết phục được người dân địa phương. Nếu không, dự án sẽ bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, để tổ chức được việc đối thoại và cung cấp thông tin cho người dân, nước Pháp xây dựng một đạo luật quy định quy trình cụ thể, trong đó lập ra Ủy ban Quốc gia về Thảo luận Công (Commission Nationale du Débat Public), một cơ quan độc lập với Chính phủ và có toàn quyền với trọng trách của mình, đó là đảm bảo hoạt động cung cấp thông tin và tổ chức đối thoại cho người dân một cách khách quan, công bằng, không bị méo mó và thao túng.

Tính độc lập và chịu trách nhiệm toàn diện ở một số cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân, vừa ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của Chính phủ, vừa tránh tình trạng khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra không ai đứng ra giải trình một cách đầy đủ để chịu chế tài một cách nghiêm minh. Lâu nay ở ta, xảy ra tình trạng các cơ quan ban ngành khi phải đưa ra một quyết định khó khăn thường dễ đùn đẩy trách nhiệm ra quyết định lên cấp cao hơn. Trong khi đó, bản thân cơ quan cấp cao hơn lại không thể có đủ chuyên môn và sự sâu sát với cơ sở và tình hình các địa phương để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, và khi có hậu quả xấu xảy ra, rất khó buộc người lãnh đạo một cơ quan cấp trên phải từ chức vì một vấn đề lẽ ra trên nguyên tắc phải thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan ban ngành cấp dưới.

Tuy nhiên, việc một số cơ quan Nhà nước có vai trò độc lập và chịu trách nhiệm toàn diện vẫn chưa đủ để đảm bảo rằng quyền lợi của nhân dân được đảm bảo cao nhất. Đối với những vấn đề trọng đại như quyền con người, chủ quyền lãnh thổ, hay an ninh tài chính quốc gia, cần có những quy định cụ thể, không mập mờ và không thể xâm phạm, được bảo chứng bằng những văn bản pháp lý cao nhất. Điều này giúp tránh tình trạng các cơ quan Nhà nước mặc dù được phân vai độc lập nhưng rút cục vẫn xuề xòa nhượng bộ lẫn nhau gây ra hậu quả tiêu cực.

Ví dụ như ở nước Mỹ, giữa Quốc hội và Chính phủ có vai trò độc lập, nhưng điều đó không ngăn đạo luật về trần nợ công bị liên tục điều chỉnh, khiến nợ công của Mỹ tăng dần lên qua thời gian ảnh hưởng sâu sắc tới an toàn tài chính công, mà đối tượng bị thiệt hại chính là nhân dân, những người phải đóng thuế để Chính phủ có tiền trả nợ. Ngược lại, ở Ba Lan người ta đơn giản chỉ cần đưa vào hiến pháp một con số cụ thể đối với trần nợ công là 60%, mà nếu vượt quá thì Chính phủ nghiễm nhiên phải tìm mọi cách giảm trừ bằng cách cân đối ngân sách thay vì tìm cách đàm phán với Quốc hội.

Những thực tế trên đây cho thấy, những khiếm khuyết trong mô hình quản lý Nhà nước gây ra tình trạng một số cơ quan lạm quyền hoặc xuề xòa tự nhân nhượng lẫn nhau, có thể tồn tại ở mọi quốc gia, kể cả những quốc gia đã phát triển. Tuy nhiên, chúng có thể khắc phục được, nếu không chỉ các nhà quản lý có đủ quyết tâm mà mọi tầng lớp xã hội tích cực tham gia vào quá trình mổ xẻ, nhận diện những nguy cơ rõ ràng gây tổn hại tới quyền làm chủ của mình, chỉ ra giải pháp cụ thể trong thể chế pháp lý và cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà nước, và quan trọng là tạo nên đủ sức ép cải tổ trong dư luận.

Khi các giải pháp cải tổ đem đến sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước thì quyền lực của Nhà nước sẽ tăng lên thay vì giảm đi, vì quyền lực đó song hành mật thiết cùng quyền lợi của nhân dân, phát huy được cao nhất các nguồn lực vật chất và tinh thần của nhân dân. Sự song hành đó giúp các nhà lãnh đạo của quốc gia có thể vững vàng đối diện với những thách thức cả trong lẫn ngoài.

           

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)