Bình đẳng không phải là lời nói dối

Người ta rất dễ nhìn thấy xã hội đầy rẫy những bất công và từ đó mà lầm tưởng rằng bình đẳng chỉ đơn thuần là một giấc mơ không bao giờ đạt được.

Nguyên tắc đạo đức về bình đẳng và những điều bất bình đẳng xảy ra

Nguyên tắc đạo đức mà người ta sống theo đó là một cái gì rất thật. Nó chi phối hành động, suy nghĩ của người ta trong đời sống hằng ngày. Sống theo một nguyên tắc rằng mọi người đều bình đẳng không thể đảm bảo rằng cả thế giới này mọi người ai cũng hạnh phúc như nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta phải suy nghĩ và hành động để đảm bảo rằng có người bất hạnh. Nguyên tắc sống và những chuyện xảy ra là khác nhau, có thể chẳng liên quan đến nhau, và cả hai đều là sự thật.

Tôi không thể thích được nguyên tắc sống mà theo đó người ta cần phải kém mình. Có thể vì họ cho rằng vì có những điều bất bình đẳng xảy ra nên nguyên tắc của họ là thuận theo tự nhiên và hợp lẽ? Đó chỉ là sự lầm tưởng, hoặc một sự ngụy biện. Nếu bạn khinh người ta vì người ta nghèo thì chẳng qua là sự lựa chọn của bạn thôi, chẳng có gì là thuận theo tự nhiên và hợp lẽ cả. Hoàn toàn có thể đối xử với một người ăn mày trên hè phố như với một người bạn.

Hãy nói về tình yêu. Ở lĩnh vực đó người ta dễ thấy sự tự nhiên và hợp lẽ của bất bình đẳng nhất. Tôi dành thời gian và công sức nhiều hơn cho người tôi yêu. Điều đó chẳng có gì là sai trái cả. Nó còn rất đẹp là khác! Nhưng tôi cũng không thấy rằng điều đó nhất thiết phải là nguyên tắc sống của tôi. Tôi sẽ vẫn sẵn sàng dành thời gian và công sức cho những người tôi chẳng hề quen biết, khi tôi cảm thấy cần như vậy. Không thể nói rằng vì tôi không yêu bạn nên tôi không làm gì giúp đỡ bạn đâu và cho rằng đó là một chân lý, một nguyên tắc đạo đức không thể không theo.

Người ta không thể dành tình cảm như nhau cho tất cả mọi người, nhưng đấy cũng chỉ là một điều xảy ra như thế, chứ không phải là một nguyên tắc sống bắt buộc phải theo. Có những người chẳng yêu ai cả, cũng chẳng ghét ai. Giả sử bạn có như thế thì cũng không việc gì mà xấu hổ và tự ti. Bạn vẫn đáng được tôn trọng.

Những điều bất bình đẳng xảy ra cũng chỉ là một cách nghĩ

Không nói đến nguyên tắc sống nữa. Giờ chỉ xét đến những gì xảy ra mà người ta có thể gán cho nó ý nghĩa “bất bình đẳng”. Giả dụ như: có người sinh ra đã thông minh hơn người khác. Có thể nó là sự thật, nhưng chẳng có sự thật nào tách được khỏi cách nghĩ của con người. Sự thật ấy cũng chỉ là một cách nghĩ mà thôi, và hoàn toàn có thể nghĩ khác đi mà vẫn đạt được tất cả các phẩm chất mong muốn của tư duy. Tôi có thể cho rằng không có ai thông minh hơn ai cả mà vẫn cứ logic như thường. Thậm chí cá nhân tôi còn cảm thấy hợp lý hơn là cách nghĩ rằng trí thông minh của con người là hơn kém nhau.

Người ta chỉ có thể so sánh được sự vật hiện tượng với một khung tham chiếu. Mọi so sánh hơn kém do đó đều bất khả bởi không thể trùng khít các khung tham chiếu cho những con người không thể giống nhau hoàn toàn. Chỉ có những khung tham chiếu về các khía cạnh rất nhỏ lẻ. Ví dụ như tôi cao hơn bạn theo cách thức đo đạc tính từ chân lên tới đỉnh đầu. Hoặc là cụ thể ở bài toán này bạn có nhiều câu trả lời đúng với đáp án hơn tôi. Vì thế thật ra chỉ có biểu hiện của trí thông minh là có thể hơn kém nhau trong những khung tham chiếu về các khía cạnh nhỏ lẻ. Về mặt logic, không thể so sánh là ai hơn ai một cách toàn thể cả. Mà ngay cả khi người ta thực hiện hành động so sánh những khía cạnh nhỏ lẻ trong những hoàn cảnh cụ thể thì đấy cũng chỉ là một cách nghĩ. (Cách nghĩ so sánh dẫn đến hơn kém đó tiếng Anh gọi là “deficit theorization of difference”.) Có khi chỉ cần nhận ra sự độc đáo của mỗi người, mỗi hoàn cảnh đã là đủ rồi.

Tôi không khuyên đừng nên so sánh. Có điều so sánh cũng chỉ là một cách nghĩ, và người ta cần sử dụng suy nghĩ của mình một cách nhân văn hơn.

Một bài báo về một nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa có những đoạn như thế này:

Đến 8/8 bài đề cập đến nghề đòi hỏi trình độ, trí tuệ, sáng tạo như: nhà nghiên cứu, nhà khoa học đều là nam giới. Hoàn toàn không có nữ giới là nhà nghiên cứu hay nhà khoa học. Nam giới tham gia lĩnh vực này vẫn là tuyệt đối. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 16/19 bài đề cập đến các nghề đòi hỏi chuyên môn, trí tuệ, sức khỏe như: bộ đội, công an, thủy thủ, phi công… đều là nhân vật nam, hoàn toàn không có sự tham gia của nữ giới.

Nữ giới trong nhóm nghề nghiệp trí thức duy nhất mà SGK đề cập là giáo viên với 23/34 bài xuất hiện nữ giáo viên, 30/38 tranh minh họa giáo viên là nữ so với 4/38 tranh thể hiện nhân vật nam, 4 tranh còn lại thể hiện cả nhân vật nam và nữ. 7/7 tranh minh họa trong ngành nghề, công việc đòi hỏi sự khéo léo, đảm đang, cần cù (như may, dệt, khâu vá…) đều là nữ; nghề lao công, hình ảnh nữ cũng chiếm vị trí tuyệt đối!

Nghề nông, một nghề vốn được xem là vất vả, mệt nhọc và thu nhập thấp thì tỷ lệ phụ nữ cũng xuất hiện nhiều hơn nam giới với 12/22 bài.”

(http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120204/bat-binh-dang-gioi-tu-sach-giao-khoa.aspx)

Ở đây nhà báo chỉ muốn coi nam và nữ là bình đẳng, còn các phạm trù nghề nghiệp như nhà khoa học, thợ thủ công, nông dân, v.v là bất bình đẳng. Người nghiên cứu thì cao siêu hơn người lao công! Nhà báo đang cổ xúy cho sự bất bình đẳng trên thế giới.

Nếu như các công việc là bình đẳng với nhau thì có vấn đề gì khi sách giáo khoa gắn nam giới với nghiên cứu, nữ giới với dệt may và khâu vá? Vấn đề là sự quy kết cứng nhắc như thế tạo ra bất hạnh cho nhiều người, cả nam giới và nữ giới. Nam giới được trông đợi làm một số ngành nghề nhất định, nếu mà đi chệch ra thì bị xã hội khinh thường và chê cười. Đó chẳng phải là một bi kịch sao?

Nghiên cứu, dệt may, khâu vá, làm ruộng, quét rác, v.v. là bình đẳng. Các phạm trù nghề nghiệp mà một người cụ thể được xếp vào không thể nói lên người đó làm việc có đòi hỏi trí tuệ hay không. Có những nhà nghiên cứu chẳng làm công việc gì phức tạp hơn người. Người ta có thể viện tới một cái gọi là “sự mô tả chung không nhất thiết phải đúng trong mọi trường hợp” để mà nói rằng nhìn chung thì công việc nghiên cứu đòi hỏi nhiều trí tuệ hơn làm ruộng chẳng hạn. Cứ cho là đang như thế đi, thì cũng hoàn toàn có thể thay đổi. Làm ruộng mà giỏi thì cũng cần phải nghiên cứu. Mà nghiên cứu giỏi thì có khi cũng cần đi làm ruộng. Mọi thứ đâu có quá tách biệt. Hơn thế nữa, nhìn xem một công việc có phức tạp hay đòi hỏi nhiều trí tuệ để đánh giá giá trị của công việc đó chỉ là một cách nhìn. Ở một cách nhìn khác, các công việc đem đến ý nghĩa cho đời hoặc hạnh phúc cho người làm việc đều được coi trọng như nhau. Chắc gì một nhà nghiên cứu đã làm ra gì tốt đẹp cho đời, và chắc gì công việc khó khăn của họ đem đến niềm vui cho chính bản thân họ.

Con người không chỉ bình đẳng khi họ ở trong các phạm trù trừu tượng. Ngay cả khi họ thoát ra khỏi các phạm trù để là những con người độc đáo thì họ vẫn bình đẳng. Bình đẳng không phải là thứ để gắn với một phạm trù nào như tiền bạc hay chỉ số IQ để mà so sánh hơn kém. Bình đẳng là một khái niệm dùng để loại bỏ tất cả những phạm trù, để trở về một điều hết sức giản dị: người ta đều độc đáo, đều bình đẳng và đều cần được đối xử tốt.

Bất bình đẳng mới là nói dối

Nếu những điều bất bình đẳng xảy ra cũng chỉ là một cách nghĩ thì lo lắng về bất bình đẳng để làm gì? Với tôi, cách nghĩ là điều quan trọng. Việc người ta hay chính bản thân bạn làm cho bạn khốn khổ, chẳng cần biết là như thế đã khốn khổ hơn mức trung bình của toàn thể nhân loại chưa, vẫn có thể là một điều bạn không mong muốn. Và rất có thể nó có nguyên nhân từ các suy nghĩ về bình đẳng và bất bình đẳng của những người tác động lên bạn cũng như chính bạn.

Hiểu rằng có những cách nghĩ khác nhau về bình đẳng và bất bình đẳng làm cho người ta có khả năng lựa chọn, sáng tạo bản thân mình và thế giới tốt hơn. Tôi viết bài này có dùng những khẳng định, những lối nói kiểu khuyên bảo như là “cần” hoặc “xin đừng nhầm lẫn”, nhưng đấy cũng chỉ là cách tôi trình bày niềm tin của mình. Cũng xin được lưu ý là tôi tin vào những điều tôi đã viết không có nghĩa là tôi tin rằng cách suy nghĩ của tôi “cao siêu” hơn người. Tôi không có giả định đó. Tôi viết ra những điều này vì có những người cứ cho rằng bất bình đẳng là một chân lý không thể nào khác. Tôi thì lại cho rằng hoàn toàn có thể nghĩ và hành động khác đi.

Tôi chưa bao giờ có thể đồng ý đồng lòng với “Sư phạm cho người bị trị” (Pedagogy of the Oppressed) của Paolo Freire. Ông ta có thể nói nhiều điều hay, xong điều đầu tiên đập vào mắt, vào trí tuệ và tình cảm của tôi khiến tôi không thể nào chịu được là ông ấy áp đặt luôn một mối quan hệ bất bình đẳng trong giáo dục. Người bị trị cần phải giáo dục riêng! Con người ta là bình đẳng và cần phải hành động dựa trên sự bình đẳng đấy. Những kẻ áp đặt rằng người khác đang bị trị, nghĩa là đang hèn kém, phải hành động dựa trên sự hèn kém đó (dù là để nâng người ta lên) chính là những kẻ áp bức. Paolo Freire chính là một kẻ áp bức, dù là kẻ áp bức này có mong muốn tốt đẹp là nâng người ta lên. Giáo dục kiểu Freire là giáo dục kiểu hô hoán lên là “mày là đứa bị áp bức” và đưa người ta vào “chương trình/trại cải tạo dành cho người bị trị” với thông điệp rằng “mày may nhé! mày mà không được giáo dục theo phương pháp đối thoại của tao là mày còn bị trị dài dài!” Thực tế những nhà sư phạm phản biện theo phương pháp của Paolo Freire có thể đã giúp ích được cho rất nhiều người, nhưng vẫn ở trong khuôn khổ của sự bất bình đẳng và áp bức.

Một năm trước thì tôi cũng chưa dám viết ra những lời này về Paolo Freire, vì tôi còn phải suy xét và chưa đủ khả năng để trình bày rõ ràng suy nghĩ của mình. Paolo Freire là một nhân vật có uy tín rất lớn trong sư phạm phản biện. Chống đối lại ảnh hưởng của ông lên cách suy nghĩ của người ta rất khó. Nhiều lúc, tôi quan sát thấy sinh viên tự xem họ là người “yếu thế” và giáo viên là “kẻ mạnh”. Lúc nào con người cũng phải ở trong một thế bất bình đẳng vậy sao?

Tôi không quan niệm đấu tranh cho bình đẳng của phụ nữ, của người khuyết tật, của người da màu, v.v là tìm cách nâng họ lên ngang tầm với nam giới, với người lành lặn, với người da trắng, v.v. Họ đã ngang tầm rồi, luôn luôn ngang tầm, chỉ có điều là xã hội không chịu thừa nhận và đối xử không tốt với họ mà thôi.

Tôi cũng không hiểu tại sao và bằng cách nào mà tôi luôn tin rằng mình là bình đẳng với tất cả mọi người mặc dù gia đình và xã hội có thể xếp tôi vào những vị trí thấp kém, những phạm trù mang nghĩa “bị áp bức” hay “bị trị”. Tôi không nghĩ mình “bị trị” mà chỉ nghĩ mình không được đối xử tốt. “Bị trị” ư? Thế thì những kẻ “thống trị” còn “bị trị” hơn vì đầu óc của họ bị kìm hãm trong một thứ nhà tù tinh thần nên lúc nào cũng chỉ biết có sự bất bình đẳng. Bất bình đẳng mới là nói dối.

Suy nghĩ của con người chính là một hiện thực, một hiện thực hết sức quan trọng. Và lối suy nghĩ rằng mọi người đều bình đẳng với tôi là một cái gì đó thông thường, có thật, có những tác động tốt đẹp tới đời sống. Tôi không phủ nhận cách nghĩ bất bình đẳng, nhưng tôi muốn “giao tiếp” để bình đẳng cũng là một sự lựa chọn về suy nghĩ trong tư duy của mọi người.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)