Buôn bán rùa quý hiếm: Cuộc chiến giữa thuật toán và “mật ngữ”

Chỉ thị 29 năm 2020 của chính phủ và thuật toán quét của Facebook nhằm siết chặt việc mua bán động vật hoang dã không thể ngăn được các tay buôn tung hoành với khả năng lẩn trốn đầy khôn khéo và tinh vi.

Cơ quan kiểm lâm đang kiểm tra cơ sở nuôi nhốt rùa của ông Hoàng Minh Triển, Đắk Lắc. Ông Triển đã nuôi nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm. Ảnh: Tri thức & Cuộc sống

Ngày 28/9/2022, nick “Quang Dùa Tướng” post lên nhóm “Rùa núi vàng bốn mùa” hình 5 chú rùa núi vàng và viết “ alo alo chiển nhà chiển nhà”. Hình máy bay đại diện cho từ “bay”, tiếng lóng của từ “bán”, có lẽ là để chặn thuật toán của Facebook phát hiện. Bên dưới nick Sang Lê viết “Bán thì hô giá công khai chứ ib làm gì” thì Quang Dùa Tướng trả lời “f.b nó đập gậy vào mặt. Mất f.b bạn ạ  k biết thì tìm hiểu thêm đừng nói bừa b nhé”.

Rùa núi vàng thuộc nhóm IIB – các loài động vật rừng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không hạn chế khai thác để phục vụ thương mại. Việc buôn bán không có bảng kê lâm sản của kiểm lâm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 12 năm đối với cá nhân.

Ngày 18/3/2021, TAND thành phố Buôn Ma Thuột tuyên án phạt đối tượng Hoàng Minh Triển 10 năm tù giam cho hành vi nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm. Điều đáng nói, trước đó, đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã nhiều lần nhận được thông tin từ người dân về việc con trai đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán trái phép nhiều loài rùa quý, hiếm khác nhau. Những loài này đều được phát hiện tại cơ sở nuôi nhốt của đối tượng Hoàng Minh Triển.

Vậy các vụ bắt giữ và phạt nặng liên quan đến mua bán rùa cấm có làm giảm số lượng bài đăng liên quan đến mua bán rùa hay không? Kết quả phân tích số liệu của chúng tôi cho thấy câu trả lời là không. Trong năm 2019, có hai vụ bắt giữ lớn liên quan đến buôn bán trái phép các loài rùa cấm, rùa quý nhưng số lượng bài buôn bán loài động vật này trên Facebook vẫn tăng lên mạnh mẽ.

Dân buôn rùa cấm trên mạng đang dùng nhiều “chiêu” để lách thuật toán của Facebook để tiếp tục dùng mạng xã hội này như một “chợ mạng” buôn bán rùa trong “sách đỏ” một cách nhộn nhịp.

Động thái quét và chặn các hiện tượng buôn bán rùa cấm của Facebook đã làm gần như biến mất những post rao bán rùa công khai, nhưng chưa khiến hành vi “tội phạm mạng” này chấm dứt, mà trở lên tinh vi hơn. Dân buôn rùa cấm trên mạng đang dùng nhiều “chiêu” để lách thuật toán của Facebook để tiếp tục dùng mạng xã hội này như một “chợ mạng” buôn bán rùa trong “sách đỏ” một cách nhộn nhịp.

Tinh vi thời 4.0

Giữa tháng 7/2022, một nick Facebook là Ho Sacani post hai tấm ảnh một chú rùa lên một nhóm cộng đồng chơi rùa cảnh có hàng nghìn thành viên và hỏi “Mọi người cho em hỏi con này gọi là rùa gì ạ”. Giữa một loạt các bình luận tỏ ra e sợ, gọi đây là “hàng bỏng tay”, “bóc lịch 7 quyển”, một nick Bùi Tuấn đáp lại: “Để lại cho mình” và viết rằng có một ông anh “toàn chơi những con này và đã có sẵn một con”.

Rùa trong post Facebook đó là Rùa đầu to – một trong 92 loài được bảo vệ cấp cao nhất theo pháp luật Việt Nam do bị đe dọa tuyệt chủng. Số phận con rùa đầu to đó ra sao? Nếu Ho Sacani gửi tin nhắn riêng tư cho Bùi Tuấn để bán thì Facebook không thể kiểm soát được.

Đối với những tay buôn rùa quý hiếm, chông gai nhất là làm sao giữ được tài khoản và các thông tin quảng cáo bán rùa của mình thoát khỏi lưới kiểm duyệt của Facebook. Sau đó, một khi khách hàng tìm đến họ qua tin nhắn, việc buôn bán sẽ xảy ra trót lọt, Vì buộc phải tuân thủ quy định bảo vệ quyền riêng tư, Facebook không thể giám sát hoặc can thiệp nội dung tin nhắn của người dùng.

Một quảng cáo bán rùa núi vàng trên Facebook.

Không thể post công khai, các tay buôn này lập ra và hoạt động trong các hội nhóm Facebook ở chế độ “riêng tư” – chỉ có những người được chấp nhận làm thành viên mới đọc được thông tin đăng tải trong đó. Chưa hết, mọi nội dung trong đó đều được cân nhắc từ khóa để lẩn trốn thuật toán của Facebook.

Chúng tôi nhận thấy điểm chung của các nhóm này là tên nhóm hoặc phần giới thiệu nhóm luôn núp bóng dưới những từ ngữ dành cho giới bảo tồn, như “Hội yêu rùa cảnh Việt Nam”, “Cộng đồng rùa núi vàng Việt Nam”… nhằm che mắt các cơ quan chức năng và sự quản lý của Facebook. Đa phần muốn tham gia các hội nhóm này, người tham gia sẽ phải trả lời một số câu hỏi rồi sau đó Quản trị viên mới xét duyệt yêu cầu. Một số nhóm như “Hội yêu rùa Việt Nam”, khi thành viên xin gia nhập sẽ phải trả lời các câu hỏi như: bạn vào nhóm với mục đích gì, bạn có nuôi loại rùa gì? Kể tên? Bạn có biết chăm sóc loại rùa đó như thế nào không? Kể tên thức ăn yêu thích của loài rùa đó.

Khi trao đổi với một số nhóm về lý do của việc đặt câu hỏi như vậy, một số người trong hội cho biết, mục đích của việc đưa ra các nội quy này là để thu nhập những thành viên “sạch” – những người có nhu cầu mua, bán thật thay vì các thành viên “ngầm” từ các tổ chức phi chính phủ tham gia và có các hoạt động khuyến cáo hoặc chỉ trích hoạt động mua bán đó.

“Anh em lưu ý một số từ nha, cẩn thận không lại mất nhóm”, một post được gim ngay trên đầu nhóm riêng tư “Cộng đồng rùa núi vàng Việt Nam”, có 7,8 nghìn thành viên. Đi kèm là danh sách từ khóa “Tiền, ib, lúa, bay, bao nhiêu, nhiêu, số, bạc, đồng, triệu, ngàn, sđt, bán, mua, chuyển khoản, giá, nhắn tin, xu, xèng, money, check, kiểm tra”.

“Từ việc thả cửa cho ae b.b=> Nhóm sắp sập” là một post khác được gim lên. “Sau 3 tháng không có vi phạm, không có anh em đồng quy vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của FB, nhóm đã Hồi sinh”. Bên dưới comment “Vì 1 cộng đồng chung ae tránh từ khóa cho nhóm phát triển”.

Điều đó chứng tỏ nhóm “Cộng đồng rùa núi vàng Việt Nam” đã từng bị Facebook đóng do vi phạm từ cấm liên quan đến buôn bán rùa. Giờ đây, họ đã biết cách để tránh các từ khóa mà trước hết là những từ liên quan đến từ “bán” và “tiền”. Các nhóm khác cũng có hành động tương tự. Trong nhóm luôn có một người đóng vai trò gần như quản trị viên thường xuyên đăng tải danh sách các từ khóa để các thành viên lưu ý, luồn lách khỏi các tiêu chuẩn của Facebook. Chẳng hạn như họ luôn sử dụng các “mật ngữ” như “ba.n”, “i,b”, “nv” thay vì “bán”, “inbox” và “rùa núi vàng”. Kể cả giá tiền của con rùa cũng được “mật mã hóa” như: 1.8.0kaaaa, 2 chịu 8 (2.800.000đ), 1    3    0     0 (1.300.000 đồng)…

Chúng tôi đã tổng hợp trên Facebook hơn 25 nghìn bình luận trong khoảng 2016 – 2021 và lọc ra 604 bình luận chứa thông tin rao bán các loài rùa quý, hiếm, bị cấm buôn bán dưới mọi hình thức trên gần 200 Fanpage, Facebook cá nhân và đặc biệt là các nhóm Facebook. Trong đó, chúng tôi tập trung khảo sát theo chín loại rùa quý hiếm được buôn bán nhiều nhất trên mạng xã hội như: rùa Núi vàng, rùa Sa nhân, rùa Sulcata, rùa Câm (rùa Ao vàng), rùa Hộp lưng đen, rùa Bốn mắt, rùa Răng, rùa Đất lớn, rùa Mũi lợn. Các loài rùa này thuộc nhóm nguy cấp của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), sách đỏ IUCN (Danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), nằm trong Nhóm 2B Phụ lục I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Muốn nuôi loại rùa này vì mục đích thương mại thì bản thân trang trại cũng như người cung cấp, bán rùa phải được cấp phép, có đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp với cơ quan quản lý CITES cho từng con rùa một.

Có thể nói, số lượng từ khoá tăng dần và đa dạng hơn theo từng năm do các chính sách của Facebook bắt đầu khắt khe hơn trong việc quét các từ lóng và khoá các tài khoản vi phạm.

Bên cạnh những từ khóa liên quan đến “bán” và “tiền”, lẽ dĩ nhiên là các nhóm này cũng có một “ma trận mật mã” để gọi tên các con rùa quý hiếm. Rùa núi vàng có số lượng bình luận áp đảo cho thấy nhu cầu và nguồn cung mạnh mẽ. Để chỉ loài rùa này, các tay buôn rùa có vô số từ khóa đánh lạc hướng sự quản lý của Facebook:

Năm 2017: Những từ khóa sau đây được sử dụng 1 lần: “nui vàng”, “hộp”, “rua nui vang”, “rua nui vag”, “nv”. Những từ khóa được sử dụng 2 lần là “baby”, “hôp lưng đen”.

Năm 2018: Những từ khóa sau đây được sử dụng 1 lần: “rùa núi vàg”, “rua hôp”, “núi vang”, “nui vang”, “rùa hộp”, “xa nhân”, “đốm đen”. Những từ khóa được sử dụng 2 lần là “RUA NUI VANG”, “sa nhan”. Từ khóa được sử dụng 2 lần trở lên là “vàng”.

Năm 2019: Những từ khóa sau đây được sử dụng 1 lần: “vàng 99.99%”, “#ruanuivang”, “nuos vàng”, “núi vành” , “núi vang”, “to vàng chấm đen”, “bé mai đen tuyền”. Từ khóa được sử dụng 2 lần là “vàng đực”, Những từ khóa được sử dụng 2 lần trở lên là “vàng” (3 lần), “đực vàng” (3 lần), “nv” (4 lần).

Năm 2020: Những từ khóa sau đây được sử dụng 1 lần: “rùa hộp lung đen”, “baby vàng”, “rua nui vag baby”, “nui vang baby”, “rùa núi vàg”, “#rua_nui_vang”

Những từ khóa được sử dụng 2 lần: “núi vang”, “rua vàng”, “#rùa #núi #vàng”, “r.ùa vàng”, “rua núi vàng”,  “#Núi_Vàng”.

Những từ khóa được sử dụng 2 lần trở lên là rùa vàng (22 lần), #Rùa_Núi_vàng (3 lần).

Năm 2021: Những từ khóa được sử dụng 1 lần là “nv baby”, “rùa núi vnafg”,  “núi vành” , “tùa núi vàng”, “thỏi vàng”, “rùa núi”, “ru@ cạn núi”.

Những từ khóa được sử dụng 2 lần là “rua nui vang”, “#ruanui”, “rua núi vàng”, “#ruavang”.

Những từ khóa được sử dụng 2 lần trở lên là “#ruanuivang” (8 lần), NV (16 lần).

Qua đây ta có thể thấy, số lượng từ khóa được sử dụng trong năm 2017 là 7 từ, trong năm 2018 là 10 từ, trong năm 2019 là 11 từ, trong năm 2020 là 14 từ, trong năm 2021 là 13 từ. Có thể nói, số lượng từ khóa tăng dần và đa dạng hơn theo từng năm do các chính sách của Facebook bắt đầu khắt khe hơn trong việc quét các từ lóng và khóa các tài khoản vi phạm. Do vậy người bán và người mua đã tìm nhiều cách lách luật hơn để có thể ngang nhiên buôn bán rùa hiếm trên Facebook.

“Rùa hộp lưng đen” được nhắc đến với những mật mã như: hôp lưng đen, hôph lưng đen, rua hôp, rùa hộp, rùa hộp lung đen, h.ộp lưng đe.nn, hld

Rùa sa nhân: sa nhan, xa nhân

Rùa Sulcata: sul

Rùa Bốn mắt: 4 mắt

Rùa Câm (Ao vàng): Yellow pond

Rùa Mũi lợn: lợn, mũi heo

Rùa đất lớn: đất, sen vàng, sen vang

Rùa răng: sen đen, càng đước

Lắt léo con đường vận chuyển tới người mua

Dường như cách mua bán và giao dịch qua mạng và gửi hàng đến mà cả người mua và bán ít khi gặp nhau được ghi nhận như cách giao dịch phố biến hiện nay đối với việc buôn bán động vật hoang dã qua internet. Khi cần, người có nhu cầu có mua thể yêu cầu chụp ảnh các góc cạnh khác nhau của con rùa qua tin nhắn, rồi chuyển tiền nếu thấy ưng ý. Người mua càng hỏi kĩ về con rùa thì người bán càng chất vấn “Bạn có mua thật không?” và cứ chuyển tiền đi thì sẽ có hàng.

Cách buôn bán qua mạng còn khiến người bán không cần lộ diện bởi sau khi nhận tiền xong, họ sẽ thuê người trung gian vận chuyển rùa. Nếu giao dịch bị bắt gặp thì cũng chỉ bắt được người vận chuyển mà người này dĩ nhiên là sẽ chối bỏ trách nhiệm nhanh chóng. Đây cũng là một lỗ hổng trong quản lý mà dường như người buôn bán đã nắm và tận dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh.

Theo hồ sơ Buôn bán các loài rùa cạn và rùa nước ngọt xuyên quốc gia của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Việt Nam, mặc dù pháp luật Việt Nam, Lào và Campuchia nghiêm cấm săn bắt và buôn bán các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm nhưng chỉ áp dụng cho những loài bị bắt trong tự nhiên chứ không áp dụng cho các loài được gây nuôi trong các trang trại thương mại. Điều này dẫn đến tình trạng người nuôi có thể dễ dàng buôn bán ĐVHD được bắt từ tự nhiên sau khi hợp pháp hóa nguồn gốc của chúng từ các trang trại gây nuôi.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên – Việt Nam (ENV) thực hiện từ năm 2014-2015 cho thấy các hành vi bất hợp pháp của việc buôn bán ĐVHD đang trở nên phổ biến hơn ở các trang trại đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép chính thức. Tất cả 26 trang trại tham gia cuộc khảo sát có liên quan đến buôn bán ĐVHD nhưng chỉ một nửa trong số họ thừa nhận sự “lách luật” của mình. Tất cả những người được hỏi đều nói rằng họ đã mua ĐVHD được bảo vệ trước đó mà không có giấy tờ hợp pháp.

Liệu có siết chặt được chợ mạng?

Theo số liệu ghi nhận các vụ mua bán rùa quý, hiếm bị bắt giữ tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021 từ Tổ chức WCS, chúng tôi đã khảo sát mối tương quan giữa số lượng bài đăng mua bán rùa trên MXH với các vụ bắt giữ trong thời gian 2018 – 2021. Cụ thể:

NĂM SỐ VỤ ÁN BẮT GIỮ RÙA QUÝ SỐ BÀI POST TRÊN MXH SỐ CÁ THỂ RÙA BẮT GIỮ
2018 23 84 500
2019 29 175 412
2020 20 148 630
2021 14 65 195

Có thể thấy rằng, trong năm 2021, việc buôn bán rùa dường như giảm mạnh. Từ khoảng trung bình 500 số cá thể rùa bị bắt giữ và 25 vụ án bắt giữ rùa quý, hơn 100 số bài post trên mạng xã hội trong 3 năm 2018, 2019, 2020, chỉ còn gần 200 cá thể, 14 vụ án và 65 bài post vào năm 2021. Nhưng liệu có phải đó là do các cơ quan chức năng đã siết chặt hiệu quả các thông tin buôn bán rùa quý trên MXH?

Đúng là gần đây chính sách của Facebook, nhà mạng, nhà cung cấp mạng xã hội đã có nhiều thay đổi trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng lớn trên toàn thế giới như Facebook, Google… đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để kiểm duyệt thông tin liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật về ĐVHD như đăng tin, rao bán, quảng cáo trên không gian mạng. Ví dụ như mạng xã hội Facebook cho phép người dùng báo cáo (report) các bài viết có liên quan đến ĐVHD, sau khi tiếp nhận nền tảng mạng xã hội này sẽ tiến hành biện pháp kỹ thuật vô hiệu hóa bài viết, thông tin.

Cùng với đó, Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cũng đã tiến hành phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, để xác minh, ngăn chặn, gỡ bỏ các trang mạng vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD theo yêu cầu của Công an các đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc EVN cho biết gỡ các bài đăng về buôn bán ĐVHD là chưa đủ: “Gỡ bỏ chỉ là một phần nhỏ vì gỡ một thì họ có thể mở hai, ba, bốn tài khoản mới”. Bà Hà nói thêm: “Chúng tôi khuyến nghị một số nền tảng mạng xã hội cần thắt chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng để ngăn chặn triệt để không chỉ hành vi buôn bán mà cả hành vi nuôi nhốt, kích thích nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã”, bà Hà nói.

Phát hiện và “bắt tại trận” các vụ buôn bán rùa quý đã khó. Kiểm soát việc quảng cáo buôn bán này trên MXH cũng chông gai không kém. Pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ siết chặt việc buôn bán ĐVHD trên các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, mạng xã hội khá đa dạng về cách thức đăng bài, cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán hay phương thức thanh toán nên các quy định dành cho sàn thương mại điện tử không thể áp dụng cho mạng xã hội.

Hiện nay, để kiểm soát bài đăng về mua bán ĐVHD trên mạng xã hội, chỉ thể dùng chế tài xử phạt với hành vi quảng cáo ĐVHD online, theo Luật Quảng cáo và Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, chế tài này chỉ phạt nặng (lên đến 100 triệu đồng) đối với ĐVHD nguy cấp, còn với các ĐVHD đang ở mức nguy cơ tuyệt chủng thì chỉ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 1.5 triệu đồng. Sự chênh lệch này khiến những tay buôn rùa vẫn thản nhiên buôn bán nhiều loài rùa quý, trong đó có rùa núi vàng.   

Ông Bùi Xuân Thành (cán bộ Kiểm lâm tỉnh Điện Biên) cho biết: “Các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng Kiểm lâm nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD, tuy nhiên, một số vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD đã cản trở ít nhiều nỗ lực thực thi này”. □

———

Bài viết có sự tài trợ của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (WCS). Tuy nhiên WCS không can thiệp vào nội dung bài viết.

Tác giả