Các thế hệ như là đối tượng nghiên cứu khoa học

Từ lâu, các thế hệ cũng như tên gọi và đặc tính của nó là những vấn đề đã được giới thiệu và phát triển trong giới học thuật cũng như đời sống phương Tây.  

Ngược dòng thời gian, gốc gác của việc đặt tên thế hệ này có thể nói được bắt đầu từ năm 1926, khi nhà văn nổi tiếng người Mỹ, Ernerst Hemingway, trong cuốn The Sun also rises (Mặt trời vẫn mọc) dùng khái niệm Lost Generation (Thế hệ lạc lõng) để chỉ những người sinh trong khoảng 1883 – 1900 và cho rằng tác giả của cụm từ này là nữ văn sĩ Gertrude Stein. Từ sau đó đã xuất hiện cách cách gọi: Greatest Generation (Thế hệ vĩ đại nhất) chỉ những người sinh trong khoảng 1901 – 1924; Silent Generation (Thế hệ im lặng) chỉ những người sinh trong khoảng 1925-1942; Baby Boomers (Thế hệ trẻ em bùng nổ) chỉ những người sinh trong khoảng 1943-1960; Generation X chỉ những người sinh từ năm 1960 – 1980; và Generation Y chỉ những người sinh từ năm 1981 – 2000.

Và mỗi thế hệ – với tên của mình – lại chuyên chở một đặc tính riêng biệt.Lost Generation – Thế hệ lạc lõng, ngụ ý những người sinh ngay trước và trong Thế chiến thứ nhất và chịu quá nhiều đau khổ bởi chiến tranh. Trong hồi ký “Hội hè miên man”, Hemingway cũng kể, Stein đã nghe được cụm từ này từ chủ ga-ra sửa xe cho bà. Khi một thợ cơ khí trẻ không thể sửa chiếc ô-tô, người chủ ga-ra đã mắng cậu: “Cả lũ bọn mày là génération perdue”. Khi kể lại câu chuyện cho Hemingway, Stein đã thêm vào: “Tất cả bọn trẻ các cậu, những người từng phục vụ trong quân đội, cũng đều như vậy. Các cậu là thế hệ lạc lõng,” Hemingway viết trong cuốn hồi ký.

Còn thuật ngữ Greatest Generation xuất phát từ cuốn sách cùng tên của Tom Brokaw năm 1998. Trong cuốn sách này, Brokaw viết, “tôi tin rằng, đó là thế hệ vĩ đại nhất mà xã hội đã sản sinh ra.” Ông cho rằng, những người đàn ông và đàn bà sinh ra và lớn lên sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trải qua cuộc Đại suy thoái (The Great Depression) và ngay sau đó, lại bị cuốn vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã tranh đấu không phải vì danh vọng hay sự thừa nhận mà bởi vì đó là việc đúng phải làm.

Silent Generation chỉ những người chịu nhiều thiệt thòi nhất vì Chiến tranh Thế giới thứ hai, có tính cách an phận – và đó là lý do tại sao họ được gọi là thế hệ lặng lẽ. Cụm từ này được tạp chí Time nhắc đến lần đầu tiên trong một bài báo có tên “Thế hệ trẻ hơn” và chính thức được định danh từ đó.

Baby Boomers có lẽ là thế hệ nổi tiếng nhất, sinh ra sau chiến tranh, có số lượng đông đảo và sản sinh ra nhiều cá nhân xuất chúng.

Những thuật ngữ khác

Nếu như giới phương Tây nói chung thống nhất với nhau những thuật ngữ như Lost Generation, Baby Boomers, Generation X, Generation Y… như đã nói ở trên, thì cũng có nhiều thuật ngữ khác được sử dụng ở những nơi khác.

Tại Trung Quốc, cụm từ Thế hệ post-80s được dùng để chỉ những người sinh sau 1980, đặc trưng bởi tinh thần lạc quan và đầu óc nhạy bén trong kinh doanh.

Tại Hàn Quốc, những thuật ngữ quen dùng có thể kể đến như Thế hệ 386, Thế hệ 1969, Thế hệ 19 tháng Tư – mỗi tên gọi đều gắn liền với sự vận động của lịch sử, xã hội nước này trong nửa sau của thế kỷ XX.

Tại Việt Nam, lâu nay cách gọi thế hệ 7X, 8X, 9X đã trở nên quen thuộc. Xét ở một góc độ nào đó, thế hệ 8X, 9X ở Việt Nam có rất nhiều đặc điểm giống với thế hệ Baby Boomers tại phương Tây: đều sinh sau chiến tranh, số lượng lớn đột biến (so với thế hệ trước), tuổi thơ chịu nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, mâu thuẫn về tư tưởng với thế hệ cha mẹ (mâu thuẫn giữa một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và một thế hệ sinh ra và lớn lên thời hậu chiến). Trên thực tế, trước khi các khái niệm này trở nên phổ biến, trong đời sống xã hội của nước ta cũng đã phổ biến một vài khái niệm khác như Thế hệ Tây học (chỉ những người đi học ở các trường thuộc hệ thống do Pháp xây dựng trước năm 1954) hay Thế hệ Chống Mỹ cứu nước…

Đối tượng của nghiên cứu khoa học

Các thế hệ không chỉ là đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học xã hội (nghiên cứu đặc tính giữa các thế hệ để lý giải sự mâu thuẫn về chuẩn mực, tư tưởng, suy nghĩ của các thế hệ ông /bà – cha/mẹ – con cái) mà là của nhiều ngành.

Trước đây, các nhà giáo dục đã dành rất nhiều công sức nghiên cứu thế hệ Baby Boomers. Bởi sau chiến tranh, thế hệ này sinh ra nhiều đột biến, nhu cầu đi học tại tất cả các bậc học tăng nhanh chưa có tiền lệ, giáo dục chuyển từ tinh hoa sang đại chúng, rồi phổ cập. Không phải nước nào cũng đủ nguồn lực để bao cấp giáo dục, nhất là giáo dục đại học như trước nữa. Vấn đề này không chỉ gói gọn trong lĩnh vực giáo dục mà còn lan cả sang chính sách công.

Và hẳn nhiên các nhà kinh doanh cũng không bỏ qua cơ hội nắm bắt “tâm lý thế hệ” để có những chiến lược phù hợp nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng của mình. Chiến dịch “bỏ nhãn lon” của Coca Cola thành công rực rỡ trong mấy năm gần đây vì đã đánh trúng nhu cầu “cá nhân hóa” của Thế hệ Y trên phạm vi toàn cầu (hay 8X, 9X ở Việt Nam). Ngược lại, Budweiser, vì không có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời nên đã mất đi vị thế dẫn đầu đối với đối tượng khách hàng thuộc Thế hệ Y, mặc dù trong nhiều chục năm trước đó, đây là hãng bia được ưa thích nhất của thế hệ Baby Boomers.

Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu về tâm lý học hành vi trong tiêu dùng lại có một công bố đáng chú ý khi họ phát hiện ra rằng, so với các thế hệ trước, Thế hệ Y ít có nhu cầu tiết kiệm tiền để chi tiêu những khoản lớn (như mua nhà, xe hơi). Thống kê cho thấy, trong năm 2010, cứ 100 người mua ô tô ở Mỹ, chỉ có 27 người ở độ tuổi 21-34 – thua xa con số tương ứng trong 25 năm trước đó (38/100). Đó cũng là lý do tại sao Tạp chí The Atlantic (Đại Tây Dương) lại đặt cho Thế hệ Y một cái tên mới, đầy ẩn ý “Thế hệ rẻ nhất” (The Cheapest Generation). Ngược lại, thế hệ này lại bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền của hơn cho những sản phẩm/dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần như chờ hàng chục tiếng chỉ để mua bằng được một chiếc IPhone mới hay sẵn sàng trả phí cao hơn để được ngồi uống cà phê Starbuck thay vì quán cà phê thông thường.

Nói tóm lại, các thế hệ cũng như tên gọi và đặc tính của nó là những vấn đề đã được giới thiệu và phát triển trong giới học thuật và đời sống phương Tây; ngược lại, vì nhiều lý do vẫn chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Việc phân tích, nghiên cứu vấn đề này với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ nhiều ngành, lĩnh vực là cần thiết. Đồng thời việc xem xét phân loại các thế hệ như một biến đầu vào cho các phân tích cũng sẽ giúp giải thích nhiều hiện tượng thú vị của xã hội đương đại.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)