Cải cách hành chính: chuyện thiếu-thừa

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của cải cách hành chính là phải làm cho bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn. Tức là phải bỏ đi những bộ phận, những cá nhân thừa trong bộ máy. Nhưng, khó nhất vẫn là nhận ra cái gì thiếu, cái gì thừa. Tôi xin kể hai mẩu chuyện dưới đây, những chuyện đó có thể là thật, mà cũng có thể chưa có bao giờ (mượn lời hát trong phim Tể tướng Lưu gù).

Chuyện thứ nhất. Nhà điêu khắc vĩ đại người Pháp Auguste Rodin (1840-1917) đã sáng tạo nên pho tượng bất hủ Le Penseur (Người suy tư), khắc họa hình ảnh một con người mà sự suy nghĩ căng thẳng hiện ra trên từng thớ thịt. Có người hỏi Rodin: “Làm thế nào mà ông có thể tạc nên pho tượng tuyệt vời đến vậy?”. Rodin trả lời: “Đơn giản thôi, tôi lấy một khối đá, và thấy cái gì thừa thì đẽo nó đi!”.  Hóa ra, chỉ cần loại hết những cái thừa, ta sẽ có một kiệt tác.
Chuyện thứ hai. Ở một khu rừng nọ có bọn lâm tặc hoành hành rất mạnh. Người ta lập một trạm kiểm lâm ở đó, với 5 kiểm lâm viên. Họ rất bận rộn, nên phải có một cấp dưỡng. Lâu dần, họ mang theo cả vợ con, nên có thêm cái nhà trẻ. Rồi thì đến y tá, thường trực, văn thư, chuyên trách Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên… đủ cả. Sau ít năm đã hình thành được một Trạm Kiểm lâm rất bề thế. Chỉ có điều, từ đó bọn lâm tặc tránh sang đường khác, thành ra Trạm chẳng còn bắt được tên lâm tặc nào. Khi chủ trương tinh giảm biên chế đưa xuống, người ta buộc phải xem ai thừa thì “tinh giảm” đi. Xét đi xét lại, thấy ai cũng đang rất bận rộn với công việc được phân công, duy chỉ có 5 chàng kiểm lâm viên là thừa! Thế là 5 chàng kiểm lâm viên được “về hưu một cục”, và buổi tiễn họ về hưu cũng là buổi Trạm nhận được bằng khen về công tác tinh giảm biên chế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)