Cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ

Nhiều người cho rằng nhiều qui định về tiêu chuẩn trong Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ được Bộ GD&ĐT soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến, trước khi chính thức ban hành để áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2010, nếu không được thay đổi thì chúng ta có nguy cơ đào tạo ra rất nhiều “tiến sĩ giấy”. Vì vậy, vấn đề muốn bàn ở đây là việc phải cải cách chiến lược và qui trình đào tạo và bảo về luận án tiến sĩ ở trong nước ra sao, để cho các tiến sĩ bảo vệ trong nước cũng xứng đáng là tiến sĩ ngang như tiến sĩ bảo vệ ở nước ngoài, chứ không phải là về nội dung của bản Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ đó.

Muốn vậy theo tôi, chúng ta cần:
Xem xét lại chỉ tiêu số lượng đào tạo tiến sĩ.
Đối với các nghiên cứu sinh (NCS) du học ở các nước tiên tiến, chúng ta tin tưởng họ sẽ đảm bảo chất lượng cho những bằng tiến sĩ của người Việt bảo vệ ở chỗ họ, và chúng ta có thể công nhận những bằng PhD đó là những bằng “tiến sĩ quốc tế”.
Còn với việc đào tạo trong nước, khả năng chúng ta có thể đào tạo được bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu, nhưng phải đảm bảo chất lượng của mỗi tiến sĩ được đào tạo. Nếu có sự thiếu hụt về số lượng, thì phần thiếu hụt phải được bù lại bằng việc đào tạo ở nước ngoài, và bằng việc đầu tư thêm nhiều tiền của để kích thích hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong nước. Những “khẩu hiệu” như “phải đào tạo được 10 nghìn tiến sĩ trong nước trong vòng 10 năm” rất vô lý nếu như chúng ta không có khả năng tương ứng. Nếu như có thể “bắt ép” các cán bộ đi học cao học để “phổ cập cao học cho cán bộ” được (tuy rằng nhiều người học xong cao học trình độ không cao lên), thì “việc phổ cập tiến sĩ” rất bất hợp lý vì nó sẽ tức khắc đẻ ra nhiều tiến sĩ giấy.
Quốc tế hóa các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ.
Để đảm bảo tiến sĩ có chất lượng quốc tế, bản thân hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cần có chất lượng quốc tế. Ngay các nơi tiên tiến trên thế giới cũng hay mời các phản biện người nước ngoài vào các hội đồng bảo vệ tiến sĩ, để đảm bảo tính quốc tế các luận án. (Bản thân người viết bài này cũng từng tham gia các hội đồng bảo vệ tiến sĩ ở các nước châu Âu khác nhau). Ở Việt Nam, việc có phản biện quốc tế trong hội đồng bảo vệ tiến sĩ là đặc biệt cần thiết. Nếu như chúng ta chưa thể áp dụng đòi hỏi này cho tất cả các luận án tiến sĩ, thì trong quá trình chuyển đổi có thể tạo 2 mức tiến sĩ khác nhau: mức “tiến sĩ nội địa” (qui trình bảo vệ như trước), và mức “tiến sĩ quốc tế” (qui trình khắt khe hơn nhiều, và đồng thời những người này phải được trọng dụng hơn).
Đầu tư thích đáng cho mỗi NCS trong nước.
Việc gửi một NCS đi học ở nước ngoài tốn cho Chính phủ khá nhiều tiền (riêng tiền học bổng đã hơn 10 nghìn USD một năm cho một NCS). Đào tạo trong nước có thể đỡ tốn kém hơn nhưng nếu muốn đảm bảo chất lượng cũng cần được đầu tư không quá thấp (ít ra cũng phải được bằng ½ NCS đi học nước ngoài, tức là phải đầu tư tối thiểu 25-30 nghìn USD cho một NCS trong toàn bộ thời gian làm NCS). Tiền đó để cấp học bổng cho NCS đủ cao để họ yên tâm sống mà làm việc nghiêm chỉnh và tự hào về công việc của mình, và để trang trải các chi phí khác, ví dụ như đi dự hội nghị khoa học quốc tế, mời GS nước ngoài vào hội đồng bảo vệ, phụ cấp cho GS hướng dẫn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)