Cải cách Nhà nước theo tinh thần doanh nghiệp và những trở ngại

Phương thức quản lý nhà nước theo kiểu quản lý doanh nghiệp qua bài Bài học về quyền lực Nhà nước từ mô hình công ty cổ phần* của tác giả Võ Trí Hảo là rất đáng quan tâm. Phương thức này được phương Tây dùng từ lâu và nhiều người ở ta cũng đã thấy. Tuy nhiên, để vận dụng vào nước ta thì trước mắt vẫn còn không ít trở ngại.

Tinh thần doanh nghiệp tức là tinh thần gắn trách nhiệm với lợi ích, việc có lợi thực sự thì mới làm, trước khi làm gì cũng suy xét tính toán chi ly; phân công phân cấp rõ ràng, trách nhiệm phân minh, giỏi thưởng sai phạt ngay. Quản lý nhà nước như quản lý doanh nghiệp là nguyên tắc xuyên suốt công tác tổ chức bộ máy nhiều nhà nước tiên tiến. Cách làm này rất hiệu quả: đơn giản hóa bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu suất làm việc (và do đó đồng lương) của viên chức, thực hiện được mục tiêu Chính phủ nhỏ, xã hội lớn.

Như Võ Trí Hảo đã nói: cách quản lý này có một ưu điểm là dễ tìm ra “bị đơn”, tức tìm ra người chịu trách nhiệm, vì thế dễ cải tiến, hoàn thiện tình hình trong từng lĩnh vực. Ở nước ta nhiều mặt cứ yếu kém mãi chính là do chẳng biết ai chịu trách nhiệm. Trong tình huống như thế, mọi người đều… vô trách nhiệm.

Trong quản lý, nhân tố quyết định là phân công phân cấp rành mạch, đề cao tự chủ tự quyết. Thí dụ, về phương án làm đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc Nam, năm ngoái, dư luận đã phản biện quyết liệt, và phương án ĐSCT không được đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua. Nhưng sau đó không thấy ai chất vấn vì sao ngành giao thông vận tải lại trình một dự án thiếu thuyết phục như vậy. Vì sao họ đã không tự nghĩ và tự quyết thấy ngay rằng Việt Nam hiện nay chưa cần và chưa làm nổi, khai thác nổi ĐSCT; dù có làm được thì khi khai thác sẽ lỗ vốn chỏng gọng (ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc hiện nợ như chúa chổm và để xảy ra tai nạn thảm khốc), gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà không một “lợi ích xã hội ” nào có thể bù đắp nổi.

Nếu quản lý nhà nước theo tinh thần doanh nghiệp thì mọi quyết sách thuộc ngành nào sẽ do ngành đó nghiên cứu đưa ra. Ông Đinh La Thăng có cái lý của mình khi nói Bộ trưởng là Tư lệnh ngành, mọi việc phải để ông quyết, nếu sai, ông chịu trách nhiệm. Suy ra: “trên” đừng có bắt ông làm cái này cái nọ. Chính vì kiểu quản lý tập trung, lãnh đạo tập thể mà khi quyết sách sai, tiền đóng thuế của dân thất thoát bao nhiêu (điển hình là vụ Vinashin) thì cái sai nghiễm nhiên thuộc về tập thể, cùng lắm chỉ thấy một vài lãnh đạo cấp doanh nghiệp Nhà nước phải gánh trách nhiệm chứ mà không thấy vị lãnh đạo của Bộ, ngành nào mất chức, giảm lương. Mớ bòng bong không minh bạch ấy làm mất lòng dân, mặt khác trình độ cán bộ lãnh đạo không thể nâng cao được.

Lãnh đạo mỗi ngành phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về ngành mình, chớ có đổ cho người khác và cũng chớ để cho người khác dạy bảo mình làm từng việc. Năm ngoái khi Nhà Trắng công bố kế hoạch làm việc của Tổng thống Obama, trong đó có việc đến thăm và nói chuyện ở một trường trung học, dân Mỹ nhao nhao góp ý kiến là ông chớ có nói về chủ trương giáo dục. Rốt cuộc Obama chỉ dám nói về kinh nghiệm học tập của bản thân ông mà thôi, thế mà báo Mỹ cho biết nhiều nơi phụ huynh và hiệu trưởng không cho học sinh xem buổi truyền hình trực tiếp bài nói ấy của ông. Tổng thống Mỹ đâu có được phép “dạy bảo” dân hoặc cấp dưới theo kiểu “quan phụ mẫu” thời xưa.

Tóm lại, lĩnh vực giao cho ai thì để người ấy toàn quyền làm; nếu tình hình không có chuyển biến tốt thì liệu mà từ chức sớm. Cấp lãnh đạo cao nhất chỉ nên làm chức năng nghiên cứu vạch đường lối, chiến lược phát triển dài hạn của cả nước, mọi việc cụ thể hãy giao cho các Tư lệnh ngành, Tư lệnh địa phương. Thế mới là dân chủ thực sự.

Hiệu quả của cách quản lý kiểu doanh nghiệp rất rõ ràng. Xin nêu vài thí dụ.

Ông Hindman Thị trưởng thành phố Columbia bang Missouri quản lý TP 100 nghìn dân này theo kiểu công ty mà Ủy ban Thành phố (chỉ có 7 người) được coi như Hội đồng Quản trị, mọi việc quản lý TP hàng ngày giao hẳn một người gọi là City Manager (được TP trả lương 120.000 USD/năm ; tuy toàn bộ UBTP đều làm không lương) thực thi. Với chức trách chấp hành các quyết nghị của Ủy ban TP, vị này coi như CEO công ty, được quyền tổ chức bộ máy làm việc riêng của mình. Công ty làm rất tốt việc của họ, từ cung cấp điện nước cho tới vệ sinh môi trường v.v… Tổng số viên chức ăn lương của TP, kể cả cảnh sát và lính chữa cháy, chỉ có 1.100 người. Kết quả Hindman (sinh 1933) được dân bầu làm Thị trưởng 5 khóa liền (1995-2010), nếu chưa già thì chắc vẫn còn được bầu.

Đại học Harvard cũng đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Harvard Corporation, một công ty chuyên lo gây nguồn tài chính và quản lý công việc nội bộ nhà trường, kể cả bổ nhiệm Hiệu trưởng. Nhờ thế Harvard có nguồn tài chính lên tới 27,4 tỷ USD (năm 2010), chẳng kém ngân sách nước ta. Thành tích giáo dục của họ thì miễn chê.

Công ty Apple đứng thứ nhì thế giới về giá trị thị trường (304 tỷ USD, gấp 3 lần GDP Việt Nam), có dự trữ tiền mặt tới 76,4 tỷ USD, hơn cả Bộ Tài chính Mỹ. Lãnh đạo một công ty lớn nhưng Steve Jobs chủ yếu lo việc hoạch định chiến lược phát triển công ty; mọi việc khác để các phòng ban và công ty con tự lo. Và các quyết sách đúng đắn của ông đã cứu công ty này từ chỗ giá cổ phiếu bằng khoảng 1-2 USD khi ông trở lại lãnh đạo Apple (1996) tăng lên tới 400 USD (2010). Khi ông ốm nặng phải từ chức CEO, cả thế giới đều tiếc nuối. Ngày 5/10 vừa qua, ông qua đời, cả nhân loại thương tiếc. Tổng thống Obama ca ngợi Steve Jobs là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ. M. Bloomberg Thị trưởng huyền thoại của New York nói nước Mỹ đã mất đi một thiên tài, người sẽ được nhớ đến cùng với Einstein và Edison. CEO công ty Samsung (đang kiện cáo Apple) ca ngợi ông là doanh nhân vĩ đại… Phong cách lãnh đạo doanh nghiệp của Steve Jobs đáng để lãnh đạo các quốc gia noi theo.

 —
(*) http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4404

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)