Cần chấp nhận 4 cơ chế quản lý trong dự án của GS T. Vallely.

Bản đề cương xây dựng trường đại học hàng đầu của Việt Nam mà ngài Thomas Vallely gửi tới Thủ tướng Phan Văn Khải và Chính phủ nước ta chứng tỏ ngài T.Vallely (sau đây xin phép viết tắt là T.V.) rất am hiểu bối cảnh lịch sử của Việt Nam (VN).

Ngoài nguyên nhân khách quan do lịch sử thế kỷ XX gây nên sự lạc hậu của giáo dục VN, thiết tưởng cũng phải nêu những nguyên nhân chủ quan, mà nếu không khắc phục được thì không thể thực hiện được bản đề cương của ngài T.V. hay những đề xuất của giáo sư Hoàng Tụy: đó là chủ nghĩa giáo điều quan liêu bảo thủ một thời gian dài đã khống chế nền khoa học nước ta, như phân biệt máy móc giữa hồng và chuyên, đòi hỏi cứ phải mèo đỏ mới bắt được chuột… Thậm chí trong những năm 60 của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc mà một số giáo sư giỏi đã không thể ở lại giảng dạy ỏ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tiếp đó, người có công lớn trong việc đào tạo đội ngũ trí thức VN, cố giáo sư Tạ Quang Bửu cũng bị cho là theo thiên tài chủ nghĩa. Ngày nay tuy đường lối đã cởi mởi hơn sau Đổi mới, tôi vẫn muốn nhắc lại những sự kiện đau xót đó là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến nền giáo dục nước ta bị tụt hậu và nếu không vượt qua được thì ta khó lòng thực hiện được đề cương rất tâm huyết của ngài T.V. và những đề xuất của giáo sư Hoàng Tụy!
Có thể bắt đầu xây dựng một trường Khoa học cơ bản cả tự nhiên và nhân văn ở Thủ đô, sau đó hoặc đồng thời xây dựng một trường Đại học công nghệ ở Thành phố HCM, nhưng theo một đề án riêng và khả năng tài chính riêng của thành phố.
Nhân đây tôi muốn nhắc lại chuyện, cách đây 10 năm, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã có một quyết định khá chiến lược là: xây dựng ba trường Trung học chất lượng cao tiêu biểu trong cả nước để lựa chọn những học sinh ưu tú cho đại học và thành lập trường Đại học Quốc gia với một quy chế đặc biệt, giúp nó thoát khỏi sự ràng buộc của một nền hành chính bảo thủ và quan liêu. Rất tiếc là khi thực hiện quyết định chiến lược đó, lẽ ra phải xây dựng một Đại học Quốc gia hoàn toàn mới, trên những tiêu chí mới, thì ta lại đi sáp nhập thành một cục một số trường đại học cũ đã xơ cứng. Vì mỗi trường đã có một lịch sử phát triển như một vương quốc riêng nên không dễ gì họ có thể chung sống hòa hợp với nhau được, rút cuộc Trường Đại học Sư phạm đã đòi tách riêng và nay bên trong Đại học Quốc gia là ba trường đại học có bộ máy riêng, cơ sở vật chất riêng và cung cách hoạt động, chất lượng đào tạo cũng không hơn trước bao nhiêu tuy có xây dựng được một số cơ sở nhà cửa khang trang hơn! Kết quả là mặc dầu có một quyết định chiến lược nhưng thiếu quyết tâm chỉ đạo chiến lược, nền giáo dục nước ta vẫn không thể bứt phá lên được.

4 nguyên lý cơ bản trong cơ chế quản lí

Tôi cho rằng đề cương của ngài T.V. là có tầm nhìn chiến lược. Muốn thay đổi  nền giáo dục VN một cách cơ bản phải bắt đầu tư đại học chứ không phải chỉ từ mẫu giáo hoặc tiểu học. Để thoát khỏi cơ chế tập trung sơ cứng, phải bắt đầu bằng xây dựng mới một trường đại học hàng đầu ở VN, một đầu máy mới đủ mạnh, đủ sức kéo các toa tầu cũ lên phía trước. Đồng ý với giáo sư Hoàng Tụy đẳng cấp của trường đại học mới đó là Đại học đẳng cấp quốc tế, chứ không phải cái tên đại học quốc tế nêu trên báo Tuổi trẻ ngày 8/12/2005 được. Tên gọi của đại học đó sẽ bàn sau nhưng cũng có thể là Đại học Thăng Long như một số đề nghị. Về tính chất trường đại học đó phải là một trường đại học nghiên cứu, có cả hai cấp cử nhân và tiến sĩ, ở đó các giáo sư đều phải là những nhà khoa học đang nghiên cứu những vấn đề bức thiết của đất nước hoặc của khoa học hiện đại. Đáng tiếc là khác mô hình tổ chức của Mỹ, các viện nghiên cứu cơ bản của ta lại tách khỏi các trường đại học…! Đó là một thực tế phải tính đến khi xây dựng mới trường đại học đẳng cấp quốc tế của VN. Đã có nhiều đề xuất liên kết Viện khoa học và Công nghệ VN và Viện Khoa học xã hội và Nhân văn với Đại học Quốc gia HN, nhưng các cơ thể đó cũng không dễ gì kết duyên với nhau được.

Theo suy nghĩ của tiểu ban đề án của Bộ Giáo dục- Đào tạo thì mãi đến năm 2008-2009 mới bắt đầu tuyển sinh cho Đại học mới, như vậy là quá chậm: sự tiến bộ vũ bão của khoa học thế giới không đợi cách đi như rùa ấy của chúng ta!

Để xây dựng thành công trường Đại học hàng đầu của VN, chúng ta cần chấp nhận bốn nguyên lý cơ bản trong cơ chế quản lí các trường đại học, đảm bảo cho sự thành công các trường đại học ưu tú của Mỹ. Trong bốn nguyên lý cơ bản mà ngài T.V. nêu ra thì hai nguyên lí đầu có lẽ là khó thực hiện nhất trong khi ở ta hiện nay trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo vẫn tồn tại dai dẳng cơ chế quản lí tập trung quan liêu và bảo thủ: các trường đại học không được phép xây dựng một chương trình riêng chỉ tập trung vào việc nâng cao tay nghề cho sinh viên của trường mình. Ví dụ; tại Đại học Bách khoa sinh viên năm đầu đáng lẽ phải nâng cao ngoại ngữ và các môn cơ bản để nghiên cứu tạp chí nước ngoài thì họ lại mất nhiều thì giờ vào không ít những môn vô bổ. Nhiều người chắc ngần ngại khi chấp nhận nguyên lý thứ hai mà ngài T.V. nêu ra nhưng tôi cho rằng chỉ có tự do thảo luận mới sáng tỏ được chân lý, nhất là trong các khoa  học nhân văn, không thể áp đặt và để tồn tại những vùng cấm kỵ. Nếu coi trường đại học hàng đầu của VN là một khu vực chiến lược, thì các vị lãnh đạo cao nhất của nước ta cũng nên theo kinh nghiệm của Trung Quốc trong Đại cách mạng văn hóa, Hồng vệ binh đánh tơi bời các giáo sư đại học, nhưng có một khu vực chiến lược tuyệt đối cấm không ai được đụng tới là nơi nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Đại học hàng đầu của VN không nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nhưng đào tạo những nhân tài cho đất nước, cũng xứng đáng được coi như một khu vực chiến lược của đất nước. Cho nên ở trường đại học đó nếu có những cuộc thảo luận và phát biểu khác với chủ trương của lãnh đạo hiện nay, thì chỉ nên khoanh nó trong lĩnh vực học thuật mà không nên vội quy kết về chính trị.

Bắt đầu như thế nào?
Tôi nghĩ Thủ tướng Phan Văn Khải là người đề ra việc này thì ông sẽ có biện pháp thúc đẩy để đề án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế sớm được thực hiện. Đồng ý với giáo sư Hoàng Tụy thời cơ lúc này là rất thuận lợi và cấp bách, nếu trong văn kiện Đại hội X Thủ tướng kịp bổ sung vấn đề này thành một nhiệm vụ lớn của kế hoạch 5năm sắp tới. Nếu chúng ta bắt đầu ngay thì chỉ trong dăm bảy năm nữa chúng ta sẽ có lớp nhân tài, nếu được là lớp hiền tài thì thật quý. Tuy nói vì sự nghiệp trăm năm trồng người, nhưng thực ra trồng một cây gỗ quý phải mất hàng trăm năm, chứ trồng nhân tài thì không mất đến chục năm nếu bắt đầu ngay.
Việc đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về giáo dục nên giao ngay cho một nhà khoa học hàng đầu của ta, tốt nhất là đã có kinh nghiệm đi giảng dạy ở Mỹ và các nước phương Tây, lập một tiểu ban dự án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, giống như 50 năm trước Chính phủ đã tin và giao toàn quyền cho cố giáo sư Trần Đại Nghĩa đứng ra xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội. Có thể bắt đầu xây dựng một trường Khoa học cơ bản cả tự nhiên và nhân văn ở Thủ đô, sau đó hoặc đồng thời xây dựng một trường Đại học công nghệ ở Thành phố HCM, nhưng theo một đề án riêng và khả năng tài chính riêng của thành phố. Theo kinh nghiệm 10 năm trước về xây dựng Đại học Quốc gia, thì dứt khoát không nên dựa vào một trường đại học sẵn có vì trường nào cũng có tính bảo thủ khó vượt qua. Tất nhiên sau này sẽ lựa chọn những giáo sư đủ tầm cỡ của Đại học Quốc gia hiện nay và của hai Viện nghiên cứu Khoa học Quốc gia giảng dạy ở Đại học mới. Theo suy nghĩ của tiểu ban đề án của Bộ Giáo dục- Đào tạo thì mãi đến năm 2008-2009 mới bắt đầu tuyển sinh cho Đại học mới, như vậy là quá chậm: Sự tiến bộ vũ bão của khoa học thế giới không đợi cách đi như rùa ấy của chúng ta! Muốn đi tắt đón đầu thì phải có giải pháp mạnh dạn hơn, ví dụ không bê nguyên xi một trường đại học cũ lên Hòa Lạc mà dành địa điểm đó cho Đại học đẳng cấp quốc tế với diện tích và cơ ngơi tương tự Đại học Quyxơn Xiti của Philippines (549ha). Trong khi chờ đợi xây dựng mới, có thể mượn một cơ sở của Đại học Quốc gia hiện nay làm địa điểm tạm thời ở Hà Nội. Tôi nghĩ đề án phải được thông qua sớm và nhân sự phải được quyết định càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước Đại hội X và nếu vào đầu năm học 2006- 2007 đã có thể tuyển sinh một vài trăm sinh viên hoặc ít hơn cũng được, theo những tiêu chuẩn mới, nghĩa là sinh viên phải qua TOEFL chẳng hạn, có chế độ mới cho cả giáo sư và sinh viên và bắt đầu giảng dạy theo chương trình mới là đẹp nhất.
Với phương án vừa làm vừa xây dựng thì cũng không phải đợi đến 2009 chúng ta mới bắt đầu đào tạo lớp tiến sĩ mới, có trình độ quốc tế. Điều kiện để thành công là trường đại học đẳng cấp quốc tế phải được sự tin tưởng tuyệt đối của Thủ tướng Chính phủ và có chế độ đặc biệt để thầy trò ngày đêm có thể tập trung vào khoa học mà không phải bận bịu và lo lắng tới đời sống hàng ngày.

GS. NGND. Nguyễn Văn Chiển 

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)