Cần chặt chẽ và minh bạch

Ngày 25/05/2011, Đại sứ quán Thụy Điển – thay mặt các đối tác phát triển Việt Nam, đại diện bởi các đại sứ Thụy Điển, Anh, Nhật, Đan Mạch, Thụy Sĩ, …  và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, UNDP, ADB, …  cùng với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng thay mặt cho Chính phủ Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị Đối thoại Phòng, chống tham nhũng lần thứ 9, với chủ đề Phòng, chống tham nhũng trong ngành khai khoáng ở Việt Nam.

Các hội nghị Đối thoại Phòng, chống tham nhũng là hoạt động được tổ chức định kỳ là cơ hội để Chính phủ Việt Nam – lần này có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TW về Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, và các Bộ, ngành liên quan, trình bày và thảo luận về thực trạng, tiến trình, và các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, với các đối tác phát triển,

Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng là vấn đề được các đối tác phát triển của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Khoáng sản có thể là nguồn tài nguyên tạo ưu thế và sự thịnh vượng cho các quốc gia và dân tộc. Nhưng kinh nghiệm từ các nước với “lời nguyền tài nguyên” cho thấy sự giàu có về khoáng sản không hoàn toàn giúp một quốc gia bớt nghèo hơn và có phúc lợi tốt hơn cho mọi công dân 1. Chiến lược khai khoáng không phù hợp và yếu kém trong công tác quản lý chống tham nhũng khoáng sản chính là lực cản ngăn các quốc gia chuyển hóa lợi thế về tài nguyên tự nhiên thành tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.

Thất thoát thuế và các nguồn thu của Nhà nước

Trong thực tế quá trình khai thác và kinh doanh khoáng sản đang còn nhiều bất cập gây thất thoát thuế và các nguồn thu khác của Nhà nước. Theo báo cáo2 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Tư vấn Phát triển (CODE) thì không có sự thống nhất trong cách tính thuế tài nguyên ở các địa phương. Một số địa phương tính thuế tài nguyên căn cứ theo mức giá trên hóa đơn tại thời điểm doanh nghiệp khai thác bán khoáng sản cho đối tác, ví dụ như đối với titan ở Bình Định. Doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý địa phương cho rằng phương thức này dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản thỏa thuận với đối tác tiêu thụ ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá thị trường nhằm trốn một phần thuế tài nguyên. Thuế tài nguyên và các nguồn thu khác của Nhà nước cũng bị thất thoát rất lớn qua một kẽ hở khác là việc doanh nghiệp tự kê khai sản lượng tháng, quý cho cơ quan thuế trong khi hầu như không có cơ chế giám sát sản lượng hoặc còn rất lỏng lẻo. Tình trạng buôn lậu tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra qua nhiều năm, chẳng hạn đối với than và titan, mặc dù cơ quan Nhà nước đã tăng cường giám sát và kiểm tra trong thời gian gần đây.

… Kinh nghiệm từ các nước với “lời nguyền tài nguyên” cho thấy sự giàu có về khoáng sản không hoàn toàn giúp một quốc gia bớt nghèo hơn và có phúc lợi tốt hơn cho mọi công dân.

Đối với nguồn thu từ phí mua, sử dụng thông tin, và tiền hoàn trả chi phí thăm dò mỏ có sử dụng vốn NSNN, trên thực tế ở hầu hết các địa phương được khảo sát, Nhà nước hầu như không thu được các khoản thu này, hoặc thu còn rất hạn chế. Ví dụ như đối với các mỏ than ở Quảng Ninh, hầu như Nhà nước không thu được khoản tiền hoàn trả thăm dò mỏ trong suốt các năm qua, nguyên nhân do sự phân quyền quản lý thiếu rõ ràng và lẫn lộn chức năng quản lý.

Một bất cập khác là phí bảo vệ môi trường, hiện nay theo ý kiến của đa số cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp thì phí này hiện nay quy định vẫn còn thấp và thiếu công bằng giữa các loại khoáng sản khác nhau. Ví dụ, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác than là 6 nghìn đồng/tấn, còn đối với khai thác đá ốp lát là 50 nghìn đồng/tấn, trong khi khai thác than bị đánh giá là gây tác động tiêu cực tới môi trường lớn hơn so với khai thác đá ốp lát. Phí bảo vệ môi trường là khoản thu lớn mà địa phương được giữ lại toàn bộ dùng để chi phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhưng đôi khi không được địa phương sử dụng đúng mục đích, chẳng hạn dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng không mang tính bảo vệ môi trường như nhà văn hóa, đường giao thông, …

Năng lực quản lý hạn chế, quy định chồng chéo và chưa rõ ràng

Theo báo cáo tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản ở Việt Nam còn nhiều điểm bất hợp lý. Nhiều quy định của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế, nội dung quy định hoạt động điều tra cơ bản về địa chất và tài nguyên khoáng sản chưa rõ nét, khó thực hiện. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang nặng cơ chế xin – cho. Theo dẫn chứng trong phát biểu của TS. Trịnh Xuân Bền, Cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ TN&MT, thì có doanh nghiệp khi làm thủ tục xin cấp phép thăm dò khoáng sản đã phải đi xin tới 26 con dấu.

Các nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang gánh vác cho quốc gia những gánh nặng bất hợp lý. Chiến lược phát triển kinh tế bất cân đối, quy hoạch và chiến lược khai khoáng không phù hợp, đã khiến Việt Nam lãng phí các nguồn tài nguyên khoáng sản của mình. Vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam là rất đáng quan tâm trong bối cảnh Việt Nam sẽ sớm phải nhập khẩu than. Bên cạnh đó, nguồn thu của Ngân sách Nhà nước từ dầu mỏ đang buộc phải san sẻ để trả nợ và cứu vãn những thua lỗ trước đây của Vinashin. Đây là những vấn đề đáng được đặt bên cạnh các nội dung của hội thảo Phòng, chống tham nhũng trong ngành khai khoáng ở Việt Nam, qua đó giúp chúng ta hình dung một tổng quan đáng lo ngại về thực trạng khai thác và sử dụng khoáng sản của Việt Nam.

Tham luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số sơ hở về cơ chế, chính sách. Ví dụ, Nghị định số 59/CP ngày 12/6/2005 của Chính phủ quy định “than mỏ là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nhưng không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”, trong khi Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22/10/2007 của Bộ Công thương lại hướng dẫn rằng than không phải là mặt hàng cấm, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các văn bản vừa mâu thuẫn, vừa sơ hở trên đây tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng mua bán hóa đơn GTGT hợp pháp hóa nguồn than trái phép để bán, và mang đi xuất khẩu than tiểu ngạch. Về quy hoạch khoáng sản của Trung ương, sau khi phê duyệt gần như chưa thực hiện công bố công khai nội dung quy hoạch và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, dẫn tới tình trạng mỗi địa phương hiểu theo một cách khác nhau, thực hiện cũng khác nhau, không đúng nội dung quy hoạch, thậm chí có thể cấp phép hoạt động khoáng sản tại địa điểm thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản vì lý do an ninh – quốc phòng.

Tham luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra thực tế là hiện nay thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đang được giao cho các UBND cấp Tỉnh, trong khi năng lực của các cơ quan tham mưu của địa phương còn hạn chế, khiến hoạt động quản lý, cấp phép còn nhiều thiếu sót. Về vấn đề này, tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chưa hợp lý và chưa đảm bảo phù hợp với năng lực cơ quan thực hiện. Trong 5 năm 2005-2009, các địa phương đã cấp tổng cộng hơn 4000 giấy phép khai thác các loại, gấp 10 lần số lượng giấy phép do TW cấp trong phạm vi cả nước.   

Các đối tác phát triển khuyến nghị cần nâng cao tính minh bạch

Phát biểu tại hội nghị Đối thoại Phòng, chống tham nhũng lần thứ 9, hầu hết các đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế đều nhất trí khẳng định Việt Nam cần chú trọng nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Các đối tác phát triển đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc tham gia thực thi Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng – Extractive Industries Transparency Initiative (EITI).

EITI là một liên minh tự nguyện giữa các Chính phủ, các công ty, các tổ chức xã hội và quốc tế, trong đó các bên tham gia thực thi một tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản, bao gồm hai cơ chế chủ yếu:

– Yêu cầu các công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho Chính phủ và ngược lại, yêu cầu Chính phủ công khai nguồn thu mà Chính phủ nhận được từ các công ty khai khoáng;
– Yêu cầu thành lập một cơ quan độc lập để đối chiếu các số liệu thu được. Cơ quan này được quản lý và giám sát bởi một ủy ban hỗn hợp 

Việc tham gia EITI của Việt Nam sẽ giúp người dân giám sát được nguồn thu từ hoạt động khoáng sản, giảm xung đột và tính cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp và giảm kẽ hở cho tham nhũng. Qua đó, uy tín của Chính phủ và nguồn thu cho ngân sách được tăng lên, lòng tin của các nhà đầu tư được tạo dựng, thu hút thêm dòng vốn đầu tư của nước ngoài.

Cũng theo nghiên cứu của VCCI và CODE3 thì hiện nay đa số các cơ quan quản lý Nhà nước (như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước), các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… đều cho rằng Việt Nam nên tham gia EITI nhằm tạo ra môi trường minh bạch hơn trong ngành khai thác.
                    P.V
————–
1: Tham luận của Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom. 
2, 3: Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng – EITI và khả năng tham gia của Việt Nam, báo cáo của VCCI và CODE

Vai trò của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình
… Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đã được rộng rãi công nhận là phương thuốc để loại bỏ cội rễ của tham nhũng.
Vâng, minh bạch. Nhưng minh bạch trong những gì?
Minh bạch trong quản lý nguồn thu. Những thanh toán của doanh nghiệp và nguồn thu của Chính phủ phải được thông báo. Công dân phải có khả năng kiểm tra việc thu thuế, giải ngân, và đầu tư nguồn thu của Chính phủ.
Minh bạch trong đấu thầu và cấp giấy phép khai thác để tránh sự không công bằng, tránh đặc quyền đặc lợi và quan hệ thân thiết để có được các hợp đồng khai thác.
Và nhân tố thứ hai vô cùng quan trọng: Trách nhiệm giải trình…
Chúng ta có thể tăng cường trách nhiệm giải trình được không khi xã hội dân sự ít có cơ hội tham gia giám sát? Có thể đòi hỏi trách nhiệm giải trình được hay không khi công chúng giữ im lặng? Việc nâng cao trách nhiệm giải trình có khả thi được hay không khi báo chí không có trong cuộc chơi?
Với điểm cuối cùng này thì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình phải được cùng kết hợp. Một nền báo chí mạnh mẽ, chuyên nghiệp và tự do cần phải được khuyến khích, chứ không phải là [bị] làm nhụt chí, [phải giúp] phát hiện những sai phạm trong quản lý và những hành vi tham nhũng. Nếu không làm như vậy, thất bại sẽ ở ngay trước mắt. 
(Tham luận của Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom trong hội nghị Đối thoại Phòng, chống tham nhũng lần thứ 9 )

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)