Cần giải pháp đột phá trong học và thi ở THPT

Hàng chục năm qua xã hội đã phải gồng mình chịu đựng một nền giáo dục lạc hậu lại tốn kém một cách phi lý đối với đất nước còn nghèo. Mặc cho những cảnh tỉnh của nhiều thức giả và chính khách, nhiều người vẫn ngủ say với ảo tưởng cứ đủng đỉnh học và thi kiểu này kinh tế vẫn tăng trưởng cao, đều đều. Nay thì mọi sự đã rõ: với một nền giáo dục què quặt, sớm muộn kinh tế sẽ gặp khó khăn. Sau đây xin kiến nghị giải pháp đột phá về tổ chức việc học và thi ở THPT nhằm giảm bớt căng thẳng không cần thiết cho xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và chấm dứt hội chứng thi vốn là nguồn gốc những lãng phí lớn đã đến lúc không thể chấp nhận được. Thật ra nhiều ý kiến dưới đây đã được phát biểu rải rác trong nhiều dịp(2), song vì đến nay chưa được các cơ quan hữu trách chú ý, nên với tình hình mới, xin được trình bày lại một cách tập trung, có hệ thống, và tường minh hơn. Rất mong những đề nghị khẩn thiết này sẽ được Bộ GD&ĐT nghiên cứu và có ý kiến phản hồi.

Trước hết xin bàn về tổ chức việc học, từ đó mới thấy rõ cần thi như thế nào cho hợp lý.
1.      Giảm tải và nâng cao chương trình THPT bằng giải phảp phân ban mềm
Từ nhiều năm nay chương trình trung học phổ thông không ngớt bị kêu ca quá tải, nhưng vẫn chưa có giải pháp thoả đáng. Đương nhiên quá tải không chỉ do chương trình mà còn do cách dạy không thích hợp, nhưng theo tôi, còn có một nguyên nhân cơ bản nữa là tổ chức học và thi chưa hợp lý.
Suy cho cùng vấn đề này liên quan tới một điểm hệ trọng về triết lý giáo dục là quan hệ giữa hai mục tiêu văn hóa (bồi dưỡng văn hóa phổ quát, “dạy người”) và kinh tế (đào tạo nghề nghiệp, “dạy nghề”) của giáo dục. Trên nguyên tắc hai mục tiêu này phải kết hợp hài hòa, nếu chỉ chú trọng một bên mà coi nhẹ bên kia, gây sự xung đột hay lệch pha giữa hai mục tiêu thì trước sau gì giáo dục cũng sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Trước đây THPT chỉ có một chương trình thống nhất, nhằm mục tiêu cung cấp văn hóa phổ quát. Đến 1994, với mục đích hướng nghiệp sớm cho học sinh, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương phân ban ở THPT. Nhưng suốt 15 năm trời, tiêu tốn khá nhiều tiền của, công sức để thí điểm liên tục các chương trình phân ban mà vẫn không thành công. Nhiều người kiên quyết phản đối phân ban vì vẫn giữ quan điểm giáo dục phổ thông phải tập trung bảo đảm văn hóa phổ quát.

Tình trạng yếu kém của giáo dục kéo dài nhiều năm qua không thể nói là vô can đối với những khó khăn kinh tế hiện nay. Cho nên trong nhiều biện pháp khắc phục các khó khăn ấy những biện pháp về giáo dục cũng phải được coi là then chốt và lâu dài.

Sự phản đối này không phải không có lý, vì khoa học, công nghệ càng phát triển, thế giới càng tràn ngập thông tin thì văn hoá phổ quát càng cần thiết để khỏi bị lạc hướng trong rừng thông tin và giúp cho con người được thật sự tự do, làm chủ vận mệnh của mình. Viện cớ kinh tế đòi hỏi nhân lực ngày càng phải được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu để xem nhẹ văn hoá phổ quát là một sai lầm.
Tuy nhiên vấn đề không đơn giản chỉ có thế. Ít ra trong vài thâp kỷ gần đây cuộc sống trong xã hội hiện đại đã có những thay đổi lớn: một mặt các vật phẩm tiêu dùng, dich vụ, có xu hướng cá tính hóa,  cố gắng phù hợp nhất có thể được với điều kiện, tính tình, ưa thích của cá nhân người dùng; mặt khác, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, lứa tuổi 15-17 có tâm lý muốn tự lập sớm, suy nghĩ sớm về tương lai nghề nghiệp, phát triển mạnh cá tính, ôm ấp nhiều hoài bão, ước mơ táo bạo. Muốn giáo dục có kết quả, nhà trường phổ thông phải chú ý hai đặc điểm đó, không thể gò bó tất cả học sinh ở lứa tuổi này vào một chương trình thống nhất, mà cần có nhiều hướng lựa chọn khác nhau tùy theo sở thích, xu hướng, nguyện vọng từng cá nhân. Do đó phân ban dưới một hình thức nào đó đã trở nên thật sự cần thiết.
Cái dở của các chương trình thí điểm trước đây của Bộ GD&ĐT không phải ở chỗ phân ban, mà ở chỗ phân ban cứng, buộc học sinh phải chọn ban dứt khoát quá sớm (ngay từ đầu cấp 3) và khi đã chọn ban nào rồi thì phải theo ban đó tới cùng. Ở cái tuổi đang dò dẫm chưa tự hiểu hết bản thân mình học sinh rất khó chọn đúng ban thích hợp với mình ngay từ đầu nhưng với cách phân ban cứng nếu lỡ chọn nhầm ban thì không có cách sửa chữa sai lầm. Không phân ban thì nhiều học sinh phải học quá kỹ nhiều điều không cần thiết cấp bách đối với họ, nhưng phân ban cứng thì lại bắt buộc học sinh học chuyên quá nhiều môn cùng một lúc (như ban khoa học tự nhiên phải học chuyên cả 4 môn toán, lý, hóa, sinh). Thành ra trong cả hai cách, chương trình đều quá nặng đối với số đông học sinh, trong khi đó đối với số ít học sinh có thiên hướng mạnh về một vài môn nhất định lại không được học đủ sâu về các môn đó mà phải mất quá nhiều thì giờ học kỹ những môn họ không có nhu cầu và sở thích.
 

Để tránh những khuyết điểm ấy giải pháp tối ưu, theo kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến, là phân ban “mềm”: về mỗi môn như toán, lý, hóa, sinh, văn…, có hai chương trình, một bình thường, một nâng cao, còn các môn khác chỉ cần một chương trình thống nhất. Tùy sức và thiên hướng mỗi học sinh có thể chọn, về mỗi môn, một chương trình, bình thường hay nâng cao, để đăng ký xin học. Đăng ký chương trình nào thì học và thi lấy tin chỉ chương trình đó, mỗi năm có thể chọn khác nhau, năm nay chọn chương trinh nâng cao về môn nào đó, năm sau thấy khó có thể đổi sang chương trình bình thường, hay ngược lại. Đến lớp12 (cuối cấp), đủ số tín chỉ cần thiết thì được cấp bằng tôt nghiệp, không cần thi tốt nghiệp nặng nề, vất vả như ta hiện nay.

Giải pháp tối ưu, theo kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến, là phân ban “mềm”: về mỗi môn như toán, lý, hóa, sinh, văn…, có hai chương trình, một bình thường, một nâng cao, còn các môn khác chỉ cần một chương trình thống nhất. Tùy sức và thiên hướng mỗi học sinh có thể chọn, về mỗi môn, một chương trình, bình thường hay nâng cao, để đăng ký xin học.

Thường mỗi học sinh chỉ chọn học nâng cao vài môn. Điều đó cho phép chương trình nâng cao càng lên lớp trên càng khác (cao hơn) chương trình bình thường, thậm chí lớp 12 có thể có hai hay ba chương trình nâng cao để lựa chọn, với mức cao nhất có thể ngang chương trình năm thứ nhất đại học. Kết quả học tập chương trình nâng cao này được bảo lưu, khi lên đại học khỏi phải học lại. Làm như vậy, vừa hợp sức của số đông (đơn giản nhất có thể học chương trình bình thường về mọi môn), vừa cho phép học sinh tự điều chỉnh kế hoạch học từng năm một, không phải bị ràng buộc cứng nhắc vào sự lựa chọn ban đầu thường khó chính xác được ngay. Hơn nữa, ai có khả năng đặc biệt về một môn nào đều có thể tranh thủ học được một phần chương trình đại học để về sau rút ngắn thời gian học đại học.
Sau nhiều năm các phương án phân ban cứng kế tiếp đưa ra thí điểm đều không đạt kết quả, chúng tôi đã đề nghị  Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu thực hiện phân ban mềm như ở nhiều nước phát triển đã làm. Đáng mừng là năm học 2007-2008 chương trình phân ban mới đã có những thay đổi bước đầu theo hướng đó. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, do vẫn còn muốn giữ các chương trình và sách giáo khoa đã lỡ soạn và in theo kiểu phân ban cứng, nên giải pháp đưa ra có tính chất nửa vời: vẫn duy trì hai ban cứng (ban khoa học tự nhiên, và ban khoa học xã hội), chỉ thêm ban cơ bản mềm hơn, cho phép học mọi môn theo chương trình bình thường, ngoài ra học nâng cao về vài môn tùy chọn. Vì tính chất linh hoạt đó ban cơ bản được đại đa số học sinh (70%) hưởng ứng. Đó là một tiến bộ đáng hoan nghênh, đồng thời nó cũng cho thấy trong năm học tới cần mạnh dạn tiến thêm bước nữa, bỏ hẳn các ban cứng (khoa học tự nhiên và xã hội), còn ban cơ bản nên để học sinh khi đã chọn học nâng cao môn nào thì không cần phải học chương trình bình thường môn ấy nữa. Tóm lại, nên phân ban mềm hoàn toàn như ở nhiều nước phát triển. Với cách phân ban đó, tổ chức việc học ở THPT sẽ gần giống với đại học, bước đầu thực hiện phân luồng để giảm bớt khó khăn khi tuyển sinh ĐH và CĐ.
Có người e ngại điều kiện thực tế của ta chưa cho phép thực hiện phân ban mềm, song kinh nghiệm vừa qua cho thấy với 70% học sinh chọn ban cơ bản các trường không có khó khăn gì đặc biệt, nên việc tiến lên phân ban mềm chắc chắn cũng sẽ khả thi. Cái lợi căn bản là việc học bớt nặng nề nhờ thích hợp hơn với sở thích và khả năng từng người, đồng thời như sau đây sẽ trình bày rõ, với cách tổ chức việc học như thế, thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn cần thiết.

2.  Thi tốt nghiệp THPT: không cần thiết và nên bỏ
Học sinh chúng ta phải thi cử liên miên và năng nề, tốn kém, mà chất lượng giáo dục của ta lại thua kém thiên hạ. Vây không phải cứ thi nhiều thì mới bảo đảm chất lượng giáo dục. Trái lại, chính vì tập trung lo thi nhiều hơn lo học cho nên mới sinh ra xu hướng tiêu cực học chỉ cốt để thi, đặc trưng của một nền giáo dục hư học.
Sau nhiều năm đấu tranh vất vả chúng ta đã bỏ được thi tiểu học và thi THCS. Còn lại hai kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, Bộ GD&ĐT có dự kiến kết hợp hai kỳ thi đó làm một, song không được sự ủng hộ của dư luận vì xét ra việc kết hợp đó không hợp lý. Nhưng vấn đề không chỉ ở chuyện kết hợp hai kỳ thi mà quan trọng hơn là cần xem xét lại chính sự cần thiết của mỗi kỳ thi ấy.
Để có giải pháp hợp lý, trước hết cần hiểu ý nghĩa việc kiểm tra và thi trong quá trình học. Mỗi môn học có hai phần: một phần, tạm gọi là “cứng”, gồm các khái niệm cơ bản, các sự kiện, công thức cần ghi nhớ (thậm chí thuộc lòng), các kỹ năng đặc biệt cần nắm vững, phần này phải luyện tập thành thạo và kiểm tra, nghiêm túc trong từng chương và thi khi kết thúc giáo trình. Còn phần kia, tạm gọi là “mềm”, thuộc về tư duy logích, năng lực trừu tượng, khái quát, tiếp cận các vấn đề phức tạp, liên kết, tổng hợp các tri thức, phát triển trực quan, trí tưởng tượng, đầu óc tìm tòi sáng tạo, và cả khả năng biểu đạt tư tưởng chuẩn xác, rành mạch – phần này phải chắt lọc, tích lũy qua nhiều môn, tổng hợp thành cốt lõi của cái thường được hiểu là “văn hóa phổ quát”, hay như có người nói, là cái còn lại trong đầu sau khi quên hết các kiến thức cụ thể về từng môn đã học. Phần này tuy khó kiểm tra hay thi theo từng môn nhưng lại có ích cho suốt cả đời người và là cái nền bảo đảm sự vươn xa của từng chuyên gia trong thế giới trí thức ngày nay.
Chương trình mỗi cấp học, phổ thông hay đại học, gồm nhiều môn, mỗi môn chia ra nhiều học trình sắp xếp theo một trình tự nhất định. Nếu từng phần của học trình đều có kiểm tra và khi kết thúc từng học trình đều có thi nghiêm túc, thì cuối cấp không cần kiểm tra hay thi lại một lần nữa: phải biết quên đi nhiều thứ đã học mà không cần lâu dài thì mới nhớ được thêm nhiều thứ cần thiết khác khi ra đời và làm việc thực tế. Nói như Alvin Toffler, mù chữ thời nay không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những ai không biết học (learn), biết giải học (unlearn, cởi bỏ cái đã học), và biết học lại (relearn)!
Vậy thi tốt nghiệp để làm gì?
Có người bảo phải có thi tốt nghiệp việc học mới nghiêm túc, đó chỉ là ngụy biện. Muốn việc học nghiêm túc, điều cần làm là kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc suốt từ dưới tới lớp cao nhất, chứ không phải cứ cho lên lớp bừa bãi, rồi đến cuối cấp tổng kiểm tra bằng một kỳ thi tốt nghiệp.
Dù sao kết quả học tập 12 năm trời không thể dồn lại được quyết định chỉ trong một kỳ thi năm ba ngày. Điều đó gây căng thẳng tâm lý không cần thiết lại mang nhiều yếu tố may rủi (thí sinh nào nhỡ ốm đau đúng vào dịp thi tốt nghiệp thì quá thiệt). Và lại, thi trắc nghiệm tuy đang được tích cực áp dụng vì có một số thuận tiện cho cơ quan quản lý, nhưng bản chất nó chỉ thích hợp để kiểm tra trình độ tối thiểu, còn muốn phân biệt giỏi dở thì đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu rất khó thực hiện tốt trong điều kiện VN (giàu có như Mỹ mới có khả năng tổ chức thi trắc nghiệm có hiệu quả, mà không phải mọi sự đã ổn)(3).

3.  Bỏ thi THPT thì đổi mới tuyển sinh ĐH và CĐ như thế nào?
Cùng với việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, điều hết sức cần kíp là thay đổi cách tuyển sinh ĐH và CĐ. Trong lúc các trường đại học và cao đẳng ngày càng phức tạp, đa dạng về tính chất cũng như trình độ mà việc tuyển sinh lại theo một qui trình, cách thức thống nhất như hiện nay là không hợp lý. Do tư tưởng quản lý tập trung quan liêu còn rất nặng nên từ việc đăng ký thi, ra đề thi cho đến việc coi thi, giám sát thi, chấm thi, tất cả thành một hệ thống phức tạp vượt quá tầm kiểm soát hữu hiệu của Bộ GD&ĐT, khiến cho mặc dù đã được liên tục chỉnh sửa đến nay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ vẫn rất nhiêu khê, tốn kém và còn nhiều bất cập. Việc tổ chức thi tập trung ở các thành phố khiến thí sinh ở nông thôn và vùng xa phải chịu thêm một áp lực tâm lý năng nề và một gánh nặng chi phí về tiền trọ, đi lại, ăn ở và cả học luyện thi trước ngày thi. Đó là một bất công lớn đối với họ, mà cho đến nay các cơ quan quản lý không hề quan tâm.

Theo tôi, tốt nhất nên thay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ hiện nay bằng một kỳ thi sơ tuyển (ST)  nhẹ nhàng kiểu như SAT ở Mỹ, chỉ nhằm kiểm tra xem trình độ văn hóa phổ quát của thí sinh có đạt mức tối thiểu cần thiết để theo học ở đại học hay không; còn việc có được tuyển hay không thì sẽ do từng đại học xét cụ thể, dựa trên học bạ và kết quả thi ST của đương sự.

Vậy giải pháp hợp lý nên như thế nào? Theo tôi, tốt nhất nên thay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ hiện nay bằng một kỳ thi sơ tuyển (ST)  nhẹ nhàng kiểu như SAT ở Mỹ, chỉ nhằm kiểm tra xem trình độ văn hóa phổ quát của thí sinh có đạt mức tối thiểu cần thiết để theo học ở đại học hay không. Vì chỉ có mục đích sơ tuyển nên chỉ thi về khả năng đọc, viết, tư duy logích, ngoại ngữ (cho nên có thể thi trắc nghiệm một phần), và có thể thi ở nhiều nơi phân tán khắp nước, bất cứ ai cũng có thể xin dự thi, chứ không chỉ học sinh lớp 12 THPT; thậm chí có thể tổ chức 2, 3 lần thi, cách nhau mấy tuần, vào mấy tháng hè. Ai qua được kỳ thi ST thì mới có thể nộp đơn xin dự tuyển vào một hay một số đại học hay cao đẳng, còn việc có được tuyển hay không thì sẽ do từng đại học xét cụ thể, dựa trên học bạ và kết quả thi ST của đương sự. Mỗi đại học thông báo rõ những điều kiện dự tuyển vào trường đó. Có đại học chỉ đòi hỏi kết quả thi ST, nhưng phần lớn các đại học có chất lượng đều đòi hỏi thêm học bạ THPT của thí sinh phải ghi rõ kết quả học tập chương trình nâng cao về một số môn phù hợp với hướng đào tạo của chuyên ngành mà thí sinh muốn xin vào học. Gặp trường hợp chưa rõ thì thí sinh có thể được gọi đến phỏng vấn, hoặc phải qua một cuộc sát hạch tùy trường quy định.
Cách tuyển sinh như thế linh hoạt (ai cũng dự thi ST được, chứ không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT) , nhẹ nhàng (thi ST không đòi hỏi phải học thuộc lòng hay phải luyện thi vất vả như lâu nay),  ít tốn kém, thuận tiện cho số đông (không phải tập trung ở các thành phố lớn) và phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng trường ĐH hay CĐ (từng trường được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm tuyển sinh), cho nên có hiệu quả hơn. Có thể có lo ngại là khó kiểm soát tiêu cực, nhưng kinh nghiệm cho thấy chính phương thức tuyển sinh nặng nề, phức tạp, tập trung như hiên nay mới tiềm ẩn nhiều tiêu cực khó kiểm soát. Trong  chuyện này cũng như nhiều chuyện khác về quản lý kinh tế, thủ tục càng rườm rà, phức tạp, càng dễ bị lợi dụng.
***
Việc học và thi của con em chúng ta ở THPT như hiện nay quá nặng nề, vất vả so với các nước khác, tạo ra cho họ một thế bất lợi lớn khi ganh đua với bạn bè cùng trang lứa ở các nước khác. Do đó đổi mới tổ chức học và thi cũng là một nhiệm vụ cần kíp để tạo thuận lợi cho việc hội nhập, hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
——————
(1)  Xem Tia Sáng 12, 20/6/2008, hoặc http://www.tuanvietnam.net//vn/tulieusuyngam/3949/index.aspx.
(2) Xem chẳng hạn Tia Sáng 14,  20/7/2007 và Tia Sáng 2+3,25/1/200
(3) Một giáo sư Mỹ có kể lại trong một lần thi trắc nghiệm về một môn ông hoàn toàn không học, chỉ nhờ có kinh nghiệm thi trắc nghiệm nên ông đã đạt kết quả tốt hơn hẳn nhiều bạn bè đã học rất kỹ môn đó ! (N. Koblitz,  Random curves, Springer 2008, trang 51)

Mục đích thi là tổng kiểm tra kiến thức về toàn bộ các môn trong suốt cấp học, cho nên đòi hỏi thí sinh phải nhớ, phải thuộc mọi thứ đã học và đã từng được kiểm tra và thi rồi, kể cả nhiều điều không thật sự cơ bản mà như vừa nói, ai cũng có thể và nên quên bớt sau khi ra trường. Lợi ích của một kỳ thi tốt nghiệp rất ít, nếu lại thi tập trung, quy mô, như thi THPT của ta thì càng tốn kém, căng thẳng mà về lâu dài có thể dẫn đến học vẹt, học chỉ để đi thi. Mấy năm trước, thi tốt nghiệp THPT loại ra 5-7% thí sinh, hai năm gần đây loại nhiều hơn do thi nghiêm túc, nhưng cũng chỉ khoảng 20%. Đối với xã hội việc loại ra 20% này chẳng có tác dụng gì thiết thực mà đối với cá nhân là một sự tổn thương tinh thần lớn bất kể vì lý do gì, cho nên gần đây Bộ GD&ĐT có chủ trương số 20% này cũng được cấp chứng chỉ học hết THPT. Hóa ra, tốn nhiều tiền, huy động nhiều phương tiện, cuối cùng chỉ để phân biệt cái bằng tốt nghiệp với cái chứng chỉ, thật quá lãng phí.
Trong mọi trường hợp cần dứt khoát đoạn tuyệt với lối thi tốt nghiệp cổ lỗ, nặng nề và tốn kém không cần thiết. Hãy tập trung lo cho việc học cẩn thận, nghiêm túc từng khoá trình, từng năm học, đó mới là bảo đảm kết quả việc học một cách thiết thực và thực chất.

Hoàng Tụy

Tác giả