Cần phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế

Để những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư thực sự là những giảng viên có thành tích, uy tín cao và giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, đào tạo từ đại học trở lên, theo tôi, một số điểm trong Dự thảo Quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cần được thay đổi theo tinh thần phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cần có uy tín chuyên môn và khoa học cao.

Để tiện theo dõi, trong bài viết, các mục cần thay đổi sẽ được ghi lại toàn văn, sau đó là phần bình luận tại sao phải sửa. Và cuối cùng là phần kiến nghị sửa đổi.

Điều 7. Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư

Mục 2c: Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong ba năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của ba năm cuối.

Tiêu chuẩn này vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế là tuyển chức danh không phụ thuộc thời gian giảng dạy trước đó mà chủ yếu theo thành tích nghiên cứu (trên bình diện quốc tế có rất nhiều người được tuyển làm giáo sư mà trước đó không tham gia giảng dạy), vừa không tuyển được các cán bộ trẻ có thành tích nghiên cứu xuất sắc, đặc biệt là không thu hút được các tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về nước làm việc.

Kiến nghị sửa đổi: Giảng viên đã có trên ba năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong ba năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của ba năm cuối.

Điều 8. Tiêu chuẩn chức danh giáo sư

Mục 4: Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và  một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Tiêu chuẩn này quá thấp so với điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ ở phần lớn các nước khác là công bố hai bài báo trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus. Tiêu chuẩn này cũng mâu thuẫn với yêu cầu đào tạo ba nghiên cứu sinh. Nếu giáo sư chỉ là tác giả chính có hai bài báo ISI/Scopus thì không đủ khả năng đào tạo tiến sĩ, dù chỉ là một người.

Với tiêu chuẩn này, báo chí quốc tế và dư luận trong nước có thể nêu vấn đề chức danh giáo sư ở Việt Nam có tiêu chuẩn thấp, không có lợi cho uy tín của Bộ nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung.

Kiến nghị sửa đổi: Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: bốn bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất hai bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất hai bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố ít nhất ba bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học theo quy định tại Khoản này.

Mục 7: Hướng dẫn chính ít nhất ba nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ theo quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, đã có hiện tượng vừa có bằng tiến sĩ xong đã lo đào tạo tiến sĩ để chuẩn bị trước cho việc đăng ký chức danh giáo sư sau này. Từ đó đã tạo ra nhiều tiến sĩ “rởm”.
Quốc tế không dùng tiêu chuẩn này để phong giáo sư. Có bạn bè quốc tế coi tiêu chuẩn này của Việt Nam là ấu trĩ.

Vì vậy cần bỏ hẳn điều khoản này. Nếu cần khuyến khích đào tạo thì chỉ cần đào tạo được một nghiên cứu sinh là đủ.

Điều 9. Tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư

Mục 4: Đến năm 2019, ứng viên là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc một bằng độc quyền sáng chế.

Tiêu chuẩn này quá thấp so với điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ ở phần lớn các nước khác là công bố hai bài báo trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Kiến nghị sửa đổi: Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học theo quy định tại Khoản này.

Mục 6: Chủ trì thực hiện ít nhất một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ hoặc tương đương hoặc hai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Tiêu chuẩn này sẽ gây khó khăn đối với những người trẻ có thành tích xuất sắc vì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không nhiều và cần có thời gian để thực hiện. Đặc biệt là tiêu chuẩn này sẽ không thu hút được các tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về nước làm việc.

Quốc tế không dùng tiêu chuẩn này để phong giáo sư.

Kiến nghị sửa đổi: Bỏ hẳn điều khoản này.

Mục 7: Hướng dẫn ít nhất ba học viên đã được cấp bằng thạc sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính ít nhất một nghiên cứu sinh hoặc hướng dẫn phụ hai nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Tiêu chuẩn này sẽ tạo ra áp lực đào tạo cho ứng viên, dẫn đến tình trạng thạc sĩ kém chất lượng.

Kiến nghị sửa đổi:Hướng dẫn ít nhất hai học viên đã được cấp bằng thạc sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính ít nhất một nghiên cứu sinh hoặc hướng dẫn phụ hai nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Điều 11. Điểm quy đổi bài báo khoa học, báo cáo khoa học và kết quả ứng dụng khoa học công nghệ

Mục 1: Một bài báo khoa học có phản biện và được công bố trên tạp chí trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN được tính tối đa 1,0 điểm; nếu công bố trên tạp chí nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISSN được tính tối đa 1,5 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus được tính tối đa 2,0 điểm. Hội đồng Giáo sư nhà nước lựa chọn, phân loại các tạp chí khoa học được tính điểm, công bố trên trang thông tin điện tử của Hội đồng và Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo tôi, cần phân biệt tạp chí trong nước ra làm hai loại: trong và ngoài danh mục của Hội đồng chức danh nhà nước, đồng thời hạn chế việc đăng trên các tạp chí trong nước không có uy tín nhằm nâng cao chất lượng một số tạp chí được chọn lọc. Số lượng các tạp chí thuộc danh mục này cần có hạn chế. Với tạp chí nước ngoài không thuộc danh mục ISI/ Scopus nên xếp cùng loại với tạp chí trong nước thuộc danh mục của Hội đồng chức danh nhà nước.

Số tạp chí thuộc danh mục Scopus nhiều gấp ba lần so với danh mục ISI nên chất lượng tạp chí trong danh mục Scopus nhìn chung kém hơn tạp chí trong danh mục ISI.

Kiến nghị sửa đổi:Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong nước có mã số ISSN nhưng không thuộc danh mục của Hội đồng chức danh nhà nước được tính tối đa 0,5 điểm; các bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong nước thuộc danh mục của Hội đồng chức danh nhà nước hay trên các tạp chí quốc tế có mã số ISSN được tính tối đa 1,0 điểm; các bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus, nhưng không thuộc danh mục ISI được tính tối đa 1,5 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI được tính tối đa 2,0 điểm.

Hội đồng Giáo sư nhà nước lựa chọn, phân loại các tạp chí khoa học được tính điểm, công bố trên trang thông tin điện tử của Hội đồng và Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi hội đồng ngành chỉ được có nhiều nhất ba tạp chí thuộc danh mục này.

Điều 12. Điểm quy đổi sách phục vụ đào tạo

Mục 1: Sách phục vụ đào tạo được tính điểm công trình khoa học quy đổi phải được Hội đồng khoa học do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập và nghiệm thu. Sách phục vụ đào tạo được xuất bản từ năm 2017 trở đi phải có mã số chuẩn quốc tế ISBN và nộp lưu chiểu trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Điểm quy đổi tính như sau:
a) Tính tối đa 2,0 điểm cho  một giáo trình.
b) Tính tối đa 3,0 điểm cho  một cuốn sách chuyên khảo.
c) Tính tối đa 1,5 điểm cho  một cuốn sách tham khảo.
d) Tính tối đa 1,0 điểm cho một cuốn sách hướng dẫn. Từ điển chuyên ngành được tính điểm như sách hướng dẫn.

Không nên tính điểm nhiều cho viết sách vì việc in sách và thẩm định sách ở Việt Nam còn dễ hơn rất nhiều so với việc có được một công bố quốc tế, gây ra tình trạng ứng viên in ra hàng loạt sách và giáo trình chất lượng rất kém, có hại cho công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức; đồng thời việc tính điểm viết sách nên cân đối với tính điểm công bố quốc tế.

Kiến nghị sửa đổi: Sách phục vụ đào tạo được tính điểm công trình khoa học quy đổi phải được Hội đồng khoa học do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập và nghiệm thu. Sách phục vụ đào tạo được xuất bản từ năm 2017 trở đi phải có mã số chuẩn quốc tế ISBN và nộp lưu chiểu trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Điểm quy đổi tính như sau:
a) Tính tối đa 2,0  điểm cho một cuốn sách chuyên khảo.
b) Tính tối đa 1,5  điểm cho một giáo trình.
c) Tính tối đa 1,0 điểm cho một cuốn sách tham khảo. Từ điển chuyên ngành được tính điểm như sách tham khảo.
d) Tính tối đa 0,5 điểm cho một cuốn sách hướng dẫn.

Điều 26. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành

Mục 3: Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm.

Hội đồng ngành và liên ngành là yếu tố quyết định đối với việc bầu chọn ứng viên chức danh nên phải là những người có uy tín cao trong cộng đồng các nhà khoa học cùng ngành/liên ngành. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể chọn được những người có trình độ và công tâm tham gia hội đồng. Vì vậy cần bổ sung việc lấy phiếu tín nhiệm của cộng đồng để làm căn cứ đề xuất cho Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành ở nhiệm kỳ trước và Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Kiến nghị sửa đổi: Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm, được hơn 50% các giáo sư và phó giáo sư cùng ngành/ liên ngành bỏ phiếu tín nhiệm.
————–
* Trích bài viết của GS Ngô Việt Trung – nguyên Viện trưởng Viện Toán học; đầu đề do Tia Sáng đặt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)