Chấn hưng giáo dục & đào tạo – Rối cờ !?

“Thế là xong! Việc chống tiêu cực trong thi cử chỉ được thể hiện ở quyết tâm trên giấy! Các giáo viên mạnh dạn hô hào, hưởng ứng trong việc chống tiêu cực thẫn thờ nhìn nhau... Chỉ thế thôi ư?!” (giáo viên Trường sinh, Tuổi Trẻ 22/12/06). Trên báo này ta còn thấy nhiều các bài kêu khổ khác "Một đề thi khuyết tật", "Tội nghiệp con tôi"... bài về việc phòng 303 đọc cho thí sinh (đang là giảng viên các đại học và cao đẳng) chép lời giải trong kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính tại đại học SP TPHCM!


Hài hước là sau đó hơn một tuần cũng tại trường này diễn ra hội thảo “Giải pháp chống tiêu cực trong thi cử, làm luận văn“, mà Nguyễn Phan tường thuật lại các việc:“Chợ luận văn, đề án” hình thành ngay cạnh các trường, việc “phong bì cho thầy trước khi thi ”… việc “Thuê làm luận văn, luận án chủ yếu ở cán bộ lãnh đạo!”, cùng với vô vàn lý do được lý giải rất cặn kẽ kèm các con số điều tra (Tuổi Trẻ 20/12 tg3). Ngày 15/11/06 Bộ GD&ĐT ra quyết định từ nay tới 2010 không thành lập “các trường ĐH và CĐ sư phạm địa phương” thì cũng trên Tuổi Trẻ (22/12,tg 10) Thanh Hà giới thiệu “quy hoạch đang được bộ GD&ĐT xây dựng”  với các thông tin rợn người: tới 2020 sẽ có 600 trường ĐH-CĐ, tăng thêm 288 trường (tức gần gấp đôi hiện nay)! Hiện đã có 20 đề án thành lập trường “được TT Chính phủ đồng ý về nguyên tắc” và 10 đề án khác sắp trình TT Chính phủ “xem xét“. Ông Bành Tiến Long nói: “…tập trung đầu tư các trường mới ở vùng sâu,vùng xa,vùng khó khăn… Ở Hà Nội và TPHCM việc lập mới chỉ xem xét với các trường đào tạo  các ngành thuộc văn hóa nghệ thuật(!?), hoặc các ngành nghề mới, mũi nhọn, trình độ cao...”. Như vậy đại học sẽ “nở… khắp nơi” (Thanh Hà) như kiểu lò thép bỏ túi ở Trung Quốc nửa thế kỷ trước chăng?(NBQ). Cũng theo bài báo này, tại hội thảo về quy hoạch mạng lưới ĐH-CĐ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lại nói: “Mạng lưới… phải dựa trên nền chất lượng. Thêm một trường ĐH ra đời phải làm tăng chất lượng chứ không được kéo tụt chất lượng của cả hệ thống… không nên đầu tư rải rác… các trường ĐH hướng nghiên cứu sẽ được phát triển tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…” . Ta biết nghe ông nào đây? Hay là đang vừa đấu tranh nội bộ vừa trưng cầu ý dân? Và dù theo ông nào thì tiền đâu, người đâu mà làm khi chính Bộ GD&ĐT đang kêu thiếu tiền, cơ sở vật chất và giáo viên trầm trọng cho các trường hiện có!


 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mấy tháng qua có vẻ như đã là một “người của công chúng” với tần số xuất hiện cùng các phát biểu rất “hấp dẫn“. Ông nói chất lượng bằng cấp trên đại học yếu kém, sẽ chuyển sang đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng lại nói sẽ có thêm 2 vạn TS nữa mà không (cho) biết quy hoạch thế nào, ngành nghề gì, ở đâu. Ông nói về tệ đổi điểm lấy tiền nhưng lại bảo có tặng thầy ít tiền cũng chẳng sao, miễn là thành tâm! (Họ đưa tiền cũng là thành tâm cần điểm đấy chứ, tại sao lại tách kiểu “tôn sư trọng đạo” này ra khỏi danh mục tiêu cực?). Ông nói quá rõ về chất lượng đào tạo tại chức nhưng lại nói phải có “lộ trình” vì nó đụng đến nồi cơm của các trường. Tại sao bắt cán bộ đang tại chức phải đi học tại chức? Không học họ cũng đang tại chức đó thôi? Chẳng nhẽ vì bữa ăn của giảng viên (trong đó có cả những người đang gian lận thi cử để lên chính ngạch…) mà phải bày ra kiểu đào tạo này để làm hại dân hai lần, đã tốn tiền thuế lại phải dùng các công chức dốt? Nói chống bệnh thành tích nhưng ông liên tục đưa ra những con số, những ý tưởng “phiêu lưu“: tăng vùn vụt số SV, số trường, số TS, GS/số dân, khi nào giáo viên sẽ sống được bằng lương, khi nào chất lượng sẽ ngang bằng quốc tế… như những thành tích của tương lai!
Theo dõi ta thấy “Bộ ta” có một số việc làm “phiêu lưu” (Chữ của Lương Xuân Hà trong bài viết xác đáng trên Tia Sáng số 05/12/2006). Điều đó nhanh chóng gây hoang mang  thất vọng và mất lòng tin của người dân  đối với việc đổi mới GD-ĐT do các vị lãnh đạo Bộ đề xướng. Những sự làm không như nói, ngược với nói, lảng tránh, “phiêu lưu” ấy làm người ta lo ngại việc đổi mới chỉ là “trên giấy” và thực tế vẫn là “tội nghiệp con cái chúng tôi“. Người ta sẽ nghi hoặc: đây là quyết tâm thật, muốn làm thật, có năng lực thật hay chỉ là các thủ thuật chính trị để lấy lòng dân tức thời. Tôi không ảo tưởng thực tế sẽ thay đổi ngay được trong vài tháng song tôi có quyền ngờ và lo. Con tôi sang năm vào lớp 1 đang lo chạy trường ở ngay phường bên cạnh, cò ra giá 3-5 triệu đồng và liệu cháu có  thuộc thế hệ “thử nghiệm” thứ tư nữa không đây?
Công đầu tiên to lớn của Bộ và cá nhân ông Bộ trưởng là đã lôi kéo được toàn dư luận quan tâm đến GD-ĐT và phơi bày bức tranh chẳng mấy sáng sủa của nền GD-ĐT hiện nay, nhắm đúng vào việc cốt tử của đất nước là nguồn nhân lực như là phương tiện và mục đích của phát triển kinh tế xã hội mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất hay, ngắn gọn, cụ thể và chính xác trong “tuyên ngôn” về “…hành động của chúng ta” ngay sau khi VN gia nhập WTO (đã đăng toàn văn trên nhiều báo). Song Thủ tướng nói chống bão thì có chống bão thật, nói chống tham nhũng thì có xử lý tham nhũng thật, nói cải cách hành chính thì có cải cách thật (các công chức ở quận Gò Vấp của tôi đã thi tuyển và học cười với dân!). Nói thu hút đầu tư, làm bạn với mọi người thì có làn sóng đầu tư mới thật và quan hệ với nhiều nước đều “khởi sắc“… Sự “Nói và làm” ấy của ban lãnh đạo mới làm tôi tin tưởng. Chúng tôi còn lạc quan cho rằng đây là “bình minh thứ hai của đổi mới- thời kỳ hội nhập”.
Tại sao với GD-ĐT lại có chữ “ngờ” to như vậy? Vì nói và làm quá khác nhau, các lời nói cũng “chọi”  nhau luôn. Bí cờ! Vì không định nghĩa đúng bản chất vấn đề, không tìm trúng vấn đề, không tìm ra khâu đột phá, không có thứ tự trước sau của các việc phải làm và có vẻ như chưa tìm được sự đồng thuận của các bộ não sáng suốt nhất và những con tim “thành tâm” nhất với GD-ĐT. Thí dụ như: lấy tiền nhờ chức trách mà không lao động là tham nhũng. Đánh tráo, hạ thấp chất lượng đào tạo để lo “nồi cơm” là tham nhũng. Gian lận trong thi cử là tham nhũng, mua luận văn, chấm đỗ luận văn trùng lặp là buôn lậu (trọng tài, cầu thủ, quan chức bán độ bóng đá phải hầu tòa, bị cấm vĩnh viễn hay bao nhiêu năm đó không được làm bóng đá nữa, buôn lậu thì phải nộp phạt, hàng lậu thì bị tiêu hủy), học giả cấp bằng thật là tham nhũng, thuê làm luận văn là phạm pháp… chứ sao lại gọi chung chung là tiêu cực. Những việc đó phải được xử lý bởi những người có trách nhiệm có quyền hạn (là Bộ ta chẳng hạn) chứ phụ huynh và học sinh như bố con tôi đây nói bao nhiêu lần không cũng đâu có được! Việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, “bắt” họ phải có bằng ĐH, Th.s, TS… là hình thức chủ nghĩa, là không thực tế, không hiệu quả thì Bộ ta phải đề nghị thay đổi đi chứ sao lại cam chịu làm hàng giả để giữ nồi cơm (với kẻ sĩ  “thực vô cầu bão” nghe nó thê thảm biết bao!). Chất lượng đào tạo trên đại học kém và mất cân đối thì phải làm rõ ở ngành nào, trường nào, lúc nào, tại ai có chủ trương. Thí dụ như kiên quyết cấm đào tạo “cây nhà lá vườn“, “cơm chấm cơm” nếu không đạt chất lượng, loại bỏ số “thầy không ra thầy“, thà “thiếu còn hơn yếu” (như GS Trần Đông A từng nhận xét về trình độ bác sĩ) và bước đầu thì dựa vào “thị trường hóa“, “liên kết với các đại học quốc tế“! Nếu tỷ lệ sau đại học các ngành khoa học XHNV, văn hóa nghệ thuật quá cao, mất cân đối trầm trọng (trên 40%) và chất lượng quá kém sao không đình chỉ việc này một thời gian? Sao không nêu kế hoạch sàng lọc lại giáo viên và nội dung chương trình, giáo trình? Bao nhiêu người dân nói dạy thêm và thất nghiệp có một nguyên nhân căn bản là chương trình quá tải, bao nhiêu chứng cứ cho thấy chương trình ở tất cả các cấp không đáp ứng nhu cầu thực tiễn sao không “nói không với tiêu cực trong chương trình- từ phổ thông qua đại học” mà chỉ nói không với cái ngọn là thi cử. Giả sử hết tiêu cực trong thi cử mà chất lượng thầy và chương trình, cơ sở vật chất vẫn như hiện nay thì vẫn quá tải và thất nghiệp cơ mà. Có khi lại còn “vô bổ” hơn vì học giả cho sản phẩm “dỏm” vẫn đỡ “đau” hơn là phải học thật cho sản phẩm giả! Tại sao thấy bao nhiêu tiêu cực về phía người dạy mà lại còn chống chế vì “kinh tế” vì “điều kiện”, vì “hoàn cảnh” rồi xuê xoa chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” trong khi nhẽ ra phải báo động đỏ về giáo đức, dấy lên phong trào và có luật pháp để chấn hưng giáo đức làm cho người thầy “biết xấu hổ” trở lại như một thầy giáo đáng kính kêu gọi! Điều này nhiều nhà giáo đã nói, cũng như nhiều bác sĩ đã coi chấn hưng y đức là việc cấp bách nhất của ngành y hiện nay. Trong trả lời online ông Bộ trưởng cảm động vì một cháu bé 15 tuổi kêu học sinh nước ngoài biết nhiều về văn hóa nghệ thuật, xã hội và tự tin hơn học sinh VN. Ông hứa sẽ tăng cường giáo viên dậy nhạc họa. Ai cũng biết dạy vẽ, nhạc như hiện nay làm khổ học sinh như thế nào, vô bổ như thế nào, việc thiếu môn giáo dục nghệ thuật tai hại như thế nào… nếu còn “làm tới nữa” thì chúng ta càng đi xa mục tiêu mà em hoc sinh kia mong ước! Vấn đề là ta thiếu hoàn toàn mỹ dục trong hệ thống chương trình đào tạo của mình. Phong trào”dạy văn dưới cờ” cũng như “dạy sử trên đường phố” không thể là biện pháp chiến lược!… vân vân và vân vân…
Chúng tôi không dám cao ngạo nói rằng các ý kiến của chúng tôi là đúng, cũng không hiến được kế gì hay. Chúng tôi nghĩ rằng Bộ là một thiết chế hành pháp làm chuyên môn chứ không làm phong trào.Và chúng tôi cũng biết việc này khó như “dịch chuyển núi Phú sĩ”. Chúng tôi chỉ trần tình những băn khoăn, ngờ vực của mình trước tình trạng mà chúng tôi cho là “rối cờ” hiện nay của việc chấn hưng GD-ĐT, điều mà chúng tôi thiết tha mong ước với cả đau khổ và phẫn nộ suốt 30 năm nay.
Cầu cho Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ ta chân cứng đá mềm, sáng suốt và thiết thực chấn hưng GD-ĐT nước nhà trong  những năm tháng tới. Để người dân không còn phải than “Tội nghiệp con tôi!” và “Chỉ thế thôi ư !?” 


Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)