“Chỉ dẫn” khó hiểu

Theo dõi một số phát biểu của các quan chức y tế, và nhất là văn bản chỉ dẫn cách chống bệnh tiêu chảy cấp của bộ Y tế, khiến chúng ta không chỉ vì họ nói khó hiểu, mà còn nghi ngờ rằng họ không nắm vững thông tin.


Chẳng hạn như phát biểu trên Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, cho biết: “Chúng ta không thể ngờ một loại dịch bệnh chỉ thường xuyên xảy ra ở những nơi lạc hậu thì lại xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội”. Bệnh tiêu chảy cấp, trong đó  một số người bệnh có vi khuẩn tả, xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ 19, và hiện nay mỗi năm ở nước ta người mắc bệnh tiêu chảy cấp trồi sụt nhưng trung bình khoảng 1750 người, trong số này có khoảng 20% từ phía Bắc và Hà Nội. Các con số này rành rành trong các bài báo khoa học ở Việt Nam do người Việt phân tích và công bố. Ấy thế mà ông “không thể ngờ”.
Kế đến là vấn đề trách nhiệm. Phát biểu trên Người lao động, thứ trưởng Bộ Y tế “đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân có ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh”. Tôi phải hỏi tại sao phải đùn đẩy trách nhiệm về các cơ quan truyền thông? Họ là những người đưa tin, chứ đâu phải chuyên gia về y tế. Tại sao Bộ Y tế không chủ động sản xuất ra các bộ phim ngắn hay chương trình tivi để chỉ dẫn cụ thể cách thức phòng chống dịch tiêu chảy cấp cho người dân? Tại sao không thương lượng với các đài truyền hình dành 5 phút mỗi ngày để giải thích, khuyến cáo và hướng dẫn về các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh cho người dân? Tại sao mình không chủ động làm mà “đề nghị” người khác làm? Trách nhiệm giáo dục y tế cho quần chúng thuộc về ai?
Bộ Y tế có ý kiến gì không? Họ có nhiều ý kiến lắm, nhưng ít ai hiểu họ nói gì. Trong thời gian dịch bệnh tiêu chảy cấp đang bộc phát và công chúng rất quan tâm như hiện nay, chúng ta nghĩ rằng cơ quan y tế cao nhất của nước ta, Bộ Y tế, ắt hẳn phải cung cấp cho chúng ta các thông tin cần thiết và nhanh chóng để phòng ngừa bệnh. Nhưng thật là thất vọng khi truy cập vào trang web của Bộ (www.moh.gov.vn) chúng ta chỉ tìm những thông tin từ các nguồn khác từ… báo chí. Thật vậy, chúng ta sẽ thấy các bản tin từ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Người lao động, Dân trí… Ở đây có một sự “ngược đời”: Đáng lẽ Bộ Y tế phải là nơi sản sinh ra thông tin, là “newsmaker”, chứ sao lại để cho báo chí đóng vai trò đó? Báo chí và các cơ quan truyền thông có nhiệm vụ chuyển tải và cung cấp thông tin, chứ đâu phải là nơi phát sinh thông tin.
Trên trang web của Bộ có một văn bản chỉ dẫn cách chống dịch bệnh tiêu chảy cấp dài vỏn vẹn 1,1 trang! Thật ra, dài hay ngắn có lẽ cũng không quan trọng; quan trọng hơn là nội dung của văn bản. Nội dung văn bản quá nghèo nàn. Chỉ dẫn quá chung chung. Chẳng hạn như “Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch”. Thế nào là “hạn chế”? Đi thăm bà con ở làng bên cũng không được à? Thế nào là “vùng có dịch”? Phải bao nhiêu người mắc bệnh mới gọi là “vùng có dịch”? Ai là người hay cơ quan đứng ra tuyên bố đó là “vùng có dịch”? Có quá nhiều câu hỏi “thế nào”!
Còn lời khuyến cáo “Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ” thì không có gì phải bàn hay phản đối. Nhưng chả lẽ lời khuyên chỉ dừng ở đó? Bảo vệ thế nào cho sạch sẽ thì không thấy Bộ khuyến cáo. Có quá nhiều câu hỏi “làm thế nào”.
Văn bản khuyên “Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.” Người ta phải hỏi tại sao tránh? Tụ tập trong các đám tiệc, ma chay là nguyên nhân gây bệnh hay sao mà tránh? Tương tự, người dân khi đọc câu “Không ăn rau sống, không uống nước lã” và “Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua” phải hỏi ngay “tại sao?” Có quá nhiều câu hỏi “tại sao”.
Tiếng Việt sử dụng trong văn bản đó chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: khó hiểu. Tôi chú ý đến câu “Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi”. Ăn chín uống sôi. “Ăn chín” là ăn kiểu gì? Uống sôi là uống cái gì? Uống nước sôi thì có mà mang họa vào thân. Tiếng Việt gì mà lạ lùng thế? Tại sao không viết “Ăn thức ăn nấu chín, và uống nước đã đun sôi”.
Thật ra, toàn bộ văn bản là một loạt khẩu hiệu, hô hào, mang tính ra lệnh. Tuy tựa đề văn bản là “khuyến cáo” nhưng lại sử dụng chữ “Cấm”. Hai lần cấm: cấm đổ chất thải, cấm đi tiêu bậy. Không có giải thích lí do. Không có bàn luận lợi hay hại.


Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)