Chính đạo

Trong mọi tôn giáo đều tồn tại một con đường tâm linh chính đạo. Nó thông thường trải qua ba bước gắn với ba cấp độ an định trong tinh thần con người. Bước đầu tiên tạo ra điểm tựa tinh thần từ các biểu tượng và nghi lễ tâm linh, gieo vào lòng người ấn tượng về các nguồn sức mạnh siêu nhiên, với suy nghĩ rằng chúng có khả năng giải quyết mọi nỗi bất an nảy sinh trong nội tâm và thực tiễn đời sống.

Bước thứ hai trên cơ sở kế thừa từ bước thứ nhất, chuyển hóa sự an định lên một cấp độ cao hơn, không chỉ còn xoay quanh việc giải quyết những bất an của bản thân, mà bắt đầu có sự phát triển phong phú hơn với những cảm nhận về mối liên hệ, sự thông cảm giữa bản thân với đồng loại, mà đỉnh cao nhất là tình thương yêu. Đó là quan hệ tương hỗ, bởi khi càng an định chúng ta càng dễ yêu mến đồng loại, và khi càng yêu mến đồng loại chúng ta lại càng dễ đạt được sự an định. Trong quá trình đó, mỗi khi có trở ngại, vướng mắc nảy sinh dẫn tới sự bất an thì các biểu tượng và nghi thức tâm linh lại tiếp tục phát huy vai trò là điểm tựa tinh thần.

Bước thứ ba có thể coi là một cuộc cách mạng cho mỗi cá nhân, khi sự an định ở bước thứ hai hoàn toàn lột xác lên một tầm mức mới. Nó không còn phải vay mượn sự hỗ trợ từ những điều huyền bí, siêu nhiên, hay những nghi lễ cúng bái nặng nề. Ta nhận thấy rằng sự an định vốn dĩ tự khởi phát trong nội tâm, luôn tiềm ẩn sẵn có bên trong mình, một tồn tại vô điều kiện. Nghĩa là bất kỳ ai cũng tiềm ẩn khả năng tự tìm thấy sự vững vàng một cách vô điều kiện, và tinh thần bác ái vô điều kiện.

Ba bước trên đây chính là một quá trình khai mở, giúp con người tự nhận ra những giá trị nhân văn tinh túy bên trong mình – trong Phật giáo gọi đó là Phật tính. Mọi con đường tôn giáo nếu giúp dẫn dắt cho con người trải nghiệm qua ba bước ấy thì đều có thể coi là chính đạo. Và càng hướng tới bước thứ ba thì thần quyền càng giảm xuống, con người càng tự do và tiến bộ hơn, không còn sự phân biệt, bài xích giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, hoặc giữa người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo – một tinh thần đại đồng mà những hiền nhân như Mahatma Ganhdi vẫn hướng tới.

Tuy nhiên, điều mà các tổ chức tôn giáo phi chính đạo vẫn thường làm là giam chân con người tại bước thứ nhất, khiến họ lệ thuộc, mê chấp vào thần quyền, và như vậy quyền lợi thu được của các tổ chức tôn giáo này lại càng lớn.

Đó chính là thực trạng tồn tại phổ biến hiện nay ở Việt Nam, một sự trở lại của chủ nghĩa thần quyền, khi nơi nơi đều đang nườm nượp lễ bái, quyên góp xây chùa, dựng tượng, cố gắng càng làm to lớn, rầm rộ thì càng tốt. Để thay đổi thực trạng ấy, sẽ là vô ích nếu chỉ trích tôn giáo như bóng tối của sự mê tín, theo như lý luận của thứ chủ nghĩa duy vật cứng nhắc của nửa thế kỷ trước – lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa ấy đã không chỉ thất bại từ lâu mà còn để lại những di chứng tai hại khôn lường.

Con người luôn cần những điểm tựa tinh thần, và tôn giáo chính là lựa chọn hấp dẫn khó cưỡng lại đối với số đông. Điều cần thiết là sự tồn tại và phổ biến trong xã hội những luồng tư tưởng tiến bộ, có thể xuất phát từ ngay trong lòng các tôn giáo. Chúng ta cần những tiếng nói cảnh tỉnh giống như của đức Đạt Ma1 xưa kia, nhắc nhở mọi người rằng, tất cả công sức, tiền của mà họ bỏ ra đều “thiệt không có công đức”. Chúng chỉ có thể mua lấy một sự an tâm tạm thời, với hình dung rằng một đấng linh thiêng ở đâu đó sẽ chứng giám lòng thành và phù hộ cho họ. Còn để có sự an tâm lâu dài, họ phải đi theo chính đạo, đó là đi tìm đấng linh thiêng ở ngay bên trong mình.

———

1 Lương Võ Đế hỏi đức Đạt Ma: “Trẫm trọn đời xây chùa, cúng dường tăng, đãi chay làm phước, như vậy có công đức gì không?”  Đức Đạt Ma nói: “Thiệt không có công đức.”

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)