Chính phủ mạnh cần bao nhiêu Bộ?
Từ vài năm trở lại đây, công chúng nước ta có những cuộc thảo luận khá lạ tai, ví dụ: Chính phủ có nên thành lập các bộ mới như Bộ phụ trách Vịnh Hạ Long, Bộ Kinh tế biển, Bộ Du lịch và bảo tồn văn hóa, liệu 26 bộ là nhiều hay vừa đủ với một đất nước 84 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khoảng 600 USD một năm?
Để cuộc tranh luận không bị chi phối bởi những cảm tính, rồi đây Quốc hội khoá XII mới được bầu chắc sẽ phải đi tìm những lý lẽ và cở sở kinh tế-xã hội để thông qua một đạo luật mới về tổ chức Chính phủ. Hai mươi năm sau đổi mới, quả thực những nhận biết về kinh tế thị trường, chứng khoán và tổ chức công ty của người Việt Nam đã tiến những bước rất dài. Ngược lại, cuộc cải cách hành chính ở địa phương cho tới Trung ương vẫn rất khó khăn.
Đối với người dân, chính quyền bắt đầu từ cấp xã. Chính quyền Trung ương chỉ mạnh nếu được xây lên từ kinh nghiệm địa phương. Việc ở xã thường là đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, lo giữ gìn an ninh trật tự, chống cờ bạc và nghiện hút; các ban của chính quyền phường xã không nên dập theo một khuôn mẫu trong toàn quốc, tùy theo vùng miền mà có thể khác nhau. Cá thể hóa trách nhiệm trước dân chúng, sẽ là một cuộc cải cách nho nhỏ, nếu xã trưởng hay phường trưởng được người dân địa phương tiến cử, ứng cử và bầu trực tiếp. Thực thi việc làng, từ điện-đường-trường-trạm tới giữ vệ sinh chung, xã trưởng nếu có uy tín thì được bầu lại, nếu không phù hợp với công việc thì dân chúng qua lá phiếu có cơ hội mà chọn ra người khác.
Từ xã phường lên tới quận huyện, ngoài việc nên chỉnh đúng tên các Ủy ban nhân dân (UBND) thành Ủy ban hành chính, đã có khá nhiều tranh luận liệu có nên duy trì hội đồng nhân dân ở cấp huyện hay không. Thêm nữa, nếu tách hệ thống toà án, thuế vụ, công an, đăng ký bất động sản, đăng ký kinh doanh.. ra khỏi chính quyền cấp huyện để trở thành các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc, được tổ chức từ Trung ương xuống tới các vùng miền và khu vực, cơ cấu các phòng của uỷ ban hành chính cấp huyện cũng cần linh hoạt tuỳ theo từng vùng.
Trong một đất nước nghèo, liệu đều chành chạnh mỗi tỉnh có nên duy trì một chính quyền giống hệt nhau với đầy đủ cơ cấu toà án tỉnh, chi nhánh ngân hàng nhà nước, đài phát thanh, đài truyền hình, báo địa phương, chi cục thuế, tỉnh đội và công an tỉnh. Rải mành mành, cơ cấu ấy vừa tốn kém tiền dân, vừa không tạo nên sức mạnh khu vực. Từ mô hình đã có sẵn của Kiểm toán Nhà nước, các Cục quản lý đường bộ, đường sông với cơ cấu chi nhánh khu vực linh hoạt, cần lựa chọn một số cơ quan cung cấp dịch vụ quản lý công toàn quốc để tách dần chúng ra khỏi Chính phủ và chính quyền địa phương.
Nếu lại thêm một cuộc cải cách nho nhỏ ấy xảy ra, sẽ xuất hiện những cơ quan đăng ký tài sản hoặc đăng ký kinh doanh toàn quốc. Chúng sẽ tách khỏi các sở tài nguyên-môi trường hoặc sở kế hoạch-đầu tư các tỉnh để nhập vào một mạng đăng ký toàn quốc. Làm được điều ấy, một công ty Phương Đông ở Hà Nội sẽ đỡ bị nhầm lẫn với vô vàn công ty Phương Đông khác có thể đã được đăng ký trong 63 tỉnh thành còn lại trong toàn quốc. Thì cũng thế, những nhà đầu cơ bất động sản sẽ lộ dần trong hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất toàn quốc, việc đánh thuế vào điền sản mới có thể khả thi. Trong một tương lai không xa, cơ quan thuế, hải quan và uỷ ban chứng khoán cũng phải tách dần ra khỏi Bộ tài chính; chúng trở thành những thiết chế điều tiết độc lập.
Một Chính phủ mạnh trước hết là một Chính phụ gọn. Muốn thu gọn, phải tách khỏi Chính phủ những cơ quan không có chức năng làm chính sách, bắt đầu bằng những thiết chế cung cấp dịch vụ thuần tuý như đào tạo, phát thanh, truyền hình, tiếp tới là các dịch vụ công như đăng ký, quản lý công sản, bảo tồn, kiểm dịch. Khi các trường đại học dần được tự chủ về tài chính, được quyền tự xây dựng chương trình, quyết định tuyển sinh và cấp tới học vị tiến sĩ, được quyền phong chức danh giáo sư, thì công việc của Bộ đại học sẽ thu hẹp về hoạch định chính sách giáo dục và việc sáp nhập bộ này với các vấn đề giáo dục thanh thiếu niên là có thể hiểu được. Cũng như vậy, nếu việc đăng ký kinh doanh được tách thành dịch vụ độc lập, chức năng quy hoạch và xây dựng chiến lược của Bộ kế hoạch-đầu tư có thể thực hiện bởi Bộ tài chính, bởi người nào xây dựng kế hoạch tài chính thì cũng có thể điều tiết phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Việt Nam đang gắng liên kết các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và thiết lập Chính phủ mới thành một sự kiện liên tục, chứ không so lệch hàng năm như bây giờ. Trong một chính thể đại nghị, Đảng cầm quyền sẽ đại hội để tiến cử đại biểu vào Quốc hội, giới thiệu người để Quốc hội bầu vào chức vụ Thủ tướng và phê chuẩn toàn bộ nội các, song quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ đối với nội các của mình trước Quốc hội cần được tăng cường. Nếu Thủ tướng có toàn quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm các thứ trưởng và có một ảnh hưởng đáng kể hơn trong việc đề xuất nội các của mình, đó lại thêm một cuộc cải cách nho nhỏ trong thể chế chính quyền ở nước ta.
Xã hội lớn như có thể, chính quyền gọn nhẹ như cần thiết, để làm được điều ấy nền hành chính từ xã tới tỉnh và Chính phủ trung ương đang cần tới những cuộc cải cách nho nhỏ, trước hết để xác định đúng việc mà nền hành chính cần làm. Chỉ đúng việc, đặt đúng tên, dường như nền hành chính đang trên đường tìm lại chính danh của mình./.